1-
Đại úy Hiếu đốt điếu thuốc đưa lên đôi môi khô nước. Ông ghiền cà-phê phin thơm ngạt ngào, không đường không sữa, đắng nghét sành điệu…
Hiếu ngồi trong chiếc lều vải, cố gắng hoàn tất giấy tờ. Ông không thuộc ban Hai nên thủ tục khác với sĩ quan phụ trách tù binh kiêm hồ sơ lúc ban đầu….
Lính dẫn vào thằng nhóc khoảng mười bảy, mười tám tuổi mặt mày lem luốc. Nó không dám nhìn thẳng mặt ông, cứ cúi gằm xuống đất. Ông hất hàm hỏi nó:
– Tên gì? Đơn vị?
Không trả lời
– Chú mày tên gì, bao nhiêu tuổi, đơn vị?
– Đả đảo Mỹ Ngụy! Đả đảo Nguyễn Văn Thiệu!
Đại uý Hiếu không ngạc nhiên, ông mỉm cười.
– Ông Thiệu ở Saigon, chú mày có muốn đả đảo ông cũng không nghe. Ở đây chỉ có Trung sĩ Thuận, chú mày sẽ gặp ngay bây giờ đây nếu không chịu trả lời…. Trung sĩ Thuận! Có chuyện cần nhờ ông đây…
Một người lính cao lớn, vạm vỡ xuất hiện trong bộ quân phục lấm lem, gương mặt bặm trợn và cặp mắt đầy gân máu:
– Dạ!
– Dẫn thằng này ra ngoài bắn bỏ !!
Người tù binh hốt hoảng qùy xuống, hai tay chắp trước ngực van nài:
– Dạ thưa quan, xin tha cho con!
Đại uý Hiếu nhẹ gật đầu vì lần nào ông áp dụng đòn này cũng thành công. Tù binh con nít miền Bắc thần hồn nát thần tính, xanh xám mặt mày mỗi lần Thuận xuất hiện. Chỉ có Hiếu biết đằng sau con người dữ tợn của viên Trung sĩ không chất chứa căm thù và giết chóc.
– Trả lời câu hỏi của tao: tên tuổi, đơn vị?
– Dạ, con tên Nguyễn Đệ, mười bảy tuổi thuộc Trung Đoàn 34 B, Sư 320
– Lý do gì bị bắt rồi mà mày còn cứng đầu, chống đối?
– Con nghe nói có nhiều đồng chí nội tuyến trong quân đội Ngụy. Nếu con cương quyết các đồng chí sẽ báo cáo sở chỉ huy và gia đình con được hưởng chế độ liệt sĩ nếu con có bề gì…
Ông Hiếu biết chuyện này. Vài lần trước chứng kiến các cuộc hỏi cung của sĩ quan ban Hai ông từng thấy tù binh hô to những khẩu hiệu như thế. Việt cộng thực là bậc thầy trong tuyên truyền và họ đã thành công.
Hiếu nhìn tên tù binh trước mắt, nỗi sợ hãi trên khuôn mặt trần trụi của một đứa con nít mới lớn, lính tráng như thế này thì đánh đấm với ai ?
Ông móc gói thuốc chìa ra:
– Hút không?
– Dạ! Con cám ơn!
– Đơn vị chú mày đóng quân ở đâu ? sao bị bắt ?
– Con là lính trinh sát, thuộc Trung đội 4. Đơn vị con bị B52 và con chạy lạc.
B52 thì thân xác nào chịu nổi? Thằng nhỏ này sống sót, lại may mắn thêm một lần nữa khi bị bắt làm tù binh. Bây giờ nó sẽ không sợ bị chết dấp dúi chân trời góc biển nào như đồng đội nó đang đối diện.
☆
Hiếu ba mươi tuổi mang lon Đại úy được một năm rưởi. Ông có mặt hầu như trên các chiến trường vì là đơn vị tác chiến lừng danh của quân đội miền Nam ở bất cứ nơi nào khói lửa dày đặc. Thời gian quân ngũ gần mười năm, trừ quân trường thì ông đã cầm súng đánh nhau với Việt cộng hơn sáu năm, từ núi đồi cao nguyên cho tới vùng đồng bằng thơm mùi lúa mới.
Hồi đó đang thanh niên sung sức, nghe tiếng gọi của non sông nguy biến nên muốn đóng góp chút gì. Vào quân trường ông chứng tỏ biệt tài chỉ huy, sáng tạo. Tình nguyện vào binh chủng nổi tiếng về số sĩ quan tử trận ngay sau tốt nghiệp.
Còn trẻ ra trận ông không thấy sợ, hễ nhận lệnh là ông dẫn lính xung phong ào ạt. Đường đạn bay Hiếu nghĩ đơn giản nó tránh mình chứ mình làm sao biết nó ở đâu mà né !!! Ông may mắn hơn nhiều anh em vì ngoài vài thương tích nhỏ do miểng đạn, ông không mang vết trầm trọng nào trên người.
Thời gian sau Hiếu dù chưa mệt mỏi trên chiến trường, bỗng chợt nhận ra đến lúc mình cần một người đàn bà đi bên cạnh. Ở trường Hiếu không có bạn gái vì chăm chú vào sách vở và vượt qua hai kỳ thi tú tài rất khó của nền giáo dục miền Nam. Bên cạnh phần lớn tuổi thanh niên Hiếu dành chơi thể thao. Hiếu mê tất cả càc bộ môn, từ đá banh, chạy bộ và đặc biệt võ thuật.
Đó là thời gian đẹp nhất trong tuổi mới lớn. Tính mạnh mẽ khiến ông quan niệm kỳ quặc ” Yêu đương là yếu đuối “, vì là thanh niên cao thước bảy nặng hơn sáu mươi ký với những bắp thịt nở nang. Hiếu chả yêu ai, còn ai thầm yêu trộm nhớ thì anh chẳng quan tâm làm gì.
Năm bước vào quân trường anh dấu má . Bà mẹ sững sờ, sợ hiểm nguy sẽ đến với con. Bà biết không cách gì cản trở con vì dù yêu thương mẹ nhưng rất cứng đầu. Duy nhất bà chỉ khuyên con ráng giữ gìn sức khỏe cẩn thận.
Ngày về phép đầu tiên Hiếu khỏe mạnh rắn rỏi với nước da đen cháy, mẹ anh ôm chầm lấy con mà khóc. Chẳng bà mẹ nào cầm được nước mắt trong trường hợp này, rồi bà nhanh chóng dọn lên bàn những món bà biết con rất ưa thích hồi còn dân sự. Bằng trực giác của một bà mẹ, bà tin chắc rằng quân đội sẽ không lo lắng chăm sóc con bà cẩn thận như ý bà muốn.
Về nhà, Hiếu dành nhiều thời gian cho mẹ, dù anh có vài địa chỉ bạn bè cần thăm viếng. Sau những ngày ngắn ngủi bao giờ bà cũng gói ghém chút thức ăn rồi dúi vào tay con trai ít tiền . Bà lo con sẽ bị mấy thằng lớn ăn hiếp, đêm ngủ không đắp mền đủ ấm. Hiếu thương mẹ, biết giờ đây mình phải tự lo liệu cho bản thân . Hiếu cũng tin tưởng vào tập thể quân đội, đã rèn luyện Hiếu cùng bao thanh niên khoẻ mạnh trở thành những con người thép, cả tinh thần lẩn thể xác.
Mặc dù lăn lộn tác chiến thời gian đủ dài nhưng chưa bao giờ Hiếu bất mãn hay phàn nàn. Đời sống một đơn vị tổng trừ bị làm Hiếu tin mình đã chọn đúng hướng đi vì chiến trường, đồng đội tạo một gia đình thứ hai đôi khi thân thiết hơn ruột thịt.
Những lần phép quanh quẩn trong nhà, ăn uống món mà má sung sướng nấu cho thằng con trai, nhưng ngày thứ hai đã nhớ tới đơn vị, bạn bè chia sẻ bọc cơm sấy, bi-đông rượu cay nồng sau một cuộc hành quân thắng lợi.
Đã có lúc nhìn lính dưới quyền chết Hiếu ôm mặt khóc rưng rức. Hạ sĩ Nam truyền tin theo Hiếu như bóng với hình bị mảnh B40 cắt đứt gọn phần dưới thân thể đúng lúc nó xô Hiếu ngã sấp. Máu phun ra từ vết thương chỉ kip cho nó la lớn ” Đại úy em chết “. Nam theo Hiếu gần sáu tháng trời và Hiếu thương nó như em ruột vì tánh tình mau mắn. Lần trước về phép hai thầy trò ăn một bữa cơm gia đình má nấu căng bụng với canh chua cá kho. Lúc đầu Nam còn mắc cở, rồi nó ăn như rồng cuốn. Nhập ngũ lúc tròn mười tám xem ra thằng nhỏ cũng chẳng biết gì nhiều về đời sống dân sự.
Hôm đụng trận bị thương chết gương mặt nó không tỏ nét đau đớn, có vẻ hài lòng vì làm xong nhiệm vụ. Ngày đưa xác về quê Hiếu cố gắng đi theo. Căn nhà xập xệ có một khoảng đất trống phía trước với bàn thờ thiên địa. Hai ông bà già đón rước Hiếu và đoàn tùy tùng vào nhà. Bà mẹ khóc ngất từng hồi, còn ông già chấp tay lạy bốn hướng tám phương. Ông cúi rạp trước Hiếu vái một cái thật sâu rồi ngồi ngả lên chiếc ghế bên cạnh bàn uống nước, mắt nhắm lại. Ông đang tỉnh hay ông đã nổi điên thì không ai biết được.
Hiếu cố gắng hết sức an ủi mặc dù biết chẳng có gì làm vơi đi sự mất mát quá lớn của hai ông bà già chỉ còn da bọc xương. Một thằng nhóc bưng nước ra mời khách mắt còn đỏ hỏn . Hiếu đoán đó là đứa em trai còn lại của Nam. Không khéo rồi đây cũng sẽ tới lượt nó
Hiếu móc hết tiền còn trong túi để lên bàn, chắp tay cúi đầu trước cha mẹ Nam từ giã. Một lúc nào đó mình sẽ trở lại và Hiếu đã giữ lời tự hứa của mình. May mắn cho hai ông bà già vì em trai của Nam không phải gia nhập quân đội. Đó là lần cuối Hiếu về thăm quê hương của Hạ Sĩ truyền tin Nguyễn Văn Nam anh coi như đứa em ruột.
Hiếu lúc ấy còn trẻ với cặp lon Trung Úy sau hai năm lăn lộn chiến trường. Hiếu không còn dễ rơi nước mắt như lần chứng kiến Nam chết trước mặt. Người lính truyền tin thứ hai, thứ ba cũng bị đốn ngã nhưng vận may ở với Hiếu. Trừ lần bị pháo tưởng chừng bể màng nhỉ nhưng nhờ thân cây dừa che chắn Hiếu chưa sứt mẻ gì.
Tình hình chiến sự ngày càng nặng nề hơn. Phép thăm gia đình hiếm dần, đôi khi chỉ vài tiếng tạt qua nhà rồi lại trở ra đơn vị. Tám tháng trước Hiếu đặc cách vinh thăng Đại úy ngoài mặt trận nhờ dẫn nguyên Đại đội xung phong chiếm được mục tiêu sau mấy ngày bị pháo ép chặt sát mặt đất chịu trận. Mười tám tử trận, ba mươi bị thương, đau nhất Hiếu mất hai Trung đội trưởng gan lì và xông xáo. Hai đàn em xuất thân cùng quân trường và về chung đơn vị gần năm trời.Từ ngày đó Hiếu có thói quen sờ vào cặp lon Đại úy mỗi lần nhớ tới họ. Một chút ngâm ngùi. một chút chua xót và có một chút khó chịu tự trách . Hiếu dằn vặt mình vì cho là hai Thiếu úy nằm xuống để anh đeo lon mới, mặc dù thật ra chẳng liên quan gì giữa hai sự việc. Hiếu đã chiến đấu như con cọp dữ, điều động khôn ngoan khiến lính xung phong hiệu quả. Cái triết lý “đạn né mình chứ mình không né đạn” có khi chứng minh hiệu nghiệm.
Ngày gặp Nga Hiếu vẫn chưa có ý niệm gì rõ rệt về tình yêu. Nga nhỏ nhắn, ngoan hiền, cặp mắt to lúc nào cũng như tò mò dò hỏi. Đó là buổi họp mặt của Chuẩn úy Cường với cựu bạn bè thời đi học. Cường chưa hết nét học trò trên khuôn mặt dù lăn lộn gần năm trời trong áo lính. Cường nài nỉ Hiếu đi chung để tăng thêm tinh thần. Chẳng có việc gì làm ngoài việc ở nhà với mẹ, Hiếu nhận lời.
Cả hai bước chân vào quán cà-phê nhạc. Bạn gái Chuẩn úy Cường tươi cười rạng rỡ đứng dậy cùng một cô đi chung. Chỉ có Hiếu là bất ngờ ngọt ngào vì ngay từ giây phút đầu tiên,Trung Uý Hiếu nhận ra thế nào là sự cuốn hút của một gương mặt con gái.
Đến lượt Hiếu lúng túng. Tay Chuẩn úy rõ ràng gài độ Hiếu vì chỉ có hai cô gái. Cường chứng minh rất rành rọt chăm sóc chiều chuộng người yêu. Hắn muốn giới thiệu ông Đại Đội Trưởng một bạn gái vì dù ra trận như một thằng điên nhưng chưa bao giờ đề cập đến mối tình nào cả. Sau này Hiếu biết ơn người đồng đội vì nhờ đó anh đã trao nhẫn cưới vào tay Nga sáu tháng sau lần gặp mặt đầu tiên.
Anh mời Nga đi xem phim. Hiếu không biết phải làm gì và rất lúng túng trong bộ đồ dân sự. Anh nắm tay nàng nhè nhẹ, cảm nhận bàn tay nàng run lên. Bản chất đàn ông trổi dậy trong Hiếu, anh muốn tìm hiểu, khám phá cái thân thể trinh nguyên con gái đang lả ra trong vòng ôm của người lính. Nhưng anh sợ, không muốn làm Nga đau, anh nhẹ nghiêng đầu nàng lại, và rất từ tốn như đang tưng tiu một cành hoa mong manh, cúi xuống đặt vào môi nàng chiếc hôn. Nga rủ đi, mềm nhủn và khi anh tìm thấy chiếc lưỡi ngọt chất con gái trong miệng thì hình như Nga đã ngất đi. Cảm giác nụ hôn lần đầu giữa hai người khác phái làm Hiếu căng cứng phần thân thể mình, cho tới lúc đó anh chưa từng biết đến bờ môi con gái nào khác. Đèn bật sáng Hiếu thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán Nga. Hiếu lau nhẹ bằng chiếc khăn tay rồi đặt vào đó một nụ hôn chầm chậm.
Hai người thư từ cho nhau ngày càng nhiều hơn. Không tuần nào Hiếu thiếu thư của Nga để đọc. Ít nhất cũng từ hai lá trở lên và điều đó làm Hiếu đổi khác đi trước mặt bạn bè đồng ngũ. Hành quân xong anh tìm một chỗ trống, lôi hết thư vừa mới nhận được lẫn thư cũ để đọc. Anh mê mẩn hàng chữ đầy thương nhớ và thuộc lòng từng câu.
Chiến sự càng dữ dội, ngày phép cũng vắng dần. Hiếu nhớ ngừơi yêu tha thiết, thỉnh thoảng Nga gởi kèm thư vài bức hình nàng chụp trước khuôn viên nhà trường, một trung học lớn trong thành phố. Những tấm ảnh đem theo bình yên, tình yêu và sự chăm sóc từ hậu phương yên bình như chưa bao giờ chiến tranh đã từng chạm tới. Năm đó Hiếu nhớ rõ ràng chỉ về phép có hai lần, mỗi lần chưa đầy tuần lễ.
Hiếu gợi ý với gia đình xin cưới Nga. Ai cũng hài lòng về cô dâu có đôi mắt to và thân hình nhỏ nhắn. Đôi mắt cùng nụ cười là hai điểm mà bất cứ ai gặp đều khó thể quên được. Nhất là má, sau này má cười nhiều hơn vì con trai sắp lấy vợ. Một phần trong Hiếu ngần ngại, cộng thêm sợ hãi, Hiếu nhìn thấy cái chết chung quanh mỗi ngày. Trước đây đó không phải là vấn đề, nhưng từ khi gặp Nga hình như trong thâm tâm một cái gì đó trì kéo khiến Hiếu không thoải mái. Mỗi lần thưa chuyện với má về việc hôn nhân, Hiếu không biết ngày mai mình sẽ ra sao và Nga như thế nào nếu một viên đạn bắt gặp Hiếu trên đường đi.
Cuối cùng tình yêu chiến thắng, trời kêu ai nấy dạ, lúc này đây tình yêu giữa hai người đã chín muồi không thể chờ đợi nữa. Hôn lễ diễn ra tốt đẹp đầy hạnh phúc. Nhiều bạn đồng đội đến dự, xúng xính trong những bộ dân sự buồn cười. Chẳng hạn Trung Uý Đại đội Phó cho Hiếu, cao lều khều trong bộ đồ rộng thùng thình. Cặp kiếng trắng gọng quân đội cộng với cái đầu húi cao và nước da cháy đen làm hắn lúng túng giữa bao nhiêu cô gái ăn mặc đẹp đẽ . Có vẻ như bạn bè muốn tránh cho Hiếu tình trạng khó với bên đàng gái. Họ nghĩ chiến tranh đang bùng nổ mà đem thêm không khí vào đám cưới sẽ không phù hợp. Hiếu thầm cám ơn đồng đội, những anh em đã theo anh trên khắp chiến trường sôi động.
Rồi Hiếu lại trở về với chiến tranh. Hiếu ôm chặt người vợ chưa quá tuổi hai mươi của mình, cố hít vào lồng ngực hương vị dìu dịu da thịt từ đây anh biết chắc sẽ đi theo mình trên chiến trận kể cả giữa những hoang tàn đổ cháy. Anh yên tâm vì dù sao gia đình cũng dư khả năng chăm sóc lo lắng cho vợ anh trong những ngày anh xa vắng. Tạm thời Nga sẽ về sống chung với má anh như truyền thống. Má anh bà mẹ chồng dễ dãi và ngay từ đầu bà đã có cảm tình đặc biệt với người con gái yêu thương bằng lòng làm vợ đứa con cưng, nên chắc mọi sự sẽ êm xuôi. Hơn nữa gia đình Nga có thể trợ lực cho con gái trong lúc vắng chồng. Cha mẹ Nga sẵn sàng tạo cho con một cơ ngơi riêng không phải chung đụng. Dù sao Hiếu an tâm hơn nếu Nga sống dưới sự chở che của cha mẹ anh bởi vì trong mắt anh Nga vẫn chưa thoát khỏi sự ngây thơ dù đã có chồng.
Bây giờ Nga lại càng thư từ cho Hiếu nhiều hơn bởi đó là điều duy nhất cần thiết nàng làm mỗi ngày. Những bức thư dài, đầy yêu thương nhớ nhung khiến Hiếu vơi được rất nhiều những khủng hoảng trên chiến trận. Hễ có thì giờ giữa hành quân anh lại cắm cúi viết thư cho vợ mới cưới. Giá không chiến tranh hẳn giờ này anh đang ở bên Nga và hai vợ chồng sẽ không phí thì giờ cho bất cứ chuyện gì khác ngoài chia sẻ ngọt ngào tình chồng vợ. Trước đây Hiếu vẫn thường viết thư cho má nay thưa dần vì không đủ thời gian liên lạc với cả vợ và má. Nhưng anh biết Nga sẽ đọc lại cho má những sinh hoạt thường ngày trong đơn vị anh vẫn tâm sự. Điều Hiếu biết má muốn anh làm là cố gắng giữ gìn sức khỏe và đừng liều lĩnh bởi bây giờ anh đã có gia đình phải quan tâm. Hiếu mong ngóng lần về phép tới, xem chừng còn xa xôi lắm bởi càng ngày Việt cộng càng mở nhiều đợt tấn công dữ dội hơn, đơn vị anh là một trong những đơn vị đầu tiên được gởi đi để giãi tỏa sức nặng của địch.
Hiếu nhận một tuần lễ phép sau ba tháng lặn lội trên rừng núi cao nguyên. Nga đón tiếp anh với tất cả nồng nhiệt của một cô vợ trẻ. Phần Hiếu cũng đáp ứng tận tình. Anh thèm từng ánh mắt nhìn, từng tiếng cười, tiếng nói. Anh dẫn Nga đi khắp thành phố từ những quán ăn nổi tiếng cho đến mấy hộp đêm cà-phê vừa túi tiền. Đêm cả hai vợ chồng quấn lấy nhau cho tới sáng. Ngày trở về đơn vị Hiếu nhận tin mừng mà người chờ đợi nhất lại chính là mẹ anh: Hiếu sắp sửa làm cha ….
CÒN TIẾP /KỲ 2
Người VIỆT Tự Do