Tôi bỏ miền Bắc, bỏ quê hương, bỏ Hà Nội vào Nam. Tôi đã thấy gì khi chạm trán với Sài Gòn, rồi sống với Sài Gòn trên 20 năm. Sau, ngày 30 tháng 4 năm 1975 phải rời Sài Gòn trong tang thương, và bây giờ là 50 năm từ khi tôi đến Sài Gòn và 30 năm xa Sài Gòn, ôi bao nhiêu biến đổi, tang thương nhưng không thiếu những lạ lùng may rủi. Sài Gòn khác xa Hà Nội. Hà Nội nhỏ bé, thơ mộng nên thân quen. Hà Nội lâu đời nên Hà Nội có nhiều di tích. Hà Nội nhỏ bé nên lặng lẽ. Đường xe điện leng keng, chỉ ồn ào ở những con đường chính. Người Hà Nội trong những năm trước khi có cuộc di cư, thường di chuyển bằng xe đạp.
Vài người có xe Velo Solex chạy lọc xọc đã là oai lắm. Xe hơi rất ít người có. Cho nên khi xe điện chiều tối tụ về ga Bưởi là Hà Nội như nín thinh, êm ả. Hàng phố đa số cửa đóng, then cài. Những đoạn đường vắng lặng, thấp thoáng có cái xich lô đạp uể oải đạp qua. Tiếng rao hàng đêm của anh xực tắc khắc khoải vang động len lách, buồn bã.
Sài Gòn thì khác. Sài Gòn là đất mới nên Sài Gòn còn xô bồ. Sài Gòn có nhiều người căng ghế vải ngủ ở những hàng hiên, tự nhiên, thoải mái như ở nhà. Sài Gòn rộng mông mênh. Sài Gòn năm 1954 là trung tâm, nối với các vùng ngoại ô bởi những con đường còn nhiều chỗ bỏ hoang. Sài Gòn và Chợ Lớn còn có một khoảng trống là những kho hàng, xưởng máy, bãi rác. Giữa Cầu Bông, khu Đa Kao, đến toà tỉnh Gia Định cũng là một bãi rác mênh mông. Nói chi con đường từ Sài Gòn đi phi trường Tân Sơn Nhất là những thửa ruộng trồng rau, những giếng nước giữa vườn, dàn sào dựng kéo nước lênh khênh. Khu Trường Đua Phú Thọ còn là một vùng đầy huyền thoại hãi hùng của những người đi đường về khuya.
Trộm cướp và những cuộc thanh toán nhau trong nghĩa trang Nhị Tỳ. Con đường từ Trường Đua đi Ông Tạ dài ngút ngàn, qua cánh rừng cao su um tùm đen thẫm, thấp thoáng những ụ đất trước đây là kho đạn. Từ khi người Bắc di cư vào, những dãy nhà cất vội gọi là cư xá rẻ tiền, nhưng lại có cái tên đẹp đẽ đầy hoài niệm cố đô là cư xá Thăng Long, được xây cất phía trước lối vào Trường Đua Phú Thọ, biến dần khu này thành một vùng an ninh, sầm uất, dành cho những gia đình công chức từ ngoài Bắc di cư vào cư ngụ. Tôi ở khu này khá lâu trong những năm đầu, nhà chú thím tôi, như một thứ quê hương mới. Một nhà thờ được cất ở đây cũng mang tên nhà thờ Thăng Long. Trước nhà thờ có một tiệm phở mở ra có tính cách gia đình.
Sáng ra nồi nước lèo bốc khói, vài cái ghế bày ra lỏng chỏng. Chẳng bao lâu tiệm phở trở nên đông đúc, cái trái nhà nay đã biến thành hàng hiên với năm bảy dãy bàn, ăn uống đông vui. Mấy năm sau, bên cạnh khu nhà rẻ tiền này là những dãy nhà xây cất đẹp đẽ, khang trang, một chung cư không phải ai có tiền cũng mua được. Nữ tài tử Kiều Chinh đã cư ngụ trong cư xá này, nhìn ra cánh rừng cao su bên cạnh. Trong rừng lá xanh um ấy, từ những năm 1960 về sau, là những biệt thự sang trọng, an ninh dành cho người thuộc giai cấp mới và cho Mỹ thuê.
Giữa khi Sài Gòn thay đổi ấy, ở cuối đường Nguyễn Văn Thoại, ngã tư đường Ông Tạ, có một căn nhà nhỏ khá xinh. Đặc biệt trước mảnh sân vuông vắn, sát hàng rào, có một cây mai thật đẹp. Cứ mỗi khi Tết đến, Xuân về, cây mai này nở hoa vàng rực. Tôi đã nhiều lần đi qua, nhìn ngắm cây mai ấy, và trò chuyện với vị chủ nhà. Khen cây mai thì được, nhưng tỏ ý muốn xin hay mua một cành mai về trưng trong ngày Tết, thì tuyệt đối không. Vị chủ nhà lễ phép thưa: “Dạ xin đa tạ tấm lòng yêu hoa của quý vị, nhưng xin hãy để cho cây mai còn là nét vui chung của những ai qua đây.” Lời nói của ông như thế thật là đẹp. Bây giờ sau bao dâu bể, Sài Gòn bành trướng quá độ dưới những quyết định tàn bạo, vô tổ chức, không biết cây mai vàng ấy có còn…
Lúc ấy những năm sau 1954, miệt Thị Nghè là cửa ngõ ngoại ô của Sài Gòn. Xa lộ Sài Gòn chưa có. Đường Hàng Sanh là biên giới của an ninh thủ đô, chạy dài tới Phú Nhuận, rồi đi qua Bộ Tổng Tham Mưu, rẽ vào lối đi phi trường Tân Sơn Nhất. Từ Hàng Sanh nhìn ra Đồng Ông Cộ ngút ngàn lau sậy và dừa nước.
Người ta bảo mấy năm kháng chiến, du kích hùng cứ vùng này, vì đây là lối di chuyển rút đi lên miệt chiến khu Đ. Nơi đây còn là vùng thủ tiêu người bị du kích bắt. Nhưng chỉ sau mấy năm yên ổn, Sài Gòn như bừng nở, lớn lên rất mau. Sài Gòn đã lớn càng trở nên lớn hơn. Khu Đồng Ông Cộ trở thành vùng ven đô đang phát triển. Một con đường nhỏ có tên là đường Phan Chu Trinh, nhưng dân địa phương vẫn gọi quen là khu Lò Heo cũ, trong đó có ngôi biệt thự hình như của ông chủ lò gạch Phú Hữu. Ngôi biệt thự xây ở ven con rạch, hướng mặt ra đường Hàng Sanh gió mát, quanh sân là những hàng dừa lả ngọn, soi bóng xuống mặt nước. Một dãy nhà kho nhỏ rộng 3mét 5, dài 10 mét được sửa lại thành những căn phố nhỏ bé dễ thương, bán cho mọi người.
Năm 1965 chúng tôi mới lập gia đình, chồng là quân nhân, vợ là cô giáo, lương lậu ít ỏi. Sau đám cưới bình thường, bà con xúm lại, anh chị tôi cho thêm, chúng tôi mua được căn nhà nhỏ bé này làm tổ ấm đầu đời. Nhà tôi sát vách với nhà quái kiệt Trần Văn Trạch nên chúng tôi chung nhau bắt đồng hồ nước. Hai nhà thân nhau như một. Những buổi trưa ngày nghỉ, nằm hưởng cái lười biếng vắng lặng, chúng tôi thấy tiếng hát của ông Trạch vẳng qua thật hay “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu…”
Tiếng hát ngọt như lời ru, mượt mà như những sợi tơ trời nhẹ nhàng trôi trên vùng đồi núi nào xa, mang nỗi cô đơn, nhung nhớ của người lính xa nhà. Tiếng hát ấy khác xa, khác hẳn những bài hát vui nhộn hài hước của ông trong các màn phụ diễn trước những buổi chiếu phim. Buổi tối gió mát, những cây dừa nước bên nhà lao xao, lấp loáng ánh trăng. Chúng tôi ra ngồi ngoài hàng hiên. Ông Trạch cũng ra hàng hiên. Ông quấn quanh mình tấm saron, phô mảng ngực trần. Ông nhẹ nhàng hỏi “Tình thế mỗi lúc mới thêm khó há, trung uý.” Tôi thì hỏi ông “Sao ông không hát những bài ông vẫn hát ở nhà.
Hay quá mà.” Ông bảo “Thôi, để anh em họ làm ăn. Mình đóng vai hài quen rồi, chẳng ai cạnh tranh.” Khi tôi đeo lon thiếu tá, làm việc tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân, được phát cho cái xe jeep cũ thì hai con ông Trạch và hai con tôi mỗi sáng đều leo lên xe đi học ở trường Bà Phước, gần chợ Tân Định. Hai con tôi được anh chị (con ông bà Trạch) săn sóc rất kỹ. Đối với lối xóm, người ta bảo “Ông bà còn trẻ mà có những bốn cháu, sắp lớn rồi.”
Nhớ lại năm 1968, Tết Mậu Thân, khi ấy tôi và một số sĩ quan Hải Quân khác đang được biệt phái cho Nha Hoả Xa để lái những con tàu dân sự, nghe nói của gia đình bà Nhu để lại, nên Tết đến sau những chuyến chở hàng ra Trung, chúng tôi đều canh sao cho ngày Tết phải có mặt tại Sài Gòn. Tàu tôi khi ấy là chiếc Đại Hải, trọng tải 750 tấn, thường chở đủ loại hàng từ Sài Gòn ra Quy Nhơn hay Đà Nẵng.
Chuyến đi chở đầy hàng Tết, rất nhiều bánh mứt, pháo, trái cây… Mùa gió đông bắc, tàu chở khẳm, ra biển thường sóng đánh phủ mũi tàu, rất mệt. Gần tới Cam Ranh sóng to quá chếch nghiêng, mấy cần trục hàng lắc lư ngả nghiêng muốn gãy nên tàu phải ghé vào nấp trong vịnh Cà Ná. Tàu neo gần bờ, nhìn rõ những mảnh ruộng muối trắng phau. Những đụn muối cao chót vót. Từ đó nhìn ra khơi thấy sóng biển ùa vào cao ngất. Nằm đó gần một tuần, thực phẩm tươi đã cạn. Hàng ngày gọi ghe đánh cá lại mua tôm tươi và cả tôm hùm rất rẻ, ngon lắm, nhưng chỉ vài bữa đã thấy thèm rau muống hay mấy lát bí tươi.
Nằm trong vịnh nhìn gió hiu hiu lạnh giá thổi vi vút trên mấy dàn cần trục, nghe radio tường thuật những phiên chợ Tết ở Sài Gòn, buồn thối ruột. Mấy lần nhổ neo cố lết ra, nhưng sóng đánh ngang hông, tàu muốn lật, lại phải trở vào, nằm thêm ít ngày nữa vừa bằng một chuyến đi – về. Vì gió bão gây trì trệ, chuyến đi này là chuyến chót của năm. Từ Nha Hoả Xa gọi ra, xin cố bằng mọi giá mang tàu ra Đà Nẵng vào khoảng 24, 25 để kịp hàng Tết cho người ta… Buổi sáng trời êm gió hơn, tàu nhổ neo đi Đà Nẵng. Dỡ hàng xong là ngày 28 tết. Không có hàng về. Gió đông bắc thổi sau lái, tàu không, phải cho nước biển vào hầm tàu để tàu đầm, bớt lắc. Tàu nhẹ, hai máy tiến full, về đến Sài Gòn là trưa 30 tết. Đậu ở cầu Nguyễn Huệ, nhìn lên bờ, những khu hàng hoa đã vãn, những chủ vựa cây cảnh cho xe ba gác, xe cam nhông ghé lại chở hàng bán không hết về.
Những người quét đường đang tới tấp thu dọn những đống rác. Mút xa ở cuối tầm mắt là toà Đô Chánh, rừng người đi lại vội vã như cố chạy cho kịp lúc xuân về. Nỗi mừng vui thênh thang như gió thổi trên mặt sông mêng mang. Vừa bước xuống cầu thang đụng ngay ông Cang, cai phu bốc dỡ, mặt đỏ bừng và nồng hơi rượu. Ông đứng nghiêm đùa giỡn theo lối nhà binh, dơ tay chào. Tôi như một phản xạ nhà binh giơ tay chào lại. Ông nói:
“Ông thầy đi chuyến này lâu quá, hàng dành cho chuyến áp tết đành phải để ra giêng thôi.” Bắt tay ông định gọi xe về, thì ông Cang bỗng nắm tay tôi cản lại. Tôi tưởng ông như các lần khác kéo ở lại nhậu với anh em phu bến lấy thảo.
Tôi cười “Xin phép ông cai, cho tôi về nhà cái đã, kẻo bà xã mong và còn đi chợ vơ vét chút ít cho ngày tết chứ…” Ông Cang không nói gì, nhưng tôi thấy như có điều gì là lạ. Tôi hỏi “Ông cần nhắc tôi điều gì không?” Ông nói “không”, chỉ nheo mắt cười và tiếp “cũng nên cẩn thận an ninh thôi.”
Đứng đợi mãi không vẫy được xe, trong lòng áy náy, tôi quay lại tàu, gọi ông cai trực trên tàu, xem lại mấy trái độn ở hông tàu, đừng để kẹt nghiêng tàu khi nước lên. Tôi mở cửa phòng mình, tần ngần xem lại cọc tiền lương và tiền thưởng cuối năm để trong tủ áo. Tôi lấy giấy báo gói lại, bỏ vào cái túi nhỏ đem về nhà. Một quyết định tình cờ mà vô cùng hay. Tôi rời tàu, và nhiều ngày sau mới trở lại được vì Sài Gòn mấy ngày Tết chìm trong cơn biến loạn Tết Mậu Thân. Số tiền này thật là cần thiết trong những ngày hỗn loạn. Tôi thầm cám ơn ông Cang và càng thấy những bữa nhậu lấy thảo cùng anh em phu khuân vác tại bến tàu, thật là cần thiết.
Sau này, sau biến cố Mậu Thân, tôi trở lại Hải Quân, dọn vô khu cư xá Hải Quân, nên phút chót, khi tàn cuộc chiến, theo tàu đi được và định cư ở Mỹ. Tôi không biết ông Trạch đã thoát đi được như thế nào, nhưng những năm sau ngày 30 tháng 4, tôi biết qua báo chí và bè bạn là ông Trạch ở Paris có một mình, lang thang buồn bã vì thương nhớ vợ con còn kẹt lại quê nhà.
Mãi hơn 10 năm sau, trong dịp đại diện cho Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển qua Pháp đón tiếp thuyền nhân, vợ chồng tôi mới có dịp gặp lại gia đình ông bà Trạch ở bến cảng Ruen. Nói sao cho hết mừng vui, kỷ niệm của những ngày xa cũ. Sau đó ông Trạch qua Mỹ nhiều lần, chúng tôi lại có dịp gặp nhau. Tôi nhắc tới Ban Gió Nam, từ Sài Gòn ra Hà Nội, đâu như năm 50, 51 gì đó. Chủ lực là Ban Hợp Ca Thăng Long, nhưng có sự góp mặt của ca sĩ Trần Văn Trạch.
Lúc ấy ca sĩ Trần Văn Trạch hát bản Đêm Đông. Lời ca mượt mà, với lối phát âm giọng Sài Gòn, mang một phong vị xa lạ thật lôi cuốn. Trong bữa cơm tại một nhà hàng ở quận Cam, đang ăn ngon, nghe thế ông Trạch bỗng ngưng ăn và nói: “Chà! Độ ấy tôi mặc bộ đồ lớn màu trắng xuất hiện ở nhà hát lớn Hà Nội. Ngày nào hát xong, màn nhung vừa buông xuống, tôi cũng nhận được một bó hồng nhung, nhưng không biết người tặng là ai. Cho đến buổi ra về trên phi trường Gia Lâm, người tặng hoa mới xuất hiện. Một người đẹp thật là Hà Nội. Người đẹp Hà Nội nói với tôi rằng em muốn trái đất này sụp đổ để hai chúng ta cùng chết với nhau…”
Sau bữa cơm hội ngộ này ông trở lại Paris, lâm bệnh và mất. Chúng tôi có gọi điện thoại qua Paris phân ưu và chia buồn cùng bà Trạch và các cháu. Mấy đứa con ông, khi nhỏ, hàng ngày leo lên xe jeep của tôi, cùng các con tôi đi học trường Bà Phước ở Đakao, giờ cũng lớn hơn tuổi tôi ngày cũ khi hai nhà ở cạnh nhau. Giờ các con tôi cũng đã là những người trưởng thành, ở riêng. Một quãng đời Sài Gòn mới đó mà đã xa, quá xa, mù mịt.
Riêng về bến sông Sài Gòn, năm 1954 thì lạ lắm. Cột cờ Thủ Ngữ lúc ấy được coi như biểu tượng của hải cảng này. Ven mặt sông phía bên này thành phố là những xóm thuyền lá chi chít neo kín, buộc sát nhau lan ra gần nửa mặt sông. Đó là một xã hội phức tạp, đông đúc, khó ai biết cư dân trên ghe thuyền đó sinh hoạt thế nào.
Hình như (tôi nhớ không kỹ lắm) để đón mừng nền Đệ Nhất Cộng Hoà, 26 tháng 10 năm 1956, khu thuyền-nhà – lá này bị giải toả, bờ sông mới được chỉnh trang, mặt sông Sài Gòn trở nên thoáng rộng. Cột cờ chính của hải cảng Sài Gòn được rời về trước Bộ Tư Lệnh Hải Quân, nơi là tiền đường của Trại Bạch Đằng. Mỗi sáng thứ hai, toàn thể quân, cán, chính thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân xếp hàng nghiêm chỉnh tại đây làm lễ thượng kỳ. Ở chân cột cờ này mới được gắn 2 khẩu trọng pháo. Bờ sông ở nơi này được tu sửa lại, có những vỏ thủy lôi phế thải làm chậu cảnh, dính với nhau bằng hàng dây sắt buộc dài theo mé sông.
Trong dịp này có một số chiến hạm lớn của Hoa Kỳ viếng thăm, mừng ngày Quốc Khánh thứ nhất Việt Nam Cộng Hoà. Trong số chiến hạm Mỹ đến Sài Gòn lúc ấy có chiến hạm lớn mang tên thành phố Los Angeles. Hôm 26 tháng 10 năm ấy, tổng thống Ngô Đình Diệm đã đứng trên mui một chiếc tàu nhỏ, có vị Tư Lệnh Hải Quân trong đại lễ trắng, lon vàng óng ánh tháp tùng, chạy dọc trên sông Sài Gòn, đi duyệt những chiến hạm Đồng Minh đậu dài ở các cầu tàu. Mỗi khi chiếc tàu nhỏ của tổng thống đi ngang, các chiến hạm đều bắn 21 phát đại bác đón chào. Do đó cả khúc sông Sài Gòn hôm đó rền vang liên tiếp hàng trăm tiếng đại bác, như biểu tượng mừng vui của nền độc lập, làm tan đi một giai đoạn lệ thuộc, chấm dứt trang sử đen tối của dân tộc làm nức lòng hàng chục ngàn người đứng trên bờ sông chiêm ngưỡng, đón mừng. Và tối hôm ấy, trên bờ sông Sài Gòn bừng lên những dàn pháo bông muôn màu rực rỡ. Sài Gòn thực sự nở hoa.
Sài Gòn khác xa Hà Nội. Sài Gòn là thủ đô của một quốc gia non trẻ, Việt Nam Cộng Hoà. Cả triệu người Bắc di cư lúc này hầu như đã ổn định cuộc sống. Cả Miền Nam yên vui trong thanh bình, no ấm. Những vị nguyên thủ quốc gia đồng minh lần lượt đến viếng thăm Việt Nam, trong đó có cả vua và hoàng hậu Thái Lan. Do đó người ta thấy lần đầu tiên bà Ngô Đình Nhu đóng vai đệ nhất phu nhân, mặc áo dài hở cổ, xuất hiện bên cạnh hoàng hậu Thái Lan. Dù có thiên kiến nào cũng không thể phủ nhận uy tín và công lao ổn định miền Nam của nhà cách mạng Ngô Đình Diệm trong những năm đầu của Đệ Nhất Cộng Hoà.
Hà Nội nhỏ bé, nên xinh xắn. Hà Nội cổ xưa nên nền nếp. Hà Nội nền nếp nên Hà Nội buồn tẻ, không vui. Hà Nội nhỏ bé nên Hà Nội lặng lẽ, sạch sẽ. Hà Nội như một bậc trung niên con nhà nho nhưng nghèo. Người trung niên ấy ăn nói chững chạc, ăn mặc nhã nhặn, chỉnh tề, nhưng mọi việc thì chi ly, tính toán, không để cho ai thiệt, ngược lại cũng không ai lợi dụng được mình. Mà thực ra “mình” cũng chẳng có chi nhiều ngoài cái phong thái ứng xử kia, để người ta lợi dụng.
Sài Gòn thì khác. Sài Gòn như cậu thanh niên mới lớn, cổ còn lang ben vỡ da. Vì Sài Gòn đang trưởng thành, đang phát triển. Sài Gòn còn vụng về, nhưng Sài Gòn có tương lai. Sài Gòn hào phóng. Vì Sài Gòn to rộng, di chuyển ở Sài Gòn không thể êm ả bằng xe đạp, xe xích lô. Sài Gòn cần cơ giới hoá nên Sài Gòn ồn ào.
Với tôi Sài Gòn năm 1954 là những chiếc xích lô máy chạy như bay, máy nổ ầm ỹ, phun khói mù mịt. Những chiếc xe hơi nhỏ làm xe taxi, bất cứ ai có tiền, có nhu cầu đều có thể vẫy tay, gọi xe lại, leo lên. Hà Nội không có xe taxi như thế, nên có rất nhiều người suốt đời chỉ nhìn thấy cái xe hơi, nhưng không bao giờ có hân hạnh ngồi vào. Vì thế Sài Gòn bình dân hơn Hà Nội. Sài Gòn còn là những con đường rộng thênh thang chạy hoài không hết.
Sài Gòn còn là những bãi đất hoang, những đống rác ngay bên cạnh các toà nhà to rộng, các cao ốc thẳng tắp đang được xây cất. Sài Gòn còn là những con hẻm sâu hút, đi vào những xóm làng còn nguyên ao, rãnh, đình miếu, những hàng tre rậm lá, những ông bà già cởi trần ngồi trước hiên như một làng xóm miền quê Lục Tỉnh. Sài Gòn còn là những phố xá quán ăn mở tràn ra mé lộ. Khách ăn không ngớt, ồn ào. Hà Nội không thế. Hà Nội ăn uống cảnh vẻ, kín đáo ở trong nhà. Sài Gòn với tôi là một nơi giàu có, no đủ, và rất bình dân.
Sau này càng sống với Sài Gòn tôi càng yêu Sài Gòn hơn, và biết ơn Sài Gòn nhiều lắm. Sài Gòn cho tôi cơ hội để đi học lại, ở những lớp đêm, tìm bắt những thiếu sót trong những ngày loạn lạc. Sài Gòn cho tôi tuy không giàu sang nhưng no đủ. Đặc biệt Sài Gòn cho tôi tình bè bạn, xóm giềng. Sài Gòn cho tôi cơ hội tiến thân. Nên khi tôi là một quân nhân, dù không thích nếp sống này, tôi vẫn thấy tôi cần có mặt trong hàng ngũ những người phải cố gắng bảo vệ miền Nam, bảo vệ Sài Gòn của chính tôi, gia đình tôi và bè bạn. Khi là quân nhân, một cách tình cờ, tôi đã có mặt và theo dõi việc làm đẹp công viên Bạch Đằng. Việc này lạ lắm. Công viên là nơi hội tụ của nhiều con đường. To nhất là đường Hai Bà Trưng chạy dài từ miệt Phú Nhuận ra, gặp đường Bạch Đằng là hết, vì trước mặt là sông Sài Gòn.
Quanh đó là những con đường nhỏ xoè ra như một đoá hoa. Thời Đệ Nhất Cộng Hoà, khi bà Ngô đình Nhu làm thủ lãnh Phong Trào Phụ Nữ Liên Đới, nơi đây được gọi là Công Trường Mê Linh. Tượng Nhị Vị Anh Hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị được tôn kính, dựng ở nơi này. Đế tượng có ba chân, tượng trưng như một đầu voi khi Hai Bà ngự trên lưng voi xung trận. Tượng và toàn thể kiến trúc này do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, giải khôi nguyên La Mã thiết kế và xây dựng. Ngày khánh thành tượng đài, chính bà Nhu đến cắt băng, chủ toạ. Khi tượng hiện ra, nét điêu khắc kỷ hà rất mới, nét mặt Hai Bà phảng phất như hình ảnh bà Nhu và con gái bà là Ngô Đình Lệ Thủy.
Trong những ngày cuối của Đệ Nhất Cộng Hoà, những lời tuyên bố hỗn xược của bà Nhu với những vị tu sĩ Phật Giáo tự thiêu, phản đối chính quyền tổng thống Ngô Đình Diệm, như đổ dầu vào lửa, khiến người dân sôi sục căm thù. Đệ Nhất Cộng Hoà bị lật đổ ngày 1 tháng 11 năm 1963. Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ bị hạ sát rùng rợn trong lòng xe thiết giáp sáng ngày hôm sau. Trong những ngày sôi nổi hỗn mang ấy, tượng “hai mẹ con bà Nhu” bị dân chúng ào tới kéo đổ. Đầu pho tượng rời ra, được bỏ lên xích lô đi diễu trên đường phố. Báo chí trong và ngoài nước đã in hình ảnh này như một biểu tượng sụp đổ của “Ngô Triều.”
Từ đó miền Nam chìm đắm trong chiến tranh mỗi ngày mỗi thêm tàn khốc. Những chính phủ thay nhau như cơm bữa. Những cuộc biểu tình, những phân hoá trong mọi từng lớp trong xã hội. Sài Gòn chìm trong những lo âu, xáo trộn. Những trận đánh quy mô, to lớn diễn ra. Những địa danh như Bình Giả, Pleime, Chiến Khu Đ, Đắc Tô gắn liền với tang thương, xương máu của thanh niên người Việt, Bắc cũng như Nam. Cụ thể là nghĩa trang quân đội Gò Vấp không còn khả năng đón nhận những quân nhân tử sĩ nữa. Một nghĩa trang mới to, rộng là nghĩa trang quân đội ở Thủ Đức được hình thành. Trước lối vào nghĩa trang này có một pho tượng tạc người lính VNCH, trong áo trận, giày saut, để ngang khẩu súng trên đùi, bùi ngùi ngồi trên mỏm đá thương tiếc các chiến hữu đã bỏ mình nằm ở phía sau. Tác giả pho tượng là điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu.
Theo ông Thu cho người viết biết, người ngồi làm mẫu cho pho tượng là đại Tá Cầm, chánh võ phòng của tổng thống Thiệu. Vì nơi đặt pho tượng là lòng chảo, chỗ trũng nhất bên triền đồi, nằm bên đường đi nên những ai đi xe hơi từ Sài Gòn, hay ngược lại, lúc đầu nhìn không thấy tượng đâu. Xe càng chạy đến gần, bỗng dưng nhìn lên thấy pho tượng hiện ra đột ngột. Điều ấy càng về chiều càng gây cho người đi xe trên đường sự sững sờ, khó tả. Do đó có thời người ta đồn pho tượng Tiếc Thương kia đã tự nhiên đứng lên. Từ đó người ta còn thêu dệt thêm như đêm đi qua đó có người lính đứng bên đường xin quá giang xe, hay xin nước uống.
Theo ảnh hưởng cuộc chiến, vùng nông thôn mỗi lúc mỗi mất an ninh, người nông thôn tràn về thành phố mỗi lúc mỗi đông, Sài Gòn càng thêm xô bồ, đông đúc. Tiếng súng và hoả châu hằng đêm toả sáng quanh Sài Gòn. Quân Mỹ ào ạt đổ vào miền Nam. Bờ sông Sài Gòn càng trở nên nhộn nhịp. Các loại chiến hạm đủ loại mang cờ Việt Nam Cộng Hoà, cờ Mỹ, cờ Đại Hàn đậu đầy bến. Khu bờ sông trước cửa Bộ Tư Lệnh Hải Quân được rào lại bằng lưới thép, không còn là nơi hò hẹn của trai thanh, gái lịch thủ đô nữa. Công trường Mê Linh cũng được rào và ngăn chặn khi hữu sự, không cho dân chúng đi qua.
Ba chân cột tượng khi trước vẫn đứng trơ vơ trước bến sông, gió vi vu thổi tới. Trong hoàn cảnh rối ren đó, chính phủ quân nhân ra đời với trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch Uỷ Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, thiếu tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương. Nhưng thực quyền và ồn ào nhất trong chính trường khi ấy là ông Nguyễn Cao Kỳ. Ngày quân nhân cầm quyền là ngày 19 tháng 6 năm 1965, nên dịp kỷ niệm ngày ấy được gọi là Ngày Quân Lực, tượng trưng bằng cuộc duyệt binh to lớn, mọi quân binh chủng Việt Nam và đồng minh đều tham dự.
Những đơn vị quân đội Mỹ to cồng kềnh xếp hàng 10 đặc cứng như một khối vuông di chuyển trên đại lộ Thống Nhất, theo sau là những chiến xa hạng nặng, bề thế súng đại bác đen ngòm, kèm bên ống nhòm hồng ngoại tuyến. Trên không máy bay phản lực bay qua, vượt bức tường âm thanh bùng vang như sấm động, thả khói màu quốc kỳ tràn ngập bầu trời.
Riêng toán quân của Tân Tây Lan thì khác, họ ăn mặc như đoàn nhạc công thường thấy ở kinh đô Luân Đôn, Anh quốc, mặc váy kẻ ô, và thổi những điệu kèn í o, đi hàng một, vòng vèo rất lạ mắt.
Ông Kỳ lên cầm quyền khi ấy mới 35 tuổi, dù chỉ có hai ngôi sao bạc trên vai áo, nhưng khi ông đến khán đài tất các tướng lãnh Việt và đồng minh 3 sao, 4 sao đều đứng lên nghiêm túc giơ tay chào. Ông Kỳ với hàng râu đen nhánh, ăn mặc đỏm dáng, mạnh bạo nói năng. Chính phủ của ông có tên “chính phủ của người nghèo.” Ông đem Tạ Vinh ra bắn ở bùng binh chợ Sài Gòn, với lý do Tạ Vinh là thương gia người Việt gốc Hoa, chủ những vựa lúa của miền Nam. Theo ông, chính Tạ Vinh làm cho giá gạo lên nhanh, khiến người dân nghèo đói khốn khổ. Dân Sài Gòn đồn rằng “Tạ Vinh chết là một Tạ Vinh giả. Tạ Vinh thật đã trốn đi Hồng Kông rồi.” Sự thật thế nào chưa thấy ai nói rõ. Sài Gòn tạm yên và toàn dân rủ nhau đi bầu hiến pháp mới, những nhà lãnh đạo mới. Đệ Nhị Việt Nam Cộng Hoà ra đời. Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống, thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm phó.
Từ đó những tin đồn không vui giữa hai vị chánh phó hầu như không lúc nào dứt. Nhưng cái tên Ngày Quân Lực thì vẫn còn từ ngày đó đến nay, cả nơi hải ngoại. Khi chính phủ quân nhân sắp bàn giao cho chính quyền dân sự, chính phủ quân nhân muốn để lại một số kỷ vật cho thủ đô Sài Gòn, bằng cách ra lệnh cho các Quân Binh Chủng QLVNCH, phụ trách dựng tượng Thánh Tổ của Quân Binh Chủng liên hệ tại các công viên trong thành phố. Công việc này cụ thể do Cục Tâm Lý Chiến, lúc ấy đại tá Vũ Quang làm cục trưởng.
Phải làm thật mau trước thời gian chuyển quyền. Mỗi quân binh chủng được cấp một số tiền dựng tượng (hình như 20 ngàn thì phải). Số tiền quá nhỏ nên hầu như đơn vị nào cũng phải quyên góp anh em quân nhân trực thuộc để phụ thêm.
Công viên trước chợ Bến Thành là trách vụ của Binh Chủng Truyền Tin. Trước Toà Đô Chánh là của Không Quân. Trước toà nhà Quốc Hội là của Thủy Quân Lục Chiến. Và công viên Mê Linh ở bờ sông thì giao cho Hải Quân. Do đó công viên này được đổi tên thành công viên Bạch Đằng. Và pho tượng dựng ở đây là tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Thánh Tổ Hải Quân.
Như mọi đơn vị khác, mọi quân nhân Hải Quân đều đóng góp tiền của vào công việc này. Ngoài ra, mọi vấn đề kỹ thuật như làm cốt, đổ xi măng, dựng tượng đều do Hải Quân Công Xưởng phụ trách. (Không phải là Công Binh như có tờ báo đã loan). Ngoài ra, trong thời gian này, Hải Quân đại tá Trần Văn Chơn (sau vinh thăng đề đốc), trở lại Hải Quân, đảm trách chức vụ tư lệnh Hải Quân lần thứ hai.
Đó là một biệt lệ hy hữu. Ông có công hàn gắn các rạn nứt trong Hải Quân từ khi Hải Quân đại tá Hồ Tấn Quyền bị sát hại sáng 1 tháng 11 năm 1963, và những tranh chấp sau đó. Ông cũng là người, trong thời gian dài gần 8 năm, khéo léo chỉ huy, khiến Hải Quân bành trướng mau lẹ từ con số trên 4000 người, lên trên 40 ngàn người, để Hải Quân Việt Nam có khả năng tiếp nhận hàng trăm chiến hạm đủ loại, hàng ngàn chiến đĩnh và những cơ tiếp vận rải rác 5 vùng duyên hải. (Bộ Tư Lệnh Vùng 5 Duyên Hải đóng tại Năm Căn).
Có người cho rằng ông được Đức Thánh Trần phù hộ, vì từ khi ông đi du học, mất chức tư lệnh ở nhiệm kỳ đầu, về trông coi Lực Lượng Giang Thuyền nhỏ bé, căn cứ đóng bên kia sông Sài Gòn, gần như đối diện với Bộ Tư Lệnh Hải Quân ở bên này sông, hàng ngày ông đều vào đền thờ Đức Thánh Trần gần bên Bộ Chỉ Huy thắp hương lễ bái. Do đó khi dựng tượng Đức Thánh Trần, công tác này còn được Hội Thánh Trần bên Khánh Hội tận tình hỗ trợ vật chất cũng như tinh thần.
Một điều trùng hợp nữa là vị tư lệnh Hải Quân cũng họ Trần như Thánh Tổ. Từ việc tôn vinh này, trên chiến hạm, ngoài quốc kỳ, chiến kỳ và hiệu kỳ quốc tế, tại mũi chiến hạm của Hải Quân VNCH, trong các ngày lễ còn cắm một thánh kỳ, lá cờ đuôi nheo như ta thường thấy tại các đền, miếu.
Ở giữa Thánh Kỳ có một chữ Trần, chữ Hán, tung bay. Và trong lễ nghi quân cách xướng ngôn viên phải chính thức hô: Lễ rước Quốc, Quân và Thánh Kỳ. Tượng Đức Thánh Trần đứng trên bệ cao, hình trụ tam giác, mũi nhọn hướng ra phía trước, tượng trưng cho mũi thuyền đang lướt sóng ra khơi. Bệ này nguyên là bệ ba chân, tượng trưng đầu voi khi hai vi nữ anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị ngự trên lưng voi xung trận. Nay ba chân ấy được bít kín lại, với ý nghĩa như trên đã nói. Đức Thánh Trần trong áo giáp, đeo trường kiếm. Tay trái tì trên đốc kiếm, tay phải chỉ xuống dòng sông trước mặt, để nhắc nhở lời Ngài nói trên sông Hoá ngày xưa: “Phen này nếu không phá xong giặc, ta thề không trở lại khúc sông này nữa.”
Sau biến cố tháng 4-1975, một số pho tượng ở các công viên Sài Gòn bị Cộng Sản phá bỏ. Nhưng đa số những pho tượng khác, Việt Cộng chỉ đục bỏ những hàng chữ liên hệ tới các đơn vị cũ, còn bức tượng, là những vị anh hùng của dân tộc, vẫn thấy để nguyên, trong đó có tượng Đức Thánh Trần ở công viên Bạch Đằng. Nhưng đối với dân SàiGòn, nhất là với anh em Hải Quân VNCH, thì họ nói với nhau: “Đức Thánh thiêng thật. Ngài đã chỉ xuống sông từ lâu rồi, bảo kiếm đường thủy mà đi.”
Ông Nguyễn Cao Kỳ nổi tiếng ăn nói ồn ào, nói trước quên sau. Ngày khánh thành tượng Thánh Tổ, Hải Quân đã trình xin “Thiếu tướng chủ tịch tới chủ toạ”. Ông đã nhận lời. Hôm buổi lễ diễn ra, quan khách và ngoại giao đoàn đến. Chờ mãi không thấy tướng Kỳ đến, Ban Ba Nghi Lễ gọi điện thoại, mới hay “Thiếu tướng rất lấy làm tiếc…” Và đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng được thiếu tướng chỉ thị đến thay.
Trên nguyên tắc về lễ nghi, đại tướng nhỏ hơn bộ trưởng, nhỏ hơn những vị đại sứ. Nhưng biết làm sao. Đại tướng đại diện cho thiếu tướng chủ tịch Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương đến, mọi người từ Quốc Vụ Khanh, Bộ Trưởng, Đại Sứ đều đứng lên đón chào. Cuộc lễ được diễn ra bình thường. Nay mấy chục năm đã qua với bao dâu bể, tượng Trần Hưng Đạo còn đó.
Những pho tượng ở những công trường khắp Sài Gòn còn đó, uy nghiêm, đẹp đẽ. Không biết do ai mách bảo, hay chính là ý kiến của ông, trước khi rời chính quyền, ông CHON đã để lại cho thủ đô Sài Gòn, những kỷ vật lịch sử, mà dù kẻ thù vô thần, tàn bạo là Cộng Sản Việt Nam, cũng không dám đụng vào.
Hồi đầu năm 2004, nhân dịp Tết đi thăm Việt Nam, ông Kỳ ăn nói ồn ào đi ngược lại chính những điều mà suốt thời trai trẻ ông đã hoạt động, đã tự hào, nhất là đi ngược lại ý muốn của cộng đồng người Việt hải ngoại, nên ông là đối tượng để dư luận phiền hà, chống đối mạnh mẽ.
Phan Lạc Tiếp