Trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, Nhạc Sĩ NPY đã đưa tin buồn về sự ra đi của Nhạc Sĩ Hoàng Dương, tác giả của ca khúc Hướng Về Hà Nội. Tin buồn này khiến cá nhân tôi có cảm giác ngậm ngùi, xen lẫn chút kinh ngạc.
Nhạc sĩ Hoàng Dương tên thật là Ngô Hoàng Dương,là con trai của Nhà Văn Trúc Khê Ngô Văn Triện, sinh ngày 12 tháng 10 năm 1933 và mất vào ngày 30 tháng 01 năm 2017, nhằm mùng 3 tết Đinh Dậu, hưởng thượng thọ 84 tuổi.
Tôi có chút ngạc nhiên vì tôi không ngờ NS Hoàng Dương là con trai của cụ Trúc Khê, một tên tuổi khá quen thuộc của làng văn chương Hà Nội vào khoảng đầu thế kỷ 20. Điều ngạc nhiên thứ hai là bao lâu nay tôi mãi hiểu lầm rằng NS Hoàng Dương là người bắc vào nam trong đợt di cư năm 1954.
Sở dĩ tôi hiểu lầm như vậy, là vì tôi không có cơ hội biết nhiều về ông, thứ nữa là vì ca khúc Hướng Về Hà Nội tự nó khiến tôi có cảm giác đó là nỗi lòng của một người con của Hà Nội phải lìa bỏ nơi chốn thân yêu của mình. Trước 1975, ca khúc Hướng Về Hà Nội được nhiều giọng ca hàng đầu của miền nam VN trình bày như Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác, Anh Ngọc, Tuấn Ngọc v.v… lại càng khiến cho thằng bé nhà quê như tôi tin chắc mẩm rằng tác giả là một người bắc di cư!
Cho tới khi NS Hoàng Dương qua đời, tôi đọc tiểu sử và quá trình hoạt động của ông mới thấy ra mình đã hiểu lầm. Nhưng không sao! Tôi lại thấy ở đó một nét dễ thương, một nét nhân bản của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Tôi xin trích một đoạn ngắn của ca khúc Hướng Về Hà Nội:
...Hà Nội ơi, phố phường dãi ánh trăng mơ
Suối mềm nhủ gió gây thơ thấu chăng lòng khách bơ vơ
Hà Nội ơi những ngày vui đã ra đi
Biết người có nhớ nhung chi
Hết rồi giây phút phân ly
Hà Nội ơi dáng huyền tha thướt đê mê
Tóc thề thả gió lê thê
Biết đâu ngày ấy anh về
Một ngày mùa chinh chiến ấy
Chim đã xa bầy mịt mờ bên trời bay
Một ngày tả tơi hoa lá
Ngóng trông về xa… luyến thương hình bóng qua.
*
Theo chia sẻ của NS Hoàng Dương lúc sinh tiền thì khi cuộc kháng chiến 9 năm bùng nổ, ông lúc đó tránh ra ngoại ô Hà Nội, và mất liên lạc với người bạn gái của mình. Nhìn về hướng Hà Thành mịt mù lửa đạn, ông thấy nỗi nhớ da diết. Nỗi nhớ chốn cũ, nhớ người yêu đã vò xé tâm trạng của ông, tạo nên cảm hứng cho ông viết ca khúc Hướng Về Hà Nội.
Chỉ có tôi, vì thiếu thông tin, không biết NS Hoàng Dương còn ở lại ngoài bắc sau năm 1954 và làm cán bộ cho Nhạc Viện Hà Nội, được mang danh Nghệ Sĩ Ưu Tú, Phó Giáo Sư v.v… còn bên chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì dĩ nhiên hiểu quá rõ đi chứ ! Nhưng như mọi người đã biết, người dân miền nam VN phần đông đều yêu thích ca khúc mang trọn vẹn niềm thương nỗi nhớ của người nhạc sĩ tài hoa, lãng mạn, chả ai bận tâm đó là sản phẩm của môt ông cán bộ ở nhạc viện Hà Nội. Ngay như chính quyền của VNCH cũng vậy, chả có bao giờ lên gân lập trường ngăn cấm sự lưu hành của một ca khúc do một nhạc sĩ miền bắc Việt Nam sáng tác tuyệt vời như thế!
Chẳng những NS Hoàng Dương, một nghệ sĩ thuần túy lãng mạn, mà ngay như Nhà Thơ Chính Hữu, người từng có những bài thơ ca ngợi đảng, bác, ca ngợi kháng chiến như trong bài Ngày Về:
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Nhưng bài thơ Đồng Chí của ông, trong miền nam được ngụy trang đại khái dưới cái tên Tình Nước cũng được ngâm nga, được phổ nhạc và được hát đầu làng cuối phố, chả có ai ngăn cấm hay lên gân lập trường:
... Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Tôi với anh đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hề quen nhau…
Chúng ta từng biết khi hiệp định Geneve được ký kết năm 1954, Việt Nam bị cắt làm hai ở Vĩ Tuyến 17. Hai miền Nam Bắc có một khoản thời gian nhất định để người miền bắc VN gọi là di cư vào nam, và người miền nam gọi là tập kết ra bắc. Vào thời điểm đó, HCM và trung ương đảng cộng đã tính đến chuyện xâm lăng miền nam VN sau này. Chúng gài lại một số cán bộ cốt cán, còn những người được lịnh tập kết ra bắc thì trước khi đi, chúng tổ chức những đám cưới tập thể, cho trai lấy vợ, gái lấy chồng. Sau đó chồng đi thì vợ ở lại, vợ đi thì chồng ở lại, chúng gài cái đuôi ở lại miền nam để sau này hoạt động cho chúng.
Tình báo của chính quyền VNCH phần lớn nắm vững danh sách những gia đình có người thân tập kết ra bắc, nhưng ngoài những trường hợp nghiêm trọng cần lưu tâm, tất cả những người khác đều được đối xử một cách bình thường, không hề bị phân biệt trong trường học hay trong sở làm. Đó chính là điểm son đầy tính nhân bản của chính quyền VNCH!
Những người như Nhạc Sĩ Hoàng Dương, Nhà Thơ Huy Cận, Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Tý v.v… là những nghệ sĩ mang trong hồn bao ý tưởng lãng mạn, nhưng rồi trong cái chế độ mà họ phục vụ đắc lực đó, mọi sáng tạo của họ đã bị bóp chết, những tác phẩm được viết ra theo đơn đặt hàng của tổ chức chỉ để tuyên truyền, tung hô bác đảng, vẽ ra những thắng lợi giả dối, ảo tưởng. Sau năm 1975, không rõ Nhạc Sĩ Hoàng Dương có vào nam tìm nghe những băng đĩa nhạc có ca khúc Hướng Về Hà Nội của mình do những ca sĩ hàng đầu của miền nam VN trình bày hay không, nhưng tôi biết rõ về việc Huy Cận tìm nghe ca khúc Ngậm Ngùi được Phạm Duy phổ nhạc và Thái Thanh trình bày. Cũng như Nguyễn Văn Tý tìm nghe ca sĩ miền nam trình bày ca khúc Dư Âm đầy tính lãng mạn của mình. Điều đó cho thấy, vì sống trong sự rình rập của chế độ, con người trở nên dối trá, thủ kỷ, nhưng trong thâm sâu, bản chất con người vẫn luôn hướng về ý đời Chân Thiện Mỹ!
Sau 1975, bị người CS đối xử tàn mạt, độc ác, không ít người miền nam đã hối tiếc rằng thời trước chính quyền miền nam VN đã quá hiền từ, quá nhân bản nên để cho miền nam rơi vào tay cộng sản!
Nhưng cá nhân tôi thì không nghĩ vậy. Thứ nhất là sự việc đã qua rồi, nói “Hồi Hay” lúc này chả có ý nghĩa gì. Thứ hai là nếu chính quyền miền nam cũng tàn độc như người cộng sản, cũng kỳ thị lý lịch, cũng đày đọa người dân thì làm gì có lằn ranh Quốc Cộng?
Tôi nhớ rằng khi cuộc chiến nam bắc VN còn chưa kết thúc, Trung Tướng độc nhãn của Israel, Moshe Dayan, khi quan sát cuộc chiến, đã từng tuyên bố: “Muốn chiến thắng CSBV thì hãy để chúng chiếm MNVN.”
Miền nam Việt Nam đã bị CSBV xâm lăng y như lời nhận định của tướng Moshe Dayan, và quả thật người CSVN đã đánh rơi mặt nạ Độc Lập Dân Tộc, để lộ ra bản chất của một tên nô lệ ngoại bang bỉ ổi và nham hiểm.
Không phải đợi tới lúc này, 2017, mà từ lâu người dân VN đã quá rõ ràng bản chất ma quỷ của tập đoàn CSVN, nhưng cái giá cho sự tỉnh thức đó trong 42 năm qua quả thực đã quá sức chịu đựng của người dân Việt Nam.
Người ta nói tức nước vỡ bờ, ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh. Chân lý này luôn luôn đúng. Nhưng với tình hình đấu tranh chống bạo quyền CSVN hiện nay, chưa có gì đem lại niềm tin tưởng lạc quan cho tiền đồ của dân tộc. Chế độ CSVN bây giờ coi dân như kẻ thù, sẵn sàng dùng lực lượng côn an, an ninh thẳng tay đàn áp những tiếng nói đấu tranh đòi quyền sống. Còn người dân? Sống quá lâu trong đêm dài nghẹt thở, tinh thần tranh đấu của số đông đã bị bào mòn, họ chỉ nhìn đến an nguy của cá nhân mình, gia đình mình, làm sao họ có thể xăn tay áo tham gia việc chung của dân tộc, của đất nước?
Những gương sáng của lớp trẻ gần đây đã nói lên tinh thần đấu tranh của dân tộc vẫn còn đó, nhưng những tiếng nói chưa đồng bộ, chưa đều khắp để có thể tạo dựng một thế mạnh khiến chế độ CSVN phải e ngại.
Nếu phần lớn chúng ta, thay vì thờ ơ mặc kệ, mà quan tâm nhiều hơn tới tình hình của đất nước, lo lắng cho nguy cơ của dân tộc và đất nước sẽ bị lọt vào vòng kìm tỏa của giặc tàu phương bắc, thì hy vọng thời điểm VỠ BỜ sẽ sớm đến với tất cả chúng ta:
Sẽ có một ngày, con người hôm nay
Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất đảng
Đội lại khăn tang, đêm tàn ngày rạng
Quay ngang vòng nạng oan khiên.
NCT
Chúng ta không hề hối tiếc vì đã một thời sống xứng đáng với tình nước, tình người. Chúng ta hoàn toàn khác hẳn với người CSVN về bản chất. Dù 42 năm qua, toàn thể dân tộc đã trả giá quá đắt để hiểu rõ bộ mặt bán nước hại dân của tập đoàn CSVN, nhưng chúng ta vững tâm tin rằng “Trong đêm đen phục sẵn một mặt trời”. Nhất định người dân Việt Nam sẽ có ngày hoàn toàn tỉnh thức để đòi lại quyền sống, quyền phán quyết cuối cùng cho dân tộc này.
Huỳnh Hậu.