Sát thủ Hồ Chí Minh
Đống xương cốt, mồ chôn tập thể nạn nhân Tết Mậu Thân 1968 tại Huế.
Sát thủ Nguyễn Văn Kiên
Linh muc Giuse Trần Ngọc Thanh
Trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 trên mạng thông tin xã hội rộ lên cái tin linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh bị một thanh niên tên Nguyễn Văn Kiên chém chết tại một nhà thờ ở giáo phận Kontum trong khi vị linh mục trẻ này đang ngồi tòa giải tội. Đúng là một tin vô cùng đau xót cho gia đình cha Thanh, và gây sốc cho rất nhiều người, trong đó có tôi. Là một linh mục đàn anh, tôi đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn cha Giuse ngay khi hay tin buồn. Nhân đây, tôi xin gởi lời PHÂN ƯU đến gia đình, tang quyến và những người thân yêu của cha Thanh. Tôi cũng xin chia buồn với anh chị em giáo dân trong xứ đạo của cha Giuse Thanh, với Dòng Đa-Minh và giáo phận Kontum về sự mất mát này.
Rồi những ngày tiếp theo xuất hiện tràn ngập những bài viết, Youtube, radio, TV, emails, facebook, lời chia sẻ…có cả một số cơ quan truyền thông nước ngoài cũng đưa tin về sự kiện đang làm dậy sóng dư luận này.
Các bản tin đề cập tới rất nhiều tình tiết của sự việc, kể cả chi tiết về tiểu sử đời tư của nạn nhân và của kẻ đã chém chết cha Thanh. Có người đã cố gắng lý giải nguyên nhân của vụ án mạng, mặc dù đó chỉ là những suy luận và phỏng đoán. Có Youtuber còn “hé lộ” kẻ chém chết cha Thanh đã khai gì, nói gì…Có người còn chạy tin “ Dần dần hé lộ bí mật vụ linh mục Trần Ngọc Thanh bị chém chết…” rồi có tựa đề khác “ Vụ án Nguyễn Văn Kiên chém chết cha Thanh đã tới đâu?…rồi có tin “ Nhà cầm quyền đã vào cuộc….” và rất nhiều tin nữa với tựa đề khác nhau.
Sự kiện này cho thấy người Việt Nam chúng ta rất nhạy cảm và dễ xúc động trước sự đau thương của nạn nhân bất hạnh và phẩn nộ trước hành vi của kẻ gây ra tội ác, điển hình là vụ Cha Giuse Thanh bị chém chết người trong dịp Tết vừa rồi. Đặc biệt hơn nữa, nạn nhân trong vụ này là một linh mục trẻ (có người còn nói…đẹp trai nữa!) bị chém chết ngay trong nhà thờ vào ngày 27 Tết khi Ngài đang ngồi tòa giải tội. Yếu tố đó càng gây xúc động mạnh hơn, nhất là trong giới công giáo.
Vụ sát nhân trong dịp Tết này khiến cho tôi suy tư rất nhiều trong mấy ngày qua. Qua việc này, tôi nhớ lại một vụ sát nhân vô cùng man rợ khác, cũng xảy ra trong một dịp Tết, hay nói chính xác hơn là ngay trong Ngày Mồng Một Tết Mậu Thân, 1968. Lần này không phải chỉ có một người bị chém chết, nhưng là hàng chục ngàn thường dân vô tội đã bị sát hại. Trong số đó hàng ngàn người bị đập đầu chết, một số khác bị chôn sống trong những hố chôn tập thể tại cố đô Huế.
Cái khác nhau giữa hai vụ sát nhân này là hung thủ chém chết cha Thanh bị rất nhiều người tỏ ra căm phẩn, nguyền rủa và lên án nặng nề. Nghe đâu hung thủ đã bị bắt để điều tra và chờ ngày ra tòa xét xử. Trong khi đó tên sát nhân đã ra lệnh giết chết hàng chục ngàn thường dân vô tội trong dịp Tết Mâu Thân 1968 thì không bao nhiêu người đề cập tới nhưng ngược lại còn được ướp xác, xây lăng, dựng tượng và được đảng cộng sản “ phong thánh”. Có nơi còn đem tượng kẻ sát nhân đó đặt lên bàn thờ! Đó là sự kiện nghịch lý đã thúc đẩy tôi viết bài này để chia sẻ với toàn thể đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Tôi xin bắt đầu bài viết này bằng câu chuyện sau đây.
CÂU CHUYỆN “CÂY PHÁO TẾT”
Chuyện này do người bạn của tôi là anh PTK , hiện đang ở Mỹ, kể với tôi vào dịp Tết năm 1973 lúc chúng tôi còn làm việc ở Vĩnh Long. Mặc dù câu chuyện rất đơn sơ và đã qua mấy chục năm rồi nhưng vì có vài chi tiết lạ và buồn cười nên tôi không sao quên được.
Anh bạn tôi kể : “Lúc bấy giờ tôi đang học trường Nông Lâm Súc ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Trong dịp Tết năm đó hầu hết các sinh viên về quê ăn Tết, chỉ còn sót lại chừng 5, 6 anh em vì nhà ở xa quá nên không về quê mà ở lại ăn Tết tại trường. Trong thời gian rãnh rổi này ban ngày chúng tôi thả rong ra chợ Bảo Lộc coi dân chúng chuẩn bị ăn Tết, chiều tối lại về trường. Một hôm chúng tôi bàn nhau phải làm một cái “pháo Tết” để đón mừng năm mới. Thế là anh em tôi bắt tay vào việc.
Lúc đó phía sau dãy nhà nội trú của trường có một cây đu đủ thật to. Cây đu đủ này mọc ở đó tự bao giờ chẳng ai buồn để ý. Nó cao lêu nghêu và cằn cỗi như một ông lão ngoài…90! Cái gốc của nó to như cái vành nón, sù sì có nhiều vết sẹo chằng chịt, phía trên ngọn teo tóp lại. Ở chót đỉnh đầu chỉ còn le hoe vài ba chiếc lá nhỏ xíu như để cho mọi người biết là nó…còn sống. Chúng tôi quyết định hạ cây đu đủ này xuống để làm…cây pháo Tết.
Phải vất vã lắm chúng tôi mới cưa hạ được cây đu đủ vì gốc của nó cứng như đã hóa mộc; nhưng lại rỗng ruột thẳng tắp từ gốc tới ngọn. Hạ xuống rồi, chúng tôi cắt bỏ phần ngọn chỉ chừa lại một đoạn gốc dài chừng 3 thước. Sau đó dùng một khúc gỗ tròn đóng bít đầu nhỏ của cây đu đủ lại và khoan thủng vào thân cây một cái lổ to bằng ngón tay út cách chỗ đóng khúc gỗ nêm ở đầu nhỏ chừng một gang tay. Cái lỗ này chính là “ngòi nổ” của cây pháo. Như thế là “cây pháo Tết” đã được chuẩn bị xong. Chúng tôi ra chợ mua sẳn 2 ký khí đá, gói thật kỷ vào bao nylon và chờ tới sáng Mồng Một Tết sẽ đốt pháo mừng xuân.
Sáng ngày Mồng Một Tết, chúng tôi khiêng “cây pháo” đu đủ đặt vào giữa sân trường, tống hết 2 ký lô khí đá vào bụng cây pháo, đổ mấy lon nước vào và thay nhau bế “cây pháo” lên lắc tới lắc lui… lắc tới lắc lui… lắc tới lắc lui …một lúc thật lâu cho khí đá gặp nước tan ra. Một lúc sau bụng cây đu đủ đã bị dồn nén đầy ấp chất khí acetylene do khí đá thả ra. Acetylene là loại khí bắt lửa rất nhạy người ta thường dùng làm đèn hàn xì. Sau đó chúng tôi dựng đứng cây đu đủ lên trút hết mấy cục khí đá chưa tan trong bụng cây ra ngoài, đặt cây pháo nằm xuống và bắt đầu thủ tục…châm ngòi khai hỏa!
Anh bạn có nhiệm vụ châm ngòi hình như có linh tính báo trước nên thay vì dùng tay châm thẳng ngọn lửa vào “ngòi nổ” tức là cái lổ nhỏ ở cuối cây pháo, anh đã cẩn thận gắn cây diêm đang cháy vào đầu một cái que dài chừng 1 thước. Cả bọn chung tôi đứng vây quanh cách xa cây pháo chừng 5 thước đang hồi hộp theo dõi màn “khai hỏa” cây pháo Tết. Khi anh bạn từ từ kê que diêm đang cháy vào gần cái lổ của cây pháo thì…!
Lạ lùng làm sao! Bât ngờ một vầng lửa chói chang, to như cái nia chợt lóe lên khiến cho mọi người phải nhắm mắt lại, đồng thời nghe một tiếng “RẮC” khô khan phát ra. Ngoài ra không có tiếng động nào khác.
Khi mở mắt ra chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì không còn thấy “cây pháo” nữa. Nó đã biến đi đâu mất. Ai nấy đứng chết trân như trời trồng, tóc tai trên đầu sửng đứng và hàng nút áo trước ngực bật tung ra hết. Vài anh có vết sướt trên mặt và máu bắt đầu rịn ra.
Riêng anh bạn châm lửa khai hỏa thì té bật ngữa đang nằm dưới đất, tóc tai dựng dứng, mặt bị xây sát nhiều chỗ, áo quần tả tơi rách nát lòi cả “con chim” ra ngoài. Anh ta gượng đứng dậy bước lảo đảo, vừa đi vừa đưa tay bụm háng vì “con chim” đang bị thương chảy máu! Thật là một cảnh tượng lạ lùng chưa từng có và dĩ nhiên là không ai có thể nào tưởng tượng ra được cái hậu quả như thế. Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đây.
Trong khi bọn chúng tôi đang ngơ ngác lo chùi máu cho nhau và thắc mắc là không ai nghe tiếng nổ nhưng cây pháo đu đủ đã biến đi đâu? Bọn tôi còn đang sửng sờ trước hiện tượng lạ lùng này thì chợt nghe tiếng còi báo động và tiếng còi hụ của xe cứu hỏa từ ngoài cổng trường chạy vào. Theo sau là xe chở lính hiến binh và quân cảnh súng ống đầy người. Chúng tôi bị thẩm vấn và hỏi về một tiếng nổ kinh hồn vừa phát ra ở đây. Chúng tôi cho biết là vừa mới đốt cây pháo “đu đủ” để mừng Tết và không hề nghe tiếng nổ gì cả!
Thì ra, cường độ của tiếng nổ như sấm gầm của “cây pháo đu đủ” đã vượt quá khả năng chịu đựng của màn nhĩ con người đứng gần. Chúng tôi chỉ nghe một tiếng “ RẮC” như ai đó đang bẻ cành cây khô. Ngược lại, tiếng nổ đó đã vang xa tận ngoài thành phố khiến cho cơ quan an ninh của thị xã tưởng là Việt cộng đặt bom, phá hoại trường Nông Lâm Súc nên đưa lính và xe cứu hỏa vào tiếp cứu.
Sau đó chúng tôi tìm thấy một tảng lớn của gốc cây đu đủ nằm ở hành lang của tầng lầu hai và các mãnh nhỏ khác nằm rải rác nhiều nơi trong sân trường và trên mái nhà. Điều vô cùng may mắn là tiếng nổ đã làm cho cây đu đủ vỡ tung và văng tóe lên cao. Nếu các mãnh vỡ bay tạt ngang, có thể có người trong bọn tôi bị thương hoặc lòi tròng con mắt.”
LÝ GIẢI CÂU CHUYỆN
Tôi cố ý ghi lại câu chuyện “ cây pháo đu đủ” để giải thính một định luật vật lý như sau: các giác quan con người chỉ có thể hoạt động được trong một phạm vi giới hạn nhất định; nếu vượt quá giới hạn đó các giác quan không còn hoạt động được nữa. Vì tiếng nổ của “cây pháo đu đủ” quá lớn vượt quá khả năng ghi nhận của màng nhĩ nên chúng tôi không có thể nghe được tiếng nổ đó. Cũng từ câu chuyện “cây pháo đu đủ” nói trên, tôi muốn giải thích các sự việc xảy ra trong đời sống của con người.
Có những biến cố xảy ra trong phạm vi cảm nhận được của giác quan và sự hiểu biết của trí óc con người, cụ thể như vụ anh Nguyễn Văn Kiên chém chết linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh trong dịp tết năm Nhâm Dần vừa qua. Vụ sát nhân này ai cũng có thể nghe được, hiểu được và tiếp cận được, cũng như ai cũng có thể nghe được tiếng nổ của một cây pháo bông. Chính vì thế mà tin tức về vụ cha Thanh bị chém chết đã được rất nhiều người quan tâm theo dõi và phát tán tràn ngập trên mạng thông tin xã hội trong mấy ngày qua.
Ngược lại, có những sự việc xảy ra vượt ra ngoài khả năng cảm nhận của giác quan và vượt quá sự tưởng tượng của đầu óc con người, cụ thể như vụ hàng chục ngàn đồng bào vô tội đã bị Hồ Chí Minh và bọn ác quỷ sát hại trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Đây là hành động vô cùng thâm độc vượt quá sự hiểu biết và trí tưởng tượng của đầu óc con người bình thường. Nó giống như tiếng nổ kinh hồn của “cây pháo đu đủ” trong câu chuyện tôi kể ở trên và tiếng nổ đó đã làm điếc tai, mù mắt người dân Việt Nam. Đó cũng là lý do tại sao tội ác tày trời này của Hồ Chí Minh ít được dân chúng nhắc nhớ và đề cập tới như vụ Nguyễn Văn Kiên chém chết linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh vừa rồi. Ngoại trừ những nhà nghiên cứu sử và một số người nghiêng cứu về chính trị Việt Nam.
( Ở đây tôi xin mở dấu ngoặc để giải thích tại sao tôi gọi “ bầy ác quỷ” để nói về những kẻ chủ trương cuộc tổng công kích Tết Mâu Thân 1968. Điều này tôi đã viết trong Chương 1 của Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG như sau: “Những người Việt Nam chủ trương cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đó, họ không còn là những con người, vì họ đã mất hết tính người. Họ cũng không phải là ác thú vì loài ác thú không đối xử với đồng loại của chúng một cách ác độc gớm ghê như thế. Họ đã hiện nguyên hình là một bầy ác quỷ cùng nhau ăn uống một bữa TIỆC MÁU trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Họ đã chà đạp lên ngày thiêng liêng nhất của dân tộc Việt Nam là ngày TẾT, tôi xin được viết bằng chữ hoa in đậm. Họ đã biến ngày TẾT là ngày ĐẠI PHÚC của Dân Tộc thành ra ngày ÐẠI TANG của Dân Tộc.”
CUỐN PHIM QUAY CHẬM
Đúng vào giờ Giao Thừa TẾT MẬU THÂN 1968, Đài Phát Thanh Hà Nội cho phát ra bài thơ Chúc Tết Đồng Bào của Hồ Chí Minh. Bài thơ đó như sau:
“ Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.”
Bài thơ “Chúc Tết” đó là tín hiệu mở khóa cho bầy ác quỷ xổng chuồng. Bữa tiệc máu của bọn ác quỷ Mừng Tết Mậu Thân 1968 bắt đầu sau cái hiệu lệnh đó, không những Thủ Đô Sài Gòn mà gần như tất cả mọi tỉnh thành Miền Nam đều đồng loạt bị tấn công. Bọn ác quỷ đã lợi dụng thời gian hưu chiến trong dịp Tết do chính Hồ Chí Minh đề nghị để bất ngờ tấn công Miền Nam và sát hại hàng chục ngàn đồng bào vô tội. Điều này cho thấy âm mưu này đã được bọn ác quỷ âm thầm chuẩn bị từ lâu. Thử hỏi với đầu óc bình thường ai có thể tưởng tượng ra được âm mưu quỷ quyệt đó?
Đọc tới đây chúng ta thấy hiện lên hình ảnh hai kẻ sát nhân trong dịp Tết.
Kẻ sát nhân thứ nhất là NGUYỄN VĂN KIÊN, kẻ đã chém chết linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh hai ngày trước Tết Nhâm Dần 2022 và nghe nói là đã bị bắt để điều tra và chờ đưa ra xét xữ .
Kẻ sát nhân thứ hai là HỒ CHÍ MINH, là kẻ cầm đầu bầy ác qủy trong vụ sát hại hàng chục ngàn thường dân vô tội trong Tết Mậu Thân 1968. Hiện nay kẻ sát nhân này lại được ướp xác, xây lăng, dựng tượng và được chế độ cộng sản xưng tụng là anh hùng dân tộc.
Một câu hỏi được đặt ra ở đây: Tại sao NGUYỄN VĂN KIÊN kẻ chém chết một người thì gặp sự phẩn nộ cao độ của quần chúng, bị điểm mặt chỉ tên trên khắp các diễn đàn công luận. Trong khi HỒ CHÍ MINH đã tàn sát hàng trăm ngàn đồng bào Việt Nam vô tội thì lại được tôn vinh là anh hùng dân tộc? Đây là một điều nghịch lý cần có một câu trả lời thích đáng của lương tri toàn thể Dân Tộc Việt Nam. Tôi gọi đây là một điều nghịch lý vì nếu đem so sánh tội sát nhân của NGUYỄN VĂN KIÊN với tội sát nhân của HỒ CHÍ MINH thì chẳng khác nào đặt con kiến bên cạnh một con voi!
TÒA ÁN LƯƠNG TRI VÀ CÔNG LÝ
Đặt trường hợp ngày hôm nay vị Phán Quan Lịch Sử mở phiên tòa của Lương Tri và Công Lý để xét xử hành vi giết người của hai bị cáo Nguyễn Văn Kiên và Hồ Chí Minh. Vị Chánh Án Phán Quan Lịch Sử mời tôi và bạn, là người đang đọc những dòng chữ này, vào Bồi Thẩm Đoàn để giúp Tòa Án luận tội và đưa ra phán quyết cuối cùng. Vị Chánh Án gọi tên tôi trước, tôi nói như sau.
“ Kính thưa quý Tòa,
Cả hai bị cáo Nguyễn Văn Kiên và Hồ Chí Minh đều phạm tội giết người vào dịp Tết cổ truyền của DânTộc Việt Nam, nhưng hai vụ án này có mức độ nghiêm trọng và hoàn cảnh khác nhau.
Bị cáo Nguyễn Văn Kiên chỉ giết một người và không có dự mưu từ trước. Lý do giết người có thể vì tâm tính bất thường, hoặc vì cơn tức giận nhất thời, hoặc do bất mãn hay vì thù oán cá nhân, hoặc bị tâm thần mà ngày nay người ta gọi là “ngáo đá”, hoặc do một động lực nào đó xui khiến thúc đẩy. Cái chết của nạn nhân Trần Ngọc Thanh đã gây đau khổ cho nhiều người nhưng không thiệt hại suốt đời cho vợ con vì nạn nhân là người không vợ không con. Tôi không bênh vực cho hành động giết người nhưng tôi xét thấy trường hợp của bị cáo Nguyễn Văn Kiên đáng được Tòa cứu xét khoan hồng hoặc giãm khinh.
Mặt khác, xét vì nạn nhân là một linh mục và tôi cũng là một linh mục, tôi đề nghị Tòa ân xá hoặc khoan hồng cho bị cáo. Lời kêu xin của tôi dựa theo như tinh thần của Đức Giêsu Kitô khi Người bị treo trên Thánh Giá đã nói: “Lạy cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” ( Luca 23, 34 ). Một điều tôi tin chắc là nạn nhân bị sát hại là linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh giờ này ở trên thiên đàng cũng sẳn sàng tha thứ cho kẻ đã chém chết mình.
Riêng về bị cáo Hồ Chí Minh đã giết chết hàng chục hàng trăm ngàn đồng bào vô tội, lại sát hại đúng vào ngày Mồng Một Tết là ngày thiêng liêng nhất của Dân Tộc. Số nạn nhân có cả đàn ông, đàn bà và trẻ con. Tội ác của Hồ Chí Minh gây đau khổ đến cùng cực cho không biết bao nhiêu gia đình, có người mất chồng, có người mất vợ, có người mất cha, mất mẹ… Cuộc thảm sát tết Mậu Thân năm 1968 là một âm mưu đã được toan tính từ trước. Tội cố sát số đông người có dự mưu là một tội ác không thể tha thứ được. Hơn nữa Hồ Chí Minh đã biến ngày TẾT là ngày ĐẠI PHÚC của Dân Tộc thành ra ngày ÐẠI TANG của Dân Tộc.
Xét vì tính nghiêm trọng của hành động do Hồ Chí Minh gây ra cho Dân Tộc Việt Nam, tôi đề nghị Tòa phán quyết một bản án nặng nhất dành cho bị cáo Hồ Chí Minh để làm gương cho hậu thế.”
Đó là những lời tôi nói trước Tòa Án Lương Tri và Công Lý, là tòa án nằm ngoài phạm vi ràng buộc của bất cứ chế độ và thế lực chính trị nào. Tôi đang mong chờ lời biện hộ của các luật sư của bị cáo Hồ Chí Minh trong phiên tòa chủ tọa bởi vị Phán Quan Lich Sữ này.
Kính thưa toàn thể đồng bào Việt Nam thân mến, trên đây là suy tư của tôi về số phận đau thương của đồng bào Việt Nam nhân vụ án mạng linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh bị Nguyễn Văn Kiên chém chết vào ngày 27 Tết Nhâm Dần vừa qua.
Về phần bạn, những lời bạn sẽ nói trước tòa án Lương Tri và Công Lý hôm nay trong vai trò của một bồi thẩm như thế nào? Bạn không cần phải viết ra đây, nhưng bạn phải trả lời câu hỏi này trước lương tri của chính mình.
Mồng 7 Tết Nhâm Dần 2022
Linh Mục Anrê Nguyễn Hữu Lễ
Auckland, New Zealand
Email: tpslenguyen@yahoo.com