Theo Huy Đức (Trương Huy San) một nhà báo VN nổi tiếng hiện nay , tác giả của quyển “Bên thắng cuộc” thì “Sáng ngày 30/4/1975, sau khi tuyên bố “bàn giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”, Đại tướng Dương Văn Minh cùng các ông Vũ Văn Mẫu và Nguyễn Văn Huyền đi từ số 7 Thống Nhất [ngay là đường Lê Duẩn] về Dinh Độc Lập.
Trong thời gian đó, tướng Nguyễn Hữu Hạnh mang Tuyên bố “Bàn giao Chính quyền” của Tống thống Dương Văn Minh và Chỉ thị “buông súng” của Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh sang phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Khi Tướng Hạnh trở lại Phủ Thủ tướng [7 Thống Nhất] thì nơi đây đã hoàn toàn vắng lặng. Lúc ấy, ông Minh và gia đình đã vào Dinh Độc Lập.
Đến Dinh Độc Lập, ông Nguyễn Hữu Hạnh thấy cổng Dinh mở, không lính gác. Đại tướng Dương Văn Minh có ý chờ “bàn giao chính quyền”.
Nhưng vì cửa mở, một xe Jeep và một xe GMC đầy lính vũ trang của tiểu đoàn Lôi Hổ chạy vào trước thềm Dinh đòi gặp ông Minh. Họ muốn chất vấn ông Minh vì sao lại “bàn giao” trong khi nhiều người còn đòi “tử thủ”. Sau khi được khuyên nhủ là “không nên để cho máu đổ ở giờ thứ 25”, họ rời đi.
Lúc đó là 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975.
Ít phút sau khi hai xe vũ trang của tiểu đoàn Lôi Hổ đi ra, Trung tá Nguyễn Văn Binh đã cẩn thận đóng cổng Dinh Độc Lập lại. “
Thực tế thì “tiểu đoàn Lôi Hổ” mà Huy Đức viết là một đơn vị của lực lượng Biệt Cách Dù và chỉ huy đơn vị này là Thiếu Tá Phạm Châu Tài (ảnh kèm theo trong bài viết).
Theo Nhan Hữu Hậu – sĩ quan cận vệ của Thủ Tướng Chánh Phủ VNCH viết trong “Sài Gòn trong cơn hấp hối 30/4/1975” thì có cuộc điện đàm giữa Thiếu Tá Phạm Châu Tài và ông Dương Minh có nội dung sau:
“Đại Tướng Minh làm việc một mình trong phòng và không có Chánh Văn Phòng Trương Minh Đẩu cũng như Sĩ Quan Tùy Viên Hoa Hải Đường thường nhật luôn làm việc bên cạnh ông. Thấy vậy, tôi (Nhan Hữu Hậu) bước đến nghiêm chỉnh và trình:
-Thưa Tổng Thống cần gọi đâu, xin Tổng Thống chỉ thị.
-Em gọi cho qua Thượng Tọa Trí Quang.
Tiếp nhận tờ giấy rời với các số điện thoại chi chít trên tay Tổng Thống Dương Văn Minh, tôi gọi Thượng Tọa. Chuông reo một lúc nhưng đầu giây bên kia không có người trả lời. Bên cạnh, một máy điện thoại khác reo, tôi nhắc ống nghe. Từ đầu giây bên kia có giọng nói:
-Tôi là Thiếu Tá Phạm Châu Tài, chỉ huy trưởng lực lượng phòng thủ còn lại tại Tổng Tham Mưu, cho tôi nói chuyện với Đại Tướng Minh.
Tôi bảo Thiếu Tá Tài chờ tôi trình Tổng Thống. Áp ống liên hợp vào tai, Tổng Thống Dương Văn Minh nói: “Qua nghe đây em”.
-Thưa Đại Tướng, tôi còn quân mà sao Đại Tướng đầu hàng?
-Đã trễ rồi em. Tôi muốn tránh cho dân khỏi chết chóc và Sài Gòn khỏi thành bình địa. Mình phải cứu dân trước đã !
Nghe đến đây, tôi bước ra ngoài trong lúc Tổng Thống Dương Văn Minh đang còn tranh luận với Thiếu Tá Tài vì sao mà ông phải trao chính quyền cho Cộng Sản.
Bước dọc hành lang trên lầu nhìn ra tiền đình Dinh Độc Lập, nhìn thấy hai cánh cổng sắt phía trước đã rộng mở, vũ khí đủ loại và chiến xa của lực lượng phòng thủ Dinh đã được chất thành đống trước bồn nước theo lệnh của vị “Tổng Tư Lệnh” sau cùng của VNCH. Độ một giờ sau, chiếc GMC chở đầy quân trong các bộ quân phục ngụy trang lẫn lộn, bên thành xe có treo một miếng vải trắng được cột trên cao chạy vào đậu bên trong cánh phải của Dinh, trong tay họ vẫn còn vũ khí cá nhân. Họ chĩa súng vào khoảng không vừa bắn vừa la khóc trong uất hận, rồi xuống xe cởi bỏ áo trận, vất súng ngổn ngang sau đó tự động tan hàng….”
Lịch sử vẫn còn những nhân chứng và những tư liệu chứng minh rằng những người lính chiến, những sĩ quan trực tiếp của họ vẫn có một tiết tháo của người lính!
Nhưng với người lính, quân lệnh là trên hết, và với tinh thần tôn trọng kỷ luật của người lính, họ phải đành buông bỏ súng đạn trong một nỗi uất hận bởi những “hèn tướng” của họ!
Lịch sử rồi sẽ minh oan cho tinh thần chiến đấu của những người lính VNCH…
Hoài Nguyễn – 27/4/2023