Ai thiếu sự thuỷ chung sẽ dễ dàng phạm tội và trở thành những kẻ mà thế gian nguyền rủa là đồ vô lại hay thứ bất lương…
Văn chương Việt Nam có nhiều câu truyện hay điển tích nói lên ý nghĩa của sự thủy chung. Các câu truyện nổi bật nhất là truyện hai anh em nhà họ Cao cùng với cô con gái họ Lưu trong “Sự Tích Trầu Cau”, truyện “Lưu Bình Dương Lễ” và truyện “Trần Minh Khố Chuối”.
Lịch sử cận đại có những người phụ nữ Việt Nam hay những người vợ trẻ chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, gian khổ, cô đơn, để chờ ngày chồng mình trở về dù biết rằng sự đoàn tụ rất mong manh bởi vì họ bị giam cầm không bản án trong các nhà tù khổ sai của chế độ Việt cộng sau ngày 30-4-75.
Hình minh họa: Trại tù khổ sai không bản án của chế độ Việt cộng có tên gọi là “cải tạo” sau ngày 30-4-75
Ca dao Việt Nam có những câu nói lên sự chung thủy trong tình chồng vợ.
Đất có bồi có lở,
Người có dở có hay.
Em nguyền một tấm lòng ngay,
Đinh ninh một dạ đến ngày trăm năm.
Trong tình chồng vợ hay tình yêu đôi lứa, việc chờ đợi một người vì hoàn cảnh khắc nghiệt phải xa cách nhau, có thể dễ cho người ở vị trí đợi chờ giữ trọn sự thủy chung, bởi vì sự thương hại. Chờ một người đã phản bội mình và mong rằng người đó quay trở lại, mới là chuyện khó.
Người có dở có hay.
Em nguyền một tấm lòng ngay,
Đinh ninh một dạ đến ngày trăm năm.
Trong tình chồng vợ hay tình yêu đôi lứa, việc chờ đợi một người vì hoàn cảnh khắc nghiệt phải xa cách nhau, có thể dễ cho người ở vị trí đợi chờ giữ trọn sự thủy chung, bởi vì sự thương hại. Chờ một người đã phản bội mình và mong rằng người đó quay trở lại, mới là chuyện khó.
Tình anh em ruột thịt, bạn bè, đồng đội, chiến hữu, đồng chí, tình quê hương dân tộc, và tình anh em trong niềm tin Thiên Chúa, đều cần phải có sự thuỷ chung. Thiếu sự thuỷ chung, ý nghĩa của các tình cảm đó không còn giá trị nữa, mà nó chỉ là những danh từ hay thành ngữ rỗng tuếch. Thà chúng ta ít học, thà chúng ta không nhận mình là người có đạo hay có Chúa ở cùng, mà có sự thuỷ chung, hơn là một người khoa bảng, nhận mình là Cơ Đốc Nhân nhưng có lòng dạ phản trắc hay trở mặt với các thứ tình cảm cao đẹp mà tôi vừa nêu. Kẻ nào có lòng dạ phản trắc hay thiếu sự thủy chung hoặc phản bội ân nhân sẽ không đủ tư cách để dạy lẽ đạo hay dạy đời người khác. Đối với bọn đó, người tử tế có quyền không dành cho chúng sự kính trọng hay trân trọng dù là tối thiểu.
Một Cơ Đốc Nhân chối bỏ lẽ đạo mà mình đã nhận là thiếu sự thuỷ chung. Trong phạm trù “chối bỏ lẽ đạo” mà tôi muốn nói, không chỉ là hành động bỏ đạo mà là những lời nói hay các việc làm ngược lại những gì mình đã học, đã biết, hay đã dạy người khác. Hình ảnh các môn đồ và các đoàn dân từng theo Chúa Cứu Thế Jesus để nghe những lời phán dạy của Ngài, nhưng sau đó họ đã im lặng không dám lên tiếng bênh vực Ngài, hay chối bỏ Ngài, đều nói lên sự thiếu thuỷ chung trong thời điểm đó. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua lời phán của Chúa Cứu Thế Jesus trong Phúc Âm Giăng 8:31-32. Câu 31 ghi, “Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu Đa đã tin Ngài, rằng: ‘Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta.’” Sự thuỷ chung đưa đến kết quả gì? Câu 32 đã nói lên điều đó, “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.”
Nói đến sự chung thuỷ, người ta sẽ không quên lòng trung thành giữa người này và kẻ khác. Sự trung thành một cách đúng nghĩa nói lên tính liêm sỉ của một con người. Sự trung thành một cách mù quáng là ươn hèn và yếu kém trong bản chất tầm thường của một con người tội lỗi. Người có nhân cách, thà người ta “cạp đất” mà ăn còn hơn hưởng sự giàu sang, mà trở thành kẻ phản bội anh em và các loại tình cảm thiêng liêng khác, tàn tệ nhất là phản bội ngay chính ân nhân của mình.
Có người đã ví những kẻ thiếu sự thủy chung hoặc phản bội ân nhân là thua loài chó, “chó không phản chủ”. Thật ra, sự so sánh này rất khập khiễng, bởi người là người, chó là chó. Bản chất của loài chó là trung thành tuyệt đối với chủ của nó, ngoại trừ chó điên.
Hình ảnh minh họa: Chỉ có chó điên mới phản chủ
Riêng loài người có hình ảnh của Thiên Chúa và có trí tuệ, lương tri mà Thiên Chúa ban cho. Người bình thường là người biết phải, biết quấy, và người ta gọi đó là người tử tế. Những kẻ chẳng biết gì phải quấy và thiếu sự trung thành với người đáng trung thành, người ta gọi đó là đồ phản phúc hay thứ bất lương.
Làm chủ một công ty hoặc công sở, người ta cần gì ở người cộng sự viên, người công nhân, hay người quản lý? Người ta cần lòng trung thành của người quản lý và nhân công. Trong Kinh Thánh có nhắc đến lòng trung thành. Sứ Đồ Phao-lô đã nói, “Vả lại, cái điều người ta trông mong nơi người quản trị là phải trung thành” (1 Cô-rinh-tô 4:2).
Trong văn hoá Á Đông, lòng trung thành giữa chủ và nhân công rất nổi bật. Trong xã hội Tây Phương, vấn đề trung thành rất lu mờ. Người ta thường đến với nhau vì quyền lợi đôi bên theo kiểu, “Còn bạc còn tiền còn đệ tử. Hết cơm hết gạo hết ông tôi.” Trong các nước Tây Phương, khi chủ cần bớt người, họ cho nhân công nghỉ việc. Nhân công thấy chỗ khác trả lương hậu hĩ hay quyền lợi cao là họ bỏ việc v.v…
Thiếu lòng trung thành hay thiếu sự thủy chung, con người dễ phản bội nhau chỉ vì những danh vọng hảo huyền, những loại chức quyền tạm bợ. Để biện minh cho sự phản trắc đó, người ta đưa ra nhiều lý lẽ, lý do dường như “chính đáng” và “chính nghĩa”, nhưng thực chất đó chỉ là sự phản trắc hay phản bội nhau một cách trắng trợn và phũ phàng của bọn bất lương.
Lịch sử cận đại cho thấy trong cuộc chính biến, đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 1-11-63, cho dù người ta có thích hay không thích gia đình nhà họ Ngô, người ta cũng phải thấy điều này; thành phần phản bội Cụ Diệm không phải là những người chiến đấu gian khổ ngoài các mặt trận, mà chính là những kẻ từng hưởng bổng lộc của chính phủ và chịu ơn gia đình họ Ngô. Đó cũng là những kẻ từng khúm núm hay đứng “cong lưng” trong những khi đối diện với Tổng Thống Diệm.
Tôi từng hân hạnh đọc sách Cách Xử Thế Của Người Xưa và tôi nhớ đại khái ý niệm này, “Châm ngôn của những người có quyền chức lớn, đó là, khi có kẻ đến quỳ mọp dưới chân anh, anh phải lấy chân mà đè đầu nó xuống, vì nếu không khéo, nó sẽ trổi dậy để cắn anh.”
Nhiều người dễ tính hay dễ tin đã từng trả giá cho sự dễ tính hay dễ tin đó. Trong số người đó, có tôi. Tuy nhiên, kẻ phản trắc chỉ có thể phản bội tôi được một lần, và tôi thầm tạ ơn Chúa đã cho tôi không làm công việc trả thù, mà tôi đã giao phó cho Chúa, cho “cơn thạnh nộ của Ngài”. Tạ ơn Chúa vì mỗi ngày Chúa cho tôi học thêm bài học nhân từ, hài hoà, nhưng không phải loại nhân từ, hài hoà không đúng lúc, đúng chỗ, mà tôi từng phạm phải.
Trong các sinh hoạt hằng ngày ngoài đời, người ta cần người cộng sự có lòng trung thành bao nhiêu, trong đạo của Chúa, người ta cũng cần những người có lòng trung tín với Chúa và với người, bấy nhiêu. Những nơi được gọi là “Hội Thánh” không thể có những cấp lãnh đạo ham chức quyền mà không quan tâm đến những bạn đồng lao của mình. Những nơi được gọi là “Hội Thánh”không thể có những kẻ chỉ chực hờ đạp người khác để “chui sâu, trèo cao” và vinh thân phì gia bằng những thủ đoạn đê tiện.
Trong Kinh Thánh chép bức thư của Sứ Đồ Phao-lô gởi cho người Phi-líp. Phao-lô đã lượng giá cao về Ti-mô-thê (Timothy), “Thật vậy, tôi không có ai khác có cùng một tâm tình như Ti-mô-thê, là người thật tình lo lắng cho anh chị em. Vì ai nấy đều tìm lợi ích riêng cho mình chứ không tìm lợi ích cho Chúa Cứu Thế Jesus. Nhưng anh chị em biết phẩm cách của Ti-mô-thê, người đã cùng tôi, như con với cha, phục vụ Phúc Âm” (Phi Líp 2:20-22).
Nếu người nào nhận mình là “Con Cái Chúa” hay “Đầy Tớ Chúa”, khi đọc Kinh Thánh qua bức thư của Sứ Đồ Phao-lô gởi cho cộng sự viên Tít, được chép trong sách Tít (Titus) 2:1-10 đã giúp cho người đọc thấy rằng, hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh. Dạy người lớn tuổi phải biết tiết độ, nghiêm trang, khôn ngoan, vững vàng trong đức tin, yêu thương và kiên nhẫn. Dạy các phụ nữ lớn tuổi phải có tác phong thánh khiết, đừng nói xấu người khác, đừng nghiện rượu, phải biết dạy điều lành để họ có thể dạy các thiếu nữ trẻ tuổi yêu chồng con, khôn ngoan và trong sạch, chăm lo việc nhà và thuận phục chồng để lời dạy của Chúa không bị phê phán. Các thanh niên phải khôn ngoan, trong mọi sự phải biết nêu gương về việc làm phúc. Khi dạy dỗ, hãy tỏ ra chân thật và nghiêm chỉnh. Hãy nói chân lý lành mạnh để không ai chỉ trích và để những người chống đối mình sẽ xấu hổ vì họ chẳng có dịp để bêu xấu chúng ta. Dạy người làm công phải luôn luôn vâng phục chủ, cố gắng làm vừa lòng chủ, không được cãi lại. Không được trộm cắp đồ của chủ; trái lại, phải tỏ ra mình hoàn toàn đáng tin để trong mọi việc, đạo lý của Chúa thu hút mọi người.
Kết luận
Lòng chung thuỷ, sự thủy chung, trung thành, hay trung tín rất cần có trong sinh hoạt của con người, nhất là những nơi được gọi là “Hội Thánh”. Nếu ai thiếu lòng chung thuỷ với người phối ngẫu, người thân, bạn bè, chiến hữu, đồng đội, hoặc đồng chí, người đó sẽ cho phép người khác khinh thường và xa lánh mình.
Thiếu lòng chung thuỷ, người ta sẽ không dạy được con cái của mình chứ đừng hòng dạy người khác. Sự thuỷ chung còn là chất keo cho tình đoàn kết. Sự thuỷ chung mang đến thành công trên mọi phương diện. Ai thiếu sự thuỷ chung sẽ dễ dàng phạm tội và trở thành những kẻ mà thế gian nguyền rủa là đồ vô lại hay thứ bất lương.
Cầu xin Chúa cho chúng ta luôn kính sợ Ngài, có lòng chung thuỷ với những người tử tế, biết xa lánh hay vứt bỏ những thứ gì có tính cách tạm bợ, danh hảo, sắc dục tầm thường của đời, có lòng trung tín hay trung thành với lẽ đạo của Thiên Chúa mà chúng ta đã nhận lãnh. Nếu chúng ta ở vị trí lãnh đạo giáo hội hay Hội Thánh, hoặc dạy lẽ đạo cho người khác mà chính mình có những lời nói gian dối hay hành động gian ác, vô đạo, thích ngụp lặn trong tội lỗi bằng “vỏ bọc thiêng liêng”… Hãy coi chừng, Nước Thiên Đàng không thể dành cho những kẻ bất lương. Con dân Chúa có thể phạm tội một lần hay nhiều lần, nhưng thái độ “ủ tội” không biết ăn năn, không thể là người tin Chúa thật, hay người biết kính sợ Chúa một cách đúng nghĩa. Người nào không tin Chúa một cách đúng nghĩa, cần phải suy sét và điều chỉnh lại đức tin của mình trước khi quá muộn.
Huỳnh Quốc Bình
E-mail: huynhquocbinh@yahoo.com
ReplyReply allForward
|