Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại – DCCT
Đăng ngày 23.10.2015 – 4:26pm
GNsP (23.10.2015) – Những ngày qua, nhà cầm quyền quận 2, Sài Gòn đang ngang nhiên tiến hành đập phá các cơ sở Giáo dục được các Soeur Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm xây dựng lên bằng máu, mồ hôi và nước mắt của mình từ những năm 1960.
Trước 1975, nền giáo dục Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa với Triết lý giáo dục là nhân bản, dân tộc, và khai phóng. Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa quy định quyền tự do giáo dục, và quy định nền giáo dục cơ bản có tính cách bắt buộc và miễn phí, “nền giáo dục đại học được tự trị”, và “những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn”. Hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng hòa gồm tiểu học, trung học và đại học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương tới địa phương.
Ngoài hệ thống trường công lập của chính phủ là hệ thống trường tư thục. Vào năm 1964 các trường tư thục giáo dục chiếm tỷ lệ 28% trẻ em tiểu học và 62% học sinh trung học. Đến niên học 1970-1971 thì trường tư thục đảm nhiệm 17,7% học sinh tiểu học và 77,6% học sinh trung học. Tính đến năm 1975, Việt Nam Cộng Hòa có khoảng 1,2 triệu học sinh ghi danh học ở hơn 1.000 trường tư thục ở cả hai cấp tiểu học và trung học. Các trường tư thục nổi tiếng như Lasan Taberd dành cho nam sinh; Couvent des Oiseaux, Regina Pacis (Nữ vương Hòa bình), và Regina Mundi (Nữ vương Thế giới) dành cho nữ sinh. Bốn trường này nằm dưới sự điều hành của Giáo hội Công giáo. Tổng cộng Giáo hội Công giáo sở hữu 226 trường trung học, 1030 trường tiểu học.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có hệ thống các trường tiểu học và trung học Bồ đề ở nhiều tỉnh thành, tính đến năm 1970 trên toàn quốc có 137 trường Bồ Đề, trong đó có 65 trường trung học với tổng số học sinh là 58.466.
Sau năm 1975, nhà cầm quyền TP. HCM (lúc này chỉ bao gồm Địa phận Công giáo Sài Gòn), tổ chức Đại hội các tư thục Tôn Giáo tại trường Lasan Taberd vào ngày 29/9/1975.
Với “128 Tu sỹ mặc áo dòng và 176 Linh mục, Tu sỹ mặc thường phục…trong tổng số gần 600 đại biểu” tham dự Đại hội. Tham luận của Linh mục Nguyễn Thới Hòa- Giám đốc Giáo dục Công Giáo Sài Gòn có đoạn: “…Kiến thiết Quốc gia trở thành đối tượng cố gắng của toàn dân, trong đó xây dựng giáo dục trở nên khẩn thiết. Bên cạnh vấn đề làm sao có được một nền giáo dục toàn diện, lành mạnh, thực sự phục vụ con người, phục vụ nhân dân- còn có vấn đề giải quyết khó khăn là chính mà các gia đình đang gặp: làm sao cho tất cả các em học sinh đều có thể cắp sách tới trường. Do đó khối Giáo dục Công giáo chúng tôi rất HOAN NGHÊNH CHỦ TRƯƠNG MIỄN HỌC PHÍ của chính quyền và trên thực tế tán thành chính sách CÔNG LẬP HÓA các trường tư, vì đây là một dịp để thể hiện cụ thể bình đẳng trước một nhu cầu cũng quan trọng như nhu cầu sinh sống…”.
Sau đó, ngày 7/10/1975, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Sài Gòn, có văn thư số 576/VT-75 gửi Chủ tịch CPLTCHMNVN “tán thành việc công lập hóa tư thục như một phương tiện thực thi chủ trương miễn học phí của chính phủ, và chúng tôi sẵn sàng để nhà nước sử dụng các cơ sở của tư thục Công Giáo trong Giáo phận Sài Gòn, vào công tác Giáo dục, ngay từ niên khóa 75-76 này…để giải quyết tốt đẹp nhu cầu khẩn cấp của học sinh và phụ huynh”.
“Chiếu văn thư số 576/VP-75 ngày 7.10.1975 của Đức Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn…Sở Giáo dục TP.HCM, đại diện Bộ Giáo dục và Thanh niên và Ủy Ban liên lạc Giáo dục Công Giáo, đại diện Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn”, đã ký kết THÔNG CÁO CHUNG ngày 15/10/1975. Nội dung chính: “sau khi thảo luận, đã nhất trí về những điểm sau đây liên quan đến các tư thục Công Giáo thuộc Giáo phận Sài Gòn:
1. Giáo phận Sài Gòn đồng ý trao cho nhà nước quyền sử dụng các trường sở thuộc Giáo phận kể từ niên khóa 1975-1976 này, để phục vụ cho mục tiêu giáo dục.
2. Quyền sở hữu các trường sở vẫn thuộc về Giáo hội Công Giáo
Trong trường hợp muốn dành cơ sở phục vụ cho một mục tiêu khác, ngoài mục tiêu giáo dục, cần phải có sự thỏa thuận của đôi bên.
3. Nhà nước có trách nhiệm bảo trì cơ sở, cũng như chịu mọi chi phí về quản trị, tu bổ (như điện, nước, điện thoại…) và thuế má trong suốt thời gian sử dụng trường.”…
Một vấn đề cũng được Ủy Ban Giáo dục Công Giáo Sài Gòn khẳng định: “Đối với chúng tôi, vấn đề cơ sở, mặc dầu đã xây dựng bằng công lao của rất nhiều thế hệ, nhưng không mang ý nghĩa quan trọng. Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến vấn đề nhân sự ….Các Giáo viên, công nhân viên đã công tác với chúng tôi…Các Giáo viên cũng là tu sỹ….Các bậc đàn anh, đàn chị chúng tôi…” (Tham luận ngày 29/9/1975). Chính vì vậy, Thông cáo chung ngày 15/10/1975, nhà nước cam kết: “Thâu nhận tối đa giáo chức và công nhân viện hiện có…Các Tu sỹ sẽ tiếp tục sống trên phần cơ sở được gọi là Tu Viện…Các Giáo viên Tu sỹ đã về hưu được hưởng mọi chế độ…”
Như vậy, có thể xác định:
1/ Giáo phận Sài Gòn chỉ giao quyền sử dụng các Trường sở thuộc Giáo phận để phục vụ mục tiêu Giáo dục MIỄN HỌC PHÍ.
2/ Quyền sở hữu các Trường vẫn thuộc Giáo hội Công Giáo
3/ Nhà nước có trách nhiệm bảo trì cơ sở và vật dụng…
4/ Đi kèm theo là vấn đề quan trọng hơn: nhân sự…
Ký và cam kết như vậy, nhưng thực hiện thì cần phải “nhìn kỹ …”:
1/ Nhà cầm quyền đã lợi dụng Thông cáo chung, căn cứ văn thư chỉ do Đấng bản quyền Địa phận Sài Gòn ký kết để “vận dụng” cho tất cả các cơ sở Tôn giáo khắp cả Miền Nam, mà cơ sở của Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt là điển hình. Nhà cầm quyền Lâm Đồng đã căn cứ “Văn thư của Đức Tổng Giám mục Giáo phận Sài Gòn” để từ chối trả lại cơ sở của Nhà Dòng tại phường 7 Đà Lạt, mà nay “không còn sử dụng cho mục tiêu giáo dục”.
2/ Chỉ được giao quyền sử dụng (không hiến tặng, không “quản lý”) để phục vụ cho mục tiêu Giáo dục: miễn học phí. Điều 192 Bộ luật Dân sự (“BLDS”) qui định: Quyền sử dụng chỉ là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Nhưng, hiện tại, tất cả các cơ sở Giáo dục Công Giáo bị nhà cầm quyền chiếm đoạt, ngang nhiên đập phá, thay đổi công năng…mà không cần hỏi ý kiến chủ sở hữu. Điển hình như Trường học tiểu học Kỳ Đồng, Trường Mầm Non 9 tại Phường 9 quận 3 của Dòng Chúa Cứu Thế, Trường Mầm Non 12 quận Tân Bình của Tu viện Mai Khôi, và Dòng MTG Thủ Thiêm hiện tại… Thậm chí, mục tiêu miễn học phí hiện tại đã biến tướng bằng các “khoản thu” nặng nề hơn cà “học phí”, và nhiều cơ sở “không còn phục vụ cho mục tiêu giáo dục” như cơ sở của Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt nay làm “Viện sinh học” ảo…
3/ Quyền sở hữu các cơ sở vẫn thuộc về Giáo Hội Công Giáo. Điều 164 BLDS qui định: Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản. Khoản 1, khoản 2 Điều 186 BLDS xác định rõ: “1. Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch. 2. Người được giao tài sản có quyền sử dụng tài sản được giao, được chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đó cho người khác, nếu được chủ sở hữu đồng ý”.
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ sở Tôn Giáo đã bị quốc hữu hóa, công lập hóa, bị “quản lý”…nhưng lại không đưa ra được các căn cứ pháp lý chứng minh nhà nước đã “xác lập quyền sở hữu” theo Luật định (mục 1 chương XIV BLDS); và các Tổ chức Tôn giáo “chấm dứt quyền sở hữu” theo Luật định (mục 2 chương XIV BLDS). Trái lại, các chứng cứ như “Thông cáo chung ngày 15/10/1975” lại bị che giấu. Cũng có ý kiến vận dụng qui định tại khoản 1 Điều 247 BLDS về xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu để cho rằng nhà nước là “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu…”. Nhưng lại không chú ý Điều Luật qui định rõ phải là “không có căn cứ pháp luật”. Ở đây, có căn cứ pháp luật là thỏa thuận, ký kết giữa hai bên giao- nhận tài sản, là Thông cáo chung ngày 15/10/1975. Chính khoản 3 Điều 186 BLDS khẳng định rõ: “Người được giao tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo căn cứ về thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này”.
Thế nhưng trên thực tế hiện nay, những người được giao quyền sử dụng các cơ sở Giáo dục Công giáo chẳng những lạm quyền, thực hiện quyền sở hữu tài sản, mà còn thách thức, đe dọa dọa, trấn áp chủ sở hữu tài sản…điển hình như các ngôi trường của Dòng MTG Thủ Thiêm hiện nay…
4/ Còn nhân sự:
Các Giáo viên là Tu sỹ được xem là “thành phần bù vào chỗ trống” do thiếu hụt Giáo viên. Thầy giáo Ngô Ngọc Bửu kể chuyện: “Thời điểm này, giáo viên tiểu học thiếu nên phải sử dụng giáo viên tiếp quản. Đội ngũ này gồm người Hoa, người theo đạo nhiều chức sắc, linh mục, sư huynh, nữ tu, sĩ quan…”
Nhưng cũng chỉ được thời gian ngắn, ngay sau khi “đào tạo được”: ngay “năm đầu đào tạo lại được hơn 11.000 người, đào tạo mới được 700 người”. “Cuối năm 1978, bằng một nghị định, nhà nước loại bỏ các linh mục, nam nữ tu sĩ khỏi ngành giáo dục, coi như «không thích hợp dạy trong các nhà trường xã hội chủ nghĩa»…
Những năm sau, người có lý lịch đạo Công Giáo khó mà thi tuyển vào ngành sư phạm, đừng nói gì đến Tu sỹ…
Quyền của chủ sở hữu đối với tài sản (cơ sở giáo dục) đã giao cho nhà nước quản lý theo Thông cáo chung ngày 15/10/1975, BLDS hiện hành qui định: «Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tải sản, …được pháp luật công nhận và bảo vệ. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật”. (Điều 165; khoản 1, khoản 2 Điều 169 BLDS).
Nhà nước đã thừa nhận “Quyền sở hữu các trường sở (đã giao) vẫn thuộc về Giáo Công giáo” thì việc tự ý đập phá cơ sở trường học của các Soeur Dòng MTG Thủ Thiêm hiện nay là vi phạm pháp luật. Nhà dòng có quyền dùng mọi biện pháp “tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình…”.
Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại – DCCT
Phòng Công lý-Hoà bình DCCT Sài Gòn