Nửa Thế Kỷ Một Dòng Sông (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trong suốt 21 năm dài đầy máu và nước mắt, từ 1954 đến 1975, Bến Hải không phải là tên của một dòng sông, Hiền Lương không phải tên của một chiếc cầu nhưng là bức màn sắt ngăn đôi căn nhà dân tộc, môt vết dao cắt ngang lòng đất nước. Dù với ước mơ chân thành, được ôm ấp trong lòng từ khi còn bé cho đến bây giờ, mong được làm một con thoi nhân ái để nối hai bờ sông Bến Hải, tôi vẫn chưa một lần đặt chân lên chiếc cầu định mệnh này.
Nhớ lại những ngày còn là học sinh trung học, với đám bạn bè cùng lớp, thêu dệt ước mơ. Một ngày kia, khi đất nước không còn tiếng súng, chúng tôi sẽ đạp xe xuyên suốt ba miền. Chúng tôi sẽ bắt đầu từ Mũi Cà Mau, vùng đất cuối cùng của tổ quốc và đạp thẳng đến tận Ải Nam Quan. Chúng tôi sẽ ghé thăm núi Mã Yên, Tụy Động, Chúc Động, nơi các tướng Lý Triện và Đinh Lễ đã từng tử chiến với đại quân của Vương Thông, Phương Chính, Mã Kỳ. Chúng tôi sẽ ghé thăm Thiên Trường, nơi Trần Bình Trọng mắng vào mặt kẻ thù trước khi bị chém. Đêm đêm nằm nghe tiếng súng vọng về bên kia sông Thu Bồn, lòng chợt đau khi nghĩ đến những người đang chết. Dù nhân danh bất cứ lý do gì, cái chết của một người Việt Nam vẫn là một điều đáng tiếc. Đất nước sẽ phải hết chiến tranh. Quê hương rồi phải có hòa bình. Dân tộc Việt Nam phải đi lên. Những thôn làng tối tăm phải được thắp sáng bằng những nhà máy điện hiện đại. Ước mơ của tuổi học trò bao giờ cũng dể thương và trong sáng như mối tình đầu của hai kẻ yêu nhau mà không hề lo nghĩ đến chuyện nợ nần, cơm áo ngày mai. Trong khao khát của những đứa bé lớn lên trong chiến tranh như đàn nai tơ khát nước, chẳng thể nào phát họa nổi bức tranh về ngày hòa bình rồi sẽ ra sao.

… Người lính Cộng Sản bị mê hoặc bởi một ý thức hệ vong bản khủng khiếp đến nỗi chỉ biết hận thù, đấu tranh, giết chóc. Suốt đời họ được huấn luyện để nói dối, dối có hệ thống, dối một cách hồn nhiên và dối trong cả những chuyện hiển nhiên nhất. Nhiều người nghiên cứu cuộc chiến Việt Nam cho đến nay vẫn thắc mắc rằng, làm thế nào một miền Nam hùng mạnh lại dễ dàng mất về tay những anh chàng khờ khạo từ trong rừng xuất hiện. Đơn giản bởi vì nếu các anh không khờ khạo thì đã không chiếm được miền Nam. Nếu các anh biết thế nào là ý nghĩa của hai chữ chọn lựa và có quyền chọn lựa một cuộc đời để sống, thì các anh không dại gì chọn để chết. Thanh niên miền Bắc bị đầu độc rằng đồng bào miền Nam đang đói khát và ngày đêm chờ đợi họ vào để “giải phóng khỏi xích xiềng đế quốc.” Thế nhưng thực tế đã trái ngược. Đồng bào miền Nam đã bỏ cả làng mạc, ruộng vườn, nhà cửa, lưng cõng mẹ già, tay bế con thơ để tìm đường vào Nam lánh nạn. Cuối thế kỷ 20, nhưng thanh niên miền Bắc vẫn còn được dạy để tin rằng “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ và đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ.” Một đoạn trong bài thơ Ðịa Ngục Không Cửa Sổ của Việt Phương, thư ký riêng của Phạm Văn Đồng viết tại Hà Nội năm 1972 sau một chuyến được xuất ngoại với phái đoàn ngoại giao Cộng Sản:

Tôi đã đến Paris phồn hoa tráng lệ
Ði dưới trời tuyết lạnh
Tôi ngẩn ngơ từng góc phố con đường
Sao tôi thấy cảnh thanh bình xa lạ
Từng đàn chim quanh quẩn dưới chân người
Cuộc sống nơi đây tôi nào có biết
Nhưng nhận ra ngay qua những nụ cười
Ở nơi đó tôi thấy rất nhiều khác lạ
So với điều người ta dạy cho tôi
Và từ đó hồn tôi bỗng “CỬA MỞ”
Tôi khóc thầm cho dân tộc của tôi
Hỡi Nhân Loại! Hãy giùm tôi mở cửa
Bao nhiêu người đang ngu muội lầm than
Trong địa ngục khổng lồ không cửa sổ.

Thật vậy, từ sau 1954, miền Bắc Việt Nam chìm trong bóng đêm dài không một ánh trăng sao. Nửa đất nước là một địa ngục lầm than không cửa sổ.