Trung Tướng Ngô Quang Trưởng (1929-2007)-Vị Tướng Của Mùa Hè Đỏ Lửa

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nguyễn Kỳ Phong

Tháng 8, 1969: Trong một buổi thuyết trình dành riêng cho đại sứ Hoa Kỳ ở Lào, G. McMurtrie Godley, đại tướng tư lệnh MACV, Creighton Abrams, nói về tình hình quân sự và tình hình của các đơn vị chủ lực của Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa (QLVNCH). Về Vùng I, tướng Abrams nói, “Chúng ta có Sư Đoàn 1 ở đây. Sư Đoàn này có 17 Tiểu Đoàn tác chiến. Đây là Sư Đoàn loại hạng nhất; Sư Đoàn có những quân nhân thượng thặng trên cả nước. Đơn vị có cấp chỉ huy giỏi, từ Tiểu-Đoàn-Trưởng cho đến Tư-Lệnh Sư Đoàn. Người Tư-Lệnh Sư Đoàn — tôi không nghĩ QĐVNCH có một người Tư-Lệnh như ông ta; giỏi về chiến thuật; một người dẫn đầu làm gương”.

Hơn một năm sau, tháng 10 năm 1970, trong buổi thuyết trình dành riêng cho giám đốc CIA, Richard Helms, Đại tướng Tư-Lệnh-Phó MACV, Frederick Weyand, nói, “Trưởng … tôi không cần phải nói nhiều về ông ta vì khả năng của ông đã được biết. Từng là Tư-Lệnh Sư Đoàn 1, nếu nói về cấp số quân, ông ta đã chỉ huy hơn hai Sư đoàn. … Lâu nay ông đã chứng tỏ được khả năng chỉ huy; không ai lung lay ông được. Từ lúc xuống coi Vùng IV, với cá tính năng động, ông đã đề ra những kế hoạch ưu tiên phải thực hiện — ông đã đem lại nhiều phấn khởi cho Vann [John Paul Vann, Chỉ Huy Trưởng Xây Dựng và Phát Triển Nông Thôn, Vùng IV] và McCrown [Thiếu tướng Hal D. McCrown, cố vấn trưởng Vùng IV] ngoài sức tưởng tượng.”

Người chỉ huy trưởng Sư Đoàn 1 và vị tư lệnh Quân Đoàn IV được nhắc đến, là Trung tướng Ngô Quang Trưởng, cựu tư lệnh Quân Đoàn IV, và sau đó, Quân Đoàn I. Trung tướng Trưởng đã từ trần ngày 22 tháng 1, 2007, tại Fairfax, Virginia, hưởng thọ 78 tuổi.

Lời bình phẩm của hai vị đại tướng Abrams và Weyand, là hai trong nhiều lời bình phẩm và khen ngợi về khả năng chỉ huy của tướng Trưởng, đến từ nhiều sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ trong thời gian họ phục vụ ở Việt-Nam. Một trong những lời ca tụng cao quý nhất dành cho tướng Trưởng đến từ Tham-Mưu-Trưởng Liên Quân Earl G.Wheeler. Tháng 7, 1969, trong cao điểm của chương trình Việt-Nam Hóa, tướng Wheeler đến Việt-Nam thăm viếng và hội thảo với đại tướng Cao Văn Viên. Khi nói về chương trình gia tăng quân số cho QLVNCH, tướng Wheeler nói ý nghĩ của ông với tướng Viên: cách gia tăng nhanh chóng sự hữu hiệu của QLVNCH là không phải tạo ra thêm nhiều đơn vị mới, mà là tạo thêm ra nhiều anh hùng trong đơn vị. Giống như ở Sư Đoàn 1, một sư đoàn đang hoạt động rất hữu hiệu. Cái quý trọng đáng nói về những lời khen ngợi này, là tất cả cuộc đối thoại nói về tướng Trưởng đều xảy ra trong vòng bí mật giữa các tướng lãnh cao cấp Hoa Kỳ; họ nói về tướng Trưởng trong vòng kín đáo riêng tư chứ không phải những lời khen thưởng, khích lệ tinh thần ngoài công cộng Đó là vinh dự cho một vị tướng mà theo lời của đại tướng Norman Schwarzkopf — người đã gọi tướng Trưởng là bậc thầy — “không cao lớn, không đẹp trai … không có vẽ gì là một thiên tài quân sự”.

Tướng Ngô Quang Trưởng sanh ngày 13-12-1929, tại Giao-Thanh, tỉnh Bến-Tre, trong một gia đình được coi là khá giả ở miền Nam. Sau khi hoàn tất bậc Trung học ở trường Trung Học Mỹ-Tho, ông gia nhập trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ-Đức. Ra trường tháng 6 năm 1954, tân Thiếu úy Ngô Quang Trưởng đậu hạng 162 trên 1148 tân sĩ quan của Khóa 4. Khóa 4 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ-Đức (ra trường cùng thời gian với khóa 10 trường Võ Bị Liên Quân Đa-Lạt) là một trong những khóa sĩ quan đông nhất và đào tạo nhiều sĩ quan sau này là rường cột của QLVNCH. Cùng khóa 4 với tướng Trưởng là các tướng Bùi Thế Lân, Lê Quang Lưỡng, Hồ Trung Hậu, Nguyễn Văn Điềm, Vũ Văn Giai. Những người bạn cùng khóa còn lại là những sĩ quan chỉ huy trưởng quan trọng của các Sư đoàn, Lữ đoàn, như Nguyễn Trọng Bảo, Liêu Quang Nghĩa, Tôn Thất Soạn, Nguyễn Thu Lương, Nguyễn Thế Lương, Hoàng Tích Thông, Lê Cảnh Dị, Phạm Hy Mai, Nguyễn Viết Cần… Một số những sĩ quan nói trên hoặc đã hy sinh vì tổ quốc, hoặc đã trải qua một thời gian dài đầy cay đắng trong lao tù Cộng sản chỉ vì có tội trung thành với tổ quốc của họ.

Ra trường, tướng Trưởng chọn binh chủng Nhảy Dù, và được chỉ định về phục vụ ở tiểu đoàn 5, tiểu đoàn mà chưa đến một năm trước đó đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng; tiểu đoàn của đại úy Phạm Văn Phú, của những đồi Eliane, Dominique, ở Điện-Biên-Phủ. Trừ cấp bực Đại úy được chánh phủ thăng thưởng chung cho nhiều sĩ quan có thâm niên quân vụ đến thời gian đó (1 tháng 11,1961), tất cả cấp bực về sau, tướng Trưởng được đặc cách ngoài mặt trận, hay được đích thân tư lệnh chiến trường, tư lệnh quân đội, vinh thăng. Vinh quang đầu tiên của tướng Trưởng xảy ra vào cuối tháng 2 năm 1964, khi tiểu đoàn 5 của Nhảy Dù đánh vào mật khu Đỗ-Xá (Đỗ-Xá là một địa danh nằm ngay biên giới của ba tỉnh Quảng-Ngãi, Quảng-Tín và Kontum), ở Vùng I. Với chiến thắng này, cố Đại tướng Đỗ Cao Trí (lúc thiếu tướng Trí coi Vùng I) đích thân đặc cách Thiếu tá nhiệm chức cho tướng Trưởng. Giữa tháng 6-1964, ông được lên Thiếu tá thực thụ — một cấp bực rất hiếm trong những năm đó cho một sĩ quan với mười năm quân vụ.

Sau cuộc đảo chánh 1 tháng 11, năm 1963, trong khi thủ đô Sài-Gòn sôi sục với những biến động chính trị, thì những người quân nhân thuần túy vẫn thi hành nhiệm vụ của họ ở chiến trường. Hoạt động của Cộng sản gia tăng mạnh. Với những yểm trợ vũ khí và huấn luyện của các đơn vị chánh quy xâm nhập từ miền Bắc vào, Việt Cộng bây giờ đã có đủ quân và vũ khí để đánh cấp Trung đoàn nếu không nói là Sư đoàn. Cuối năm 1964 đầu năm 1965, sau khi phục kích và đánh thiệt hại hơn ba phần tư tiểu đoàn 4 TQLC và một tiểu đoàn Biệt Động Quân ở Bình-Giả, Phước-Tuy, Cộng sản tụ quân lại chung quanh địa cứ đó để biểu dương lực lượng. Bộ Tổng Tham Mưu lập tức khởi động chiến dịch Nguyễn Văn Nho, cho hai tiểu đoàn Nhảy Dù, ba Tiểu đoàn TQLC và một chi đoàn thiết giáp trở lại Bình-Giả truy lùng các đơn vị cộng sản. Nhưng khi thấy lực lượng hùng hậu đó, các đơn vị cộng sản lẫn tránh giao tranh. Nhưng cùng lúc, theo tin tức tình báo đến từ thiếu tá Lê Đức Đạt, tỉnh trưởng Phước-Tuy, Cộng sản sẽ đem ba cố vấn Mỹ mà họ bắt được trong trận Bình-Giả trước đó, diễn hành như một chiến thắng cho dân chúng địa phương coi (trong trận Bình-Giả, Hoa Kỳ có 5 tử trận, 8 bị thương, và 3 mất tích). Tin tức này cũng được MACV xác nhận: MACV cho biết máy bay thám thính xử dụng hồng ngoại tuyến đã chấm được tọa độ đóng quân của cộng sản ở chung quanh xã Bình-Giả và Hắc-Dịch (Bình-Giả, Bình-Ba, Ngãi-Giao và Hắc-Dịch, là bốn xã tạo thành Tổng-Cơ-Trạch. “Tổng” là một đơn vị hành chánh cho một vài vùng lúc đó. Có nhiều sách địa lý gọi là Hác-Dịch). Với tin tức cung cấp, Sài-Gòn quyết định trở lại truy lùng các đơn vị còn lẩn quẩn chung quanh Bình Giả thêm một lần nữa. Lần này lực lượng tấn công là ba tiểu đoàn Nhảy Dù. Ngày 9 tháng 2-1965, tiểu đoàn 5 của Ngô Quang Trưởng; tiểu đoàn 6, Vũ Thế Quang; và Tiểu đoàn 7, Ngô Xuân Nghị, nhảy vào Hắc-Dịch. Tiểu đoàn 5 và 6 là lực lượng chánh tấn công, tiểu đoàn 7 đi sau lưng để yểm trợ và chận không cho các đơn vị cộng sản thoát ra liên tỉnh lộ 15. Theo đại tá Nguyễn Thu Lương kể lại — lúc đó là Đại úy Tiểu-Đoàn-Phó Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù — khi tiểu đoàn 5 đã nhận ra và tiến về mục tiêu là một ngôi làng có tên là Phước-Chi, Cộng sản cho đốt rừng tre và cỏ tranh trước mặt hướng tiến quân. Họ hy vọng khi lính Dù thấy lửa cháy trước mặt thì sẽ quay đầu lại tìm hướng khác tấn công … và cộng quân sẽ bất ngờ phục kích khi lính tiểu đoàn 5 đi ngược lại. Nhưng Tiểu đoàn trưởng Ngô Quang Trưởng không cho lính quay lại: ông ra lệnh xung phong thẳng qua thế hỏa công của địch, đánh thẳng vào bộ chỉ huy cộng sản trước mặt, ở phía sau đám lửa đốt ngụy công đó. Và kết quả của trận chiến? Theo tiểu đoàn trưởng Vũ Thế Quang, …”Ông Trưởng đã đánh một trận để đời; đánh tan lực lượng Việt Cộng ở Hắc-Dịch. Và tên ông Trưởng được nhắc đến nhiều từ trận đó”ù. Theo báo chí Hoa Kỳ tường trình lại, trong trận này, tướng Trưởng và lính tiểu đoàn 5 Dù đã cứu được vị Đại úy Mỹ cố vấn tiểu đoàn. Đại úy Thomas B. Throckmorton là con trai của Trung tướng John L. Throckmorton, Tư Lệnh Phó cho Đại tướng William Westmoreland, đương kim Tư-Lệnh MACV. (Cũng muốn nói thêm ở đây, tướng Trưởng hình như có duyên với những sĩ quan Mỹ cố vấn cho ông: Trong thời gian ở Sư Đoàn Nhảy Dù, ba người cố vấn đều là con của tướng hay là trở thành tướng của quân đội về sau. Sau Đại úy Throckmorton là Thiếu tá Schwarzkopf. Thân phụ của Schwarzkopf là chuẩn tướng; và chính ông thì trở thành đại tướng. Sau Schwarzkopf là Thiếu tá Guy S. Meloy, III. Cha của Meloy lúc đó là Đại tướng ở Mỹ; và Meloy sau này cũng trở thành một vị tướng, coi Sư Đoàn 82 Nhảy Dù trước khi về hưu.)

Nhưng cũng theo Đại tá Quang, chiến thắng của Nhảy Dù, của Tiểu đoàn 5, không được báo chí loan tin, hay nhắc đến rầm rộ, vì những biến động chính trị ở Sài-Gòn đã lấy đi tất cả sự chú ý lúc đóù. Nhận định và quan sát của đại tá Quang về chiến thắng bị bỏ quên của tướng Trưởng không xa sự thật. Tháng 2 của năm 1965 là một tháng đầy biến động ở miền Nam: Tướng Nguyễn Khánh vừa bị Hội Đồng Quân Nhân hạ bệ và muốn ông ta rời khỏi Việt Nam; nội các của Thủ tướng Trần Văn Hương thay đổi nhân sự tới lui và có thể bị thay thế. Năm 1964-65 là năm mà Trung úy TQLC Trần Ngọc Toàn — người đã thoát chết trong trận Bình-Giả — gọi là năm của những sĩ quan cao cấp ngồi ở nhà tranh luận và bảo vệ vị thế chính trị cá nhân, trong khi các sĩ quan cấp nhỏ thì đang chết ở chiến trường bảo vệ họ; năm 1964-65 có nhiều đảo chánh – hay tin đồn đảo chánh — đến độ tác giả Nhảy Dù Phan Nhật Nam, khi cho người lính trong trung đội vắng mặt một chút, nhưng căn dặn phải trở lại đơn vị ngay “khi nghe nhạc đảo chánh trổi lên trên đài phát thanh”. Trong khi tờ tường trình về chiến thắng Hắc-Dịch chưa kịp gởi về Hoa-Thịnh-Đốn, thì Hoa-Thịnh-Đốn đã quan tâm, lo lắng, về những thiệt hại ở trận Bình-Giả, và họ chuẩn bị gởi quân tác chiến qua Việt-Nam, dựa vào tờ tường trình của CIA gởi về Hoa-Thịnh-Đốn hai tuần trước. Nhưng cũng có thể, trong tuần lễ thứ nhì của tháng 2 năm đó, QLVNCH đang hân hoan về một chiến thắng khác lớn hơn, quan trọng hơn: ngày 16 tháng 2, ở Vũng-Rô, Phú-Yên, Không Quân VNCH đã đánh chìm một chiếc tàu sắt, chở hàng trăm tấn vũ khí từ miền Bắc vào tiếp tế cho cộng sản ở miền Nam. Với số vũ khí tịch thu được ở Vũng Rô, sự quên lãng của báo chí về trận Hắc-Dịch có thể hiểu được.

Chưa nhạt mùi thuốc súng ở Vùng III, tháng 3-1965, tướng Trưởng đem tiểu đoàn trở lại Vùng I đánh trận Thăng-Bình. Chiến thắng ở Thăng-Bình có sự quan sát của một sĩ quan sau này trở thành đại tướng: Norman Schwarzkopf. Tướng Schwarzkopf lúc đó là thiếu tá cố vấn của tiểu đoàn. Hai mươi năm sau, sau khi cuộc chiến đã tàn; miền Nam đã thất thủ, tướng Schwarzkopf vẫn không quên ấn tượng ông thấy, và bài học ông học được về lối điều binh của tướng Trưởng. Năm 1995 khi tướng Schwarzkopf trở lại Việt-Nam thăm chiến trường cũ, ông có thực hiện một chương trình truyền hình cho một hãng thông tấn. Chiếu lại địa hình của trận Thăng Bình ông nói, khi tiểu đoàn lọt vào địa cứ của cộng sản, quân địch tràn ra đánh. Tiểu đoàn 5, dù bị thiệt hại, nhưng họ chấp nhận và tiếp tục xung phong và chiếm được mục tiêu…. Lính của tướng Trưởng đánh như để thử thách đối phương; để chứng tỏ họ không sợ đối phương (trong trận này, y sĩ tiểu đoàn là bác sĩ Đỗ Vinh bị tử trận. Bệnh viện Nhảy Dù Đỗ Vinh là tên của vị y sĩ này). Nhưng sự khâm phục của một vị tướng tương lai không quan trọng bằng sự hài lòng của một vị tướng đang quan sát mặt trận: Thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi đang là tư lệnh Vùng I. Với tiểu đoàn chiến thắng là tiểu đoàn cũ của mình 10 năm trước (tướng Thi coi Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù tháng 5-1955), tướng Thi đặt cách cho tướng Trưởng lên trung tá.

Lên Trung tá trong những năm của thập niên 1960 là niềm vui, một sự hãnh diện, nếu người đó không còn thích làm tiểu đoàn trưởng hay thích đi tác chiến. Vào thời đó, Tiểu-Đoàn-Trưởng — commandant; chef de bataillon; hay chef d’escadron — chỉ là Thiếu tá. Trên Thiếu tá thì … phải đi tìm một việc khác! Lên Trung tá, tướng Trưởng được gọi về làm Tham-Mưu-Trưởng Sư đoàn. Nhưng làm về tham mưu không phải là việc làm tướng Trưởng thích. Và ông để lộ ra ý nghĩ đó vài tháng sau, khi được chỉ định làm Tư-Lệnh-Phó Sư đoàn Nhảy Dù.

Giữa tháng 5 năm 1966 một biến cố xảy ra làm thay đổi cuộc đời của tướng Trưởng. Những biến động đồn dập ở miền Trung gây ra nhiều sự lo âu cho chính quyền trung ương Sài-Gòn. Sài-Gòn thay sáu Tư -Lệnh Vùng I trong ba tháng, nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Hội Đồng Quân Nhân quyết định dùng quân đội để tái lập trật tự. Tướng Trưởng, đang là Đại tá Tư -Lệnh-Phó Nhảy Dù, dưới quyền chỉ huy của tướng Dư Quốc Đống, đem 5 tiểu đoàn Nhảy dù cùng Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan đưa Cảnh Sát Dã Chiến cùng TQLC ra vùng I để tái lập trật tự. Từ giai đoạn này đến ngày tướng Trưởng rời binh chủng Nhảy Dù để về làm Tư-Lệnh Sư đoàn 1, chúng ta không biết chuyện gì xảy ra — về phương diện tài liệu có được.

ĐàNẵng, tháng 8-1972. Mặc dù đang chuẩn bị kế hoạch tái chiếm Quảng Trị, tướng Trưởng bỏ thì giờ đến chào tiển biệt và gắn huy chương cho các binh sĩ của Sư Đoàn 23 Bộ Binh (Americal Divison) đang trên đường hồi hương trong chương trình Việt Nam Hoá.

Chúng ta không biết tướng Trưởng bị hay được chỉ định thay thế Chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận, Tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh, sau khi tướng Nhuận và một số sĩ quan cao cấp của Vùng I bị đưa ra hội đồng kỷ luật. Theo những người quen với tướng Trưởng kể lại, tướng Trưởng đã lưỡng lự tạm thời nhận chức tư lệnh một sư đoàn bộ binh vì ông không muốn rời màu áo của lính Dù. Tướng Trưởng từ Sài-Gòn đi máy bay ra Huế để nhận nhiệm sở mới. Và để giới thiệu với đơn vị mới cùng người dân địa phương mình là lính Dù, tướng Trưởng nhảy duø xuống Huế để nhận nhiệm sở. Nhưng nhảy dù biểu diễn đôi khi có nhiều rũi ro hơn là nhảy dù vào trận địa. Ngày hôm đó chắc trẻ con và dân chúng Huế ở hai bên bờ sông sẽ reo hò thích thú khi thấy một người lính Dù đáp xuống nước giữa sông Hương! Theo lời của đại tá Tôn Thất Soạn, lúc đó đang cùng đại tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy các đơn vị TQLC đang có mặt ở Huế, một chiếc thuyền máy chờ sẵn trên sông chạy đến vớt tướng Trưởng lên. Từ sông Hương, TQLC dùng hai xe Jeep hộ tống tướng Trưởng vào thành nội Huế để nhận chức tư lệnh đầu tiên của ông.

Trong thời gian chỉ huy Sư Đoàn 1 Bộ Binh, tướng Trưởng được nhiều sĩ quan Hoa Kỳ chú ý. Trong hồi ký A Soldier Reports, Westmoreland nói ông nhận được nhiều báo cáo tốt về Sư Đoàn 1 và người tư lệnh. Tướng Westmoreland đi xa hơn khi ông viết, “Nhiều tướng lãnh nói cho tôi biết họ tin vào khả năng của tướng Trưởng đến độ họ nghĩ ông có thể chỉ huy một sư đoàn lính Mỹ được”. Năm 1999 khi tác giả Lewis Sorley cho ra tác phẩm A Better War, và sau đó, năm 2004, The Abrams Tapes, chúng ta mới đọc được nhiều lời bình phẩm về tướng Trưởng giữa các tướng lãnh cao cấp Mỹ ở bộ tư lệnh MACV. Lý do phải chờ những cuốn sách nói trên ra đời để biết thêm những nhận định về tướng Trưởng, là vì phần lớn những nhận định xảy ra trong những cuộc đàm thoại bí mật ở MACV. Hai tác phẩm của nhà quân sử Sorley phần lớn dựa vào những tài liệu giải mật của bộ tư lệnh MACV.

Tướng Trưởng được thăng chức Chuẩn tướng khi đang chỉ huy Sư Đoàn 1 năm 1967. Sau trận Mậu Thân 1968, tổng thống Thiệu thăng cấp tướng cho một số tướng lãnh — một số tướng vì có công trạng, và một số tướng được thăng chức để củng cố thế lực của Tổng thống Thiệu trong quân đội. Chuẩn tướng Trưởng có tên trong danh sách được thăng thưởng. Tướng Trưởng mang lon Thiếu tướng vào mùa thu năm 1968. Mùa xuân năm 1970, khi QLVNCH chuẩn bị đánh qua Cam Bốt, trong một lần nói chuyện giữa Tổng thống Thiệu và Đại tướng Abrams, ông Thiệu nói với tướng Abrams là ông muốn thay đổi một số tư lệnh sư đoàn và quân đoàn, và theo ý kiến của tướng Abrams thì ai xứng đáng cho những chức vụ Tư-Lệnh mới. Đại tướng Abrams nói ông không hiểu hay biết nhiều về tâm lý người Việt Nam. Nhưng với tất cả sự thiếu hiểu biết của một người Mỹ, ông nghĩ tướng Trưởng là người xứng đáng nhất; một người tướng có khả năng về mọi mặt, nhất là về bình định nông thôn, một chương trình mà chính phủ VNCH cần phải thực hiện nhanh. Trước đó, trong một lần nói chuyện với đại tướng Cao Văn Viên, tướng Abrams có so sánh lối chỉ huy của tướng Trưởng với lối chỉ huy của một vị tướng tư lệnh sư đoàn khác cũng có khả năng như tướng Trưởng. Nghe xong, tướng Viên giải thích cho tướng Abrams về sự khác biệt giữa hai ông tướng: khi tướng Trưởng ra một quân lệnh nào đó, ông sẽ đích thân đi ra các cấp đơn vị từ nhỏ đến lớn để coi lệnh của ông có được thi hành không; trong khi người tướng kia thì chỉ để cho sĩ quan dưới quyền hành sự. Sau này, qua những gì sĩ quan báo cáo lại, Tướng Abrams nghĩ nhận xét của đại tướng Viên là đúng. Và sau này, vào năm 1972, khi tướng Trưởng ra chỉ huy Vùng I, hai người cố vấn Mỹ ở quân đoàn đều thấy lối làm việc của tướng Trưởng: quân lệnh lúc nào cũng đi kèm với sự hiện diện của ông ở mọi cấp của đơn vị. Trong khi Tổng thống Thiệu còn đang lưỡng lự với quyết định chọn lựa các Tư lệnh Quân đoàn, thì một biến cố xảy đến bắt ông phải quyết định: Ngày 20 tháng 5-1970, Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh, Tư lệnh Vùng IV bị tử nạn trực thăng trong cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt. Tổng thống Thiệu bổ nhiệm thiếu tướng Ngô Dzu thay cố Trung tướng Thanh ở Vùng IV. Nhưng chỉ ba tháng sau, vì một lý do nào đó, Tổng thống Thiệu đưa tướng Dzu lên coi Vùng II, và chỉ định Thiếu tướng Trưởng về Vùng IV.

Vùng IV tương đối được yên tĩnh trong thời gian tướng Trưởng ở Vùng IV. Trong thời gian này ông đã khích động tinh thần của binh chủng Nghĩa Quân và Địa Phương Quân — một binh chủng cho đến thời gian đó gần như bị bỏ quên trong cấp số của QĐVNCH. Ông cố gắng hiện đại hóa binh chủng này, và tuyên bố, trên đường dài của cuộc chiến, Nghĩa Quân và Địa Phương Quân sẽ là lực lượng rường cột của quân đội trên đường dài. Mùa hè năm 1972 chứng minh nhận định của tướng Trưởng: trong cao điểm của cuộc tổng tấn công vào miền Nam, từ ngày 1 tháng 4 đến ngày 10 tháng 6, các đơn vị chủ lực của QLVNCH bị thiệt hại 23 ngàn quân, so với 14 ngàn của Nghĩa Quân và Địa Phương Quân. Phần lớn 14 ngàn thương vong này xảy ra ở Vùng IV. Trong thời gian ở Vùng IV, ông cũng phát động nhiều cuộc hành quân vào các chiến khu mà từ trước được coi là vùng bất khả xâm phạm của cộng quân. Đầu năm 1971, ông ra lệnh cho Trung đoàn 33/ Sư Đoàn 21, vào chiếm chiến khu U-Minh-Thượng và lập nhiều đồn bót ở đó. Khi đại sứ Bunker xuống viếng thăm, ông hỏi tướng Trưởng sẽ định đóng quân ở mật khu U Minh Thượng đó bao lâu, “Ở lại luôn”, tướng Trưởng trả lời. Ngoài mật khu U-Minh-Thượng, hai Sư Đoàn 7 và 9 của quân đoàn cũng tấn công và thiết lập sự hiện diện thường trực ở các mật khu Thất-Sơn, Đầm-Dơi, và Đồng-Tháp.

Nhưng sự bình yên của Vùng IV không kéo dài để tướng Trưởng hưởng thụ những thành quả, hay tiếp tục thực hiện những kế hoạch mà ông dự định cho Vùng IV. Mùa xuân năm 1971 ông nghe ngóng tin tức của cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh qua Lào với nhiều lo lắng. Năm đó ông cũng rất buồn khi tiễn đưa một chỉ huy trưởng cũ ra đi vĩnh viễn: trung tướng Đỗ Cao Trí, cựu Tư Lệnh Nhảy Dù bị tử nạn trực thăng vào ngày 23 tháng 2-1971, trong khi chỉ huy quân của Vùng III đánh qua Cam Bốt lần thứ hai. Ngoài tướng Trí, ông cũng mất một số bạn bè Nhảy Dù ở Hạ Lào.

Thứ Năm, 30, tháng 3-1972, cộng sản tấn công qua vùng quân sự ở Vùng I. Vài ngày sau, các cuộc tổng tấn công cũng bắt đầu ở Vùng II và III. Ở Vùng IV, Cộng quân đã có nhiều hoạt động chuẩn bị cho cuộc tổng công kích từ giữa tháng 3. Theo lời tướng Trưởng kể lại, Cộng quân di chuyển Sư Đoàn 1 và chừng sáu Trung đoàn độc lập khác ra khỏi căn cứ của chúng để chuẩn bị tiến về mục tiêu. Trong suốt tháng 4, cộâng quân tấn công vào 5, 6 tỉnh của Vùng IV, nhưng các cuộc tấn công không đủ mạnh để gây lo lắng cho QLVNCH như họ đang lo lắng cho ba Vùng còn lại, nhất là Vùng I. Ngày 2 tháng 5-1972, Quảng Trị thất thủ. Ngày hôm sau, 3 tháng 5, Tổng thống Thiệu triệu tập các tư lệnh Vùng về họp ở dinh Độc Lập. Trong buổi họp tổng thống Thiệu chỉ định thiếu tướng Trưởng ra thay tướng Hoàng Xuân Lãm ở quân đoàn I với chức Trung tướng Tư -Lệnh Quân Đoàn. Đúng một tuần sau, tổng thống Thiệu chỉ định Thiếu tướng Nguyễn Văn Toàn — đang là Ttư Lệnh Phó cho tướng Trưởng — về thay Trung tướng Ngô Dzu ở quân đoàn II.

Tướng Trưởng bay ra Huế cùng ngày nhận được lệnh. Khi đến Huế thì tình hình Vùng I đã bi quan rồi. Chúng ta có thể thay chữ bi quan bằng chữ bi đát ở đây. Ngày hôm sau, ông ra lệnh lập bộ Tư Lệnh iền phương của Quân đoàn ở hướng bắc thành phố Huế. Đồng thời ông ra lệnh tất cả các quân nhân đang đi lạc khỏi đơn vị, hay không còn đơn vị để trở về, phải tìm cách trình diện thẩm quyền quân sự lập tức. Mọi sự bất tuân thượng lệnh sẽ bị trừng phạt ngay tại chổ. Sau khi phân chia vùng trách nhiệm tác chiến cho các đơn vị đã được ổn định, tướng Trưởng tái huấn luyện, tái trang bị lại cho các đơn vị bị tan rã một tháng trước đó. Trong khi chờ đợi các đơn vị hoàn phục lại sức tác chiến, ông xử dụng hỏa lực của Hải quân và Không quân Hoa Kỳ để phá hủy các điểm tập trung quân của cộng sản. Trong tháng 5, sau khi được bộ tổng tham mưu tăng viện cho hai Lữ đoàn Dù, tướng Trưởng bắt đầu chuyển từ thế phòng thủ qua thế tấn công giới hạn. Tấn công giới hạn ở đây có nghĩa là ông dùng trực thăng vận để bất thần đột kích sau lưng những đơn vị Cộng sản. Với không vận cung cấp từ TQLC Hoa Kỳ, tướng Trưởng cho những tiểu đoàn của TQLC và Sư Đoàn 1 đột kích sau lưng địch. Hai tiểu đoàn của Lữ đoàn 369 TQLC nhảy vào Hải-Lăng; Lữ đoàn 147 vừa đổ bộ bằng tàu lên Mỹ-Thủy, vừa đổ bộ bằng trực thăng vào Co-Lũy. Sau những lần đột kích như vậy, TQLC hoàn tất nhiệm vụ và trở lại tuyến bạn một cách an toàn. Cùng lúc, Sư Đoàn 1 bất thần nhảy vào chiếm lại căn cứ hỏa lực Bastogne, rồi từ đó chiếm lại luôn căn cứ Checkmate. Đây là hai cao điểm quan trọng bảo vệ hướng tây nam của Huế. Cuối tháng 5, Sài-Gòn cho tướng Trưởng thêm Lữ đoàn 1 Dù. Như vậy Vùng I bây giờ có được hai sư đoàn tổng trừ bị đủ và ba Sư đoàn Bộ binh thiếu. Tình hình cuối tháng 5 ở Vùng I sáng sủa hơn hai tháng trước. Ngày 28 tháng 5, trước cửa Ngọ Môn Huế, tướng Trưởng chứng kiến người bạn cùng khoá, Đại tá TQLC Bùi Thế Lân, được Tổng thống Thiệu gắn cho ngôi sao Chuẩn tướng trên vai. Để đáp lại sự khen thưởng đó, tướng Lân thề sẽ lấy lại Quảng-Trị.

Cuối tháng 6, khi thấy mình có đủ quân và khả năng để lấy lại Quảng-Trị. Ông soạn thảo một kế hoạch và trình về Sài-Gòn; cùng lúc ông cho MACV một bản sao của kế hoạch hành quân. Vài ngày sau, trước khi Sài-Gòn trả lời, MACV đã trả lời, nói với ông là chưa đến lúc. MACV đề nghị ông tiếp tục đột kích và chờ một thời gian nữa. Thất vọng vì kế hoạch không được chấp nhận, tướng Trưởng bay về Sài-Gòn đích thân tường trình kế hoạch cho Tổng thống Thiệu. Theo những gì tướng Trưởng viết lại trong tác phẩm The Easter Offensive of 1972, sau khi nghe kế hoạch của ông, Tổng thống Thiệu — cũng có thái độ như MACV – ra lệnh cho ông chờ thêm một thời gian nữa. Trong lúc này chỉ nên tấn công phá rối và đột kích như đang làm. Bực tức trong sự yên lặng, tướng Trưởng gom bản đồ lại và bay trở về Bộ Tư Lệnh. Sau một đêm mất ngủ, sáng sớm hôm sau ông gọi điện thoại cho Trung tướng Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Thiệu. Ông nói: “Tôi sẽ không đệ trình thêm một kế hoạch nào nữa. Nếu hoï muốn tôi thi hành ra sao thì nên đưa cho tôi một bản kế hoạch bằng tiếng Việt, và tôi sẽ thi hành”. Những chữ nghiêng trong câu trích dẫn là do người viết đánh dấu. Người viết muốn nhấn mạnh những chữ đó, vì đây là một câu nói bí mật, khó hiểu. Phải chăng người Mỹ đã làm áp lực với Tổng thống Thiệu và không cho tướng Trưởng đánh trong thời gian đó, hay đánh theo ý của QLVNCH? Qua những tài liệu của MACV được giải mật sau này, trong khoảng thời gian từ 1 đến 24 tháng 6, tình hình Vùng I và tên của tướng Trưởng được nhắc đến nhiều lần. Những tài liệu mật cho thấy MACV không nói gì đến kế hoạch phản công chiếm lại Quảng-Trị, nhưng có vài đoạn chúng ta đọc thấy MACV và chính tướng Abrams lo ngại Quân Đoàn I không đủ quân để thực hiện một kế hoạch đầy tham vọng như vậy. Trong tập hồ sơ giải mật do sử gia Sorley soạn thảo– và tướng Trưởng cũng ghi những chi tiết tương tự trong tác phẩm của ông — đến giữa tháng 6-1972, Quân Đoàn I chỉ có hai Sư đoàn TQLC và Nhảy Dù là đủ cấp số và khả năng tác chiến. Các đơn vị cơ hữu còn lại của Quân Đoàn – ba sư đoàn bộ binh 1, 2, 3; Lữ đoàn 1 Thiết Kỵ, và Liên Đoàn 1 BĐQ – chỉ còn một-phần-ba cấp số và khả năng tác chiến nguyên thủy. Sư đoàn 3 chỉ còn hai tiểu đoàn tác chiến được; bốn tiểu đoàn thì đang được tái trang bị và bổ sung. Lữ Đoàn 1 Thiết Kỵ mất hơn 200 xe tăng và thiết vận xa; 10 tiểu đoàn pháo binh cần phải được trang bị lại 100%. Trong một buổi họp ở MACV ngày 18 tháng 6 (hai ngày sau khi tướng Trưởng đề nghị kế họach tái chiếm Quảng Trị), một sĩ quan sau khi tường trình về tình hình các đơn vị ở Vùng I, nói tướng Trưởng cần phải có hơn hai sư đoàn Nhảy Dù và TQLC nếu muốn tái chiếm Quảng-Trị; ông không biết số quân cần thêm đến từ đâu, nhưng phải có nếu tướng Trưởng muốn thực hiện kế hoạch hành quân. Cũng trong buổi họp này, sĩ quan thuyết trình nói đến vấn đề tiếp liệu đạn đại bác cho Vùng I. Đại bác 105 ly được giới hạn lại 20 quả cho một khẩu/một ngày; trong trường hợp cần thiết 40/ngày. Nếu bắt đầu chiến dịch tái chiếm Quảng Trị, pháo binh có thể xài 120 viên, và có thể 180 viên/ khẩu/ một ngày. … Trong trường hợp đó, Hoa Kỳ có khó khăn trong việc tiếp tế. Về tướng Abrams, chúng ta đọc được sự lo ngại của ông về hỏa lực phòng không của địch, nhất là loại hỏa tiễn địa không SA-7. MACV cho biết địch bắn 14 quả SA-7 và hủy diệt 6 phi cơ. Tướng Abrams nói ông nhấn mạnh với tướng Trưởng về sự nguy hiểm của loại hỏa tiễn địa không mới, vì tướng Trưởng sẽ dùng nhiều trực thăng vận cho cuộc đổ bộ tái chiếm. (Sự lo sợ của tướng Abrams không phải không có lý. Vì chỉ một tháng sau, trong cuộc đổ bộ xuống Triệu Phong nằm trong khuôn khổ cuộc hành quân chiếm lại Quảng-Trị, hai chiếc trực thăng CH-53 chở quân tiểu đoàn 1 TQLC của trung tá Nguyễn Đăng Hòa bị hỏa lực phòng không địch bắn rơi. Một trong hai chiếc bị SA-7 bắn nổ tung trên trời. Thiệt hại quân là hơn 100 tử thương từ hai chiếc.) Đó là tất cả những gì chúng ta biết về MACV và tướng Trưởng vis-a-vis cuộc hành quân tái chiếm Quảng-Trị. Dĩ nhiên đó là những gì đã được giải mật; những gì chưa được giải mật chúng ta chưa biết được.

Chín giờ sáng hôm sau tổng thống Thiệu gọi điện thoại và yêu cầu tướng Trưởng trở lại trình bày lại kế hoạch một lần nữa. Lần này Tổng thống Thiệu chấp nhận kế hoạch hành quân tái chiếm Quảng-Trị của tướng Trưởng. Hành quân “Tái Chiếm Quảng-Trị” bắt đầu ngày 28 tháng 6, 1972.

Theo tướng Trưởng, kế hoạch tái chiếm Quảng Trị rất “đơn giản:” từ ngày 10 đến ngày 18, trong khi hai sư đoàn 2 và 3 bộ binh ở lại lo bảo vệ và phòng thủ, sư đoàn 1 tấn công về hướng tây, Nhảy Dù và TQLC đánh nhích qua sông My-Chánh vài cây số thăm dò khả năng phản cự của địch. Từ 19 đến 27 tháng 6, với sự giúp đở của không và hải vận Mỹ, hai sư đoàn tổng trừ bị làm bộ nhảy vào Cam-Lộ và Cửa-Việt. Và hai ngày trước khi thật sự tiến quân, hỏa lực từ Không và Hải Quân và B-52 sẽ dọn bãi và san bằng những điểm kháng cự khả nghi. Ngày 28, Nhảy Dù đánh bên trái, mục tiêu là La-Vang; TQLC đánh bên phải, mục tiêu là Triệu-Phong. Quốc lộ 1 là trục làm chuẩn của hướng tiến quân. Nhảy Dù là lực lượng có trách nhiệm chiếm thành Quảng Trị. Những ngày đầu của cuộc hành quân, Dù và TQLC đánh chậm nhưng đi được. Trừ một vài trận đụng độ mạnh cấp trung đoàn với địch ở những lớp phòng thủ vòng ngoài… địch rút dần theo đà tiến của chúng ta. Nhưng càng đi gần về bờ sông Thạch-Hãn, sức chống cự của địch càng mãnh liệt hơn. Đầu tháng 7, khi quân Nhảy Dù đến ngoại ô thành phố Quảng-Trị, cộng quân từ chối rút: Cổ thành Quảng-Trị là cứ điểm kháng cự cuối cùng — đến người cuối cùng; viên đạn cuối cùng — của cộng quân. Chẳng những địch quyết tâm tử thủ, họ còn viện quân thêm từ ngoài vào để củng cố thêm hàng phòng thủ. Để chận đường tiếp liệu, tiếp quân của địch, tướng Trưởng ra lệnh cho một tiểu đoàn TQLC trực thăng vận vào một địa điểm ở hướng đông bắc của thành phố để ngăn chận hướng tiếp tế của địch … nhưng TQLC bị bộ binh và thiết giáp của địch chận đứng ngay nơi họ đổ bộ. Nhưng sau khi chỉnh đốn, lính tiểu đoàn 1 của Nguyễn Đăng Hòa chẳng những bám được địa điểm đổ quân, họ còn gom địch ngược về hướng tây (về hướng Cổ thành)ï. Đến ngày 14, TQLC thành công cắt được đường liên lạc tiếp tế 560 của địch. Hơn 50 ngàn quân của địch ở Quảng Trị bây giờ chờ gạo từng ngày.
Tướng Trưởng và đại úy Thomas Throckmorton. Hình chụp trước trận Hắc Dịch, tháng 2-64

Tháng 8-64, cùng với đại úy Arvid E. West, vừa nhảy dù xuống mật khu Thất Sơn, Châu Đốc.

Tháng 5-67, Chuẩn tướng Trưởng, thiếu tướng Hoàng Xuân Lãm, Vùng I. Sau lưng tướng Lãm là trung tướng Lewis W, Walt, tư lệnh TQLC Hoa Kỳ, Việt Nam. Sau lưng tướng Walt là thiếu tướng Bruno A. Hochmuth, tư lệnh sư đoàn 3, TQLC. Bốn tháng sau, Hochmuth chết vì tai nạn trực thăng.

Cuối tháng 7, các cuộc tấn công của Nhảy Dù hết hơi: Cách bức tường Cổ Thành Quảng Trị chừng 200 mét, Lữ đoàn 2 của Đại tá Trần Quốc Lịch “hết xăng”. Tướng Trưởng thông cảm cho lực lượng Nhảy Dù: Những trận đánh đẫm máu ở Võ định, Tân Cảnh, ở quân đoàn II đã làm lữ đoàn 2 bị móp; hơn là bị móp. Cộng thêm vào đó là sự cương quyết tử thủ của cộng quân. Không cần phải nghe Sài Gòn nhắc, tướng Trưởng biết Cổ Thành bây giờ là một mục tiêu chính trị; một biểu tượng chính trị cho hai phía VNCH và cộng sản Bắc Việt ở Paris (lúc này cộng sản đã trở lại bàn hội nghị), ở trên đầu môi chót lưỡi của mọi người dân hai phía. Trong tác phẩm của ông, tướng Trưởng nói ông không còn chọn lựa nào khác: Đánh không vào được, hay bao vây chung quanh, hay đi vòng qua Cổ Thành chiếm các mục tiêu khác, rồi sau đó trở lại chiếm Cổ Thành trong một thời gian khác, cũng không được; cũng bị giải thích là thua. Chỉ có Cổ Thành nằm trong tay VNCH thì mới gọi là thắng.

Ngày 27 tháng 7-72, tướng Trưởng thay Nhảy Dù bằng TQLC. “Mục tiêu vẫn như cũ; chỉ thay đổi vùng trách nhiệm”, tướng Trưởng viết. Nhận đuợc lệnh, Thiếu tướng Bùi Thế Lân dùng hai lữ đoàn 147 và 258 TQLC quyết tâm đánh chiếm Cổ Thành. Tám tiểu đoàn tác chiến và một tiểu đoàn pháo binh TQLC bỏ ra hơn 50 ngày để hoàn tất nhiệm vụ. Theo lời kể của đại tá Ngô Văn Định, lữ đoàn trưởng 258, đến ngày 16 tháng 9, khi quốc kỳ VNCH tung bay trên kỳ đài Cổ Thành, TQLC đã mất trên 3500 tử thương, và hàng ngàn quân nhân khác bị thương. Với sự thiệt hại đó, câu nói “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô” nói lên thật nhiều ý nghĩa.

Cuối năm 1972, cuộc chiến Việt-Nam đã đến thế cờ tàn trên ván cờ chính trị quốc tế: hơn bốn tháng sau, ngày 27 tháng 1-1973, VNCH không còn chọn lựa nào khác hơn là ký vào hiệp định ngưng bắn; tự ký vào một bản án tử hình cho chính mình. Tuyến đầu Vùng I của tướng Trưởng bị áp lực thường xuyên từ mùa thu năm 1974. Không còn lo sợ không lực của Hoa-Kỳ, cộng sản rãnh tay kiến tạo hệ thống tiếp liệu của họ: đường “mòn” Hồ Chí Minh bây giờ là một xa lộ với những quán ăn như “Quán ăên Trường Sơn”, Phi trường Khe-Sanh trở thành một căn cứ hỏa tiển SAM của địch. Trực thăng Bắc Việt có thể đáp ở phi trường Vĩnh-Linh, bên kia bờ sông Bến-Hải, để đưa các cán bộ cao cấp của họ đi thẳng vào thăm các binh trạm của binh đoàn Trường-Sơn. Tháng 7-1974, Sư đoàn 304 đánh chiếm Nông-Sơn, Thường-Đức. Rất đau lòng, rất lo lắng, nhưng tướng Trưởng phải “mượn” hơn một lữ đoàn Nhảy Dù để giải tỏa áp lực của địch từ cao điểm 1062 đang đè xuống Đà-Nẵng. Dĩ nhiên Nhảy Dù giải tỏa được cao điểm 1062. Nhưng phải tốn 500 quân chết và gần 2000 quân bị thương — trận đánh lớn nhất từ sau ngày ngưng bắn. Vùng I, trong những ngày tháng đó, chỉ ổn định được với sự hiện diện của hai sư đoàn tổng trừ bị Nhảy Dù và TQLC.

Phước-Long mất vào đầu năm 1975; Ban-Mê-Thuột mất, và Pleiku, Kontum bỏ ngỏ để di tản vào ngày 16 tháng 3-75. Vùng I và tướng Trưởng chờ một quyết định tối hậu từ Sài-Gòn: Tử thủ hay rút quân về những cứ điểm để phòng ngự.

Ngày 13 tháng 3-75, Sài Gòn gọi tướng Trưởng về để duyệt xét lại các kế hoạch phòng ngự Vùng I. Trong buổi họp này — và cho đến ngày VNCH bị thất thủ — ai nói gì, quân lệnh ra sao, nhiệm vụ của tướng Trưởng là gì … vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Chúng ta biết một chút nội dung … biết một cách gián tiếp, nhưng không ai trong cuộc trực tiếp nói rõ chuyện gì xảy ra. Chúng ta biết ngay trong buổi họp ngày 13 tổng thống Thiệu ra lệnh cho tướng Trưởng phải giữ Vùng I với số quân cơ hữu của Quân đoàn và Sư đoàn TQLC. Cũng trong buổi họp này, tướng Trưởng biết quân đoàn I phải “trả” Sư đoàn Nhảy Dù lại cho Bộ Tổng-Tham-Mưu, nhưng ông xin Tổng thống Thiệu cho ông giữ lại Sư đoàn TQLC để dân quân có được tinh thần. Trước mặt ông, Tổng thống Thiệu cho ông tùy nghi xử dụng TQLC, chỉ trả Sư đoàn Dù lại mà thôi. Nhưng sau buổi họp, trong lúc nói chuyện riêng giữa ông và Thủ tướng Khiêm, Thủ tướng Khiêm nói hé ra là Sài-Gòn có thể lấy TQLC khỏi Vùng I. Ngày 14, Tổng thống Thiệu ra Nha-Trang ra lệnh cho thiếu tướng Phạm Văn Phú di tản tất cả quân còn lại ở Kontum và Pleiku về Tuy-Hòa/ Nha-Trang, để tái trang bị và bổ sung rồi từ đó… đánh ngược lên chiếm lại Ban-Mê-Thuột và Vùng II! Trở lại Quân đoàn I ngày 14, tướng Trưởng thông báo quyết định của Sài-Gòn cho Trung tướng Tư lệnh phó Lâm Quang Thi. Ông nói Quân đoàn sẽ được giữ lại 2 trong số 3 Lữ đoàn của TQLC. Hai Lữ đoàn TQLC sẽ về thay Nhảy Dù ở Đà Nẵng, vì Lữ đoàn 2 Dù có thể được trưng dụng trong kế hoạch chiếm lại Ban-Mê-Thuột. Ngày 18 Thủ tướng Trần Thiện Khiêm bay ra Đà-Nẵng họp với tướng Trưởng (theo lời yêu cầu của tướng Trưởng) để giải quyết vấn đề dân di tản. Trong buổi nói chuyện ngày 13, tướng Trưởng xin thủ tướng Khiêm giúp ông giải quyết vấn đề dân di tản đang dồn về thành phố. Theo ông, dân di tản sẽ làm ứ đọng quốc lộ 1, con đường huyết mạch để chuyển quân trên toàn Vùng I. Ngày 19, ông được yêu cầu trở về Sài-Gòn thêm một lần nữa để trình bày lại kế hoạch di tản/ phòng thủ Vùng I. Trong lần họp này, với tình hình dân chúng di tản tấp nập trên quốc lộ1, tướng Trưởng nói rút quân từ Huế về Đà-Nẵng trong tình trạng hỗn loạn đó sẽ khó thực hiện được. Ông đề nghị cho ông ở lại tử thủ Huế, và Huế, Đà-Nẵng và Chu-Lai sẽ là điểm kháng cự cuối cùng của Vùng I. Tổng thống Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên đồng ý. Tướng Trưởng bay trở lại Quân đoàn I và thông báo cho trung tướng Lâm Quang Thi quyết định của Tổng thống Thiệu thêm một lần nữa.

Ngày hôm sau, 20 tháng 3, Tổng thống Thiệu lên đài phát thanh đọc lời hiệu triệu, ra lệnh dân quân giữ Huế bằng mọi giá. Nhưng tối đêm đó, Tổng thống Thiệu đổi ý: ông ra lệnh cho Bộ Tổng Tham Mưu đánh cho tướng Trưởng một quân lệnh, cho biết Sài-Gòn chỉ còn đủ phương tiện để yểm trợ cho một cứ điểm kháng cự. Trong ba cứ điểm Huế, Chu-Lai, Đà-Nẵng, tướng Trưởng phải chọn một. Dĩ nhiên, Đà-Nẵng phải là cứ điểm ưu tiên. Tướng Trưởng ra lệnh di tản về Đà-Nẵng. Tướng Lâm Quang Thi, trong tác phẩm The Twenty-Five-Year Century của ông, có nói quân lệnh thay đổi như vậy, nhất là ở cấp Quân đoàn thì khó làm việc, và gây thêm nhiều hoang mang cho người thừa hành. Đại tướng Frederick Weyand, đang là tư lệnh Lục Quân Hoa-Kỳ, trong tờ tường trình cho tổng thống Ford sau chuyến viếng thăm ở Việt-Nam cuối tháng 3-75, cũng cho biết trong tuần lễ đó, tướng Trưởng đã nhận 3 quân lệnh trái ngược nhau từ Tổng thống Thiệu.

Trong hoàn cảnh hỗn lọan của Đà-Nẵng, ngày 25 tướng Trưởng nhận thêm một tin không vui từ Sài-Gòn: đích thân trung tướng Lê Nguyên Khang — đang là tổng thanh tra quân đội — bay ra Đà-Nẵng đưa cho tướng Trưởng một quân lệnh yêu cầu ông trả lại Sư đoàn TQLC ngay lập tức. Tướng Trưởng phản đối. Ông nói Đà-Nẵng không thể nào phòng thủ được nếu không có mặt của TQLC. Trong hai ngày 26-27, tướng Trưởng và tướng Lâm Quang Thi cố gắng san sẻ quân để lấp vào những lổ trống của vòng đai phòng thủ — càng lúc càng siết chặt chung quanh Đà-Nẵng. Chín giờ đêm ngày 27 ông gọi cho tướng Viên báo cáo tình hình và yêu cầu cho phép ông di tản sư đoàn TQLC và những trung đoàn còn lại của Sư đoàn 1 và 3. Tướng Viên nói đó là quyết định của tổng thống Thiệu. Tướng Trưởng gọi Dinh Độc Lập, nhưng tổng thống Thiệu không có mặt; khoảng 10 giờ đêm tổng thống Thiệu gọi lại … sau khi nghe tướng Trưởng báo cáo tình hình, ông Thiệu hỏi tướng Trưởng sẽ giải quyết ra sao. Tướng Trưởng trả lời ông sẽ giải quyết theo sự biến chuyển của tình hình. Tổng thống Thiệu cúp điện thoại. Vài phút sau tướng Trưởng ra lệnh di tản khỏi Đa-Nẵng. Nhưng không, đến đó không còn di tản nữa. Vì chữ di tản có chứa đựng một khái niệm về sự thứ tự và trật tự trong lúc lui quân. Địch đã cắt nát quốc lộ 1 ra từng đọan và đang dùng pháo binh để hăm dọa các cửa khẩu từ biển đi vào bờ. Đến giờ phút đó, chữ bỏ có nghĩa và đúng nghĩa hơn chữ di tản. Đà Nẵng và Vùng I mất hai ngày sau đó. Vài ngày sau, cộng quân gom tất cả lực lượng của họ đang có mặt ở Vùng I lập ra một binh đoàn có tên là Binh Đoàn Duyên-Hải. Từ đó họ tiến về Vùng III.

Cuộc đời có nhiều nghịch lý và bi hài kịch. Tướng Ngô Quang Trưởng sanh ra và lớn lên ở Bến-Tre, một vùng đất được mệnh danh là cái nôi của cộng sản; một nơi mà trong năm Mậu Thân 1968, một sĩ quan Hoa Kỳ tuyên bố phải tàn phá hết đểà xây dựng lại, nhưng ông đã xả thân chống lại những người cộng sản, chủ thuyết Cộng sản, cho đến hết cuộc đời. Sanh ra ở Bến Tre, nhưng tướng Trưởng lớn lên, yêu, quí mến, và bảo vệ một vùng đất thật xa cho đến hết cuộc đời: Ông thương Quảng-Trị và Thừa-Thiên đến độ ông đặt tên người con trai út là Ngô Trị Thiên.

Tháng 8 năm ngoái, khi được thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh chuyển lời, người viết có dịp nói chuyện với tướng Trưởng. Trong lần nói chuyện đó, với bản tính thích tìm căn nguyên của lịch sử, người viết mạo muội hỏi tướng Trưởng về thái độ của người Mỹ trong cuộc chiến “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972; hỏi về nội dung những đối thọai giữa ông và Tổng thống Thiệu vào tháng 3-1975. … Nhưng tướng Trưởng tránh không trả lời thẳng những câu hỏi đó. Ông chỉ nói … “cũng không có gì để nói … tất cả đã được nói hết rồi … những gì anh em chúng ta làm trong quá khứ đều có nghĩa”. Câu chuyện tiếp tục được vài phút sau thì người viết lại cố gắng “lái” về hai câu hỏi nguyên thủy. Lần này ông cũng tránh trả lời. Nhưng lần này ông nói cho người viết nghe về triết lý của một người quan võ Á-Đông. Đại khái tướng Trưởng muốn nói đến câu “Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng. Vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí” (Tướng bại trận thì không thể nói mình anh dũng. Bậc trí sĩ đại phu khi đã mất nước thì không thể nói mình có mưu lược). Thâm thúy, thật thâm thúy.

Với tất cả sự kính trọng của một hậu sinh đối với trung tướng Ngô Quang Trưởng, người viết xin kính dâng lên vị tướng quá cố đôi dòng tưởng niệm này.

Lời người viết:

Thể văn tưởng niệm và điếu văn, không cho phép người viết xử dụng lối ghi chép kiểu trích dẫn biên khảo. Nhưng, vì một vài chi tiết trong bài viết có thể đưa đến sự tranh luận. Vì khả thể đó, người viết lược ghi dưới đây những nguồn tài liệu, nhân chứng, đã cung cấp chi tiết cho bài viết này.

Chi tiết về gia đình của tướng Trưởng đến từ hai anh Nguyễn Tường Đằng và Nguyễn Tường Giang. Hai anh là em vợ của người quá cố. Thứ hạng ra trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ-Đức Khóa 4, năm 1954, và tên các người bạn đồng khóa, đến từ hồ sơ nghiên cứu về các sĩ quan VNCH, do Phòng Chính Trị tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn soạn thảo vào năm 1974. Bản lưu trữ nằm trong thư viện Texas Tech University. Chi tiết các trận đánh Đỗ-Xá, Bình-Giả, Hắc-Dịch, Thăng-Bình, đến từ các đại tá Vũ Thế Quang, Nguyễn Thu Lương và Tôn Thất Soạn. Tường trình lo ngại về khả năng của cộng sản sau trận Bình Giả nằm trong: CIA Weekly Report/ OCI No 2654/65 (declassified April-96). Tất cả những lời bình phẩm của các tướng lãnh Hoa Kỳ về tướng Trưởng nằm trong sách đã dẫn, và, Lewis Sorley: A Better War. Về chuyện MACV dùng hồng ngoại tuyến để dò địa điểm đóng quân của Việt Cộng ở Bình-Giả, nằm trong: The United States Air Force in Southeast Asia: The Advisory Year to 1965. Chuyện về các cố vấn Nhảy Dù Hoa-Kỳ đến từ: Command Sergeant Major M. Martin, Angels in Red Hats: Sư Đoàn Nhảy Duø. Sự nghiệïp của thiếu tá Guy S. Meloy, III, nằm trong Charles Beckwith: Delta Force. Quan sát của đại tướng Schwarzkopf, trong: H. Norman Schwarzkopf, It Doesn’t Take a Hero. Quan sát của các sĩ quan cấp nhỏ đang đánh trận đến tư: Trần Ngọc Toàn, The Binh Gia Front/ Mặt Trận Bình Giả, và Phan Nhật Nam, Dấu Binh Lửa. Trong Dấu Binh Lửa, tác giả Phan Nhật Nam cũng ghi lại trận Hắc Dịch mà ông đã tham dự. Biến cố chính trị ở miền Trung đến từ Đoàn Thêm: Chuyện Từng Ngày. Chuyện tướng Trưởng nhảy dù rớt xuống sông Hương đến từ Đại tá Tôn Thất Soạn. Trận “Mùa Hè Đỏ Lửa” và những cuộc hành quân liên hệ, đến từ: Ngô Quang Trưởng, The Easter Offensive of 1972. Charles D. Melson, U.S. Marines in Vietnam1971-1973: The War That Would Not End. Đại tá Ngô Văn Định: Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị, trích trong tuyển tập: Hai Mươi Năm Chiến Trận của TQLC Việt Nam (1954-1975). Con số 50 ngàn quân cộng sản ở mặt trận Quảng Trị đến từ sự tính toán của người viết. Đồng Sỹ Nguyên (Tư-Lệnh Binh đoàn Trường Sơn/559) trong: Đường Xuyên Trường Sơn, và, Tổng Cục Hậu Cần, trong: Lịch Sử Bộ Đội Trường Sơn: Đường Hồ Chí Minh, đều nhắc đến một sự kiện thiếu gạo trong thời gian họ chiến đấu ở Quảng-Trị. Ở một đoạn văn cả hai sách đều nói đến “năm trăm (500) tấn gạo chỉ nuôi quân được hơn một tuần”… Cấp số ẩm thực của quân lính Cộng sản là 3 lon (750 grams) đến 4 lon (1 ki lô) gạo một ngày. 500 tấn bằng 500.000 kí. Chia cho 10 ngày chúng ta có sức tiêu thụ 50.000 ký một ngày. Với cấp số 3 lon một ngày, chúng ta có 75 ngàn quân; 4 lon, 50 ngàn quân. Tướng Trưởng, trong: The Easter Offensive cho biết địch có khoảng 6 sư đoàn ở Vùng I. Một Sư đoàn Cộng sản có từ 7.500 đến 8500 người. Sáu Sư đoàn cho ta số quân tương tự như nhu cầu ẩm thực hàng ngày mà sử liệu Cộng sản đã nhắc đến. Tình hình Vùng I và sự thất thủ đến từ: những đối thoại của người viết và thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, và, Đại tướng Cao Văn Viên: The Final Collapse/ Những Ngày Cuối của Việt Nam Cộng Hòa. Trung Tướng Lâm Quang Thi: The Twenty-Five-Year Century. Stephen T. Hosmer, et al., The Fall of South Vietnam: Statemens by Vietnamese Military and Civilian Leaders. Tờ tường trình của Tư lệnh Lục Quân Frederick Weyand cho tổng thống Gerald Ford về những quân lệnh trái ngược, nằm trong: The Weyand Report, hiện lưu trữ tại The Gerald. R. Ford Presidental Library/ University of Michgan. Hình của tướng Trưởng và Đại tướng Westmoreland ở Vùng I nằm trong: The U.S. Marines in Vietnam:1967. Các hình còn lại nằm trong: Command Sergeant Major M. Martin, Angels in Red Hats: Sư Đoàn Nhảy Dù.