SOLOMON: CHUỖI ĐẢO AN NINH ĐẦU TIÊN CỦA ẤN ĐỘ-THÁI BÌNH DƯƠNG BỊ TRUNG CỘNG ĐỘT KÍCH

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Địa Chính Trị của Solomon ở vùng Nam Thái Bình Dương

Quần đảo Solomon có một vị trí chiến lược quan trọng tại Nam Thái Bình Dương. Tính từ phía Nam Thái Bình Dương trở lên, Quần đảo Solomon là chuỗi đảo chiến lược đầu tiên trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở của Mỹ nằm ở cực Nam. Trong Đệ II Thế Chiến, quần đảo này đã xảy ra những trận chiến đẫm máu giữa quân đội Đồng Minh và Nhật Bản – nổi tiếng là trận chiến Guadalcanal gọi là Battle of Guadalcanal (1) từ tháng 8/1942 đến tháng 2/2943, tại Mặt trận này quân Đồng Minh mở đầu trận đánh để ngăn chặn và đẩy lùi sự bành trướng của quân Nhật trong vùng Thái Bình Dương.

Tại đây Trung Uý Hải Quân John F. Kennedy đã được người dân Quần đảo Solomon phát hiện đầu tiên trên biển khi tàu PT-109 do ông chỉ huy bị một khu trục hạm của Nhật tấn công, tàu chìm ông bị cùng thuỷ thủ trên tàu bị chìm xuống biển (2). Người dân ở Solomon có sáng kiến sử dụng trái dừa viết tin cầu cứu và mang đi rải trên biển bằng một chiếc xuồng cano chèo tay, đã phát hiện ra ông Kennedy. Sau này khi đã trở thành Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, TT John F. Kennedy đã đặt quả dừa đó trên bàn làm việc của ông ở Toà Bạch Ốc trong suốt thời gian ông làm Tổng Thống Mỹ.

Đặc biệt, Quần đảo Solomon gồm gần 1000 (một ngàn) đảo lớn nhỏ, diện tích mặt đất chừng 28,000 cây số vuông, dân số 654,858 người (theo thống kê 2018). Solomon không có quân đội, chỉ có chừng 800 nhân viên cảnh sát để giữ an ninh trật tự cho toàn đảo. Solomon tự nhận đứng dưới mái ấm cái dù an ninh của Úc, do đó năm 2017 Solomon-Úc đã ký một hiệp ước an ninh song phương cho phép cảnh sát, quân đội Úc đến Quần đảo Solomon để duy trì trật tự trong trường hợp khẩn cấp xảy ra.

Hoa Kỳ đưa ra chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở thì Quần đảo Solomon là một trong những chuỗi đảo chiến lược quan trọng ở Nam Thái Bình Dương. Về mặt quân sự, Solomon quan trọng đến nỗi vào thời Đệ II Thế Chiến, phải có đơn vị Không Quân đặc biệt của Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ như “huyền thoại” là VMF-214 Black Sheep đã điều động đến Quần đảo này để trấn giữ.

Điều quan trọng khác, khi Mỹ vắng bóng ngoại giao trên quần đảo Solomon từ năm 1993. Trước đó 10 năm, vào năm 1983, quần đảo này đặt nền ngoại giao thân thiện với Đài Loan. Đồng thời nó cũng được nước Úc bảo vệ sau Đệ II thế Chiến và có một đơn vị cảnh sát Úc chừng 50 người thường trực đóng tại đây để giúp huấn luyện và cố vấn. Nhưng đến tháng 9/2019 trời Solomon đổi gió, Thủ Tướng Solomon Manasseh Sogavare tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để bắt tay với Bắc Kinh. Thủ Tướng Sogavare ra lệnh trục xuất các nhân viên ngoại giao của Đài Loan để rước những nhân viên ngoại giao của Trung Cộng vào bất chấp sự trừng phạt của Mỹ đã đóng băng ngoại hối của Solomon, và những ước vọng người dân Solomon vẫn đòi hỏi “tôi yêu Đài Loan chứ không phải Trung Cộng!”

Nữ Tổng Thống Thái Anh Văn thăm Solomon năm 2016. (trái) Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn, (phải) thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare.

2) Mỹ trở lại Solomon:

Vào ngày 12/02/2022 trong khi tin tức chiến sự Nga xâm lăng Ukraine đang căng thẳng, dù rất bận rộn Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Antony Blinken cũng thân hành đến đến tham dự Hội Nghị bộ trưởng ngoại giao của “Bộ Tứ Diamond: Mỹ-Nhật-Úc-Ấn” ở thành phố Melbourne, Úc. Sau đó, ông đến thăm Fiji lập lại quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với Quốc đảo Solomon (3) sau nhiều thập niên gián đoạn ngoại giao với Quần đảo này.
Việc đặt ngoại giao của Ngoại Trưởng Antony Blinken là một nỗ lực tích cực của Mỹ trở lại quần đảo Solomon trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. 

(Trái) Ngoại trưởng Antony Blinken, (phải) quyền thủ tướng Fijian ông Aiyaz Sayed-Khaiyum. Trong Twitter của ông Anthony Blinken có viết: Xin chân thành cảm ơn Quyền Thủ tướng Fijian Sayed-Khaiyum đã tiếp đón tôi hôm nay. Hoa Kỳ mong muốn tăng cường hợp tác với Fiji và các nước láng giềng Thái Bình Dương về Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở, hành động khí hậu, các chuẩn mực dân chủ… Nhân dịp này ông Blinken tuyên bố mở lại toà Đại Sứ tại Solomon.

Như vậy là Solomon đang bắt tay với Trung Cộng lẫn Mỹ vào năm 2022. Mỹ lâm vào tình trạng “trâu chậm uống nước đục!”. Từ tháng 9/2019 đến 2/2022 là hơn 2 năm, Solomon đoạn giao với Đài Loan, đồng tiền “hữu hảo” của Bắc Kinh đã vào túi quan chức Solomon rủng rỉnh, nhiều khoản vay “bẫy nợ” của Solomon từ Trung Cộng đã ký hợp đồng trên với giấy trắng mực đen. Trong thời gian dài chăn gối giữa Trung Cộng-Solomon, hứa hẹn gì đã xảy ra không ai biết được!

3) Sống gió đang nổi lên ở quần đảo chiến lược Solomon?

Quả thật, ngày 25/03 vừa rồi, hãng tin Reuter đưa ra một bản tin “ĐỘC QUYỀN Quần đảo Solomon xem xét hợp tác an ninh với Trung cộng (EXCLUSIVE Solomon Islands considers security cooperation with China) (4). Tại sao Reuter lại dùng chữ “ĐỘC QUYỀN” lại nhấn mạnh bằng chữ hoa ở đây, vì đáng ra về mặt an ninh Solomon phải thảo luận với chính phủ Úc trước, nhưng đàng này một mình Solomon tự quyết định bàn bạc với Bắc Kinh qua mặt Úc.
Bản tin nói rằng đây là một dự thảo gồm những nội dung: Hợp tác quân sự, chính phủ Solomon sẽ cho phép Trung Cộng xây dựng căn cứ hải quân trên Quần đảo này. Cho phép Bắc Kinh điều động quân đội đến quốc gia Thái Bình Dương [Solomon] để “bảo vệ sự an toàn của nhân viên Trung Cộng và các dự án lớn”. Các điều khoản của thỏa thuận cũng bao gồm việc Trung Cộng cử các tàu hải quân “dừng lại trên đường và chuyển tiếp” trên các đảo của Solomon. Cũng theo dự thảo, Quần đảo Solomon có thể yêu cầu Trung Cộng cử “cảnh sát vũ trang, quân đội và các lực lượng vũ trang và lực lượng thực thi pháp luật và lực lượng vũ trang khác” đến can thiệp…

Qua đó, lực lượng quân sự của Trung Cộng có thể điều tới, ở lại, giữ an ninh nếu cần cho Solomon – chẳng khác nào sự hiện diện này thể phá vỡ “chuỗi đảo đầu tiên” của Mỹ trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở.

Sau khi đoạn giao với Đài Loan vào tháng 9/2019 thì tháng 10/2019 Thủ Tướng Solomon Manasseh Sogavare qua thăm Bắc Kinh. Tại đây Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã trải thảm đỏ đón tiếp tiếp Sogavare thật nồng hậu – như vậy là cá đã cắn câu – Hình: (Phải) Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, (Trái) Thủ Tướng Solomon Manasseh Sogavare tại Bắc Kinh tháng 10/2019

Thủ Tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường (T) và Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare (P) duyệt qua hàng quân danh dự tại Bắc Kinh tháng 10/2019

Những tin tức về sự hợp tác quân sự giữa Trung Cộng-Solomon đã làm cho Úc giận dữ và lo lắng, đồng thời cũng gây sự chú ý đặc biệt đối với Mỹ, Úc và New Zealand cho rằng nó sẽ phá hoại an ninh khu vực, trong khi ba nước này đã ký một hiệp ước an ninh quân sự chung ANZUS (Australia, New Zealand, United States Security Treaty) với mục đích hợp tác phòng thủ trước các cuộc tấn công trên Thái Bình Dương…

Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết: “Chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác ở Thái Bình Dương để bảo đảm rằng có sự hiểu biết sâu sắc về những rủi ro và mối đe dọa liên quan.”

Thủ Tướng New Zealand cũng lo ngại rằng “việc Trung Cộng xây dựng một cảng quân sự ở Solomon sẽ dẫn đến việc quân sự hóa Vành Đai Thái Bình Dương”

Trước sự việc này, các giới chức của Quốc đảo Solomon tiết lộ rằng họ đã ký thỏa thuận cảnh vụ với Trung Cộng (thực hiện nhiệm vụ chung với cảnh sát). Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton hôm 25/3 cho biết, “bất kỳ hành động nào nhằm thiết lập căn cứ quân sự của Trung Cộng tại quần đảo Solomon đều gây nguy hiểm cho an ninh khu vực”.

Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd và là Giám Đốc của Viện Chính Sách Xã hội Châu Á, cho rằng cuộc thảo luận về một thỏa thuận an ninh giữa Quốc đảo Solomon và Trung Cộng là “một trong những diễn biến an ninh quan trọng nhất mà chúng tôi đã thấy trong nhiều thập niên qua, nó bất lợi cho quyền lợi và sự phát triển của an ninh nước Úc”. Ông Rudd còn cho biết thêm dự thảo thỏa thuận giữa Solomon và Trung Cộng sẽ cho phép các tàu hải quân và tình báo Trung Cộng vào Solomon. Khi có một nước có nhiều đảo như Quần đảo Solomon tiếp cận với lãnh hải của Úc, thì điều đó sẽ là một thay đổi lớn đối với chiến lược của Úc. Ông nhấn mạnh rằng Úc đã duy trì một nguyên tắc trong Hiệp Ước ANZUS trong nhiều thập niên qua, bảo đảm về lợi ích an ninh quốc gia giữa các quốc đảo Thái Bình Dương với Úc và Mỹ.

Thủ Tướng Úc Scott Morirson thăm Solomon vào tháng 6/2019 hỏi thăm các nhân viên an ninh cảnh sát của Solomon. 

Thư ký thường trực Karen Galokale của Cảnh Sát Quần đảo Solomon tiết lộ vào ngày 24/3 rằng Quần đảo Solomon và Trung Cộng đã ký một thỏa thuận hợp tác trong phạm vi cảnh sát thi hành nhiệm vụ, đồng thời thừa nhận rằng một thỏa thuận rộng hơn đang được thảo luận. Bất kỳ thỏa thuận an ninh rộng rãi nào cũng sẽ tương đương với thỏa thuận mà Quần đảo Solomon trước đó đã ký kết với Úc.

Ngày 30/3, hãng truyền thông Anh BBC trích lời của Giáo Sư Allan Gyngell tại Viện Các vấn đề Quốc tế Úc cho biết: “Các chi tiết của thỏa thuận này, ngay cả khi nó nhỏ hơn căn cứ quân sự mà mọi người lo sợ, thì nó cũng sẽ là thành trì đầu tiên của Trung Cộng ở Thái Bình Dương”.

Ông Mihai Sora, một nhà phân tích Quần đảo Thái Bình Dương tại Viện Lowy của Úc, cho biết: “Các thỏa thuận an ninh mà chúng ta biết, không những là các điều khoản, mà chúng còn bao hàm về độ thân mật, sự hợp tác và mức độ tin cậy giữa 2 quốc gia Trung Cộng-Solomon”

Ông Sora cho biết, tình trạng xấu nhất có thể là leo thang căng thẳng ở Biển Đông, Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo và bố trí các thiết bị quân sự trong vùng biển tranh chấp để ngăn chặn hải quân và không quân các nước khác đi qua, còn Solomon rồi đây chẳng khác nào ở Biển Đông.

4) Phản ứng của Thủ Tướng Solomon

Theo tin Reuter ngày 28/03/2022 Thủ tướng Solomons nói phản ứng đối với các cuộc đàm phán an ninh với Trung Cộng là xúc phạm lớn (Solomon’s PM says backlash to security negotiations with China ‘very insulting’) (5). Thấy rằng miệng của Thủ Tướng Manasseh Sogavare mới gần với Cộng sản Bắc Kinh vài năm mà đã học thuộc bài bản dối trá của Cộng Sản.

Sogavare lần đầu tiên phản ứng vào ngày 28/3, ông gọi những lên tiếng chống lại hợp tác an ninh Trung Cộng – Solomons là “rất xúc phạm” và nhấn mạnh rằng Quần đảo Solomon không có ý định yêu cầu Trung Cộng xây dựng căn cứ quân sự, và sẽ không “chọn phe để đứng”, không có ý định khuấy động bất kỳ tranh chấp địa chính trị nào. Tuy dấu đầu nhưng Sogavare lòi đuôi, ông cho biết, thỏa thuận an ninh của Quần đảo Solomon với Bắc Kinh đã được hoàn tất và sẵn sàng ký kết. Tuy nhiên, ông đã bác bỏ những suy đoán rằng nó nhằm mục đích thiết lập một căn cứ quân sự của Trung Cộng ở quần đảo này”.
“Chúng tôi không chịu bất kỳ áp lực nào từ những người bạn mới của chúng tôi, cũng không có ý định yêu cầu China xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon”. Phát biểu tại một cuộc họp, ông Manasseh Sogavare nói rằng thoả thuận an ninh của Solomon và Úc vẫn sẽ tiếp tục có hiệu lực.

Từ chỗ Solomon dưới cái dù che chắn an ninh của Úc và là một đồng minh thân cận của Đài Loan nay đuổi Đài Loan đi, mời Bắc Kinh vào.  Tự mình lén lút qua mặt Úc để bàn chuyện an ninh hợp tác với lực lượng vũ trang của Trung Cộng mà nói không “chọn phe để đứng” là nói dối.

Dĩ nhiên trong lúc này Thủ Tướng Solomon không có quân đội, chỉ có lực lượng cảnh sát thì sợ Úc đem quân vào can thiệp như Hiệp Ước An Ninh  Úc-Solomon năm 2017 đã ký, nên đành phải tuyên bố “không yêu cầu China xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon”. Nhưng sau này khi Trung Cộng dựng căn cứ Hải Quân và có sức mạnh quân sự của Trung Cộng bảo vệ thì Sogavare lại có cách nói khác. Điều quan trọng là từ nay lực lượng vũ trang của Trung Cộng có thể lui tới, tá túc tại quần đảo Solomon chứ không như trước đây.

5) Đoạn kết:

Dù sao Trung Cộng đã chen chân vào Quốc đảo này, chính sách của Bắc Kinh xâm lược Biển Đông như chúng ta đã thấy, ban đầu chúng chỉ đặt “cục gạch” rồi âm thầm xây móng, xong dựng chòi và chờ tình thế thuận lợi xây lâu đài quân sự… Solomon mấy chục năm nay là đứa con được Úc cưu mang từ sau Đệ II Thế chiến, là người bạn thân của Đài Loan, cả hai đều là đồng minh thân cận với Mỹ, do đó Washington đinh ninh rằng Solomon là con bài trong túi áo của mình. Ngờ đâu, nó đang chui ra khỏi túi áo để lén lút đi với kẻ thù Bắc Kinh hồi nào không hay! Bài học ở Solomon là Mỹ và Úc chưa học thuộc bài “cư an tư nguy” (lúc bình yên phải suy nghĩ tới lúc nguy cấp để phòng ngừa). 

Lê Hoành Sơn
Ngày 12 tháng 4 năm 2022


Chú thích:

(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Guadalcanal_campaign
(2) https://en.wikipedia.org/wiki/Patrol_torpedo_boat_PT-109
(3) https://thediplomat.com/2022/02/with-blinkens-visit-to-fiji-the-us-returns-to-the-pacific/
(4) https://www.reuters.com/world/exclusive-solomon-islands-considers-security-cooperation-with-china-official-2022-03-24/
(5) https://www.reuters.com/world/asia-pacific/solomons-prime-minister-says-will-not-pick-sides-confirms-security-negotiations-2022-03-28/