TÔI VIẾT CHO ANH NGƯỜI CHIẾN SĨ ÁO ĐEN VIỆT NAM CỘNG HÒA (Dư Thị Diễm Buồn)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trời California hôm nay đẹp lắm. Màu nắng lụa tơ tm dìu dịu của đầu mùa xuân, trải lên những hàng cây xanh xám chạy dài xa tít mù xa. Khi xe vượt qua những cánh đồng bao la bát ngát, dáng đồi vóc núi bao quanh vùng thung lũng sương mù (Sacramento) gần như không bao giờ thay hình đổi dạng trong mắt thường của con người. Nhưng vạn sắc màu đó sẽ thay đổi theo lạnh, nóng, ôn hòa hay heo may của bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Và đôi khi theo thời tiết đột ngột đến trong vùng như: Gió, nắng, ui ui, mưa, bão, trong đêm trăng, hừng đông, trưa, hoàng hôn, đêm tối… Và những sắc màu tươi đẹp, vui, buồn, hay thê lương… còn tùy vào cảm quan và hoàn cảnh của mỗi người.

Gió xuân nồng ấm lay nhẹ những cành cây đang đơm nụ, kết trái ở trong vùng có khí hậu nổi tiếng dễ chịu, ôn hòa, ấm áp đó là Stockton (Bắc về hướng Bắc) của California miền Nam Hoa Kỳ.

Mặc dù Stockton ở gần San Jose (Chừng 90 miles, khoảng 134 cây số) lái xe khoảng một giờ ba mươi phút. Nhưng Stockton êm đềm hiền hòa, thư thái bao nhiêu thì thành phố San Jose chen chúc nhà cửa, hãng xưởng, xe cộ, chợ búa… lúc nào cũng rộn ràng, ồn ào và náo nhiệt.

Stockton nằm sát nách với Sacramento là Thủ phủ của tiểu bang California. Đường lái xe đi, về giữa hai thành phố Sacramento và Stockton có đất đai màu mỡ, rộng thênh thang, nhưng cả hai vùng dân cư lại ít.  Cho nên nhà nào cũng có sân trước vườn sau hoa lá, cây trái sum sê. Dân chúng ở hai thành phố nầy đại đa số có nếp sống hài hòa, an phận, không tranh đua, bay nhảy như San Fransico, San Jose và những thành phố lân cận khác. Phần đông họ sống bằng nghề trồng trọt cây ăn trái như: mận, táo, cam, chanh, quít… Đặc biệt ở ngoại ô Sacramento về hướng Bắc. Thành phố Yuba City có hãng Sunsweet sấy trái khô ngon nổi tiếng. Bán khắp các tiểu bang nội địa Hoa Kỳ, và xuất cảng đi các nước khác. Họ còn nuôi gia súc như bò thịt, bò sữa, dê, trừu, gà lấy trứng, gà thịt… Đi xa thành phố một chút, chúng ta sẽ bắt gặp và cảm nhận được sự sinh hoạt ở vùng đồng quê yên bình, êm đềm, thoải mái của Stockton. 

Ở đâu không biết, chớ xứ Mỹ dù trong đường cùng, ngõ hẻm, ruộng đồng, hay núi rừng xa xôi… Khi Chánh phủ cho xây cái nhà để gia đình cư ngụ, thì tất cả các tiện nghi cần thiết đều phải có như là: điện, nước… cầu tiêu, nhà tắm, chỗ nấu ăn… nhứt nhứt phải an toàn, hợp vệ sinh. Và trong nhà tối đa là hai người (cho một phòng). Chớ không ngủ chung chồng chất đông người chật hẹp sẽ thiếu dưỡng khí tốt… Nói tóm lại, mọi thứ phải theo đúng tiêu chuẩn ấn định của sở xây cất Chánh Phủ (Khi cất nhà xong phải báo cho cơ quan hữu trách đến xem xét. Được nhận là an toàn thì chủ mới được xử dụng). Có như thế mới bảo vệ được đời sống và sức khỏe người của người dân. Đó cũng là điều khác biệt và hơn những nước khác.

           Theo nhận xét riêng trong những nơi tôi có dịp đi qua. Ở vùng có nhiều người Á Châu nhứt là người Việt sanh sống. Nếu trên bàn tiệc hay trong một buổi họp mặt dù nhỏ, hay lớn cũng vậy.

Nếu ai đó hỏi:

–  Quý vị từ đâu đến, và ở vùng nào…?

–  Chúng tôi ở Úc, ở Pháp, ở Canada…

–  Ở Đức, ở Nhật, Na Uy, Thụy Sĩ, Anh…

–  Chúng tôi từ Mỹ qua! Ở Texas, ở Florida, ở California…

Thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết ngay đồng hương ở địa phương, hay ở các nước khác có một sự ngưỡng mộ nhẹ nhàng, nụ cười niềm nở, bùi ngùi trên nét mặt thân thương của họ với mọi đồng hương nhứt là quý vị ở tiểu bang California.

Bởi ở năm châu bốn biển, ai còn lạ gì mà không biết Mỹ có tiểu bang California, nổi tiếng về nhiều mặt. Dù biết rằng dân Việt sống ở Texas, Florida… và nhiều nơi khác cũng không thua gì California. Nhưng California có thời tiết dễ chịu, ôn hòa không lạnh lắm vào mùa đông và không bị nóng kéo dài suốt mùa hè như ở các vùng khác trên các nơi khác. Khí hậu lại thích hợp dân da vàng, có mắt và tóc đen. Mặc dù California có rất nhiều sắc dân từ các nước Á Châu đến cư ngụ và chọn nơi nầy làm quê hương thứ hai, chớ không riêng gì người Việt Nam.

Trên thế giới ai cũng biết, nơi nào có nhiều người xuất xứ từ các nước Cộng sản cai trị. Người dân nước đó khốn khổ trăm chiều: bị kềm kẹp, bị đày ải, bị bất công, bị cướp tài sản, bị nhồi sọ, bị hà hiếp… Nói tóm lại sau 30 tháng 4 năm 1975 miền Nam nước Việt không có tự do thì đại đa số những người Việt như chúng ta mới cắt ruột gan mà bỏ nước ra đi tị nạn.

Xứ người giàu đẹp, dư thừa vật chất, thật sự tự do. Nhưng hình như thiếu một chút tình! Nếp sống hàng ngày của chúng ta, ngoài tình gia đình gắn bó, tình đồng hương, tình người xa xứ… Chúng ta có nhiều sự việc cần để học hỏi, để biết, để nói, để kể, để hành động, để vui, để buồn, để ghét, để hờn, để hận, để nhớ, để ngậm ngùi, để luyến tiếc, để thương, và để hoài niệm…

Vài con chim én bay qua xẹt lại rộn rã líu lo, cất tiếng hót vang vang. Trời cao vòi vọi không gian trong suốt và biêng biếc màu ngọc thạch, bao la bát ngát như nắp vung khổng lồ chụp úp bao phủ người trần thế. Và xa xa lác đác điểm vài cụm mây trắng đục, lng thng, thảnh thơi, là đà di chuyển vô định, cùng vạt nắng xuân ấm xuyên qua kiếng xe nhảy nhót bởi sáng mai. Xe chạy chầm chậm, gió mát rười rượi dạt dào lùa qua cửa sổ, ve vuốt trên làn da và khẽ đùa lên mái tóc. Có lẽ người lái xe cố tình cho xe chầm chậm để tận hưởng không khí trong lành cùng vẻ đẹp an nhiên của buổi bình minh.

Hôm nay, chúng tôi đổ đường xa, đến Stockton dự ngày Quốc hận (một thị trấn nhỏ sát với Thủ Phủ California Sacramento, thuộc miền Bắc của tiểu bang California). Xe rẽ vào thành phố, hai bên đường có nhiều hàng quán và các cơ sở thương mại, bán buôn sầm uất của người Á Châu mà rất nhiều chủ nhân là người Việt Nam.

Từ xa, chúng tôi đã thấy được trên cao phấp phới lồng lộng trong gió, lá Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa vàng ba sọc đỏ rực rỡ được treo ở đầu con đường lớn. Chúng tôi biết ngay là sắp đến nơi hành lễ, và xe chạy còn cách khoảng xa thì đã nghe rền vọng những bản hùng ca:…Hàng ngàn cánh tay đưa lên/ Hàng vạn cánh tay đưa lên/ Để đấu tranh cho một nền hòa bình chân chính…” Tiếp theo: “Nào bao hùng binh tiến lên/ Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến/ Quyết tiến lên theo bước tiến quân tung hoành…/ Đi là đi chiến đấu, đi là đi chiến thắng/ Đi là mang linh hồn non sông…/ Kèn vang theo tiếng chân đang rập rồn xa, xa/ Tiếng gào, thiết tha… Tâm hồn tôi náo nức trước rừng cờ vàng, và những tấm biểu ngữ giăng trên cao với ý nghĩa truy điệu “Ngày 30 Tháng 4 Đen”. Ngày mà nước Việt Nam rơi vào tay Cộng sản. Để đánh dấu ngày lịch sử Việt Nam bước sang một trang sử vô cùng đen tối, và bắt đầu thảm họa cho toàn dân tộc Việt.

Ở mặt tiền Khu hội cựu tù nhân Chánh trị Việt Nam Cộng Hòa Stockton. Kế bãi đậu xe, lác đác tụm năm tụm ba những cựu quân nhân và gia đình đến dự lễ. Họ chào hỏi nhau, kể cho nhau nghe chuyện tù, kể những chuyện nước mất, nhà tan… sau ngày Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay giặc.

“Nước Việt Nam của chúng ta giặc giã triền miên! Cả ngàn năm bị đô hộ giặc Tàu, cả trăm năm đô hộ giặc Tây… Các bậc tiền nhân chiến đấu không ngừng nghỉ để giữ gìn bờ cõi. Không để một cọng rau, một tấc đất mất cho bọn ngoại xâm… Ngày nay Việt Cộng đã cắt lãnh thổ, lãnh hải bán chia cho Cộng Tàu… Trời ơi! Thiệt là thương đau! Thiệt là khả hận đời đời không quên!”

Có mặt hôm nay là đại đa số Quân, Cán, Chánh của Việt Nam Cộng Hòa. Những người vượt biên, vượt biển, vượt tuyến… Bôn đào khỏi quê hương xứ sở vì bất đồng chính nghĩa, không cùng chánh kiến với chế độ Cộng sản. Cùng đại diện các hội đoàn, đoàn thể, lãnh đạo tinh thần các tôn giáo… đến tham dự lễ. Hiện hữu trong buổi lễ, gần như mọi người đều mặc màu đen. Màu tang tóc nói lên nỗi thống khổ, bi thương, bi hận ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Sau khi chào Quốc kỳ, và nghi lễ tưởng niệm xong. Chúng tôi hàn huyên tâm sự, và cùng ăn khoai mì, khoai lang, cơm nếp muối mè do Khu Hội Cựu Tù Nhân Chánh Trị Stockton đãi… Chúng tôi ăn những món ăn nhẹ, đơn giản để tưởng nhớ cái khốn khổ tột cùng khi giặc tràn vào. Những tháng năm dài bị chúng đày ải để trả thù trí thức miền Nam và trá hình lừa mọi người bằng danh xưng “cải tạo”.

Quả thật trái đất tròn, rộng lớn bao la mà vẫn còn hẹp lắm! Một sự việc hết sức bất ngờ ngoài tưởng tượng! Trải qua bao cuộc bể dâu, nước mất, nhà tan, kẻ bị tù đày, người cùng gia đình bồng bế vượt biên, vượt biển tản lạc khắp Năm Châu, bốn bể làm thân chùm gởi xứ người. 

Không ngờ sau hơn 40 năm, hôm nay tôi còn có dịp gặp lại anh Trần Hiếu Nhân người chiến sĩ “Xây Dựng Nông Thôn”“Người Chiến Sĩ Áo Đen” ngày nào quen nhau, trong dịp tôi theo đoàn công tác “Y Tế Về Làng” ở Sầm Giang, thuộc Long Định (địa phận của tỉnh Mỹ Tho).

Toán công tác của chúng tôi gồm có: hai y tá tỉnh, một nhân viên phòng thí nghiệm, hai y tá quận. Khi vào làng sẽ có thêm Cán bộ y tế xã, ấp (y tế địa phương) và Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn (ít nhứt cũng hai người) giúp đ toán Y Tế Về Làng và thi hành nhiệm vụ chung về nhiều mặt.

Vùng chúng tôi đến là những làng thôn xa xôi để công tác y tế như là: Chích ngừa, chủng đậu mùa, chủng lao, tìm bịnh lao phổi, bịnh sốt rét… Khuyên, giúp dân phòng chống những bịnh thông thường. Đào hố chôn rác, lấp những vũng nước ứ động để muỗi, mồng… mang bịnh người nầy truyền lây qua người khác. Trước khi đến đâu, thì cần phải được thông báo, và trình bày những ích lợi cho dân sở tại biết, về việc làm của chúng tôi. Phải tập hợp dân đến nơi nào thuận tiện, cho công việc vườn tược đồng áng, của họ không bị trễ nải. Phương tiện di chuyển, giờ giấc làm việc… và nơi chúng tôi đến công tác tương được an ninh…

Những sự việc khó khăn nêu trên. Trước khi chúng tôi đến làng nào cũng đều được các anh Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn giúp đỡ thực tiễn và hữu hiệu nhứt. Vì họ là những cán bộ đi sát cánh với dân, vì dân, cho dân… Họ rành rọt, từ đường đi nước bước và sự sinh hoạt của từng hộ gia đình một, trong thôn ấp. Trong chuyến công tác lần đó, đoàn chúng tôi được hai anh Cán bộ Xây Dựng Nông Thôn Võ Thiện Ý và Trần Hiếu Nhân giúp đỡ. Anh Hiếu Nhân người Nam, ở miệt Cái Tàu Hạ (Sa Đéc). Anh có dáng người cao ráo, khôi vĩ, mắt đen, mũi thẳng… Tánh tình đôn hậu, ăn nói dí dm hay pha trò rất duyên dáng. Anh Thiện Ý người miền Trung, tướng tá vạm vỡ, mắt to, mày rậm, miệng cười bùi ngùi có duyên. Nước da anh ngăm đen, nhưng hồng hào khỏe mạnh, nhờ thấm đậm sương gió và nắng đẹp miền Nam… Tánh tình anh điềm đạm, ít nói, chân tình, tự nhiên và luôn vui vẻ giúp đỡ người khác…

Cả hai anh nầy luôn được lòng dân thương mến. Nhứt là các ông làng Trưởng, ấp Trưởng, hoặc những người khá giả, tai mắt trong xã có vườn xanh cây ăn trái, có ruộng lúa chín vàng bao la, bát ngát cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi. Thôn quê miền Nam luôn có kinh rạch, sông ngòi tôm cá tươi ngon dồi dào… Dân địa phương thương cảm anh Thiện Ý và Hiếu Nhân vì tài, vì tánh tình, vì công tác… Hai anh còn là nhân tuyển thích hợp, mà họ gấm ghé muốn làm mai cho con em hoặc người thân của mình đến tuổi cập kê.

Được những lợi điểm tốt như vậy, mà cả hai anh chàng nầy cứ lửng lơ như con cá vàng! Họ không từ chối, nhưng cũng không nhào vô.

–  Tại sao vậy?

–  Ai mà biết! Có lẽ đó là đòn phép của họ chăng?

–  Mèn ơi, nếu đúng là đòn phép thì thiệt là lợi hại vô cùng! Cái ngữ đó sẽ gây điêu đứng cho tâm hồn các cô con gái của người ta đến tuổi xuân thì. Bởi “Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn?” mà các cô thường hay nghĩ ngợi và mơ mộng vu vơ!

Trong tuần lễ xong công việc chúng tôi chia tay ai về nhiệm sở nấy. Nhưng dư âm của chuyến công tác vừa qua vẫn len lỏi trong bạn bè. Tôi nghe có người thủ thỉ, thì thầm rằng: Cô nàng chung chuyến công tác miền sông Hậu là Nhã Hồng quen với anh trai miền Trung ở sông Đà núi Ngự Thiện Ý!

–  Nồi ơi, vậy cũng nhiều chuyện! Nam nữ công tác chung, quen nhau là một việc hết sức bình thường thì chớ, có gì đâu mà phải nói? Cũng như tôi, như mọi người trong đoàn công tác đều quen biết nhau ấy mà!

–  Không, không… tình bạn bè, tình đồng nghiệp, tình anh em, tình họ hàng, tình thôn xóm… của chúng ta thì thông thường, nhưng hai người họ thì lại khác…

–  Khác cái gì? Khác chỗ nào?

–  Nầy nhé, chàng Cán Bộ xây Dựng Nông Thôn Võ Thiện Ý, đã phải lòng người đẹp áo trắng Trần Thị Nhã Hồng (đồng nghiệp tôi).

           –  Có vậy sao?

–  Họ còn thề non hẹn biển! Nguyện khắc cốt ghi tâm sống bên nhau cho đến tròn đời mạt kiếp nữa kia…

– Vậy thì còn gì vui bằng!

Sau đó không lâu chúng tôi hân hoan diện đẹp, đi dự lễ đính hôn của cô đồng ngiệp Trần Thị Nhã Hồng, giữa sự vui mừng củ bạn bè, than quen, với vừa ý, hài lòng của cha mẹ cùng họ hàng đôi bên.

–  Ê mậy, có phải nàng Nhã Hồng vắng người yêu, rồi buồn, rồi than thở: “Ngày anh xa vắng, em không trang điểm đợi chờ… Những đêm gió lạnh đầu hè… u buồn phủ kín tâm tư… Đợi chàng một hai năm/ Hay là cả đời xuân xanh…” Hay nàng ta chờ: “Bốn xe lội nước theo sau/ Tám xe đại bác đi đầu…” để bạn bè và hai họ đưa rước nàng về dinh?

–  Không phải vậy đâu! Là câu hát ấy mà, làm gì có chuyện đó?

Nhưng đoàn công tác và đồng nghiệp chúng tôi sẽ cùng với gia đình hai bên, sẽ chuẩn bị tổ chức cho Thiện Ý và Nhã Hồng một đám cưới thật linh đình tưng bừng hoa lá…

Việt Cộng đánh phá rối nhừ tử quê hương! Chúng giựt sập cầu, đào đường, đp mô… Pháo kích vào những nơi thờ phượng như giáo đường, chùa, trường trẻ em đang học… là một việc hết sức bình thường. Thì chúng có sá gì nhà thương! Nhàthương là nơi trị bệnh để cứu người già yếu, ốm đau, thương tật…

Ngày hôm đó, trời mưa gió bão bùng, không gian ảm đạm bao phủ màn đen như nhuộm mực tàu! Na đêm về sáng, đạn giặc pháo kích rót vào thành phố ầm ầm! Rót vào bệnh viện chúng tôi…

Tin như sét đánh:

Trần Thị Nhã Hồng tử thương trong phiên trực đêm đó!”

Ôi có chiến tranh nào mà không tan nát! Phải chăng Cao Xanh ghen ghét má hồng? Để “…Sao không chết người trai khói lửa/ Mà chết người em nhỏ hậu phương tuổi xuân thì…” (Một đoạn trong bài hát “Những Đồi Hoa Sim” của nhạc sĩ Dũng Chinh!)

Ngày ấy, và chuyện xưa đã qua cũng mấy mươi năm rồi. Bây giờ đang lưu lạc xứ người, chúng tôi ai cũng đã hai màu tóc, và có người bạc trắng như bông. Nhưng với tôi, và anh Hiếu Nhân vui mừng vô cùng khi gặp lại. Hồi ức chợt quay về như mới xẩy ra vài ngày trước đây thôi khiến cơn buồn loang chiếm tâm tư….

Ngồi bên cạnh, phu quân tôi ngậm ngùi, kéo khăn đưa cho lau dòng lệ! Tôi nhỏ giọng hỏi thăm anh bạn, sau mấy mươi năm mới gặp lại:

–  Gia đình anh qua Mỹ lâu chưa anh Hiếu Nhân? Bà xã anh có đến đây hôm nay không? Mấy đứa nhỏ thì sao…?

Qua bao nhiêu thay đổi của cuộc đời. Anh Hiếu Nhân của ngày nay già dặn hơn, chín chắn hơn. Tuy trên vầng trán anh có đôi nếp nhăn, người ốm gầy, và khắc khổ. Nhưng trong đôi mắt đó, vẫn ngời sáng ánh kiên cường và niềm bất khuất!

Trầm giọng, anh bảo:

–  Cảm ơn chị. Vợ chồng tôi đến đây cùng 3 cháu cũng đã mười mấy năm rồi. Các cháu có đứa còn ở Đại học, có đứa đã ra trường. Tôi và bả vẫn còn đi làm. Gia đình chúng tôi tạm thời ổn định trong cuộc sống hiện tại…

Anh Trần Hiếu Nhân dừng lại, hớp ngụm nước nhỏ, nét mặt u hoài chậm rãi:

–  Chị có biết sau ngày hôn thê tức tửi ra đi, Thiện Ý thế nào không?

Tôi như chợt nhớ, mở to mắt nhìn anh lắc đầu:

–  Dạ thưa anh không, tôi không biết gì cả! Bây giờ anh Võ Thiện Ý ở đâu, anh có tin tức gì của ảnh? Ảnh có đến được bến bờ tự do chưa…?

Mắt anh Hiếu Nhân đăm chiêu nhìn trời xa thăm thẳm. Giọng buồn buồn, anh bảo:

–  Thiện Ý xuất thân từ trường Sĩ Quan Thủ Đức. Khi ra trường nó học khóa chuyên môn rồi biệt phái về Bộ Xây Dựng Nông Thôn. Có thời gian nó ra Trung Tâm huấn luyện Xây Dựng Nông Thôn Trung Ương Vũng Tàu. Làm huấn luyện viên, dạy lại các khóa đàn em. Nhưng khi hôn thê đột ngột qua đời, nó xin ra đơn vị tác chiến trong binh chủng Dù “Thiên Thần Mũ Đỏ”. Số thằng đó thiệt lận đận chị ơi! Nó theo đơn vị bôn ba gian khổ khắp nơi. Nhưng có lính chiến nào mà không gian nan đâu phải không chị? Mấy lần bị thương nhẹ ở chiến trường, sau đó nó trở lại ngành Xây Dựng Nông Thôn. Đi sâu vào xã ấp công tác như ngày xưa…

Anh Hiếu Nhân hít dài điếu thuốc cháy dở. Anh phà khói trắng lởn vởn tỏa bay ri kể tiếp:

–  Giữa năm 1974, tôi và đồng đội đưa thi hài nó về an nghỉ, trong vườn trà chốn quê mẹ ở Blao. Nơi đó nó được sanh ra và lớn lên! Nơi đó đã cho nó biết bao nhiêu là kỷ niệm lúc thiếu thời! Tội nghiệp bà cụ chỉ có nó là con trai! Bà thương và cũng coi tôi là con như nó! Sau nầy, thỉnh thoảng bà hay gởi cho trà Blao trồng ở vườn nhà, bánh, trái… như thuở chúng tôi công tác cùng đơn vị. Chị ơi, Võ Thiện Ý đã anh dũng đền nợ nước trong trận giặc phục kích ở Kinh Mười Hai, gần Vườn Đào miệt Cai Lậy, trên đường đi vô Đồng Tháp Mười…

Tôi sng sờ chết lặng, không nói nên lời! Anh Nhân mắt đỏ nghẹn ngào! Rồi anh chùng giọng như than thở, như nói với chính mình:

–  Đó là một trong hàng vạn, hàng vạn… chuyện thương tâm khác đã xảy ra trong ngành Cán bộ “Xây Dựng Nông Thôn”. Chúng tôi là lực lượng ít người biết, ít ai nhắc nhở đến. Chúng tôi vì…

Tôi lau vội dòng nước mắt chảy dài xuống má, tiếp lời anh Hiếu Nhân:

– Vì các anh là “Chiến Sĩ” là Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa như mọi binh chủng khác. Cũng như các anh Biệt ChínhDân Ý Vụ, Dân Tác VụNhân Dân Tự Vệ… Là những chiến sĩ công tác chiến đấu trong lặng thầm. Các anh không nón sắt, không “giầy sô”, không áo giáp… Các anh là những người “Chiến Sĩ Áo Đen”. Anh Hiếu Nhân ơi, không những các anh mà tất cả mọi người. Không phân biệt Dân, Quân, Cán, Chánh, không kể nam hay nữ. Bởi “Giặc tới nhà/ Đàn bà cũng đánh” mà anh! Cho nên tất cả và bất cứ “Người nào chống lại kẻ thù chung của chúng ta là Cộng sản, là đảng Cộng sản Việt Nam, thì: “Dân tộc Việt hãnh diện kính ngưỡng, vinh danh và biết ơn đời đời…”

Nén hương lòng tôi xin thành kính gởi hương linh anh Võ Thiện Ý.

Người “Chiến sĩ Áo Đen” đã vì nước vong thân.

HƯƠNG TRÀ BLAO 

Từ Blao mẹ gởi cho trà

Tâm tình gói gém chút quà quê hương

Nhớ hoa mắc cỡ bên đường

Hoa cau, hoa bưởi… tỏa hương ngọt ngào

Nhớ hồi đóng ở Vườn Đào

Chiến trường sanh tử, có tao có mầy…

Khi ra Hỏa Xá, Phú Bài

Lúc về An Lộc, Đồng Xoài, Ba Xuyên

Cá nhiều mùa nước Tịnh Biên

Vàng đồng lúa mới tháng giêng Tháp Mười

Trung Nguyên nhìn hỏa châu rơi

Những chiều mưa đổ sụt sùi ven đô

Hành trang nặng chiếc ba-lô

Núi rừng sương gió pông-sô dựng lều

Nấu trà nón sắt làm niêu

Kẹo gừng, đường tán đậm nhiều tình thân

Ba mươi vắng bóng chị Hằng

Giữa đêm trừ tịch xuân sang, giặc vào

Mầy nằm chết cạnh chiến hào!

Bạn bè thương khóc! Lòng tao rối bời!

Hận thù chất ngất Ý ơi!

Đưa mầy, tiễn chặng đường đời đã qua

Cao Nguyên đất mẹ, vườn trà

Tao trồng quanh mộ màu hoa tím buồn

Màu nầy mầy thích, mầy thương

Đêm về còn có cả vườn trăng sao

                         Mỗi lần hương thoảng trà Blao                                                                   

Nhớ thương se thắt dạt dào tâm tư…

DƯ THỊ DIỄM BUỒN