Đêm chôn dầu vượt biển (Châu Đình An)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Chuyến tàu vượt biển Châu Đình An có dấu X đứng giữa tàu. Hình chụp từ Tàu của Tây Đức Melbourn Express chụp trước khi vớt lên giữa biển khơi. Hình được Tây Đức tặng cho các thuyền nhân chuyến tàu mang tên 992.

Sau khi miền Nam Việt Nam thất thủ 30 tháng Tư 1975, hai miền đất nước dưới sự cai trị theo đường lối quốc hữu hoá các tài sản tư nhân do chế độ cộng sản Việt Nam thực hiện. Ngành dầu khí không còn được phép kinh doanh cá thể, tất cả đều tập trung vào sự quản lý của đảng cầm quyền.

Với một chính sách kinh tế tập trung, sự sản xuất bị ngưng trệ, yếu kém, kèm theo kế hoạch triệt hạ và đánh tư sản, bày ra đổi tiền đang có của miền Nam thành tiền của miền Bắc với số tiền hạn chế, cộng thêm ngăn sông, cấm chợ khắp nơi. Các trại tập trung mệnh danh cải tạo mọc ra nhanh chóng, hằng trăm ngàn quân, cán, chính của miền Nam Việt Nam Cộng Hoà bị bắt đưa vào trại tập trung, đã tạo ra một tình cảnh bi thương, đau khổ với không khí ngột ngạt bao trùm cả nước. Rồi chiến tranh biên giới xảy ra với Tàu năm 1978, thêm cuộc chiến tranh với Campuchia khiến cho Việt Nam trong chế độ mới bị thế giới xa lánh, cô lập. Trước tình cảnh bi đát này, hằng triệu người đã liều chết vượt biển tìm tự do.

Nếu nhìn trên bản đồ thế giới, con đường vượt thoát nhiều nhất ra đi là biển Đông và biển Thái Lan, để hi vọng đến Hồng Kông, đến Phi Luật Tân, đến Mã Lai, ngoài ra rất ít người dùng đường bộ đến Thái Lan qua nước Campuchia.

Do vậy, cuộc hành trình vượt thoát bằng thuyền trên đại dương bao la, đã đánh động lương tri nhân loại. Thống kê cho biết một con số ước đoán có trên 500 ngàn người Việt đã vùi thây dưới lòng biển sâu trên đường tìm kiếm tự do. Do đâu, mà người dân Việt cầm chắc cái chết trong tay, khi đặt sinh mệnh mình trên những chiếc thuyền con nhỏ bé, hầu mong vượt qua biển cả mênh mông trước ba đào sóng dữ.

Sau khi vớt lên trên sân tàu Tây Đức. Châu Đình An dấu X đứng bìa góc trái

Chính sách kinh tế tập trung trong tay Đảng, do vậy tất cả xăng dầu bị tịch thu và quản lý, các cửa khẩu ra biển bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ, ngành ngư nghiệp đánh bắt cá bị quốc doanh và các thuyền bè phải vào cái gọi là hợp tác xã, mỗi lần ngư dân ra biển để đánh bắt cá, phải khai trình và số lượng nhiên liệu được kiểm soát vừa đủ cho thời gian tàu thuyền chạy ra bao nhiêu hải lý, và vừa đủ để chạy trở vào sau bao nhiêu ngày được phép. Việc kiểm soát chặt chẽ này nhằm khống chế sự vượt biển tìm tự do của người dân Việt Nam.

Tôi đã tìm cách vượt biển sau khi từ trại cải tạo trở về. Vượt biển khó lắm, vì cần có ít nhất là 3 đến 5 lượng vàng, có chỗ còn phải trả cao hơn nữa. Nhưng tôi đã lấy công sức bằng cách tình nguyện mua dầu để đổi được chuyến đi. Dầu là nhiên liệu cần thiết cho chuyến hải hành, ít ai dám nhận việc mua dầu, vì nguy hiểm. Mua từ các tài xế bộ đội cộng sản Bắc Việt, và mua phải vào ban đêm. Vì các tổ hợp có ghe thuyền bị quản lý chặt chẽ, nhưng vẫn có những móc nối để chuyến vượt biển ra đi. Và cần nhất là nhiên liệu, dầu không thể chứa dưới khoang thuyền, vì ra cửa khẩu sẽ bị kiểm soát tìm thấy và bị bắt ngay, do vậy, dầu phải có và chứa ở một nơi, đó là chôn dưới lớp cát dọc bãi biển, và ban đêm, khi tàu ra khơi sẽ quay thuyền ngược lại để đào cát lên, lấy số dầu và ra đi.

Vì không có vàng, tôi xin nhận làm công mua dầu, gánh dầu ra bãi để chôn dấu. Qua sự giới thiệu của một người quen, tôi đến nhà ông Hai Khi, là chủ ghe của một hợp tác xã, vì bị trưng thu vào hợp tác xã, nhưng chủ ghe vẫn được dùng lại như là công nhân của nhà nước cộng sản để điều hành chiếc ghe đánh cá của mình. Quốc hữu hoá thật tinh vi, vì đã lấy tài sản của mình, lại còn bắt mình phải làm công lại. Ông Hai Khi là dân Nghệ An, di cư vào Nam năm 1954, hành nghề biển cả đời mình. Tôi được ông giao tiền chỉ đủ mua cho từng đêm số dầu cần phải có. Và ông hứa là, tôi sẽ được có mặt trên chiếc ghe của ông khi có đủ dầu.

Mỗi đêm, tôi nằm thoai thoải dưới quốc lộ 1, (con đường từ Nam ra Bắc) ở làng Hộ Diêm, thị xã Phan Rang Tỉnh Ninh Thuận. Mỗi khi có ánh đèn xe Molotova (loại quân xa của quân đội miền Bắc) chiếu từ xa, là tôi nhảy lên đứng cạnh lề đường, tay đưa can dầu bằng nhựa lên cao, tay kia đưa ống hút dầu vẫy lia lịa để tài xế xe thấy mình muốn mua dầu. Các tài xế cán binh cộng sản rất thích bán dầu để lấy thêm tiền tiêu xài, vì lương lính của họ rất ít. Dừng lại, nhảy xuống xe họ hét lớn: “tiền đâu”, trao tiền nhanh, họ lấy can đựng dầu đặt xuống đất, thọc ống hút vào bình xăng dầu của xe, và tôi kê mồm hút cho dầu chảy vào can đựng. Vì sợ bị bắt gặp, người mua và kẻ bán đều lo sợ, do vậy họ thường hối thúc “nhanh lên, đủ rồi”. Mỗi lần hút dầu từ thùng xe, dầu bắn đầy mặt tôi, áo quần hôi mùi dầu nồng nặc, đã thế dầu còn vào cuống họng làm tôi muốn ói mửa, lảo đảo vì bị nhức đầu.

Cứ như thế suốt đêm, từ 12 giờ khuya “hành nghề” cho đến 3 giờ sáng, là tôi và một người bạn thân (tên Đại) phải gánh dầu ra bãi biển để chôn dấu. Mỗi can dầu chứa được 20 lít, gánh hai can là 40 lít, và hai người gánh được 80 lít cho mỗi đêm. Một chiếc ghe muốn đi từ cửa biển Tân An, Phan Rang đến đảo Palawan Phi Luật Tân, cần phải có đủ 600 lít dầu, và mua khoảng 10 ngày là có đủ dầu để bắt đầu cho chuyến vượt biển. Nhưng bạn ơi! Nhiều lúc mua dầu, chôn dầu xong thì phải chờ ghe, và xui xẻo, bãi dầu của mình bị phát hiện, bị đánh cắp, bị tịch thu. Rồi phải làm lại từ đầu.

Nhớ lại gánh dầu ra biển, tôi đã phải gánh 40 lít dầu nặng trĩu trên thân thể ốm yếu, còm cõi để băng qua một đám ruộng dài. Hộ Diêm là một làng nông, đa phần dân công giáo, và các thửa ruộng nằm sát quốc lộ 1. Tôi phải chật vật, khéo léo để các thùng dầu không bị vỡ mỗi lần té xuống, chỉ vì đường bờ ruộng quanh co, nhỏ bé, vừa đủ cho một người đi, mà lại đi trong đêm tối đen, thỉnh thoảng bị sụp lỗ ruộng, là cái lỗ thông qua các ruộng lúa với nhau. Con đường ruộng khó đi trong đêm tối, lại phải đi thật nhẹ để không gây tiếng động, vì sợ bất trắc xảy ra, nếu có ánh đèn pin quét lên là họ sẽ tri hô mình đi ăn trộm lúa, và mình sẽ bị bắt, tống giam trong tù ngục xã hội chủ nghĩa vì âm mưu vượt biển.

Nhưng cuộc vượt biển lại bất thành, vì dầu bị ai đó lấy mất. Sau này, tôi được Thái Thu Cúc, một cô bạn gái quen trong các chuyến vượt biển trước bất thành, đã giúp tôi ra đi từ cầu Xóm Bóng Nha Trang ngày 16 tháng 5, 1980.

Ghe vượt biển của tôi được Tàu Melbourn Express của Tây Đức vớt giữa biển khơi sau 3 đêm 4 ngày lênh đênh giữa sóng dữ và suýt chìm. Họ gửi chúng tôi tạm trú tại trại tị nạn Hồng Kông, chính nơi này, tôi đã viết ca khúc Đêm Chôn Dầu Vượt Biển.

Nhớ lại những lần gánh dầu ra biển, rồi chôn dầu trong đêm tối, bài hát đã trải lòng: “đêm nay anh gánh dầu ra biển, anh chôn. Anh chôn, chôn hết cả những gì của yêu thương. Anh chôn, chôn mối tình chúng mình. Gởi lại em, trăm nhớ ngàn thương…”. Tôi nghĩ đến Cúc, và viết cho nàng, dù Cúc giúp tôi thành công vượt biển, nhưng Cúc đã  không may mắn, nàng kẹt lại từ đó cho đến bây giờ.

Tháng tư đến mỗi năm, hằng triệu triệu người Việt Nam trong và ngoài nước không thể quên nỗi kinh hoàng, hụt hẫng, đau đớn vì sự thay đổi tất cả của con người và đất nước chúng ta. Viết bài này hôm nay đã 37 năm trôi qua, đã 37 tháng tư dài trong một đời người.

Chúng ta không quên đất nước đau thương của chúng ta, ngày càng tụt hậu về giá trị nhân phẩm. Chúng ta không thể nào quên đất nước thân yêu ngày càng kém cỏi về một xã hội gần như vô cảm, và thế hệ trẻ từ thể chất đến tinh thần bị băng hoại niềm tin. Do đâu mà ra nông nổi này, câu trả lời đã quá rõ, đồng bào miền Bắc đã rõ từ năm 1954, đồng bào miền Nam đã rõ từ năm 1975.

Từ “đêm chôn dầu vượt biển” cho đến bến bờ tự do ngày hôm nay, người Việt hải ngoại lúc nào cũng canh cánh trong lòng nỗi thương nhớ về non sông, xứ sở mình. 37 năm dài đã ổn định cuộc sống, con cái học thành tài, một thế hệ tiếp nối chuyển mình với biết bao hy sinh, biết bao nỗ lực, kiên nhẫn để vượt qua khó khăn. Chúng ta đã tìm đủ mọi cách để vượt thoát ra khỏi bóng tối chủ nghĩa xã hội, kể cả biết có thể mình phải chết, thì sẽ có ngày chúng ta trở về với ánh sáng tự do dân chủ thực sự qua nỗ lực tìm đủ mọi cách đấu tranh cho nhân quyền nơi xứ người.

“Anh phải bỏ đi, thắp lên ngọn lửa hy vọng. Anh phải bỏ đi để em còn sống..”

Dù sao, tôi cũng đã tâm niệm khi viết xuống, để hẹn ngày trở lại của một nước Việt Nam dân chủ, tự do thực sự. Tôi biết chắc rằng, chúng ta không thể nào quên quê nhà. Cũng như chúng ta không thể mặc áo ấm đi giữa mùa Đông đang khi có bao người giá lạnh…

Hò ơi! Tạm biệt nước non..

Châu Đình An

nguồn: www.chaudinhan.net

—————————————————————————–

Cali ngày 31/3/2012
 
Hoàng Lan Chi viết: Một trong những nhạc phẩm luôn làm tôi ứa lệ là “Đêm chôn dầu vượt biển”. Từ nhạc phẩm, tôi tìm đến tác giả để rồi yêu mến tiếp “Chăn vịt ở phương Nam”.
 
Chị em chơi với nhau trong tình văn nghệ, ban đầu là âm nhạc và sau đó là …những ngậm ngùi về một quê hương rât xa nhưng vẫn cháy bỏng một niềm tin của “một ngày về”.
 
Blog Châu Đình An chào đời cách đây vài tháng. An không viết về âm nhạc nhiều mà về “thời sự”. Những bài viết ấy đã được nhiều blogger đưa vào blog của họ.
 
Hôm nay Châu Đình An kể về “Đêm chôn dầu vượt biển”, nhạc phẩm đã làm nên tên tuổi An. Rất nhiều người của ngày đó và cả bây giờ sẽ không hiểu tại sao lại đêm chôn dầu vượt biển? Trong tự tình này, An đã kể những ngày ấy, An đã mua dầu, chôn dầu để xin vượt biển vì không có đủ 3 cây hay 5 cây vàng để vượt biên.
 
Sắp đến tháng Tư. Ngày quốc hận. Bài tự tình An thật là , như một giọt nước giếng quê hương, rất mát, rất ngọt, rớt xuống hồn tôi sáng nay, một ngày chủ nhật Cali với sắc trời mầu xám, và vì thế cũng rất đắng, cái đắng của “vồng cải quê nhà”…