LỚN LÊN VỚI VÕ ĐÔNG SƠ (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Đoản văn cuối tuần.

Khi mẹ tôi qua đời cha tôi chôn giấu nỗi buồn phiền trong chén rượu và những bài ca cổ. Ông thích hát bội. Cha tôi thuộc nhiều tuồng hát bội và tên các nghệ sĩ hát bội nổi tiếng thời đó như Đội Tảo, Cô Dần, Cô Liễu. Ông có giọng tốt và thường là người đọc các sớ điệp trong các lễ hội của làng.
Buổi chiều, sau một ngày đầu tắt mặt tối bên khung cửi, cha tôi đến quán của cô Ri uống rượu với bạn. Nếu đi băng thì chỉ qua một góc vườn là tới quán của cô. Nhiều hôm tôi phải tới quán năn nỉ cha về. Có lần cha tôi say khướt, ngã xuống ven đường, tôi đỡ không nỗi, đứng khóc. Nhưng rồi cha con cũng xoay xở về nhà.
Ban đêm sau khi tôi học bài xong, cha tôi ru tôi ngủ bằng những câu chuyện lịch sử. Ông thường kể chuyện “Gia Long Phục Quốc” đầy thăng trầm của chúa Nguyễn. Tôi không biết ông đọc sách đó ở đâu nhưng kể rất chi tiết. Sau này tìm hiểu tôi biết “Gia Long Phục Quốc” của Tân Dân Tử phát hành năm 1932 là một trong những cuốn truyện dã sử ra đời rất sớm.
Tôi không còn nhớ cốt truyện nhưng giọng ấm áp của cha tôi như những giọt nước chảy vào tâm hồn đứa con trai sáu tuổi của ông vẫn còn lắng đọng tới bây giờ.
Những đêm khuya thanh vắng, cha tôi dạy tôi hát những điệu Nam Ai trích trong các tuồng hát bội. Một lần ghé thăm nhà văn Trung Nhân ở Philadelphia, anh rất ngạc nhiên khi tôi biết hát bội mà còn biết cách xuống Nam Ai đầy não nuột. Điệu Nam Ai, tương tự như xuống vọng cổ trong các vở cải lương, là điệu hát buồn để tả cảnh chia tay, ly tan người đi kẻ ở. Tôi được cha tôi dạy những điệu khác như Nói Lối, Hát Khách, Tẩu Mã v.v.., nhưng quên hết.
Tôi thích hát vọng cổ hơn hơn là hát bội. Ngày đó, nơi làng quê khuất dưới rặng tre, những điệu ‘bolero’ hay nhạc tiền chiến chưa được biết đến nhiều.
Cha tôi là một Phật tử. Ông là đệ tử của Hòa thượng chùa Viên Giác và được bổn sư ban pháp danh Như Hồng. Cha tôi yêu đạo Phật nhưng khác với phần đông dân chúng ở miền quê, cha tôi không mê tín và ít đến chùa. Ông chỉ biết đạo Phật là đạo từ bi nên muốn tôi cũng được nuôi dưỡng trong tinh thần đó.
Một ngày cuối năm nhân dịp lễ Phật Thành Đạo, cha tôi dắt tôi đến chùa Ba Phong ở cuối làng để xin cho tôi được gia nhập Gia Đình Phật Tử (GĐPT). Tôi thuộc đội đồng niên. Sau lễ Phát Nguyện, tôi chính thức trở thành một đoàn viên GĐPT với pháp danh Thị Nghĩa.
Ở đó, trong sân chùa rộng nhìn ra sông Thu Bồn hiền hòa như Quê Hương, tôi được làm quen với nhiều bạn cùng đội, cùng đoàn và nhất là các anh chị trưởng trong GĐPT. Các anh chị biết hoàn cảnh hẩm hiu của tôi nên săn sóc tôi ân cần hơn các bạn khác. Các chị thường dắt tôi về nhà ăn cơm, có khi vá những chỗ rách nhỏ trên vai áo, đơm nút áo cho tôi.
Tôi gắn bó với GĐPT không chỉ vì những lời phát nguyện mà còn vì tình cảm. Các anh chị và các bạn là một phần đời sống của tôi trong thời thơ ấu ở Duy Xuyên. Những ánh mắt hiền hòa, nụ cười tươi, lời nói ân cần của họ vẫn theo tôi cho tới bây giờ.
Một huynh trưởng có ảnh hưởng đến tôi nhiều là trưởng Nguyễn Đình Nhiều. Anh là một nghệ sĩ có rất nhiều tài. Anh viết tuồng, viết kịch, đóng kịch, hát bội, hát cải lương, ca vọng cổ. Lãnh vực văn nghệ nào anh cũng biết và say mê theo đuổi. Anh Nhiều quê Quế Sơn nhưng từ khi về sống ở làng Mã Châu anh sinh hoạt trong cùng một GĐPT với tôi. Đại Đức Đặc Ủy Thanh Niên Tỉnh Giáo Hội Quảng Nam rất quý mến anh.
Ở chùa Ba Phong, anh Nguyễn Đình Nhiều tập tôi hát vọng cổ. Bên cạnh các bài ca vọng cổ mang màu sắc đạo Phật, anh còn tập tôi hát bài vọng cổ Võ Đông Sơ.
Bài vọng cổ này trở thành bài hát ruột của tôi. Nhiều nghệ sĩ hát Võ Đông Sơ nhưng tôi thích nhất là Minh Cảnh. Không chỉ trong sinh hoạt GĐPT mà cả khi tôi vào lớp đệ thất (lớp 6) và đệ lục (lớp 7) tôi vẫn hát Võ Đông Sơ trong các chương trình thi nhạc và năm nào cũng được thầy Phùng Ngọc Nhựt, dạy môn nhạc ở Trung Học Duy Xuyên (Sào Nam), trao giải nhất.
Đoàn văn nghệ của huynh trưởng Nguyễn Đình Nhiều, trực thuộc GHPGVNTN Quảng Nam, đi trình diễn nhiều nơi trong tỉnh. Năm đó tôi khoảng mười tuổi và được cha tôi cho phép đi theo đoàn.
Sau một màn kịch hay cải lương và cần phải thay đổi cảnh trí, huynh trưởng Nguyễn Đình Nhiều bảo tôi ra ngoài tấm màn chính hát sáu câu vọng cổ cho bà con nghe để khỏi nóng lòng chờ đợi.
Ngoài những bài vọng cổ mang tinh thần Phật Giáo, tôi cũng hát Võ Đông Sơ. Thầy Đặc Ủy Thanh Niên rất thích và chăm chú lắng nghe cậu bé trong đội đồng niên hát Võ Đông Sơ.
Rồi Tết Mậu Thân đến, cha tôi mất và nhà tôi bị cháy, tôi lưu lạc vài nơi trước khi đến chùa Viên Giác xin ở trọ.
Trước khi đảnh lễ Thầy trụ trì tôi rất hồi hộp. Biết đâu vì lý do nào đó Thầy không đồng ý thì sao. Tôi có hoàn cảnh khó khăn nhưng không phải là đứa bé duy nhất gặp khó khăn trong thời buổi chiến tranh. Hàng trăm đứa bé mồ côi như tôi sống lây lất trên những vỉa hè Đà Nẵng. Tôi gặp các bạn đó nhiều lần ở Chợ Cồn, bên ngoài rạp Trưng Vương, dọc bến phà qua An Hải.
Nhưng khi nghe tôi kể lại những khó khăn và xin Thầy cho phép tôi ở lại chùa để đi học tiếp, Thầy trụ trì trả lời không suy nghĩ: “Con ở lại chùa ăn học.”
Thầy trả lời nhanh và không thắc mắc gì khác phần lớn là do hoàn cảnh đáng thương của tôi.
Nhưng sau này tôi suy nghĩ lại nếu chưa bao giờ biết tôi trước liệu Thầy có trả lời nhanh hay cần phải suy nghĩ thêm trước khi quyết định. Chắc chắn tình cảm của Thầy dành cho tôi trước đó có tác động đến quyết định nhanh chóng của Thầy.
Tôi cám ơn Thầy nhưng cũng nên cám ơn mọi nhân duyên, trong đó có trưởng GĐPT Nguyễn Đình Nhiều và nhân vật dã sử Võ Đông Sơ. Họ, dù là người có thật như huynh trưởng Nguyễn Đình Nhiều hay hư cấu như Võ Đông Sơn đều là những giọt nước từ tâm tưới lên cành đời tôi để nở thành một bông hoa đẹp trong buổi sáng năm ấy ở chùa Viên Giác.
Trong suốt thời gian tôi ở chùa Viên Giác, thầy trò chúng tôi không nhắc gì tới đoàn văn nghệ hay bài vọng cổ Võ Đông Sơ nữa. Chiến tranh lan rộng. Nhiều đoàn người từ trên quê chạy xuống Hội An sống trong các trại tạm cư ở Thanh Đông hay ở ngay chung quanh chùa. Kỷ niệm mới đó mà tưởng chừng xa xôi lắm.
Tôi vẫn còn nhỏ nhưng cũng biết tuổi thơ mình đã qua rồi. Hôm đó là ngày tôi chia tay với Võ Đông Sơ để bước vào chặng đời mới dưới bóng đa chùa Viên Giác Hội An.
Trần Trung Đạo
https://www.facebook.com/photo/?fbid=6448297288527536&set=a.424767094213949