20.10.2015
Một nhóm hơn 100 người Việt vừa ký tên vào một bức thư ngỏ gửi cho chính phủ Việt Nam để phản đối chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như kêu gọi Hà Nội “hủy bỏ ý định đón tiếp” ông Tập.
Bức thư đề ngày 15/10, và được phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội, có đoạn:
“Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, công bố bản lên tiếng này nhằm thể hiện tiếng nói của những người Việt Nam quan tâm đến vận mệnh đất nước và góp phần kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc trước một hiểm họa nghiêm trọng”.
“Xây dựng nội lực dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh và xây dựng hợp tác hữu nghị với những nước có cùng mục tiêu là yếu tố then chốt để giúp chúng ta giữ được sự độc lập và chủ quyền đối với Trung Quốc,” bức thư viết tiếp.
Ký tên phản đối
Không phải chỉ có mình tôi mà có rất nhiều người ký vào đơn phản đối chuyến thăm của ông Tập Cận Bình vì gần đây Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động gây hấn trên biển Đông, cũng như trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách xâm lăng cả về kinh tế, chính trị lẫn lãnh thổ đối với Việt Nam.”
Blogger Lê Anh Hùng cho biết.
Blogger Lê Anh Hùng, nhà bất đồng từng nhiều lần xuống đường biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội trong những năm qua, là một trong những người ký tên vào bức thư.
Ông Hùng cho VOA Việt Ngữ biết lý do dẫn tới hành động của mình:
“Không phải chỉ có mình tôi mà có rất nhiều người ký vào đơn phản đối chuyến thăm của ông Tập Cận Bình vì gần đây Trung Quốc càng gia tăng các hành động gây hấn của họ trên biển Đông, cũng như là trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách xâm lăng cả về kinh tế, chính trị lẫn lãnh thổ đối với Việt Nam.”
Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng phản hồi trước bức thư của các nhà hoạt động của Việt Nam.
Hồi giữa năm ngoái, hàng chục nhân sỹ, trí thức có tiếng ở trong nước đã viết một bức thư ngỏ gửi Ban chấp hành trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó kêu gọi “nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhằm phát huy thế mạnh chính nghĩa” của Việt Nam.
Hơn một năm trôi qua, chính quyền Hà Nội cũng chưa hồi đáp lời kêu gọi của các đảng viên lão thành.
Nhưng trong bức thư ngỏ mới nhất, các nhà hoạt động tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam đưa Bắc Kinh ra tòa.
Thư có đoạn: “Đây cũng là lúc phải xét lại mối quan hệ với Trung Quốc, xét lại những cái gọi là “4 Tốt” hay “16 Chữ Vàng”, xét lại tất cả những ký kết không bình đẳng từ trước đến nay và phải từ bỏ biện pháp đối thoại song phương với Trung Quốc, vì đây chính là cái bẫy của Bắc Kinh. Thay vào đó, hãy dùng tòa án quốc tế để đối phó với Trung Quốc như là Philippines đang làm.”
Cũng giống như blogger Lê Anh Hùng, những hành động lấn lướt của Trung Quốc trên biển Đông đã khiến nhà hoạt động xã hội Lã Việt Dũng ký vào thư ngỏ. Ông Dũng nói thêm với VOA Việt Ngữ:
“Trung Quốc luôn luôn khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc liên tục xây đảo, lấn biển. Trung Quốc liên tục đánh đập ngư dân Việt Nam và tìm mọi cách để lũng đoạn và đưa Việt Nam vào vòng lệ thuộc. Tôi cho rằng dân chúng Việt Nam hiện rất là căm phẫn trước các hành vi của Trung Quốc và tỏ thái độ rất là rõ ràng với những hành vi đó. Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh như vậy thì chính quyền Việt Nam không nên mời Tập Cận Bình tới.”
Trung Quốc liên tục xây đảo, lấn biển. Trung Quốc liên tục đánh đập ngư dân Việt Nam và tìm mọi cách để lũng đoạn và đưa Việt Nam vào vòng lệ thuộc. Tôi cho rằng dân chúng Việt Nam hiện rất là căm phẫn trước các hành vi của Trung Quốc và tỏ thái độ rất là rõ ràng với những hành vi đó.
Nhà hoạt động xã hội Lã Việt Dũng nói.
Ông Dũng cho biết, dù ký, nhưng ông “không có niềm tin là chính quyền Việt Nam vì những bức thư thế này mà sẽ không mời ông Tập Cận Bình nữa”.
Chỉ là hình thức?
Blogger Hùng cũng “không kỳ vọng Việt Nam sẽ rút lại lời mời Chủ tịch Trung Quốc tới thăm”. Nhà bất đồng chính kiến này nói thêm:
“Đương nhiên thì đây là một cái kênh để mà chính phủ Việt Nam cần phải lắng nghe những dư luận bức xúc của công chúng về tình hình đất nước ngày càng rơi vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng mà đương nhiên chuyến thăm này nó vẫn diễn ra vì đây là thông lệ ngoại giao bình thường trong bang giao quốc tế. Nhưng mà những tiếng nói như cái đơn thư của chúng tôi là một hình thức để thể hiện đối với chính phủ rằng người dân ngày càng quan tâm tới tình hình đất nước hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc không che giấu tham vọng của họ ở biển Đông. Tiếng nói của chúng tôi là hồi chuông báo động đối với chính phủ về tình trạng Việt Nam ngày càng lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc.”
Hiện chưa có thời gian ấn định cho chuyến thăm tới Việt Nam của ông Tập. Trong một cuộc họp báo mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết nhà lãnh đạo Trung Quốc đã “nhận lời sang thăm Việt Nam”, nhưng không cho biết ngày giờ cụ thể.
Đương nhiên chuyến thăm này nó vẫn diễn ra vì đây là thông lệ ngoại giao bình thường trong bang giao quốc tế. Nhưng mà những tiếng nói như cái đơn thư của chúng tôi là một hình thức để thể hiện đối với chính phủ rằng người dân ngày càng quan tâm tới tình hình đất nước hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc không che giấu tham vọng của họ ở biển Đông…
Blogger Lê Anh Hùng nói.
Cuối tháng trước, ông Tập Cận Bình cũng đã vấp phải sự phản đối của người Mỹ gốc Việt khi tới thăm Hoa Kỳ.
Khi ông Tập gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhiều người Việt sinh sống ở khu vực thủ đô Washington và vùng phụ cận đã tập hợp ở phía trước Nhà Trắng để phản đối “chính sách bàng trướng lãnh thổ và xâm chiếm biển Đông” cũng như “tham vọng Hán hóa khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam”.
Cũng trong chuyến đi tới Mỹ để tham dự phiên họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc cùng thời gian, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã thẳng thắn đáp trả bình luận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Trường Sa “thuộc về Trung Quốc từ thời xa xưa”.
Ông Sang tuyên bố rằng Hoàng Sa và Trường Sa “thực sự thuộc về tổ quốc Việt Nam của chúng tôi”.