VÀI KỶ NIỆM VỚI ANH TRẦN HOÀI THƯ (Quan Dương)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 2 people and text

Nhà văn Trần Hoài Thư và Quan Dương

(lúc hai anh em mới già chứ chưa lão như bây giờ)

Cuối năm 71 tôi bị thương ở Buôn Hô và được đưa về điều trị tại Quân Y Viện Ban Mê Thuột. Nằm cạnh giường sát bên tôi là một trung uý của sư đoàn 23 với cặp kính cận dày cộm có sợi dây thun buộc phía sau . Đó là trung úy Trần Quí Sách tức nhà văn Trần Hoài Thư. Thế là hai người quen nhau . Thuở đó tôi không biết viết lách là gì mặc dù rất mê đọc sách. Tôi thích các câu chuyện tình nhẹ nhàng loại bông tím của Tuổi Hoa , các bài viết trên Văn , Văn Học , Bách Khoa v. v…và vì là lính nên tôi vô cũng tâm đắc với thơ văn của các nhà văn quân đội . Nhà văn Trần Hoài Thư là một trong số những nhà văn mà tôi mến mộ . Đâu nghĩ có một ngày tôi và anh lại nằm cạnh giường nhau trong quân y viện .
Những buổi sáng sau khi chờ bác sĩ khám thương bệnh binh xong thì đám sĩ quan còn trẻ liền vội vã lột bộ đồ của bệnh viện đang mặc trên người và sau đó là màn chui rào ra thành phố Ban Mê Thuột để đi lòng vòng. Đời lính nhất là lính tác chiến ít khi có cơ hội đi bát phố ngoài những lúc bị thương nhẹ hoặc bị bệnh được nằm điều trị tại các quân y viện. Do đó trong những lần đi chơi với anh tôi thật là thích. Dù đã nửa thế kỷ trôi qua rồi nhưng tôi vẫn còn nhớ lời anh nói còn sống ngày nào thì cứ an nhiên ngày đó hơi đâu bận tâm chiến trường đang chờ. Thấy chiếc kính cận dày cui anh đeo có cột sợi dây thun khi tròng qua đầu tôi hỏi sao phải làm vậy thì anh trả lời nhờ sợi dây thun này mà mỗi lần nhảy trực thăng không bị rớt. Anh còn nói khi đụng trận mà hai con mắt không nhìn thấy địch quân thì làm sao mà đánh đấm. Hai anh em cười rất hồn nhiên và tôi không ngờ là các nhà văn sao gặp ngoài đời dễ gần gũi đến thế. Cơ duyên giữa tôi và anh Trần Hoài Thư chỉ có thế vì vài tuần sau thì xuất viện tôi trở về đơn vị của tôi và anh trở về đơn vị của anh. Cuộc hạnh ngộ đưa đẩy chỉ có bấy nhiêu và đời lính tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng điều diệu kỳ đó xảy ra lần nữa. Nhất là tiếp theo biến cố tháng 04/75 những người lính tan đàn xẻ nghé không ai còn nghĩ sẽ có ngày gặp lại
Thập niên 90 những năm đầu mới qua Mỹ tôi có mua một chiếc xe cũ để đi làm. Chiếc xe ì ạch và mỗi lần lăn bánh thật nặng nề chẳng khác chi cuộc hội nhập nơi xứ người. Những sáng thức dậy đi làm những tối lái xe về càng ngày càng thấm tôi mới gửi tâm sự này vào một bài thơ Chiếc Xe Cũ và gửi cho báo ở Boston do anh Việt Hùng và Hồ Công Tâm phụ trách . Hai tuần sau được anh Việt Hùng nhắn tin trên báo là có nhà văn Trần Hoài Thư thích bài thơ Chiếc xe cũ và gửi lời thăm tác giả. Qua phone tôi liên lạc lại với anh và lúc này anh mới phát giác ra tôi là người lính nằm chung quân y viện Ban Mê Thuột của 40 năm trước. Sau đó thì chúng tôi gặp lại ngoài đời . Anh nói viết là phản xạ của sự đau và khuyến khích tôi cầm viết để diễn tả sự đau đó cùng những gì nếm trải. Nhờ anh khuyến khích tôi bắt đầu mạnh dạn làm thơ và theo anh leo lên chiếc cầu văn thơ nơi hải ngoại. Anh ký tặng tôi tập truyện ngắn “Ra Biển Gọi Thầm“ mà anh vừa xuất bản . Đó cũng là lần đầu tiên tôi được chính tác giả ký tặng sách trực tiếp
Cho dù sau này tôi có vài ba tác phẩm xuất bản để góp vui cùng làng biết lách và quen được nhiều hảo hớn trong giới văn chương thì anh Trần Hoài Thư vẫn là người anh đầu tiên đưa đường chi lối cho tôi đi cùng. Nhớ mãi lần anh chị Trần Hoài Thư đến New Orleans thăm vợ chồng tôi và vợ chồng nhà văn Nhật Nguyễn & Hữu Việt. Mấy anh em rủ nhau đi dạo phố New Orleans
ÐÊM DƯỚI PHỐ NEW ORLEANS
(cùng Trần Hoài Thư,Nhật Nguyễn và Hữu Việt)
Nửa đêm trở giấc không ngủ được
Rủ Trần Hoài Thư xuống phố chơi…
Rủ thêm Nhật Nguyễn cùng Hũu Việt
Bốn kẻ ly hương. Quán cóc ngồi
Quán cóc . Chùm hum đêm một góc
Rót tỉnh vào ly đựng cơn say
Chai bia trúng gió bầm con mắt
Điếu thuốc nhoai tàn qua ngón tay
Cô gái khoả thân cong người múa
Nhếch mép cười sau lớp hóa trang
Cũng giống như ta đeo mặt nạ
Góp đời năm ba phút vui chung
Trần Hoài Thư từ New Jersey
Mang bình chiến trận rót vào ly
Uống thể như quên niềm phế phủ
Xanh vùi từ lúc bỏ ra đi
Hữu Việt đạn xuyên ngang cuống họng
nhân đạo còn chừa lối tử sinh
Bàn tay trái cụt ngoe ba ngón
Nghiêng tháng năm xưa rót chiến trường
Nhật Nguyễn cụng ly cùng ký ức
Giọt rượu thừa lên đuôi mắt cong
Đất trú đêm dài đen màu tóc
Đen như đang nửa kiếp thay dòng
Bạn ta còn được bao nhiêu hởi
Sống sót sau lần đau biển dâu
Đâu dễ mấy khi mà hạnh ngộ
Đợi gì không tỉnh để cùng say
Uống đi ai cũng đều tan tác
Ðứng giữa đất trời đêm lưu vong
Ðưa mắt dõi về nơi cố lạc
Thấp thoáng mây xa đám lục bình
Quan Dương