ÔNG GIÁO GIÀ VÀ NGÔI TRƯỜNG CŨ

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Một trưa nắng hạ, trời im gió ,

Tôi về thăm lại ngôi trường xưa .

Thời gian như đọng từng viên gạch ,

Trên lối đi mòn dấu nắng mưa .

Chân bước ngỡ ngàng vào lớp học ,

Ô hay bụi phấn vẫn còn vương .

Bảng đen, bục giảng như ngày trước ,

Sáu chục năm rồi, những khói sương .

Dẫy ghế , dẫy bàn đầy vết mực ,

Gái trai cùng lớp học chung nhau .

Ngày xanh lưu bút còn đây đó ,

Đám học trò xưa, nay ở đâu ?

Ngơ ngẩn nhìn ra ngoài cửa vắng ,

Tưởng như lũ trẻ còn ham chơi .

Chuông reo đã báo, chẳng vào lớp ,

Phải phạt “công xin” mấy đứa thôi .

Đang đứng mơ màng theo cánh bướm ,

Tiếng người con trưởng vẳng bên tai .

Ta đi, bố ạ , về kẻo tối ,

Lòng giáo tôi xưa nặng cảm hoài .

Xa xứ bao năm không đếm nữa ,

Nửa vòng trái đất , một ngày bay .

Trường xưa chốn cũ , người không thấy ,

Sầu chất đong đầy, ai có hay ?

GS Phạm Khắc Trí và học trò hội ngộ nơi đất khách

Phụ Chú :

1 – “Công xin ” từ chữ Pháp “consigne” , có nghĩã ở đây là phạt cấm túc , học trò, bị phạt ,phải ở lại trường thêm vài giờ ,ngoài giờ học .

2 – ” Mơ màng theo cánh bướm”  ý tả tâm trạng ở giữa thực và mộng . Từ câu chuyện Trang Tử nằm mộng thấy mình hoá bướm , lúc tỉnh dậy , lơ mơ, tự hỏi không biết có phải mình là bướm đang mơ thành người hay sao đây 

PKT 04/30/2015  – Riêng gửi các em học trò cũ 1955-1962

–==– 

Ghi Chú : Một trưa nắng hạ , trời im gió , tôi về thăm lại ngôi trường xưa. Bước vào lớp, giờ dạy toán đầu tiên 60 năm về trước ,  tôi thật sự ngỡ ngàng . ..

Lớp trống vắng , nhưng quang cảnh vẫn y như ngày nào . Bảng đen , bục giảng, bàn giáo sư , và từng dãy bàn ghế gỗ mộc sơn đen. Tưởng như trước mắt, các em học trò yêu quí đã ngồi ngay ngắn , náo nức chờ đón bài giảng đầu tiên của thầy .

Sáu chục năm qua rồi thật sao .

Tôi chìm vào trong hồi tưởng. 

Thuở mới vào đời, nổi trôi đến một tỉnh nhỏ, tôi đã tin là đã tìm được chốn giữ thân cho qua thời khói lửa . Ngày ngày an phận,  dạy học , tình nguyện làm ông giáo làng , đưa trẻ qua sông , bỏ mộng khoa bảng, không luyến tiếc cử nhân, tiến sĩ , kỹ sư hay bác sĩ .

Thật sự, khoảng thời gian đầu , tôi đã tìm thấy ở nơi đây một không gian còn giữ được ít nhiều “quân sư phụ” , ngày tháng miệt mài lo dạy học , hết dạy cho lớp các anh các chi. rồi lai lo đến lớp các em của mấy đứa học trò, cứ ngỡ là nếu không có mình thì tội nghiệp cho chúng nó , chắc chúng nó không tìm được một ông thày dạy toán nào ” hay” (!) như vậy . Lại thêm , được sự quí mến của phụ huynh học sinh , ban giám hiệu, và các bạn đồng nghiệp, ông giáo tôi làm sao nghĩ đến chuyện thay đổi ,bỏ đi nơi khác được . Ôi chao tuổi trẻ hồn nhiên ,giản dị, ngây thơ thật dễ thương đến tội nghiệp của tôi !

“Bố ạ , thôi ta về , bố bước lên bục giảng cho con chụp tấm hình làm kỷ niệm ” . Tiếng nói của người con trưởng kéo tôi về với thực tại . Ông giáo già , ngôi trường cũ , và khoảng cách 60 năm . 

Tri Khac Pham
Phamid1934@gmail.com