Cuộc chiến Việt Nam trên mặt trận quân sự thật sự chấm dứt lúc 1:15 trưa ngày 1-5-1975 sau khi Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, tỉnh trưởng, kiêm Tiểu Khu Trưởng Chương Thiện cùng các chiến sĩ dưới quyền bị sa vào tay giặc. Trước đó một ngày, tức là vào lúc 10:30 sáng ngày 30-4-1975, TT Dương Văn Minh kêu gọi các đơn vị, các cấp thuộc QLVNCH buông súng, sau này cũng có người gọi ông Dương Văn Minh là Tổng Thống “vi hiến.” Trong phạm vi bài viết này, tôi không bàn về hai chữ “vi hiến” hay hợp hiến, mà tôi chỉ nhắc lại giờ phút lịch sử sang trang máu, để cùng chia sẻ niềm đau thương dân tộc và “Vinh Danh-Tưởng Niệm-Tri Ân” những Người Lính VNCH.
Sau lời kêu gọi buông súng của ông Dương Văn Minh, một số Đơn Vị Trưởng và cấp Chỉ Huy vì không muốn người dân và thuộc cấp phải đổ máu trong giờ thứ 25, nên đã ra lệnh kéo mảnh vải trắng lên ngọn cờ tại đơn vị, chấp nhận chấm dứt chiến tranh. Từ ngày đau thương đó đến nay đã 47 năm, mảnh vải trắng đó bị xem là lá cờ đầu hàng. Không, VNCH bị bán đứng chớ Người Lính VNCH không thua; Miền Nam Việt Nam bị Cộng Sản cưỡng chiếm, nhưng Người Lính VNCH không đầu hàng. Người Lính VNCH chẳng những can trường để chiến thắng mà còn can trường ngay cả trong chiến bại.
Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn đã hãnh diện và hiên ngang thay mặt cho toàn thể QL/VNCH chứng minh điều đó. Người Lính VNCH không bao giờ thua hoặc đầu hàng Cộng Sản. Mảnh vải trắng được Người Lính VNCH trân trọng, nghiêm trang từ từ kéo lên đỉnh ngọn cờ, kèm theo hai dòng lệ nhạt nhòa trong ngày tang thương đó là “Vành Khăn Tang Tổ Quốc”!
Mùa Xuân đến rồi qua đi, để lại trong lòng người Việt tha hương một nỗi buồn man mác trên con đường viễn xứ… Tháng Tư lại đến, gợi nhớ trong chúng ta một Tháng Tư của 47 năm về trước… Một Tháng Tư mà cả một quân đội hùng mạnh, thiện chiến nhất Đông Nam Á phải tan hàng vì sự phản bội của đồng minh, một quân đội bách chiến, bách thắng bị trói tay trên bàn cờ chính trị thế giới; Một Tháng Tư mà cả quê hương Việt Nam bị Cộng Sản nhuộm đỏ bằng máu của Quân Dân Cán Chính VNCH; Một Tháng Tư mà cả một dãy giang san Việt Nam hoa gấm bị bọn Cộng Sản phá tan nát, nhận chìm trong máu và nước mắt của 90 triệu dân Việt trong suốt 47 năm qua. “Tháng Tư Đen 1975”…!
Ngược dòng lịch sử… Trong suốt chiều dài của cuộc chiến trên quê hương Việt Nam, Người Lính VNCH đã dâng hiến cả cuộc đời cho quê hương, Tổ Quốc, đem sinh mạng của mình đặt trên đường bay của đạn để hoàn thành danh dự, trách nhiệm mà Tổ Quốc đã giao phó: “Bảo Quốc-An Dân.”
Chúng ta không thể nào quên được hình ảnh Người Lính VNCH bước trên những đống gạch vụn đổ nát trộn lẫn xác đồng đội và giặc thù dưới từng cơn mưa đạn của địch quân giăng kín cả đất trời để cắm ngọn cờ chiến thắng trên Cổ Thành Quảng Trị vào ngày 16-9-1972; Hình ảnh của những Người Lính VNCH tiến lên trong lửa khói mịt mờ, những trận mưa pháo kinh hoàng của quân thù, máu chảy theo mỗi bước đi để chiếm lại từng tấc đất của quê hương, từng căn nhà góc phố cho người dân nơi thị trấn An Lộc vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 …
Người Lính VNCH gục ngã trên khắp các mặt trận lớn nhỏ, thân xác của họ nát tan trong đạn pháo của quân thù để cho đất Mẹ được an vui; Máu của họ tuôn chảy khắp nẻo đường đất nước thấm vào lòng đất Mẹ cho ruộng lúa xanh tươi hoặc một phần thân thể gởi lại trên chiến trường mục rã theo thời gian. Tất cả sự hy sinh đó là để bảo vệ hai chữ Tự Do cho Miền Nam Việt Nam.
Nhưng… đớn đau thay! Người Lính VNCH đã bị người bạn đồng minh phản bội, bức tử phải buông tay súng ngày 30-4-1975, để rồi bao nhiêu người đã tuẫn tiết chết theo vận nước, hằng ngàn người đã bị bọn Cộng Sản hành quyết ngay sau khi chúng cưỡng chiếm Miền Nam Việt Nam, hằng trăm ngàn Quân Cán Chính bị đưa vào 200 trại tù khổ sai, khắc nghiệt trên hai miền Nam Bắc, nhận lãnh sự trả thù đê tiện, hèn hạ bằng những cực hình tra tấn dã man, độc ác của bọn cộng sản vô thần khát máu, khoảng 165,000 đã chết trong các trại tù khổ sai, 65,000. Quân Cán Chính VNCH chết mất xác vì bị thủ tiêu.
Dòng đời lặng lẽ trôi thoáng qua đó đã 47 năm. Dù cát bụi thời gian có chôn vùi tất cả và mọi việc sẽ đi vào lãng quên, nhưng có những sự việc, hình ảnh sẽ mãi mãi trường tồn với thời gian, trơ gan cùng tuế nguyệt… đó là hình ảnh, sức chiến đấu phi thường và sự hy sinh cao cả của Người Lính VNCH.
Chúng tôi, những Người Lính VNCH nhắc lại dĩ vãng không phải để tiếc nuối một thời quá khứ vàng son, danh vọng. Đời Lính VNCH đầu đội trời quê cha, chân bước đi trên mảnh đất mẹ, đôi vai gầy bé nhỏ gánh vác cả giang san, lưng mang balô trĩu nặng tình yêu quê hương dân tộc, đối diện với cái chết từng giây, từng phút; Đường hành quân trong rừng sâu, núi thẳm cả tháng không thấy ánh nắng mặt trời, đôi giày trận chưa hề được tháo ra một lần, nuốt vội vã những buổi cơm gạo sấy dưới cơn mưa tầm tã rồi tiếp bước quân hành.
Cuộc đời của Người Lính như thế thì đâu có gì là vàng son, danh vọng… Nếu có danh vọng chăng là chúng tôi hãnh diện và tự hào được khoác vào mình bộ quân phục của QLVNCH; Vàng son của Người Lính là đem máu xương để đổi lấy sự thanh bình cho quê hương đất mẹ.
Chúng tôi nhắc lại dĩ vãng để cho những thế hệ trẻ sau này hiểu rõ về một quá khứ bi hùng, sự hy sinh của Người Lính VNCH.
Nhờ những sự hy sinh đó mà chúng ta còn được hít thở bầu không khí tự do hôm nay; Chúng tôi cũng muốn cho thế hệ trẻ đang sống trong nước hiểu rõ về tánh nhân bản và chính nghĩa của Người Lính VNCH. Người Lính VNCH không phục vụ cho bất cứ đảng phái, tổ chức hay cá nhân nào, Người Lính VNCH đi chiến đấu với một trách nhiệm và lý tưởng duy nhất “Bảo Quốc-An Dân.” hy sinh vì dân tộc.
Có một số người thiển cận đã đổ hết trách nhiệm lên Người Lính VNCH về quốc nạn 30-4-1975, cũng có nhiều cấp chỉ huy, lãnh đạo đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm này. Nếu nói như thế thì tội cho Người Lính VNCH quá! Người Lính VNCH đã làm hết sức của mình.
Người Lính VNCH dù không còn đầy đủ vũ khí, đạn dược và đã bị người bạn đồng minh bỏ rơi, nhưng họ vẫn tiếp tục chiến đấu trong đơn độc với tỷ lệ một (1) chọi sáu (6) tới giờ thứ 25 của cuộc chiến. Cuối cùng vì quân lệnh, vì kỷ luật của quân đội mà Người Lính đành nghẹn ngào buông tay súng! Người Lính đã làm tròn trách nhiệm mà Tổ Quốc giao phó. Một bằng chứng hùng hồn và cụ thể là không có một mảnh đất nào của Miền Nam Việt Nam bị Cộng Sản chiếm mà Người Lính VNCH không lấy lại được trong 20 năm chinh chiến.
Nếu Miền Nam Việt Nam chế tạo được vũ khí, đạn dược, chiến đấu cơ, chiến hạm và các phương tiện thiết bị chiến tranh, thì đừng nói chi là bọn Cộng Sản Việt Nam, mà trên thế giới này khó tìm ra được một quân đội nào được xem là đối thủ của QLVNCH.
Trong thời chiến, Người Lính VNCH là người chịu nhiều gian nan, cực khổ và hiểm nguy nhất, nhưng họ lại là những người bất hạnh, tang thương nhất sau cuộc chiến.
Những Người Lính VNCH may mắn đến được bến bờ tự do từ những ngày hỗn loạn cuối Tháng Tư Đen cho đến những chuyến vượt biển kinh hoàng, những chuyến bay ra đi theo diện H.O hoặc chương trình đoàn tụ. Dù họ ra đi bằng phương tiện hay diện nào đi nữa, không phải là họ sợ hoặc trốn chạy cộng sản. Họ ra đi với một lý do duy nhất “Người Lính VNCH không đội trời chung với Cộng Sản.”
Người Lính VNCH buông súng chấm dứt cuộc chiến trên mặt trận quân sự để chuyển qua một mặt trận mới trong cuộc chiến mới. Đó là mặt trận chính trị trong cuộc chiến “Nhân Bản,” cuộc chiến nhân bản này chỉ có một trận chiến duy nhất và sẽ là trận thư hùng cuối cùng, chúng ta dùng Lá Cờ Vàng Chính Nghĩa khai tử, bôi xóa vĩnh viễn ĐCSVN trong dòng lịch sử dân tộc Việt Nam nói riêng và dòng lịch sử thế giới nói chung.
Cho đến ngày hôm nay, 47 năm sau cuộc chiến, Người Lính trẻ nhất của QLVNCH cũng đã trên 60 tuổi… những cấp chỉ huy, lãnh đạo thì sương tuyết đã phủ trắng mái đầu.
Những Người Lính VNCH bây giờ mắt đã yếu, thân thể không còn khỏe mạnh, tráng kiện như ngày xưa, nhưng ý chí và lý tưởng của họ vẫn không phai sờn theo dòng thời gian nghiệt ngã của tạo hóa, dù họ đang sống ấm no nơi xứ lạ quê người, họ vẫn đem những chuỗi ngày còn lại đóng góp công sức vào công cuộc đấu tranh giải thể bạo quyền Cộng Sản để mang lại sự tự do, hạnh phúc, ấm no cho 95 triệu người dân trong nước và những thế hệ mai sau.
Tất cả những sự hy sinh của Người Lính VNCH được trang trọng lưu vào trang sử của quê hương kèm theo bốn chữ mang đầy đủ ý nghĩa nhất “Tổ Quốc Ghi Ơn.”
Bốn mươi bảy năm chỉ là một thoáng so với thời gian vô cùng tận của tạo hóa, nhưng lại là chuỗi ngày dài đau thương của dân tộc Việt. Bao năm qua, vết thương cũ hầu như chưa một lần khép kín nhưng đau buồn thay… Những hình ảnh kinh hoàng, hoang mang, sợ hãi chen lấn nhau trong những ngày cuối “Tháng Tư Đen” khi giặc tràn về thành phố; Những hình ảnh vượt biển cả chống chọi với phong ba bão táp, trực diện với thần chết để đi tìm hai chữ “Tự Do” hầu như đã phai mờ trong lòng của một số người; Cuộc sống cơm no, áo ấm nơi xứ lạ đã làm cho họ quên ngày đại tang của quê hương!
Họ đã đem cuộc sống vật chất xa hoa nơi đất khách phủ lấp đi sự hy sinh cao cả của Người Lính VNCH. Họ đã thờ ơ, lãnh đạm với sự tan nát của Quê Hương cùng với sự khổ đau, tang tóc của 95 triệu người dân trong nước. Tàn nhẫn hơn nữa là họ đã quay về quỳ mọp bắt tay hợp tác với giặc, những kẻ đã từng sát hại thân nhân của họ và truy đuổi họ vào con đường chết… Hỡi ơi…!
Xin đừng vứt bỏ hai chữ “Quốc Hận” bên lề đường viễn xứ.
Xin đừng nhẫn tâm đâm thêm một nhát dao nữa vào lưng những Người Lính VNCH đang ôm nỗi quốc hờn lưu vong biệt xứ hoặc đang lê lết cuộc đời tăm tối, tang thương trên quê hương Việt Nam. Xin đừng phản bội những người đã gục ngã, những người đang nằm trong lao tù vì công cuộc đấu tranh giải thể bạo quyền CSVN. Hãy đóng góp công sức, góp một bàn tay cho công cuộc đấu tranh này sớm thành công.
Xin đừng để con đường viễn xứ mỗi ngày mỗi dài thêm.
“Mũ Đen” Hoàng Nhật Thơ