TS Nguyễn Tiến Hưng ra mắt sách
‘Bức Tử VNCH-Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm’
Lâm Hoài Thạch/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu tổng trưởng Bộ Kế Hoạch và Phát Triển Quốc Gia VNCH kiêm phụ tá tái thiết cho cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, vừa cho ra mắt cuốn sách “Bức Tử VNCH: Kissinger và 8 Thủ Đoạn Nham Hiểm” tại địa chỉ 14361 Beach Blvd., Westminster, hôm Chủ Nhật, 5 Tháng Năm.
Sau khi cám ơn những người giúp ông thực hiện quyển sách này, ông Hưng nói: “Tưởng niệm 49 năm ngày 30 Tháng Tư, nhưng chắc quý vị cũng không biết rằng, không phải 49 năm mà là 50 năm ba tháng. Đáng lẽ VNCH đã sụp đổ vào Tháng Giêng, 1974, chớ không phải 30 Tháng Tư,1975. Vì ông Henry Kissinger đã thuyết phục Richard Nixon năm 1972: ‘Thưa tổng thống, có gì đâu, cứ bỏ rơi miền Nam, nếu chúng ta ký được Hiệp Định Paris vào Tháng Mười, 1972, thì đến Tháng Giêng, 1974, không ai cần quan tâm gì nữa.’”
Kế đến là phần phát biểu của Dân Biểu Trí Tạ (Địa Hạt 70).
Ông Trí nói: “Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt cách đây đã 49 năm, nhưng có lẽ nỗi uất ức và ngậm ngùi của dân miền Nam vẫn còn đó. Vào thời điểm đó, không ai có thể tưởng tượng được một quân đội hùng mạnh VNCH, với thể chế chính trị tự do dân chủ, lại có thể để xảy ra biến cố 30 Tháng Tư, 1975.”
“Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cố vấn sát cạnh cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong những ngày cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, đã chứng kiến phản ứng của nhân vật được xem là quyền lực nhất, và biết nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, Henry Kissinger!,” ông Trí nói tiếp.
Theo tác giả Nguyễn Tiến Hưng, như định mệnh an bài, ngày 30 Tháng Tư, 1975, khi VNCH hoàn toàn bị sụp đổ, chỉ còn một mình tác giả may mắn đang đứng giữa thủ đô Washington DC, và họp báo tại khách sạn May Flower, tiết lộ tài liệu mật tại Dinh Độc Lập để đưa ra ánh sáng thủ đoạn của ông Kissinger, dẫn tới việc Hoa Kỳ thất hứa với VNCH. Rồi khẩn nài: “Giờ đây Hoa Kỳ còn có thể đền bù, dù chỉ là tượng trưng, bằng cách dàn xếp và cứu vớt ít nhất là 1 triệu người miền Nam.”
“Quốc Hội Mỹ ngỡ ngàng, phản tỉnh rồi thay đổi lập trường, từ chống đối, chuyển hẳn qua tiếp nhận với Nghị Quyết ‘Chào Đón Người Tị Nạn’ và chuẩn chi $455 triệu để tài trợ,” sách cho biết thêm.
Theo diễn giả Trí Tạ, “ông Henry Kissinger không muốn Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ cho miền Nam, vì theo ông, miền Nam chỉ là con cờ trên bàn cờ tranh giành quyền lợi giữa các thế lực quốc tế như Liên Xô và Trung Quốc. Và ông Kissinger sẵn sàng phản bội lại sự hy sinh của 58,000 binh sĩ Hoa Kỳ và 250,000 quân dân cán chính VNCH.”
Diễn giả nói thêm: “Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã trưng những bằng chứng cho thấy ông Kissinger đã đi đêm với đại sứ Liên Xô 130 lần trong năm 1972 mà không ai biết. Và điều này dẫn đến chính quyền miền Nam đã không biết rõ ý định của Hoa Kỳ trong thời điểm thương lượng cho Hội Nghị Paris, trong khi Cộng Sản Bắc Việt thì nắm vững chính sách này để từ đó, thực hiện cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn năm 1975.”
Trong sách cũng có ghi: “Thượng Nghị Sĩ Henry Jackson (Dân Chủ-Washington), người bỏ phiếu cắt quân viện $300 triệu, bấy giờ phàn nàn: ‘Thật là lố bịch và nguy hiểm, khi Quốc Hội và nhân dân Mỹ phải nhờ vào một quan chức ngoại quốc (ông Hưng) thì mới biết được những văn kiện tối quan trọng này… Phía Hành Pháp đã lừa dối một chính phủ ngoại quốc cũng như Quốc Hội Mỹ về bản chất, và quy mô những điều do Hoa Kỳ cam kết với chính phủ ấy (VNCH).’”
Diễn giả thứ hai là nhà báo Trần Phong Vũ.
Ông nói: “Tôi muốn nói đến sự kiện rất đặc biệt mà có thể nhiều người đồng ý với tôi và có thể không có. Sau năm 1975, biến cố đó đã đưa đến việc miền Nam bị bức tử. Lẽ ra, người ta nghĩ rằng, những người trực tiếp lãnh đạo lúc bấy giờ, hay ít nhất nữa là những người có vai trò quan trọng, tôi muốn nói thí dụ như Đại Tướng Trần Thiện Khiêm hay chính Tổng Thống Thiệu chẳng hạn, các ông phải có quyển hồi ký, hay ít nữa có một cuốn sách để làm chuẩn sau này. Nhưng các ông không có.”
“Nhìn vào những quốc gia khác, hay nói cụ thể hơn tại Hoa Kỳ chẳng hạn, thì chúng ta thấy vấn đề này khác. Và chính chừng đấy, tôi đánh giá rất cao sự nỗ lực của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng, không phải chỉ có quyển sách này hôm nay mà còn nhiều sách khác. Trong sách này, gần như nó đúc kết tất cả những gì ông đã viết, và chúng ta đã được đọc, như ‘Khi Đồng Minh Tháo Chạy,’ ‘Tâm Tư Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu,’ và bây giờ là Việt Nam bị bức tử bởi những thủ đoạn lưu manh, gian trá của Kissinger,” diễn giả nói thêm.
Cuối cùng, diễn giả Trần Phong Vũ nói: “Miền Nam không phải trách nhiệm của ông Thiệu, không phải là trách nhiệm của bất cứ ai, mà là trách nhiệm của từng người chúng ta… Mất miền Nam là một định mệnh, và định mệnh đó đã đè lên vai từ người nông dân cho đến người lao động, từ binh sĩ cho đến các tướng, tá…, và cho đến từng nhà Việt Nam.”
Nhiều đồng hương đến dự, phần nhiều là những độc giả đến ủng hộ tác phẩm của Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng.
Ông Lưu Quang Phát nói với phóng viên nhật báo Người Việt: “Theo tôi, trước năm 1975, Quân Lực VNCH là một trong năm quân đội hùng mạnh trên thế giới, mà miền Nam phải bị thất thủ, lý do là Cộng Sản quốc tế, gồm Liên Xô và Trung Quốc đã hỗ trợ cho Bắc Việt. Cho đến bây giờ, tôi muốn nhắc nhở với thế hệ trẻ Việt Nam rằng đừng bao giờ nghe những gì Cộng Sản nói, mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm, như cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từng nói.”
Ông Nguyễn Hữu Thắng, hội trưởng Hội Tù Nhân Chính Trị Nam California, nói: “Sau khi miền Nam bị thất thủ, thì có những câu hỏi của nhiều người là tại sao miền Nam phải bị sụp đổ trong khi có một quân đội hùng mạnh? Chính tôi là cựu quân nhân cầm sung chống Cộng mà tôi cũng không hiểu là tại sao lại xảy ra biến cố 30 Tháng Tư, 1975. Theo tôi, chính quyển sách này là chìa khóa để giải đáp những câu hỏi đó.”
Ông Trần Bạch Thu, chủ tịch Ban Chấp Hành Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh VNCH Nam California, nói: “Riêng bản thân tôi, thì tôi thấy quyển sách này có thể giúp ích cho chúng ta. Thứ nhất là lấy lại danh dự của chính phủ và Quân Lực VNCH, vì trong quyển sách này có nói đến những thủ đoạn bí mật khiến cho VNCH sụp đổ, chớ không phải Cộng Sản chiến thắng bằng quân sự. Thứ hai, chúng ta có những bài học lịch sử, tuy là ngoại sử, nhưng cũng rất cần thiết để trong tương lai, chúng ta có thể đối đầu với những âm mưu của Cộng Sản Bắc Việt cũng như quốc tế.”
“Tôi thường nghĩ rằng, khi VNCH thua là vì chúng ta là những người chiến đấu và làm việc ở ngoài ánh sáng, còn những người ở trong bóng tối, họ có những âm mưu mà những người ở ngoài ánh sáng không thể lường trước được. Cũng như quyển sách này, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã nêu ra rõ những thủ đoạn nham hiểm của ông Kissinger,” ông Thu nói thêm.