* *
Đọc bức thư dài viết tay của Cung Tiến … tôi vô cùng cảm khái. Ở Mỹ bây giờ, rất ít người viết “bằng tay”, mà viết bằng computer, vì viết bằng computer nó nhanh chóng và thuận tiện hơn nhiều. Phải có một sự trân trọng nào đó, một sự thân tình nào đó mới viết thư “bằng tay”. Xin cảm ơn Cung Tiến. Nhìn những giòng chữ này tôi nhớ thời kỳ còn nín thở qua sông ở Việt Nam, thỉnh thoảng từ Hóc Môn lên nhà bạn Thanh Tâm Tuyền ở Bình Hoà nghe tin tức. Trong căn phòng tối mờ mờ, Thanh Tâm Tuyền đưa tôi xem thư của Cung Tiến gửi về từ Minnesota. Vẫn những giòng chữ ngả, phóng khoáng và đẹp đẽ.
Ngoài tư cách một nhà soạn nhạc, Cung Tiến còn là một nhà kinh tế. Cung Tiến học kinh tế ở Úc – Chương trình Colombo rồi tốt nghiệp trường danh tiếng Cambridge ở Anh. Từ khi sang Mỹ 1975, anh làm nhà nghiên cứu và phân tích trong Bộ An Ninh Kinh Tế tiểu bang Minnesota (Minnesota Department of Economic Security). Cung Tiến cũng còn là một thành viên tích cực trong Hội Nhân quyền Quốc tế (International Federation of Hurnan Rights). Vì vậy, anh là một trong những người tranh đấu không mệt mỏi cho nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo còn kẹt lại sau bức màn tre, màn sắt. Trong thư viết khoảng giữa thập niên 80 anh báo cho chúng tôi biết là tên tuổi chúng tôi đã được gửi cho những đoàn thể, những tổ chức quốc tế có nhiệm vụ thúc đẩy nhà cầm quyền Hà Nội thực hiện những cam kết trong Hiến Chương Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc trả tự do cho những người làm văn học nghệ thuật của chế độ cũ. Có thư anh báo tin vui “thế nào chúng ta cũng gặp lại nhau”. Có thư anh báo tin buồn “Thanh Nam đã mất ở Seatle”. “Tuyết Ngưu – Vũ Khắc Khoan đã nằm xuống ở Minnesota” …
*
Cung Tiến là một nhà hoạt động văn hóa và xã hội nổi danh ở miền Nam và ở Mỹ. Từ cuối thập niên 50 khi Cung Tiến còn học những năm chót ở Chu văn An, những bài hát “đầu tay” của anh đã được mọi người yêu quí và trân trọng. Thu Vàng – Hương Xưa – Hoài Cảm mang một nổi buồn dịu dàng, sâu kín như một hơi thở lãng mạn từ thế kỷ 19 ở Pháp thổi về. Hãy nghe Hương Xưa “còn đó bóng tre êm ru – còn đó bóng đa hẹn hò – còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu – còn đó tiếng khung quay tơ – còn đó con diều vật vờ – lời Đường thi vẫn rền trong sương mưa dù có bao giờ lắng men đợi chờ …” Đó là một cái bình rất đẹp, rất cổ có ghi những ảnh hình của Đông Phương – của Việt Nam … nhưng chất men chứa trong chiếc bình ấy được chiết ra từ những chiếc lá vàng từng cánh rơi từng cánh của Anatole France, từ những dư hương của một mối tình đã chết trong Premier Regret hay từ cái chuếnh choáng của con tàu say trong le Bâteau ivre.
Cung Tiến là một người rất yêu quê hương Việt Nam nhưng cách suy nghĩ của anh rất “Tây”. Phong cách Cung Tiến trong nhạc “cải cách” cũng phần nào giống như Xuân Diệu trong “thơ mới” vậy.
Dạo còn ở Việt Nam trước 1975, Cung Tiến có cho tôi các bản nhạc của anh, in rất đẹp, trình bày trang nhã. Đây là thời kỳ anh đã từ bên Anh về nước. Khi học kinh tế ở Úc, anh cùng một lúc học nhạc ở Conservatoire Sydney – và khi ở Cambridge anh cũng theo học các lớp lý thuyết âm nhạc tại đại học này. Anh phổ thơ Thanh Tâm Tuyền (Lệ Đá Xanh), Quang Dũng (Đôi Mắt người Sơn Tây). Tôi có cảm tưởng nét nhạc của Cung Tiến càng ngày càng bác học. Một anh xuất thân “nhà quê” như tôi đi vào nhạc Cung Tiến lúc bấy giờ giống như lạc vào một khu rừng. Anh có hỏi tôi cảm tưởng. Tôi cũng thành thực mà nói rằng “moi vẫn thích Thu Vàng – Hương Xưa – Hoài Cảm”. Cung Tiến cười cười mà nói “Exercice – Exercice”. Hình như Cung Tiến muốn nói rằng đó chỉ là những bài tập của một thời nào đó mà thôi.
Tôi được quen biết Cung Tiến qua Thanh Tâm Tuyền. Ngày đó TTT và tôi làm việc trong cùng một toà soạn. Để khuyến khích chúng tôi làm quen với nhạc thuần túy, Cung Tiến đưa cho chúng tôi những tape nhạc cổ điển. Nhạc cổ điển là “nhạc của nhạc” nhưng mà thực tình, các tai “nhà quê” của tôi không chịu nổi, vẫn như “nước đổ lá khoai”. Tôi chót quen với hát chèo, trống quân, cò lả mất rồi.
Bây giờ, đã hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Trong bưu kiện Cung Tiến vừa gửi cho tôi có tape và những tài liệu liên quan đến đêm trình diễn Việt Nam and Beyond vừa được tổ chức ở Saint Paul (Minnesota) nhằm gây quỹ thiết lập một Trung Tâm Việt Nam mới. Có nghệ sĩ Trung Hoa – Mỹ và Việt Nam (tất nhiên) tham dự. Nghệ sĩ Trung Hoa Gao Hong hiện đang dạy ở đại học Tiểu bang trình tấu đàn tì bà. Ban nhạc gõ trường đại học Macalester chơi ngẫu hứng những bản nhạc cồng chiêng của dân tộc Ê Đê miền Ban Mê Thuột VN. Có khá nhiều tác phẩm của Cung Tiến được trình bày trong đêm văn nghệ đặc biệt này. Người giới thiệu và chú giải chương trình là Cung Tiến và Tiến Sĩ P.Blackburn, giám đốc chương trình của diễn đàn những người soạn nhạc ở St. Paul. Bài Hương Xưa được diễn giải “Viết năm 1955-1956 ca khúc thời niên thiếu này mang từ vựng, ngữ pháp và nhạc nghệ thuật Âu Châu thế kỷ 18. Có thể coi đây là một bài tập về phong cách nhạc Tây Phương”.
Như đã nói ở trên, hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua mà từ exercice (bài tập) vẫn còn nguyên trong ngôn ngữ Cung Tiến. Tôi không phải là một người hiểu biết về âm nhạc nên không phân biệt được một bài tập và một tác phẩm nó giống nhau, khác nhau như thế nào. Nhưng một bài tập của Cung Tiến – Hương Xưa đối với tôi lại mang dấu ấn Cung Tiến nhiều hơn hết …
Những bài hát đầu tay mang dấu ấn Cung Tiến giữa thập niên 50 như Thu Vàng – Hương Xưa – Nguyệt Cầm – Hoài Cảm … từ khi xuất hiện đến nay trên 40 năm không lúc nào ngừng tỏa hương thơm. Một hương thơm dịu dàng, sâu kín có để ý tìm mới thấy. Nó không gây ồn ào như một số nhạc thời thượng (tiền tuyến, hậu phương, du ca, về nguồn, thân phận) nhưng nó có một sức sông riêng bền bỉ. Đó là một khu vườn Cung Tiến, một thế giới riêng Cung Tiến.
Trên 40 năm nay, nhạc Cung Tiến không lẫn với ai – nhạc “xưa” nhưng không “cũ’ bao giờ, nghe càng lâu càng thấm. Nó chịu được sự thử thách của thời gian. Nghe nhạc Cung Tiến tôi thường nghĩ đến người con gái đẹp của một thế gia vọng tộc vừa suy tàn, sống ẩn dấu trong một khu vườn hẻo lánh nhưng luôn luôn mang một nỗi tự kiêu thầm kín về gia phong và nếp sống của mình.
*
Cái tên Cung Tiến được biết đến đầu tiên là về nhạc. Nhưng như đã nói – anh còn là một nhà kinh tế, một nhà hoạt động văn hóa chuyên cần. Hồi trước 1975, trên những tập san văn học nghệ thuật như Sáng Tạo (bộ mới), Nghệ Thuật, Văn … Cung Tiến đã viết nhiều bài khảo luận sắc bén về Levi Strauss, về Virginia Woft – về cơ cấu luận (Structuralism). Anh cũng là dịch giả cuốn “Một ngày trong đời Ivan Denisovich” truyện của A. Solzhinitsyn, tác giả Nga được giải thưởng Nobel văn chương năm 1970 và bị tống xuất sang Âu Châu.
Anh cũng là người giới thiệu Club de Rome gồm một số đông các nhà khoa học thuộc đủ mọi ngành trên thế giới tập họp ở Rome, nêu ra những vấn đề cấp thiết của con người trên hành tinh trái đất càng ngày càng chật hẹp trong cuốn The limits of growth. Cuốn sách này, được Cung Tiến dịch sang Việt Văn dưới tiêu đề Giới Hạn Phát Triển, gióng lên tiếng chuông cảnh báo loài người – và cũng là cuốn sách đầu tiên nêu lên những tiêu chí của một nền kinh tế toàn cầu ngay cuối thập niên 60.
Vào khoảng đầu thập niên 70, Club de Rome (lúc này đã gây ảnh hưởng sâu đậm trên thế giới, càng ngày càng có nhiều nhà khoa học tham gia) cho ra đời cuốn sách thứ 2 tiếp theo Giới hạn phát triển – Đó là cuốn Chỗ Rẽ Của Nhân Loại (The Turning point of mankind). Lúc này Cung Tiến bận rộn hơn – anh tham chính (thứ trưởng kiêm Tổng giám đốc kế hoạch cho ông Tổng Trưởng Kế Hoạch Nguyễn Tiến Hưng). Ngày ấy kẻ viết bài này vừa làm việc ở tòa báo Tiền Tuyến, vừa là một cộng tác viên của Tập San Quốc Phòng. Tôi được phân nhiệm lược dịch cuốn sách thứ 2 của Club de Rome. Nhờ tài liệu, nhờ những giải thích của Cung Tiến trên một số vấn đề kinh tế, nên tôi mới hoàn tất được bản dịch “Chỗ Rẽ Của Nhân Loại” đăng trên tập san Quốc Phòng. Một lần nữa xin cảm ơn Cung Tiến.
*
Ngày thường gặp Cung Tiến, anh trang nhã, thận trọng pha một chút lạnh lùng kiểu Ăng lê Cambridge. Nhưng trong những lúc phùng trường tác hí, nhất là khi đã nhậu dăm ba consommation rồi là Cung Tiến phăng phăng, bất cẩn đời. Chúng tôi có thói quen ăn nhậu rồi vào khoảng 10 giờ, 11 giờ đêm kéo đến Đêm Màu Hồng. Chủ quán Phạm Đình Chương đã dành sẵn một chỗ ngồi riêng, giá biểu riêng cho bạn hữu; như đã thành lệ khi “Cái Bang” đến là Phạm Định Chương hay Thái Thanh chuyển hướng đề tài … Bữa ấy “cổ kim hòa điệư” diễn ra hơi dài. Cung Tiến khật khưỡng bước ra sân khấu – gạt người đánh piano sang một bên rồi ngồi xuống dạo Serénade. Cổ kim hòa điệu với nhạc Shubert thì không thể nào “đi” với nhau được nó ngang phè phè. Một khán giả quần áo dù, mũ đỏ chợt bước lên – Anh tiến lại chỗ Cung Tiến đánh đàn và nắm lấy tay. Cung Tiến không nhìn lên, hất tay ra, vẫn tiếp tục dạo đàn mà nói “đi chỗ khác chơi”.
Chủ quán Phạm Đình Chương biết là có chuyện vội đứng ra xin lỗi. Nhưng không kịp nữa rồi. Một vài tiếng nổ xé tai của chai la de vỡ nổi lên. Một vài người bạn dù cùng đi đã nắm cổ chai la de vỡ kéo lên sân khấu. Tất cả khán phòng im bặt – một sự im bặt bất thần và rùng rợn – chỉ còn một mình Cung Tiến vẫn mê mải đánh đàn. Vũ Khắc Khoan vội bước ra. Dù đã nhậu sương sương nhưng Vũ Khắc Khoan vẫn còn đủ tỉnh táo để nắm lấy vai người sĩ quan mũ đỏ mà nói khẽ “Anh học trò tôi có phải … ?” Người sĩ quan dù đang hầm hầm sắc giận vội vàng nhìn lại, rồi đổi giọng “Thưa thầy …”. Người sĩ quan ấy là môn sinh của họ Vũ, không biết ở Chu Văn An hay ở Văn Khoa. Họ Vũ khoác vai người sĩ quan dù rồi nói “Thôi … anh em cả” Người đánh đàn say không nhận thức được việc gì đã xảy ra sau lưng anh. Nếu không có Vũ Khắc Khoan đêm ấy … sự việc sẽ không biết còn diễn biến thế nào.
Như vậy, đã có hai con người trong một Cung Tiến. Một con người duy lý, muốn đi đến cùng lý luận; một con người khác duy cảm – muốn thỏa mãn ngay những đòi hỏi của mình. Con người nào ưu thắng trong Cung Tiến? Tôi vẫn nghĩ là con người duy lý. Cung Tiến chỉ “bốc đồng” khi uống rượu say. Bình thường, như đã nói ở trên Cung Tiến trang nhã và thận trọng. Ở trong địa hạt Cung Tiến yêu thích nhất: âm nhạc, Cung Tiến cũng rất là duy lý. Những bài hát đầu tay Thu Vàng – Hương Xưa – Nguyệt Cầm – Hoài Cảm … dù được yêu thích đến thế nào chăng nữa, đối với Cung Tiến vẫn chỉ là bài tập – một giai đoạn cần phải vượt qua. Tôi nhận ra một điều là sau những bản nhạc đầu tay ấy, Cung Tiến không viết một bản nào có “lời” nữa. Cung Tiến phổ thơ bạn hữu: Thanh Tâm Tuyền – Quang Dũng – Trần Dạ Từ … Phải chăng đó cũng chỉ là những excercice.
Hãy đọc lại Hương Xưa – Thu Vàng … Cung Tiến đâu có phải là người nghèo khó ngôn từ “Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa. Người ơi đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò. Còn đó tiếng tre êm ru – còn đó bóng đa hẹn hò, còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu”. Lời đẹp như một bài thơ xuôi. Nhưng sau đó Cung Tiến không viết nhạc có lời mà anh viết nhạc không lời. Như đúng là nhạc không cẩn lời. Nó có tiếng nói riêng của nó. Nhạc, cùng kỳ lý … là một trật tự nào đó mênh mang và tự nhiên như gió như mây, như trời và đất.
Nhưng không phải người nào cũng thưởng thức được thứ nhạc không lời ấy. Nó đòi hỏi thời gian và tu dưỡng. Hỡi bạn ta, tôi không có thời gian và cũng không được tu dưỡng nên đụng vào nhạc không lời tôi có hiểu gì đâu. Năm 1992 khi tôi từ Úc sang thăm các bạn ở Minnesota … trong một chiều Xuân muộn, dưới cái basement nhà bạn, trong lò sưởi củi cháy đỏ hồng nổ lách tách … bạn cho tôi nghe tác phẩm mới đắc ý của bạn: Tổ khúc Chinh Phụ Ngâm. Với tổ khúc này năm sau các ban nhạc đại hòa tấu nổi tiếng ở Mỹ đã liên tiếp trình tấu. Vì tổ khúc này, trình diễn ở Houston ngày 2 tháng 10 năm 1993, ông thị trưởng Houston đã mệnh danh ngày này là “Ngày Cung Tiến”. Cũng vì tổ khúc này nên một học bổng mang tên bạn cũng được dành cho trường luật ở South Texas College.
Đó là những vinh dự dành cho ngọn hải đăng duy lý. Ngọn hải đăng soi sáng biển cả, soi sáng mọi người. Ngọn hải đăng được vinh danh, được xưng tụng nhưng ngọn hải đăng nào cũng đứng một mình cách xa những ngọn hải đăng khác hàng trăm ngàn hải lý. Nó soi sáng cho người khác, không biết có soi sáng được cho mình. Còn người duy cảm, thuộc loại “người trần mắt thịt” lại rất đông ở cõi đời này. Họ là những người sống ở mọi nơi theo châm ngôn: Một người như mọi người (un homme comme les autres) của J.P. Sartre.
Một người duy lý và một người duy cảm trong cùng một Cung Tiến người nào đáng sống hơn? Điều này lại thuộc về loại “Bất khả tư nghị”.
Ký giả Lô Răng
Trích báo Ngày Nay số 437, 1 tháng 7.2000
* *