Tổng thống Pháp Macron tham dự hội đàm trực tuyến về chiến tranh Nga- Ukraina, với Tổng Bí thư ĐCST Tập Cận Bình và thủ tướng Đức Olaf Scholz từ điện Elysée, ngày 08/03/2022. (ảnh: CCTV. – Reuters – Bennoit Tessier)
Hơn hai tuần kể từ khi quân đội Putin tấn công Ukraina, trong chính giới phương Tây, nhiều người đặt hy vọng vào vai trò trung gian hòa giải của Trung Cộng, trong bối hình điện Kremlin khăng khăng chủ trương chiến tranh đến cùng, bất chấp sự lên án dữ dội, và nhiều trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Một mặt, Bắc Kinh được coi là đồng minh quan trọng nhất của cường quốc hạt nhân thứ hai thế giới, mặt khác, Trung Cộng cũng khuyến khích thương lượng giữa Moscow và Kyiv. Liệu Trung Cộng có khả năng đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xâm lăng Ukraina của Nga hay không? RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
***
1) Kể từ khi Nga mở màn cuộc tấn công Ukraina, vấn đề Trung Cộng đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Moscow và Kyiv được nêu cụ thể ra sao? Phải chăng đang có nhiều hy vọng đặt vào vai trò của Bắc Kinh?
Vào ngày thứ 9 của cuộc chiến tranh Ukraina, trong một phỏng vấn đăng tải trên báo Tây Ban Nha El Mundo ngày 04)03)2022, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, Josep Borrell, nhấn mạnh đến vai trò hàng đầu của Trung Cộng trong việc làm trung gian cho các đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu giải thích:”Không ai khác có thể làm việc này”, Liên Âu “không thể là bên hòa giải, điều đó rõ ràng … Và đó cũng không thể là Mỹ. Còn ai khác nữa? Đó phải là Trung Cộng”.
Nhà nghiên cứu Érick Duchesne, Trưởng khoa chính trị học, Đại học Laval, Canada, có bài tổng thuật (07/03) về khả năng Trung Cộng đứng ra làm trung gian đàm phán tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga – Ukraina. Nhà chính học học Đại học Laval cũng nhấn mạnh: bất chấp các cuộc điện thoại liên tục của tổng thống Pháp Emmanuel Macron với nguyên thủ Nga (tổng thống Pháp được coi là người có nhiều cuộc điện đàm nhất với ông Putin kể từ đầu chiến tranh), điều rõ ràng là ông Putin không hề quan tâm đến các đề nghị của phương Tây, “chỉ duy có Trung Cộng có khả năng làm cho tổng thống Nga hiểu ra lẽ phải. Nếu Bắc Kinh quyết định đóng vai trung gian, một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột là điều có thể”.
Kinh tế gia Stephen S. Roach, giáo sư Đại học Yale, cựu chủ tịch quỹ đầu tư Morgan Stanley Asia, “tương lai của Nga hiện nay đang rất ảm đạm, nếu không có Trung Cộng, Nga sẽ không có tương lai”. Theo kinh tế gia Mỹ, chế độ Bắc Kinh hiện nắm giữ con át chủ bài cho “sự tồn vong của nước Nga của Putin”. Kinh tế gia Stephen S. Roach nêu hai khả năng: “Nếu Trung Cộng chọn ủng hộ Putin, phù hợp với thỏa thuận được ký kết vào ngày 4/2/2022 giữa hai cường quốc, thì Bắc Kinh sẽ tự đặt mình vào thế cô lập trên trường quốc tế, điều này có thể gây nguy hiểm cho chính Trung Cộng. Ngược lại, nếu Tập Cận Bình nỗ lực hết sức để đàm phán cho một giải pháp hòa bình, mà chỉ có ông ta mới có thể thuyết phục được Putin, ông sẽ đi vào lịch sử”. Hành động như vậy, Bắc Kinh vừa cứu nguy cho thế giới, vừa củng cố vị thế của Trung Cộng (bài “Only China Can Stop Russia”, Project Syndicate, ngày 07/03/2022, được nhật báo kinh tế Pháp Les Échos chuyển dịch và giới thiệu).
2) Những người hoài nghi về khả năng trung gian hòa giải của Trung Cộng lập luận ra sao?
Về vấn đề này, báo Đức DW, có bài tổng thuật đáng chú ý (“Liệu Trung Cộng có thể làm trung gian đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraina “, ngày 10/03/2022). Bà Didi Kirsten Tatlow, thành viên Hội Đồng Đối Ngoại Đức, cực lực bác bỏ khả năng này, khi nhấn mạnh rằng, việc các lãnh đạo thế giới thúc giục Trung Cộng đóng một vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Ukraina, là “đặt niềm tin nhầm chỗ”.
Chuyên gia Hội Đồng Đối Ngoại Đức hoàn toàn không tin tưởng Tập Cận Bình có thể “là một nhà hòa giải trung lập và hiệu quả”. Bà nhấn mạnh, mời Trung Cộng vào vai trò này đồng nghĩa với việc “các nước dân chủ tự đặt mình vào thế rất yếu”, bởi việc trao cho Bắc Kinh vị thế nhà trung gian hòa giải không khác nào dành cho Trung Cộng một “quyền kiểm soát” trong một vấn đề “hết sức hệ trọng với các nền dân chủ”.
Trả lời DW, ông Andrew Small, một thành viên cao cấp tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ, khẳng định quan điểm của Bắc Kinh là tránh can thiệp vào những gì mà Putin muốn làm. Theo chuyên gia quỹ Marshall, Trung Cộng chỉ có thể đảm nhận vai trò trung gian hòa giải, trong trường hợp đối tượng liên quan là “các quốc gia đàn em”, như Bắc Triều Tiên và Pakistan, nhưng với Nga, Trung Cộng cảm thấy khó xử. Quyết tâm tiến hành chiến tranh đến cùng của ông Putin tại Ukraina để đạt mục tiêu, và “quan hệ mang tính phụ thuộc của Bắc Kinh trong đối tác chiến lược và quân sự với Nga” cũng khiến Bắc Kinh rất khó đóng một vai trò quan trọng trong mục tiêu được kỳ vọng nói trên. Trên đây là quan điểm của ông Thì Ân Hoằng (Shi Yinhong), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học ở Bắc Kinh, khi trả lời báo Đức DW.
Đứng về phía nước Nga, ông Danil Bochkov, một chuyên gia tại Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga ở Moscow, cho rằng chắc chắn Trung Cộng sẽ không đồng ý đóng vai trò hòa giải giữa Ukraina và Nga, vì nếu đảm nhận vai trò nhạy cảm này, Bắc Kinh sẽ “tự đặt mình vào trung tâm của các giám sát quốc tế”, nhất cử nhất động của Trung Cộng sẽ bị tất cả các bên soi xét.
Cho đến nay, cho dù bỏ phiếu trắng về hai dự thảo nghị quyết, một của Hội Đồng Bảo An và một của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (nghị quyết lên án Nga xâm lược đã được Đại hội đồng LHQ thông qua), Bắc Kinh vẫn tỏ rõ quan điểm nghiêng hẳn về Putin. Tập Cận Bình chia sẻ “nỗi lo ngại về an ninh” của Nga, đã được chính Moscow đưa ra để biện minh cho cuộc tấn công Ukraina. Bắc Kinh cũng lên án mạnh mẽ các trừng phạt quốc tế đang ngày một gia tăng, để buộc Moscow phải xuống thang, chấm dứt chiến tranh.
Một ngày sau khi quân đội Nga tấn công Ukraina, Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với tổng thống Nga. Theo truyền thông Trung Cộng, Tập Cận Bình đã kêu gọi ông Putin thương lượng với chính quyền Kyiv, giải quyết bất đồng giữa hai bên qua “thương lượng”. Danh từ “thương lượng” gây ít nhiều cảm tưởng là Trung Cộng thúc đẩy cho một giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, “thương lượng” theo cách hiểu của Trung Cộng cũng không khác mấy quan điểm của Putin. Kể từ khi chiến tranh bùng nổ đến nay, Moscow đã có ít nhất bốn cuộc “đàm phán” với Kyiv, nhưng chỉ với mục tiêu buộc Ukraina thực thi các đòi hỏi của Nga, đồng nghĩa với việc Kyiv chấp nhận đầu hàng!
3) Liệu Bắc Kinh có thay đổi quan điểm về cuộc xâm lược Ukraina của Nga?
Hiện tại Trung Cộng cố gắng duy trì một thái độ nước đôi. Một mặt Bắc Kinh tỏ ra trước cộng đồng quốc tế là ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực quốc tế tìm giải pháp cho hòa bình, mà cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tập Cận Bình với hai lãnh đạo Pháp và Đức hôm 08/03 vừa qua là một ví dụ tiêu biểu, mặt khác Bắc Kinh vẫn tiếp tục khằng định quan hệ vững chắc không gì lay chuyển nổi với Nga, “vững như bàn thạch”, theo lời lẽ của ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị.
Tuy nhiên, việc Nga tiếp tục tỏ ra cứng rắn, theo đuổi chiến tranh đến cùng, và việc phương Tây tiếp tục siết chặt lệnh trừng phạt, đang đẩy Trung Cộng đến chỗ khó duy trì hơn thái độ nước đôi nói trên. Theo giám đốc CIA William Burns, ban lãnh đạo Trung Cộng “đã có phần bối rối trước những gì đang diễn ra tại Ukraina”, sự kháng cự của quân dân Ukraina gây những khó khăn vô lường cho quân đội Nga là điều có lẽ nằm ngoài dự đoán của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cuộc xâm lăng Ukraina của Nga có lẽ chưa sớm chấm dứt. Áp lực quốc tế dường như rất khó buộc Putin từ bỏ tham vọng trong giai đoạn hiện tại. Các thảm họa nhân đạo, xung đột kéo dài tại Ukraina, việc Nga bị sa lầy cũng chưa chắc đã phải là điều thật sự bất lợi cho Bắc Kinh. Ngược lại, Trung Cộng có thể gặt hái nhiều lợi ích lớn trong tình thế tọa sơn quan hổ đấu hiện nay.
Theo bà Sari Arho Havrén, một thành viên chương trình nghiên cứu về chính sách châu Âu – Trung Cộng tại Viện Nghiên cứu về Trung Cộng Mercator (MERICS), có trụ sở tại Berlin, “tình hình kinh tế xấu đi ở Nga có thể mở ra cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn cho Bắc Kinh”. Một nước Nga hung hãn, nhưng ở thế yếu, buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Cộng, cũng có thể là một tác nhân thuận lợi cho các tham vọng định hình trật tự toàn cầu mới của Bắc Kinh.
Bắc Kinh khó lòng đóng vai trò trung gian hòa giải thực sự cho xung đột Nga – Ukraina, và ắt là sẽ không sớm thay đổi quan điểm về cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thái độ của Trung Cộng cũng còn phụ thuộc vào áp lực của phương Tây, của cộng đồng quốc tế.
Trọng Thành (RFI)