NHỮNG GIỌT LỆ CHƯA BAO GIỜ ĐƯỢC KHÓC (Nguyễn Gia Việt)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Một thảm cảnh trong những ngày tháng 4 vừa xảy ra ở một phòng trọ tại Bình Dương trong một gia đình người quê An Giang. 

Khi phá cửa căn phòng trọ, người ta chứng kiến người cha 55 tuổi nằm chết trên giường với vết cứa trên cổ. Còn ở dưới nền nhà, người con trai 30 tuổi cũng nằm thoi thóp, khắp người là máu.

Ông cha  bị bịnh phải nằm liệt giường nhiều năm  và sống cùng phòng trọ với vợ chồng con trai. Gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn.

“Nghi án” con trai đâm chết cha bị bịnh nằm liệt giường nhiều năm rồi tự sát.

Ces larmes qui n’ont pas été pleurées

(Những giọt lệ chưa bao giờ được khóc)

Cùng đường rồi , sao mà thê thảm như vậy?

“Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi

Bằng sức người vô hạn

Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi

Bằng sức người đã kiệt

Bằng sức người đã tả tơi ước mơ”

Sao mà ngày càng khổ, ngày càng khó, lâm vô toàn cửa tử không vậy?

Chúng ta vẫn hằng mơ ước, ai cũng ấm no, ai cũng được trị bịnh, đi học, ai cũng có việc làm đủ sống và người già có một chổ an thân không phải cơ cầu trên vỉa hè hàng đêm. 

Nhưng đường quốc lộ 1 SG -Miền Tây vẫn kẹt cứng một chiều khi Tết, Lễ và dòng di cư cứ đem những người dân xa quê, tha hương từ từ. 

Chúng ta hỏi rằng trong tương lai cuộc sống sẽ ra làm sao, ra thế nào khi mà đêm về dưới ánh đèn đường giữa Sài Gòn hoa lệ, giàu nghĩa tình vẫn có những người già chánh gốc Sài Gòn  ngồi ngủ gục quên mình là ai.

Thương thay, buồn thay ! Dù có tràn đầy lòng trắc ẩn với đồng loại cùng chung một tiếng nói với mình thì cũng đành ngậm ngùi mà thôi.

Quê hương mình chan chứa nước mắt, khổ sở nhiều lắm.  

“Em bỏ đất bởi bị dồn tuyệt lộ

Lời ca dao, câu Vọng Cổ ngân buồn”

Sau lưng là một khoảng hư vô, trước mặt là con đường vô định:

“Nước xuôi lạnh một dòng sầu,

Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian?”