Cát Linh, phóng viên RFA
2015-10-20
2015-10-20
Vietnameria, bộ phim đang gây chú ý rất nhiều cho giới sử gia, tác giả, giới làm phim và các cơ quan truyền thông Việt, Mỹ có buổi ra mắt tại Viện Bảo tàng truyền thông Hoa Kỳ Newseum. Đặc biệt, nơi đây cũng là nơi đang diễn ra cuộc triển lãm Reporting Việt Nam, cuộc triển lãm về chiến tranh Việt Nam được Newseum cho là lớn nhất trong 50 năm qua.
Hơn một triệu người miền Nam Việt Nam lên tàu vượt biển mong tìm đến bến bờ tự do!
Khoảng 400 ngàn người bỏ mạng trên biển cả!
Những ngôi mộ không tên, những người chết không tìm thấy xác…!
Đó là những hình ảnh lịch sử, những con số biết nói và nhiều câu chuyện của những cuộc đời 40 năm sau mà mọi người nhìn thấy trong buổi ra mắt phim Vietnameria tại Viện Bảo tàng truyền thông Hoa Kỳ Newseum cuối tuần qua.
Đây là sự kiện đặc biệt của cộng đồng người Việt hải ngoại, khi bộ phim về chiến tranh Việt Nam, do chính người Việt thực hiện được Viện Bảo truyền thông Hoa Kỳ Newseum bảo trợ buổi ra mắt tại nơi được coi là viện Hàn lâm, là chuẩn mực của ngành truyền thông Hoa Kỳ.
Những ai có mặt tại đêm ra mắt phim cuối tuần qua sẽ cảm nhận được tính chất đặc biệt về nội dung và ý nghĩa của Vietnameria khi nhìn thấy sự tham dự của những quan khách như cựu Đại sứ Bùi Diễm, Chuẩn tướng Lương Xuân Việt, Đại sứ Kenneth Moorefield, đại diện ban Sử Hải quân Hoa Kỳ, ông Jan Herman, Lục quân Hoa Kỳ, ông David Vergan, và đặc biệt là đài truyền hình quốc gia C-Span.
“Tôi thấy không khí nhộn nhịp thì lòng tôi không nhộn nhịp vì phải trải qua một thảm kịch 40 năm trước và cùng gia đình lúc cuối cùng phải rời đất mẹ để tới đây làm lại cuộc đời. Đối với tôi là một thảm kịch, tôi nghĩ không thể nào quên được vì dù rất là khó nghĩ lại những lúc đau khổ đó, nhưng cũng phải quan trọng để mình dạy dỗ cho con mình thế hệ sau, cho những người học hỏi từ trong thảm kịch này, để giúp đỡ cho nhân loại, cho đất nước.”
Đó là tâm trạng của Chuẩn tướng Lương Xuân Việt, người cùng gia đình đặt chân đến Mỹ vào năm 1975, khi ông chưa đầy 10 tuổi.
Đối với tôi là một thảm kịch, tôi nghĩ không thể nào quên được vì dù rất là khó nghĩ lại những lúc đau khổ đó, nhưng cũng phải quan trọng để mình dạy dỗ cho con mình thế hệ sau, cho những người học hỏi từ trong thảm kịch này, để giúp đỡ cho nhân loại, cho đất nướcChuẩn tướng Lương Xuân Việt
Bên cạnh đó, không thể vắng mặt những người đã góp phần gìn giữ và phát huy nền văn hoá và trang sử hào hùng của Việt Nam như giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nhà văn Sơn Tùng, bà Trương Anh Thuỵ, nữ tài tử Kiều Chinh…
Tướng Lương Xuân Việt trả lời phóng viên Cát Linh đài RFA tại Viện Bảo tàng truyền thông Hoa Kỳ Newseum
Họ là những người Mỹ gốc Việt, những người đã đến miền đất tự do bằng con đường vượt biển. Họ là đại diện cho một cộng đồng đã đặt tên cho một đoạn đường trong cuộc đời mình là “Boat people”.
Trong gần trăm người có mặt tại buổi ra mắt Vietnamerica, không phải chỉ có những người mà có thể gọi họ là chứng nhân lịch sử, mà còn có những gương mặt rất trẻ, như trung uý Michael Nghĩa Nguyễn, đang theo ngành Medical Service Army course, cho biết em đến với bộ phim vì:
“Nhớ lại những hình ảnh chiến tranh Việt Nam, rất muốn đi xem phim để xem history của mình ra sao.”
Theo như lời nhà báo Triều Giang, người thực hiện bộ phim thì VIETNAMERICA là “bộ phim nói về lịch sử của người Mỹ gốc Việt, cái lịch sử đau thương lúc ban đầu nhưng mà mình cũng vượt qua được, vượt qua được tất cả.”
Phần xúc động nhất và lắng đọng nhất chính là phần nói về thảm trạng thuyền nhân. Từ ánh mắt hãi hùng, tuyệt vọng của những người đàn ông, lẫn đàn bà, cho đến tiếng khóc ngơ ngác của trẻ thơ đã được tái hiện chầm chậm trung thực trong một phần đặc biệt dài 18 phút.
Chắc chắn sẽ có rất nhiều người ngồi trước màn ảnh đêm hôm đó đã nhìn thấy cuộc đời của mình qua 18 phút phim ấy.
Sự thật của lịch sử
Phim Vietnameria ra mắt tại Viện bảo tàng truyền thông Hoa Kỳ Newseum, nơi đang diễn ra cuộc triễn lãm Reporting Vietnam, cuộc triển lãm mà Newseum xem như là một cuộc triển lãm quan trọng nhất trong 50 năm qua (1965-2015) về chiến tranh Việt Nam. Dọc theo hành lang đi vào cuộc triển lãm, người xem sẽ nhìn thấy rất nhiều những hình ảnh, bài viết có lời dẫn giải mang tính tiêu cực về cuộc chiến, như hai tấm ảnh lịch sử ‘Sài Gòn xử tử” của cố ký giả Eddie Adam và tấm ảnh Kim Phúc chạy trốn khỏi vùng bị thả bom của phóng viên chiến trường Nick Út đã chụp. Cả hai tấm ảnh này đều được đặt ở hai nơi trang trọng trong cuộc triển lãm.
Một số thành viên trong Ban Tổ chức của Newseum và hội VAHF. Tứ trái: Jesica Dayton, lo về vấn đề tiếp tân, John Maynard, Giám đốc Chương trình, Christopher Ford, Ban khánh tiết,Hoàng Dung, Trưởng Ban Tổ chức, nhà Sản suất Nancy Bùi, Ông Eddie Munden, Ban Kỹ thuật (Courtesy vietvungvinh)
Người xem sẽ được nghe, nhìn những video tư liệu về những cái chết thảm khốc, những trận đánh ác liệt trên chiến trường.
Và đặc biệt, người xem sẽ không nhìn thấy bất kỳ hình ảnh hay tư liệu nào mô tả về cuộc di tản lịch sử của hơn 2 triệu người Việt Nam ngay và sau ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Đây là bộ phim nói lên những sự thật mà từ trước đến giờ người Mỹ không nói, giờ do chính người Việt Nam làm ra. Thành ra tôi thấy cái đó rất quan trọng với người Việt, những thế hệ cũ cũng như thế hệ lớn lên ở Mỹ không biết về lịch sử và chiến tranh Việt NamNhà văn Sơn Tùng
Đây là lý do cuộc triển lãm đã bị một số những phê bình gay gắt, nhất là từ những giới cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Và cũng chính là lý do mà theo hội Bảo tồn văn hoá và lịch sử người Mỹ gốc Việt (VAHF) cho biết Newseum nhận bảo trợ phim ra mắt Vietnamerica tại đây như một thiện chí nhằm thêm vào những thiếu sót của cuộc triển lãm.
Những người Mỹ gốc Việt có mặt trong buổi ra mắt phim cũng vì lý do này, như nhà thơ Lê Thị Ý cho biết.
“Đây là một dịp để mình cho người ta biết rằng những đau khổ của mình, bất hạnh của mình ra làm sao. Cũng như mình muốn giải toả những hiểu lầm mà thế giới đã hiểu sai về mình.”
Hoặc chuẩn tướng Lương Xuân Việt, người xuất hiện trong bộ phim như một đại diện cho một thế hệ boat people lớn lên và thành công ở Mỹ cho biết ông nhìn thấy chính ông và nhiều gia đình Việt Nam khác nữa đã phải trải qua cuộc thảm não tang thương của giai đoạn lịch sử lúc đó. Chính vì vậy mà ông muốn đóng góp một phần của mình.
“Tôi muốn tới đây để muốn biết thêm những điều đó, và cũng muốn giúp cho chị Triều Giang để bảo tồn cho lịch sử đó. Vì sau khi quân đội đồng minh rời khỏi Việt Nam năm 1971, về phần lịch sử đó thì một là chỉ một bên viết thôi mà phần đông là báo bên phản chiến, phần sự thật của quân lực việt nam cộng hoà và sự đau khổ của nhân dân Việt Nam thì tôi thấy không nằm trong lịch sử.”
Nhà văn Sơn Tùng thì cho rằng đây là một bộ phim có ý nghĩa rất lớn cho người Việt cũng như thế giới.
“Bộ phim này rất có ý nghĩa với người Việt Nam củng như với công chúng Mỹ, vì nó nói lên sự thật từ trước đến nay, những tin tức đã bị bóp méo hay là bịa đặt từ những chương trình truyền hình hay báo chí của Mỹ, làm cho quần chúng Mỹ có những ngộ nhận sai lầm về chiến tranh Việt Nam. Đây là bộ phim nói lên những sự thật mà từ trước đến giờ người Mỹ không nói, giờ do chính người Việt Nam làm ra. Thành ra tôi thấy cái đó rất quan trọng với người Việt, những thế hệ cũ cũng như thế hệ lớn lên ở Mỹ không biết về lịch sử và chiến tranh Việt Nam.”
Phần lớn những người có mặt tại buổi ra mắt phim đều cho rằng hãy trả lại cho lịch sử những gì thuộc về lịch sử, hãy để cho con cháu chúng ta và toàn thế giới hiểu về chiến tranh Việt Nam một cách đúng nhất và trung thực nhất. Theo họ, đó là những gì mà Vietnamerica muốn gửi đến mọi người.