ANAHEIM, California (NV) – Nhớ lại những tháng ngày cầm súng chống Cộng Sản Bắc Việt, nhà thơ lính Trạch Gầm cúi đầu ngẫm nghĩ một chút, rồi ngước mặt nhìn trời đọc vài vần thơ trong bài “Lam Sơn Gọi” mà ông sáng tác: “Đời chinh chiến nuôi dài bao mơ ước/ Đội hoang tàn vẫn đứng thẳng hai chân/ Mình đâu nghĩ có một ngày mất nước/ Trôi lang thang trên đất khách vô chừng!”
Ông kể, ngày 12 Tháng Tư, 1975, hai phần ba quân số đơn vị của Trạch Gầm đã có mặt tại Phan Rang cùng Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của Quân Đoàn 3. Lúc bấy giờ, ông cùng các toán xâm nhập đang hoạt động trong lãnh thổ Tây Ninh nên ông không có mặt tại chiến trường này. Lúc đó, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi hiện diện ở Phan Rang lập một tuyến phòng thủ để chặn đứng mũi tấn công của địch vào lãnh thổ Quân Khu 3, và cũng có kế hoạch dự trù đổ quân vào Nha Trang, vì thành phố này đã rơi vào tình trạng tan rã mà lại không có một bóng địch quân.
Ngày 14 Tháng Tư, 1975, Trạch Gầm có mặt tại Củ Chi. Đại Úy N., trưởng Ban 2 Củ Chi, là bạn thân của ông. Hai người ngồi uống vài chai bia tại chợ quận.
Trạch Gầm kể: “Đại Úy N., hỏi tôi: ‘Mày làm gì mà giờ này còn phất phơ nơi này?’ Tôi trả lời: ‘Tao không biết làm gì với cái lịnh trời ơi mà tao đang thi hành. Địch thì như kiến lửa bu chân, mà tao phải đi kiểm chứng các đường tiến quân của địch. Phương tiện thì chỉ có một chuyến trực thăng mỗi ngày tăng phái cho tao 3 tiếng đồng hồ, mục tiêu thì tự nghiên cứu, hỏa lực yểm trợ thì tự liên lạc. Còn pháo binh diện địa mỗi khi đụng chuyện thì chỉ rót cho ba quả, không đủ xước da chúng nó, thì làm ăn cái nổi gì?’”
Chiến trường tang thương
Trạch Gầm cho biết trên đường từ Tây Ninh về Củ Chi thì toán của ông cũng ngủ đêm qua ba, bốn nơi đồn trú của Địa Phương Quân hoặc Nghĩa Quân. Đêm nào toán của ông cứ rời khỏi đồn khoảng trên dưới một cây số là chạm ngay địch. Nếu địch lẻ tẻ thì toán của ông thanh toán, còn nếu đông quá thì ông nằm im, nín thở gọi báo cáo về bộ chỉ huy.
Kể xong, Trạch Gầm rít một hơi thuốc lào, ngửa mặt phà khói thuốc, đọc bài thơ “Ngồi Nhớ Củ Chi”: “Tao với mày đạp chân qua bao bến/ Bến Nẩy, Bến Mương, Bến Dược, Bến Đình/ Đất Củ Chi này, mỗi lần nhắc đến/ Đã đến rồi thằng nào lại nỡ quên/ Dân đánh đấm bọn mình thương lắm bạn/ Địa danh nào chẳng có đứa đâu lưng/ Có lắm lúc khề khà trong lửa đạn/ Lại lắm khi ngồi cạn chén rưng rưng.”
Toán của ông rời Củ Chi về Biên Hòa với những thân hình bê bết máu kể cả thịt da của đồng đội. Ông kể: “Chúng tôi không vào đồn Cây Bài theo lời đề nghị của Đại Úy N., vì trong đời cầm súng, bất cứ một người chỉ huy nào cũng hơn một lần, hình như được linh tính báo trước, mà nhờ linh tính này mới được sống còn. Nguyên do là khi đứng trước đồn Cây Bài tự nhiên tôi rùng mình, nên tôi liền đổi ý định và kéo anh em ra đóng quân trong một vườn cao su non cập theo Quốc Lộ 1, cách đồn Cây Bài khoảng 600 mét về phía Nam.”
9 giờ 30 đêm, Trạch Gầm được “mấy thằng em trong tổ kích báo là nhìn thấy Việt Cộng đang kéo chà ‘đắp mô’ để ngăn chặn Quốc Lộ 1, sát bên đồn,” ông liền báo cho Đại Úy N., và kèm theo thắc mắc là, tại sao lính trong đồn không có phản ứng?
5 giờ 30 sáng ngày 15 Tháng Tư, 1975, Đại Úy N. chạy xe Honda đến chỗ Trạch Gầm đóng quân, tiếp sau là một trung đội Địa Phương Quân mở đường để phá “mô” của Việt Cộng. Trung đội này bị lọt vào ổ phục kích của địch. Mìn nổ, đạn reo. Rồi một đơn vị Địa Phương Quân được điều tới để tiếp viện, sau hơn một giờ giao tranh, địch quân xem như là bị đẩy lui.
Rít một hơi thuốc lào nữa, Trạch Gầm lắc đầu tâm sự: “Thế nhưng, tình hình biến chuyển một cách quái đản! Bây giờ, ngồi kể lại, tôi không hiểu tại sao và không tìm được một giải thích thỏa đáng cho chính mình. Lý do là lúc bấy giờ, một đoàn xe GMC trên 20 chiếc chở đạn pháo binh tiếp tế cho chiến trường Tây Ninh, đang kẹt lại trên Quốc Lộ 1, trước chợ Củ Chi, thì được phép di chuyển. Việt Cộng đánh đoàn xe ngay vị trí đồn Cây Bài, đạn pháo binh tung nổ rền trời. Hủy diệt đoàn xe xong, địch nằm lại để tiếp tục đánh quân tiếp viện của ta. Theo tôi dự đoán, địch đã huy động gần cả tiểu đoàn để tiêu diệt đoàn quân xa chở đạn pháo binh này.”
Trạch Gầm liên lạc được với Trung Úy H., sĩ quan Không Trợ của đơn vị ông. Vị sĩ quan này thường ngồi trên trực thăng tăng phái cho đơn vị của ông mỗi ngày, và chiếc trực thăng này đang bay vào vùng, nơi đóng quân của Trạch Gầm.
“Để tránh ngộ nhận, Trung Úy H. hướng dẫn bọn tôi ra khỏi vườn cao su để bắt tay cùng một tiểu đoàn thuộc Sư Đoàn 25 Bộ Binh đang tiến vào mục tiêu. Chúng tôi vừa tiếp xúc với toán tiền sát của tiểu đoàn này thì địch liền pháo ngay vào vị trí của chúng tôi. Thân xác tôi bị hất tung khỏi mặt đất, tay chân mặt mũi dính đầy cả máu. Cựa quậy thử tay chân, xong tôi đưa tay vào lòng ngực, vào bụng. không tìm thấy vết thương nào cả, tôi bật dậy sững sờ chết điếng! Người thượng sĩ của đơn vị bạn mà tôi chưa từng quen biết đã ôm trọn quả pháo của địch, tan xác, và không chia cho tôi một mảnh pháo nào,” Trạch Gầm ngậm ngùi kể lại.
Khi trở về đơn vị Phòng 2 của Quân Đoàn 3, Trạch Gầm đã biết tin Phan Rang đã bị thất thủ. Và, số phận của các anh em trong đơn vị Xâm Nhập của Trạch Gầm biệt phái để chiến đấu tại mặt trận này hoàn toàn mất liên lạc với ông.
Ngày 18 và 19 Tháng Tư, 1975, Trạch Gầm bay ra Vũng Tàu và Long Khánh để đón một số nhân viên của ông đã thoát địch từ chiến trường Phan Rang về. Tình đồng đội, nghĩa thầy trò ôm nhau khóc nức nở. Chiến trường tang thương đã khiến gần hai phần ba chiến hữu đàn em của Trạch Gầm ngã gục.
Người lính làm thơ
Trạch Gầm kể tiếp: “Ngày 20 Tháng Tư, 1975, viên cố vấn Mỹ duy nhất của đơn vị chúng tôi còn lại, đã mặc đồ dân sự, hoạt động trong cơ quan lãnh sự Mỹ trú đóng tại Biên Hòa đến thăm chúng tôi và ông ta đề nghị là tôi nên bỏ đơn vị để di tản. Nước đã đến chân là lời của ông ta. Nhưng, còn nước còn tát là lời của tôi. Sự quyết định khôn ngoan hay đần độn nào cũng gánh nhận hậu quả hay kết quả của nó. Tôi ở lại ngu hay khôn, miễn bàn. Nhưng cho đến giờ này, gặp lại vài thằng em còn sống sót, tôi không gục mặt là được rồi.”
Thế rồi, 30 Tháng Tư, 1975, lãnh thổ của miền Nam hoàn toàn bị thất thủ! Trạch Gầm, cũng như bao nhiêu người trai của thế hệ, những người từng cầm súng bảo vệ quê hương. Máu thịt da của họ đã nhiều lần hòa nhập để vun xới cho đất mẹ Việt Nam được thêm màu mỡ tự do và cho chính nghĩa. Những người con yêu của tổ quốc đã gục ngã để đồng đội còn những bước đi giữ vững ngọn cờ vàng. Tất cả chỉ còn trong tâm tư của những người thua cuộc. Nhưng, vẫn còn vang dội qua những bài hùng ca, những lòng biết ơn của toàn dân miền Nam còn ở lại quê nhà hay đã ly hương rời xa tổ quốc.
Như còn nuối tiếc những gì đã mất, Trạch Gầm tâm tình: “Cái khốn nạn của thế hệ chúng tôi, quê hương tôi, vận mệnh không nằm trong đôi tay của chúng tôi. Vì bọn ngoại bang đã đặt cả dân tộc của chúng ta lên bàn cân buôn bán!”
Mười năm chinh chiến điêu linh. Mười năm gục mặt trong lao tù Cộng Sản, có lần, Trạch Gầm gặp lại Thiếu Tá C., trưởng ban tình báo Phòng 2 của Quân Đoàn 3. Trong tù, Trạch Gầm tâm sự: “Từ cái nơi lắng đọng nhất tâm hồn, hai đứa tôi nhắc lại những ngày cuối cùng, những ngày tôi có mặt ở Đại An, những ngày toán tôi cập theo sông Đồng Nai, ngược theo trục lộ từ La Ngà đổ xuống. Tất cả những phi vụ mang bom hiếm hoi, chúng tôi xin được trút xuống ngay đoàn quân địch đang di chuyển dài trên một cây số. Tinh thần những ngày cuối cùng còn in trong trí lại bị chết sững bởi lịnh đầu hàng oan nghiệt.”
Mười năm bị tù đày, hết bảy năm trên đất Bắc, Trạch Gầm đã cho ra đời nhiều bài thơ, trong đó có bài “Đứng Trên Hoàng Liên Sơn”: “Tay ta quạnh hiu, tay ta quạnh hiu/ Ta vớt mây trời, mây cũng buồn thiu/ Nỗi nhớ chao ôi bao nhiêu nổi nhớ/ Ngày lại qua ngày còn được bao nhiêu. Ta lại lầm bầm! vô duyên thân phận/ Đã hơn mười năm ngang dọc đất trời/ Ta không vô tình, ta đâu biết được/ Ta lại có ngày đau quá đi thôi.”
1985, sau khi ra tù, Trạch Gầm đã đi vượt biên nhiều lần, nhưng không thành công. Buồn quá, Trạch Gầm bèn cưới vợ: “Ừ thì buồn ta cưới vợ chơi/ Có em ta cũng đủ quen đời/ Phong trần gãy cánh còn tay trắng/ Cạn chén Hồ Trường mở cuộc vui. Cùng ta bản án kết chung thân/ Chẳng chắc gì em chẳng chọn lầm/ Một nửa đời đau trong gió cát/ Ta còn mơ tưởng chuyện núi sông.”
Sau đó vợ chồng Trạch Gầm và con gái đầu lòng được định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Khi đến Mỹ, vài năm sau ông có thêm một người con gái nữa.
Nhưng rồi Trạch Gầm chia tay với người vợ đầu đời. Và, hiện tại đang sống với hai người con cùng người bạn tâm đầu, mà ông thường giới thiệu cùng bạn bè, một nửa đời của ông có tên là Yên Ly.
Hơn 20 năm trên đất khách, Trạch Gầm đã cho ra đời hàng trăm bài thơ, hàng trăm truyện ngắn nói về cuộc đời lính của ông qua những tác phẩm: “Vụn Vặt,” “Ráng Chịu,” “Dấu Giày Chinh Chiến,” “Bên Lề Cuộc Chiến,” “Nhốt Vòng Nhớ Thương,” “Chôn Lầm Huyệt Nhớ.”
Bạn bè thường gọi ông là “người lính làm thơ” và thơ ông có trên 100 bài được trên 16 nhạc sĩ hải ngoại phổ nhạc.
“Cứ ráng chịu. Tin có ngày mai đẹp/ Bỏ nụ cười vào túi rong chơi/ Ta xin cả những gì người thua thiệt/ Đốt từng trang, thắp sáng cuộc đời. Trang nhật ký người lại thêm nước mắt/ Ráng chịu te tua, ráng chịu tận cùng/ Bọn ta sống, sao quê hương lại mất/ Xót xa này còn ráng chịu nỗi không?” (trích trong bài thơ “Ráng Chịu” của Trạch Gầm). (Lâm Hoài Thạch)