Xin viết về Nguyễn Phúc Sông Hương. Ông sinh năm 1941, tên thật là Nguyễn Hồng Phúc, học trung học đệ nhất cấp ở Trường Nguyễn Tri Phương, Huế. Sau đó vào Thủ Đức đi lính. Năm 1966, với bút hiệu Thái Luân, ông xuất bản tập “Vùng Tủi Nhục”, gồm 25 bài thơ mang tâm trạng thao thức của lớp người trẻ sinh ra trong chiến tranh, có bài “Bi Hài Kịch” được Phạm Duy phổ nhạc trong “Tâm Phẫn Ca”. Sau thảm cảnh Tết Mậu Thân, ông không còn lấy bút hiệu Thái Luân nữa mà đổi thành Nguyễn Phúc Sông Hương.Trước giờ thứ 25 của Sài Gòn, nhà thơ là thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Sư đoàn 18 BB, người trực tiếp dự trận Xuân Lộc. Tập thơ “Tháng Tư, Lính Không Cần Hớt Tóc” của ông là thứ thơ viết về cuộc sống thật của người lính. Sau 30-4-75, nhà thơ lính đi tù gần 10 năm. Những người bạn học cùng lớp với ông hiện còn ở Sài Gòn như Châu Văn Thuận (Sư phạm Pháp văn), Nguyên Minh (nhóm Ý Thức), Thân Trọng Minh (nhóm Gió Mai)…
Xin giới thiệu thêm 3 bài thơ của ông.
THÁNG TƯ, LÍNH KHÔNG CẦN HỚT TÓC
Tháng Tư, lính không cần hớt tóc
Tóc dài cứ để tóc dài thêm,
Giáp trận, chẳng ai cần nón sắt
Đầu trần, tóc dựng, mắt trừng lên.
Tháng Tư, lính không cần hớt tóc
Tóc dài khói súng bám càng thơm,
Nòng súng tháng tư không hạ nhiệt
Lòng lính tháng tư ngọn lửa bừng.
Tháng Tư, lính không cần hớt tóc
Tóc dài gió lộng thổi tung bay,
Đánh giặc, bạn ta luôn bắn đứng
Oai phong sừng sững suốt đêm ngày.
Tháng Tư, lính không cần hớt tóc
Tóc dài gương mặt lạnh lùng hơn.
Gương mặt bao người vừa ngã xuống
Băng giá còn nguyên nét oán hờn.
Tháng Tư, lính không cần hớt tóc
Tóc dài, tay kẹp súng lia ngang,
Mấy mươi tăng địch phơi ngoài bãi,
Lính bộ, rừng su lấp mấy ngàn.
Tháng Tư, lính không cần hớt tóc
Tóc dài theo nhiệt huyết tuôn tràn
Đại liên khạc đạn lòng chưa thỏa
Huống gì quyết tử lính miền Nam.
Tháng tư, lính không cần hớt tóc
Tóc dài bay dưới bóng cờ bay,
Dạ thưa Tư lệnh xin đừng phạt
Có một không hai trận cuối này.
Tháng Tư, lính không cần hớt tóc
Tóc dài ngang dọc giữa trùng vây.
Trùng vây! Trùng vây nào khép được
Tóc xanh dài mọc chúng ta đây.
*
MẶC KỆ AI BỎ NHÀ, BỎ NƯỚC
Chiều 29 tháng tư, Tư lệnh hỏi:
“Tiểu đoàn em còn lại bao nhiêu,
Về Long Bình có ai đào ngũ,
Đạn dược mang theo được ít nhiều?”
Dạ, Tiểu đoàn còn ba trăm bảy,
Với đầy cấp số đạn trên lưng,
Không ai khai bệnh, không đào ngũ
Thừa sức chờ chơi trận cuối cùng.
Cùng Thiết đoàn 5 trụ Tân Hiệp
Đợi chờ bắn cháy bọn xe tăng,
Mười hai giờ khuya, vang trong máy
Huấn lệnh gì đâu thật lạ lùng!
Chiều nay đôi mắt Tư lệnh đỏ
Mình tưởng giống mình mất ngủ thôi.
Bây giờ mới biết vì đau khổ
Thượng cấp bỏ đi, chạy hết rồi.
Dạ, Tiểu đoàn còn ba trăm bảy
Toàn những thằng em rất chịu chơi.
Mặc kệ ai bỏ nhà, bỏ nước,
Còn lính gan lì Tư lệnh ơi!
*
CHÉN CƠM LÀNG LONG THẠNH MỸ NGÀY 30-4
Tiểu đoàn hai hàng đều bước
Tay không súng đạn,
Vẫn ngước cao đầu,
Dân làng bên đường
Vỗ tay chào đón,
Người được thắng trận
Ngơ ngác nhìn nhau.
Ba trăm người sát vai ngồi xuống,
Cởi giày, vắt vớ, nói, cười.
Nghe trong đám đông
Tiếng ai sụt sịt
Các chú lính ơi!
Mẹ già đem cơm, canh, cá,
Các con ăn nhiều cho no,
Nhìn bầy con ăn ngon quá,
Mẹ vui, cảm động khóc òa.
Sư già rộng mở cửa Phật,
Đêm nay thầy không thỉnh kinh
Các con vào chùa yên ngủ*
Quên ngày gian khổ chiến chinh.
Chuyện xưa nhiều khi nhớ lại,
Tưởng chừng như mới hôm qua,
Chén cơm làng Long Thạnh Mỹ
Chan canh với hạt lệ nhòa…
Nguyễn Phúc Sông Hương
_______
*Chùa xã Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức