Chiến lược An Ninh Quốc Gia cũng như An Ninh Quốc Phòng của Hoa Kỳ đều cho Trung Cộng là mối đe dọa an ninh nguy hiểm nhất của Hoa Kỳ hiện nay và trong những thập niên tới.
Khi đã ý thức về an ninh quốc gia từ Trung Cộng nghiêm trọng như vậy, thì dù nhỏ như cây kim, sợi chỉ cũng phải để ý chứ đừng nói gì quả cầu lớn bằng ba chiếc xe bus bay lơ lững trên không phận nước Mỹ từ 28/01/2023 đến ngày 4/02/2023 mà không có những hành động ngăn ngừa tích cực để được an lòng người Mỹ, thì thật tắc trách! Người dân Mỹ đóng thuế để Hoa Kỳ có một ngân sách quốc phòng khổng lồ nhất thế giới đến hơn 800 tỉ USD/năm. Cho nên chúng ta nên đặt vấn đề này một cách nghiêm chỉnh với những người trách nhiệm điều hành nước Mỹ.
Khinh khí cầu phát xuất từ Trung Cộng bay qua biển Thái Bình Dương vào tiểu bang Alaska, Hoa Kỳ, bay xuống Canada rồi vào tiểu bang Montana (miền Bắc) đến các tiểu bang miền Trung rồi cuối cùng đến North và South Carolina ở miền Đông tính chuyện đào thoát ra biển Đại Tây Dương.
Khi bay qua nước Mỹ, khinh khí cầu đã bay ở tầng cao 18 đến 20 cây số trên không trung và có thể nhìn thấy được.
Hoa Kỳ quan sát đường bay của khinh khí cầu Trung Cộng:
Trong thời gian ở trên không phận Hoa Kỳ, khinh khí cầu của Trung Cộng đã bay qua các địa điểm chiến lược quân sự quan trọng nhất nước Mỹ bao gồm căn cứ Không quân Malmstrom ở Montana (1) nơi có 150 hỏa tiễn nguyên tử xuyên lục địa; căn cứ Không Quân Offutt ở Nebraska nơi có Bộ Tư lệnh Chiến Lược Hoa Kỳ đảm trách về các lực lượng nguyên tử của Mỹ; căn cứ Không Quân Whiteman ở Missouri (2) nơi tập trung và vận hành máy bay chiến lược tối tân B-2 của Không Quân Hoa Kỳ; tiểu bang North Carolina có 5 hầm chứa nguyên tử chiếm 31% tổng số nguyên tử của Mỹ; cuối cùng đến tiểu bang South Carolina nơi có 7 hầm chứa nguyên tử chiếm 54% tổng số nguyên tử của Mỹ (3). Đây là nơi cuối cùng khinh khí cầu muốn tìm đường tẩu thoát ra Đại Tây Dương thì bị Không Quân Mỹ bắn rơi cách bờ biển tiểu bang South Carolina 11 cây số.
Theo Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thì các khinh khí cầu của Trung Cộng đã từng bay vào lãnh thổ Hoa Kỳ trong quá khứ, nhưng lần này khinh khí cầu di chuyển khác thường, nó bay qua những vị trí chiến lược bí mật quân sự và các địa điểm chứa nguyên tử của Hoa Kỳ. Mỗi lần đến địa điểm bí mật thì nó sàng qua, sàng lại để làm một điều gì đó… Do đó, Bộ Tư Lệnh Phòng Thủ Hàng Không Vũ Trụ Bắc Mỹ (NORAD) đã được lệnh chuẩn bị đối phó.
Sau khi biết được những tuyên bố công khai của Mỹ, khinh khí cầu của Trung Cộng tăng tốc độ, đổi hướng về phía bờ biển Đại Tây Dương qua tiểu bang Carolina. Với sự tăng tốc độ này cho thấy là khinh khí cầu đã nhận lệnh nhanh chóng thoát vào hướng Đại tây Dương.
Chiều thứ Sáu (3/02) tại nhà riêng của Tổng Thống Biden ở thành phố Wilmington tiểu bang Delaware, ông đã ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu của Trung Cộng. Hôm sau, ngày 4/02/2023, một chiến đấu cơ F-22 từ căn cứ Không Quân Langley ở Virginia đã thực hiện phi vụ và bắn một phi đạn AIM-9X Sidewinder vào lúc 14:39 phút. Khinh khí cầu rơi xuống ngoài khơi bờ biển tiểu bang South Carolina, Hoa Kỳ.
Mỹ đã thâu nhặt các mảnh vỡ và xác của khinh khí cầu đem về phòng thí nghiệm của FBI để nghiên cứu. Và tuyên bố không chuyển giao một mảnh vụn nào của khinh khí cầu theo yêu cầu của Trung Cộng.
Quá rõ ràng khinh khí cầu này dùng vào việc tình báo quân sự của Trung Cộng trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Về mặt pháp lý quốc tế nó đã xâm phạm không phận nước Mỹ. Do vậy, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Antony Blinken đã hủy chuyến viếng thăm Trung Cộng để gặp Tập Cận Bình như TT Biden đã tuyên bố trong lần gặp Tập Cận Bình ở Hội Nghị G20 tại Indonesia vào tháng 11 năm ngoái. Antony Blinken tuyên bố rằng: “Trung Cộng cho khinh khí cầu do thám là không thể chấp nhận được”.
Tổng thể mà nói, Bắc Kinh đã điều khiển chiếc khinh khí cầu xâm phạm lãnh thổ Hoa Kỳ với mục đích ngăn cản chuyến thăm Trung Cộng sắp tới của Ngoại trưởng Antony Blinken. “Đây là một hành động có chủ đích và đầy tính toán”. Câu hỏi đặt ra tại sao Bắc Kinh có ý định này? Có phải họ không muốn dùng ngoại giao hóa (hoá dấu sắc) giải mà nhất định sẽ đối đầu với Mỹ như thời Chiến Tranh Lạnh?
Phản ứng của Trung Cộng
Đầu tiên, Trung Cộng chối bai bải bằng những lời lẽ “sói lang” rằng: “những phỏng đoán của Mỹ là khinh khí cầu của Trung Cộng và thổi phồng vấn đề” trong khi Trung Cộng đang làm việc để “xác minh” hư thực (có nghĩa là nói nước đôi chối được thì chối).
Đến khi chối không được nữa thì Trung Cộng đổi giọng cho rằng đó là khinh khí cầu dân sự nhiệm vụ dò xét khí hậu bị gió bay khỏi lộ trình (nói dối, vì khinh khí cầu có thể điều khiển được lộ trình). Bắc Kinh giải thích rằng: “Bị tác động bởi Westerlies (gió Tây) và khả năng tự điều khiển hạn chế (nói dối, nó có cánh quạt và bánh lái để điều khiển) khinh khí cầu đã đi lệch hướng quá xa so với kế hoạch, cho nên “Trung Cộng lấy làm tiếc về việc khinh khí cầu này vô tình đi vào không phận của Mỹ đó là lý do bất khả kháng”.
Khi khinh khí cầu của Trung Cộng bị bắn hạ vào ngày 04/03/2023 cách bờ biển tiểu bang South Carolina chừng 11 cây số, Trung Cộng phản ứng giận dữ và đồng loạt lên tiếng:
– Trung Cộng cho rằng Mỹ có hành động thái quá; đồng thời, lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc khinh khí cầu của họ bị Mỹ bắn hạ và cho rằng đây là một “vi phạm thông lệ quốc tế” (trong khi Trung Cộng xâm phạm không phận nước khác để thu thập tình báo quân sự thì không vi phạm thông lệ quốc tế ư)!
– Bộ Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu “đi lạc” của họ đã “ảnh hưởng nghiêm trọng và gây tổn hại” cho quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ.
– Dưới một đoạn video ngắn trên trang website của Đài Truyền Hình Trung Cộng viết rằng: “Trung Cộng sẽ đáp trả Mỹ điều tương tự bằng cách tấn công hoặc đánh chìm các chiến đấu cơ, tàu chiến của Mỹ thâm nhập vào vùng biển Trung Cộng”. (ý nói các máy bay, tàu chiến Mỹ tuần tra FUNOP)
– Bộ Quốc phòng Trung Cộng nhảy vào tuyên bố họ sẽ dùng “bất kỳ phương tiện cần thiết nào” để đối phó với việc khinh khí cầu của họ bị Mỹ bắn rơi.
– Giới truyền thông Trung Cộng tha hồ “sói lang” xỉa xói Mỹ. Trong bài bình luận trên Tờ Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) của Trung Cộng hôm 5/02/2023 viết rằng: “một siêu cường như Mỹ, không hiểu sao lại phát hoảng về một chiếc khinh khí cầu bay lạc và điều này vạch trần cho thấy Mỹ là một con hổ giấy”…
Đặt vấn đề với chính phủ Hoa Kỳ
Người dân Mỹ, các chính trị gia ngành lập pháp, nhiều thống đốc các tiểu bang thắc mắc tại sao một khinh khí cầu xâm phạm không phận của Mỹ trong hơn 7 ngày mới bắn hạ. Đáng ra phải bắn hạ khi nó vừa vào không phận tiểu bang Alaska.
Trong một khoảng thời gian dài, khinh khí cầu bay trên không phận từ tiểu bang miền Bắc, xuống miền Trung, qua miền Đông nếu nó có mang theo bom sinh học, chất độc hóa học hoặc vật chứa vi khuẩn độc hại (như virus Vũ Hán) để thả xuống đất thì nguy hại cho người dân Mỹ đến mức nào!
Cũng trong khoảng thời gian dài một tuần những vị trí chiến lược quan trọng của Hoa Kỳ, đã được thu thập nhiều tin tức bí mật quốc phòng của Mỹ và chuyển về Bắc Kinh bằng tín hiệu điện tử đặc biệt nào đó thì nguy hại cho nền an ninh của Mỹ biết chừng nào?
Chính quyền của TT Joe Biden cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ quả khinh khí cầu, đã vô hiệu hóa bất kỳ mối đe dọa tình báo nào mà nó gây ra, và đang tìm cách phù hợp để tiêu hủy nó, vì giới quân sự có những lo ngại rằng khi bắn hạ khí cầu rơi xuống sợ nguy hiểm cho người dân ở dưới đất.
Lời giải thích này không thuyết phục. Vì khinh khí cầu của Trung Cộng vào tiểu bang Montana bay qua không biết bao nhiêu vùng rừng núi bạt ngàn của các tiểu bang miền Trung nước Mỹ, không lẽ chẳng có một khoảng trống nào đủ an toàn để bắn hạ khinh khí cầu mà không gây tổn hại đến sinh mạng và tài sản của người dân hay sao?
Trên nguyên tắc, một siêu cường là “bất khả xâm phạm” dù dưới hình thức nào. Đằng này đã khẳng định Trung Cộng là kẻ thù nguy hiểm nhất hiện nay mà để cho một khinh khí cầu của Trung Cộng xâm nhập không phận bay qua những địa điểm quân sự chiến lược đến 7 ngày sau mới bắn hạ thì quốc phòng của Mỹ phản ứng quá chậm chạp khó làm yên lòng người dân Mỹ.
Yêu cầu chính phủ Mỹ phải phản ứng nhanh chóng xứng đáng là một siêu cường bất khả xâm phạm để an lòng 332 triệu công dân Hoa Kỳ và tránh tình trạng tắc trách tương tự xảy ra.
Hoa Kỳ, ngày 8 tháng 2 năm 2023
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
(1) https://www.malmstrom.af.mil/
(2) https://www.whiteman.af.mil/
(3) https://worldpopulationreview.com/state-rankings/states-with-nuclear-power-plants