TẤM GƯƠNG THANH LIÊM, ĐỨC HẠNH CỦA ÔNG NỘI TÔI (Hoài Nam)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
(Bài này đã được đăng ở thi tập Hoa Tiên 50 – Trích đăng lại đây để kính bái Hương linh Ông Mệ nội)
Tác giả HOÀI NAM
Sau khi cướp trọn miền Nam, 30/4/1975, Cộng sản Bắc Việt (CSBV) đã tiến hành bước thứ hai là tiến đánh Campuchia. Chúng lục lạo tìm tòi tất cả các thanh niên trong làng, bắt gia nhập quân đội Việt Cộng. Thời đó, tự dưng một ý niệm thoáng lên trong đầu tôi là, tại sao CSBV gọi 30/4 là ngày “giải phóng thống nhất đất nước” nhưng trong thời bình, sau chiến tranh đã kết thúc, chúng lại xua quân tiếp tục gây chiến với nước láng giềng? Do nhận diện được những tham vọng gian xảo của đảng CSBV, tôi quyết định trốn lính !
Ông nội tôi đã lên vùng đất “kinh tế mới Khe Sến” làm rẫy trồng sắn, kiếm sống cho gia đình. Cuối mùa, bán sắn, thu được chừng 250 đồng tiền Hồ. Năm đầu, bọn công an xã lùng bắt tôi đi lính, ông nội tôi liền dùng tất cả số tiền làm rẫy, hối lộ cho chúng để tôi được miễn quân dịch. Nhưng đến năm sau, chúng bố ráp bắt tôi đi lính lại lần nữa. Nhà đã nghèo xơ xác, không còn tiền bạc hối lộ cho chúng, cũng chẳng còn nơi dung thân; tôi đành phải trốn chui, trốn nhủi khắp làng này đến xóm nọ, ngày đục vào lu, đêm ngủ nhờ nhà ngoại.
Nhìn cảnh khốn đốn, đau thương đó của tôi; mệ Vàng, một vị ân nhân ở cạnh vùng biển, thương xót hứa giúp tôi vượt biển. Khi thời điểm thuận lợi đến, mệ ấy sẽ cho hay.
Nhà tôi nghèo nhất trong làng Lương Viện, toàn vách mái lá tranh. Bữa ăn thì lúc rau, lúc khoai, lúc sắn. Trong nhà nghe nói là còn giữ lại 2 chỉ rưởi vàng. Có một lần, vì quá túng thiếu, gia đình bàn cãi định mang 2 chỉ rưỡi vàng đó đi bán để mua thức ăn, ông mệ tôi nói rằng để lại mà lo việc cưới hỏi cho tôi. Dù cơm không có ăn, áo không có mặc nhưng ông mệ tôi quyết định giữ số vàng kia lại. Ông nói, ngày đám cưới cho cháu nội đời một lần, mà không có gì lo cho cháu thì hơi “ốt dột” vời hàng xóm!
Đêm 22/7/1981, mệ Vàng cho người đến báo tôi đi vượt biển. Đêm đó ra đi, tôi và người yêu (là vợ tôi hôm nay) liền đến quỳ lạy giã từ hai bên cha mẹ. Ngay lúc đó, tôi thưa với ông mệ nội của tôi rằng, “Thưa ông mệ, nghe nói nhà mình có 2.5 chỉ vàng định cho con làm đám cưới, nhưng nay mệ Vàng cho con đi vượt biển, công ơn của mệ thì mình không có chi báo đáp. Vậy xin ông mệ cho con mang 2.5 chỉ vàng đó lên biếu mệ Vàng để mệ dùng trà như là để đền đáp ơn mệ”. Chẳng cần ngậm ngự suy nghĩ gì cả, ông nội tôi nói ngay là được, rồi ông bảo gia đình đi lấy cho tôi mang theo. Nhà nghèo mà ông mệ đã trọng hai chữ ÂN NGHĨA như vậy đó! Tôi cũng đã nhờ đức của ông mệ mà vươn lên, thoát qua biết bao nhiêu tai nạn, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống đương thời!
Tôi luôn chiêm nghiệm rằng, giả như ông mệ tôi là người tham lam, coi trọng tiền tài, vô ơn, bạc nghĩa, thì khi nghe tôi yêu cầu như vậy, ông mệ phản hẳn đã phản đối ngay rằng “Mệ Vàng đã thương cho mầy đi, mệ ấy đâu có đòi hỏi tiền đòi bạc gì mà mầy đòi mang vàng đến cho mệ? Gia tài chỉ còn 2.5 chỉ vàng dành dụm thôi, cứ để nó lại cho gia đình xài!” Nhưng đây, ông không một lời phản đối, lại còn khuyến khích!
Ông nội tôi dẫn hai đứa chúng tôi ra bãi biển. Khi đến bãi biển, vì sợ lũ công an phát hiện, chúng tôi phải trốn trong lùm cây nên không thể giao trực tiếp 2.5 chỉ vàng cho mệ Vàng. Những người khác trong chuyến đi thì đã tập trung ở bãi biển rồi, không còn thời gian vào nhà mệ Vàng để gặp mệ ấy được, tôi lại thưa với ông tôi rằng: “Ông ơi! Số vàng này chưa trao cho mệ Vàng được. Vậy nhờ ông mang về trao cho mệ giúp con một tí”. Ông liền khuyên rằng: “Con giữ đi, rồi khi lên ghe (thuyền) trao cho chú Đủ (con của mệ Vàng) để chú ấy gởi về cho mệ!”
Lại một lần nữa, nếu là ai khác, vốn đã nghèo, lòng tham hẳn nổi lên, giả bộ đồng ý trao cho mệ Vàng, rồi lén lút tiêu xài, đâu ai hay biết?
Cho nên, nghĩa cữ cao đẹp tuyệt trần này của ông nội tôi đã ghi đậm trong tâm trí tôi ngàn đời, và cho dù sau này có tái sanh làm loài khác cũng chẳng thể nhạt phai! Bởi vậy trong đời tôi đã tâm kết lời thề: “Ơn nghĩa trong đời của những vị đã cứu giúp tôi, phải tuyệt đối giữ tròn. Dù có nghèo trắng tay đến chết, tôi sẽ cam chịu chết, tuyệt đối sẽ không bao giờ trở lòng tham làm những việc bá đạo, tuyệt đối không bao giờ bất hiếu với ông mệ trong lãnh vực vi phạm đạo đức!”
Nhớ thuở tôi mới tròn 5 tuổi, ông nội tôi nằm vòng trên lưng tôi, cầm tay tôi uốn nắn dạy tôi tập viết bốn chữ nho đầu tiên trong đời “Thiên – Hạ – Thái – Bình” và luôn miệng nhắc nhở “Nghèo cho sạch, rách cho thơm, nghe con!”. Ông mệ của tôi suốt đời thanh bần, đức hạnh ai ai trong làng xóm cũng ngưỡng mộ, kính phục. Và, đó là một tấm gương soi sáng mãi mãi cho tôi trong kiếp sống tạm bợ ở đất khách quê người!
Kính bái!
Cháu nội của ông mệ.
Hoài Nam Phạm Văn Giáo