Đọc “ANH PHẢI SỐNG” của ChuLynh (T.P.V)
Tôi gặp Chu Lynh lần đầu ngót hai thập niên trước, dịp anh từ Washington DC về Quận Cam ra mắt tập phim tài liệu về tội ác của Hồ Chí Minh. Đây cũng là thời gian tủ sách Tiếng Quê Hương ra đời và là lý do để tôi có dịp gặp anh thường xuyên. Ở Quận Cam, ở Washington DC. Và để thấy rõ niềm đam mê loé lên trong mắt anh về những hoạt động không ngừng nghỉ của Vietnam Film Club.
Gần đây, nhận được bản thảo “Mảnh Da Vàng”, tôi mới thật sự nhận ra con người đa dạng, nặng lòng với quê hương, đất nước của tác giả.
Qua bản thảo, tôi phân vân không biết kêu anh là gì? Ngoài chức danh là nhà làm phim tài liệu, trong “Mảnh Da Vàng” anh viết đủ loại: Ký sự, tự sự, hồi ký đời tù, những bài tường thuật liên quan tới những phim tài liệu anh đã thực hiện về Nghĩa Trang Biên Hòa, cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, Nhạc sĩ Lê Văn Khoa, còn có mấy truyện ngắn. Ở đây, tôi chỉ giới hạn vào truyện ngắn “Em Phải Sống”.
“Em Phải Sống” thuật lại cuộc tình ngắn ngủi trong chiến tranh Việt Nam. Tác giả chọn bố cục tác phẩm theo kiểu “thủ vĩ ngâm”. Gợi lại một thoáng đoạn kết 20 năm sau, nội dung truyện khởi đầu vào giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến trước khi đứt phim. Thụy Vy gặp Trung úy Nguyễn Tường Lân, bạn anh Hai cô từ mặt trận trở về hậu cứ Ban Mê Thuột 1967 thăm mộ người tình đột ngột qua đời: Diễm, cô gái bán Bar.
Qua lời kể của anh chị Hai, cô bé biết Lân và Diễm yêu nhau tha thiết từ thuở còn đi học. Rồi chiến tranh đã chia cách hai người cho đến khi tình cờ gặp lại nhau ở một quán Bar.
Qua thần tượng người anh ruột là một sĩ quan gương mẫu, Thụy Vy dễ dàng có những cảm nghĩ tốt về người bạn của anh Hai. Tinh thần yêu nước, thái độ thủy chung và phong cách anh hùng, trầm lắng của Lân qua linh cảm bén nhạy của phụ nữ đã thu hút sự chú ý của Vy ngay từ phút đầu gặp gỡ. Ngày theo anh chị ra phi trường tiễn Lân trở về căn cứ, Thụy Vy liều lĩnh xin địa chỉ đơn vị của Lân. Thâm tâm Thụy Vy nghĩ.”Tôi làm một việc mà sau này nhớ lại thấy mình đi quá nhanh, nhưng tôi không hối tiếc….”
Cuốn theo cơn lốc tình cảm, cô bé còn đi xa hơn nữa. “Những lá thư đều đặn qua lại, có chút lo lắng, có chút quan tâm, nhiều thứ dặn dò lẫn nhau đẩy tôi lại gần anh hơn…. Đi lễ, tôi cầu nguyện cho anh được bình yên trong các cuộc hành quân. Tôi hẹn ngày Giáng Sinh anh về đi lễ với tôi, sẽ quỳ thật lâu bên hang đá cầu nguyện khi không còn ai trong nhà thờ”.
Trái với thói thường, khi chìm ngập trong mối tình bốc lửa, kẻ ở tiền đồn, ngày đêm đối diện với thương đau, chết chóc, người ở hậu phương, lòng như lửa đốt nhiều phen ngỏ ý muốn đi thăm người tình, nhưng chính Lân ngăn cản… cô bé sẽ có những phản ứng tiêu cực trong việc học hành, trong cung cách xử sự với cha mẹ, anh em. Nhưng không. Bỗng dưng khi yêu và đượcyêu, cô trở thành một học sinh gương mẫu, một người con ngoan, một người chị, người em hiền hòa, dễ mến.
Nhưng trong tình yêu, cô vẫn là người thẳng thắn, can đảm, và dứt khoát.
Một chiều, ngồi trong lớp học nghĩ tới Lân, cô chợt thấy thương và yêu anh tha thiết. Lần đầu cô cầm bút viết vào cuối tập vở:“Anh Lân, em đã yêu anh”.
“Đó là buổi chiều se lạnh, mưa lất phất, bầu trời quen thuộc của thành phố “buồn muôn thuở” vào mùa mưa. Những lá thư không đủ cho tôi vơi bớt nỗi nhớ anh. Tôi liều lĩnh đến hậu cứ Trung đoàn của anh Hai để nói chuyện với Lân qua máy vô tuyến…..anh sống giữa bom đạn, hầm hố và hỏa châu. Đã ba năm yêu nhau, anh vẫn không cho tôi đến nơi đóng quân của anh. Suốt tháng nay, tôi không một tin tức về anh ngoài vài lần nghe anh Hai nói anh vẫn bình yên.”
Nhưng rồi chuyện phải đến đã đến.
“Năm chiếc băng ca được đưa vào một nhà kho. Hai anh em tìm anh Lân giữa năm bao đựng xác. ….. khi thấy bảng tên Lân trên túi áo lem luốc máu, tôi nhìn vào đôi mắt dường như còn hé mở của anh, tôi thét lên. Anh Lân! Mắt tôi mờ đi. Tôi gục xuống ngực anh như một cái xác rồi không biết gì nữa…….
– Em cần nghỉ ngơi cho khoẻ lại.
– Không. Em không cần nghỉ ngơi. Em muốn về lại hậu cứ. Em sẽ ở bên cạnh anh Lân, em sẽ làm bất cứ điều gì một goá phụ phải làm.
Tôi, cô học trò Thụy Vi, người vợ chưa bao giờ cưới của anh Lân, không khăn tang trên đầu, lễ phép cúi chào đáp lễ từng người đến thắp nhang….. tiếc thương, đau đớn, uất nghẹn về người lính trận Nguyễn Tường Lân đã ngã xuống chiến trường Đức Lập……
Hơn ai hết, tôi hiểu sự hy sinh của anh lớn lao như những giòng chữ anh đã viết cho tôi: “Trước khi ngã xuống, người lính phải hiểu rằng họ hy sinh không phải cho một chế độ, cho một số người, mà cho mảnh đất đã sinh ra mình, đã nuôi nấng mình thành người Việt Nam”.
Ngoài tâm tình kính trọng, tin và yêu, điều gì đã khiến Thúy Vy có phản ứng như một người bạn chung thân của Đại Úy Nguyễn Tường Lân? Và cô đã can đảm nói lên trước công luận:
“Trước khi nằm xuống, anh Lân đã không biết một điều quan trọng. Tôi mang thai trong chuyến về phép cuối cùng của anh. Anh không biết mặt con….Khi biết tôi có thai, mọi người có những phản ứng khác nhau. Anh chị Hai là những người nâng đỡ tôi khỏi rơi xuống hố tuyệt vọng.”
Thụy Vy quyết định nghỉ học tìm việc làm, chuẩn bị đón đứa con sắp ra đời. Sinh con gái, cô ghép một nửa tên mình với một nửa bút danh của Lân thành Thụy Vân để nó mang hình ảnh ba mẹ nó suốt đời.
“Tuổi thanh xuân của anh dành cho chiến tranh, anh chết cho quê hương….May mắn, anh ra đi trước ngày miền Nam mất. Anh thoát khỏi những trại giam tàn độc của quân thù. Anh khỏi phải nhìn thấy quê hương tan tác sau 75. Anh không phải lênh đênh trên biển cả tìm đường sống. Anh Hai trong trại tập trung, chị Hai khốn đốn tìm mưu sinh vì nhà cửa bị chiếm đoạt…
Nhưng hai mẹ con tôi phải rời khỏi mảnh đất này. Tôi tin anh Lân muốn mẹ con tôi ra đi. Tôi bất chấp mọi can ngăn của gia đình, bất chấp mọi rủi ro trên đường đi. Tôi nói thầm với anh Lân suốt cuộc hành trình bằng đường bộ: “Hãy bảo vệ mẹ con em đến nơi an toàn”.Cuộc hành trình đầy rủi ro, nhưng tôi tin anh Lân là tấm thẻ hộ mệnh cho hai mẹ con. Sau bảy ngày lẩn trốn trên đất Miên, rồi cuộc băng rừng gian nan qua biên giới Thái Lan, mẹ con tôi đến được trại Panatnikhom.
***
Dưới cái nhìn của con người bình thường, cái chết của Nguyễn Tường Lân là một “ending” thảm khốc cho một cuộc tình. Nhưng với tâm thức hiểu biết, trưởng thành cũng như dự kiến quyết liệt, gan dạ tiếp theo củaThụy Vy, bi kịch ấy lại trở thành một ân thưởng của Thượng Đế dành cho những ai có cái tâm thiện hảo như cô. Đấy là một mẫu người đã sống hết mình cho tình yêu và cho người mình yêu.
Sau hơn 20 năm dài khởi đầu bằng một quyết định sống chết, một mình ôm đứa con gái nhỏ vượi núi rừng biên giới đầy cạm bẫy đến được trại tị nạn Panatnikhom, đầu cầu dẫn mẹ con Thụy Vy vào một Chân Trời Mới. Ở đấy có tất cả những gì Thụy Vy và người chồng chưa bao giở cưới của cô hằng mong ước. Riêng với Nguyễn Tường Lân, kể cả với anh Hai, đích điểm ấy còn là căn nguyên sâu xa khiến họ và cả triệu người lính VNCH xả thân chiến đấu, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng
“Vân chần chừ như muốn nói điều gì.
– Mẹ. Con muốn cả nhà mình thắp nhang cho ba thêm một lần nữa.
– Để làm gì?
– Để cám ơn ba lúc nào cũng ở bên hai mẹ con mình.
Quý nhìn Vân rồi nhìn tôi thật dễ thương.
– Mẹ. Vân quên một người nữa cũng phải cám ơn ba.
Vân thắp ba cây nhang mới. Hai đứa thì thầm gì đó tôi không biết. Nhưng nhìn vào đôi mắt anh Lân, tôi tin anh đang nghe rõ tụi nó nói gì. Hai mươi năm rồi, mẹ con tôi trải qua biết bao thay đổi, nhưng có một thứ không hề lay chuyển: tình yêu của tôi dành cho anh….. tôi nghĩ đến căn nhà sắp có thêm một đứa con.
Đứa con thêm vào đó là cậu du học sinh tên Quý, con trai một cựu Sĩ Quan QLVNCH, vì không đủ điều kiện qua Mỹ theo diện HO nên ông bị kẹt lại.
Chọn lối bố cục cổ điển “thủ vĩ ngâm” để mở đầu và kết thúc “Em Phải Sống”, cùng với cách hành văn thông thoáng, linh hoạt, cô đọng, trong chừng mực nào đó, tác giả Chu Lynh đã thành công trong nghệ thuật xây dựng truyện ngăn, một thể loại không dễ đối với nhiều người.
Trần Phong Vũ
Nhà Báo, Bình Luận Gia Thời Sự
Nguyên Chủ bút hai tạp chí Đường Sống và Diễn Đàn Giáo Dân tại Hoa Kỳ.