CHUYỆN VỀ NHỮNG TẤM LÒNG CAO THƯỢNG (NguoiVietOnline)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Độc giả viết’ nhằm mời gọi quý độc giả ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Và, biết đâu, đây là cơ hội cho chúng ta, những độc giả, trở thành tác giả. Để tham gia, quý độc giả vui lòng gởi cho Người Việt qua email: docgiaviet@nguoi-viet.com.(Bài trong mục này không có nhuận bút)

***

Tôi đã gặp lại hắn, sau hơn 20 năm. (Tranh: Đinh Trường Chinh)Nguyễn Đình Liên

Một sự tình cờ, tôi đã gặp lại hắn, sau hơn 20 năm, kể từ lúc cả hai cùng được thả ra, vào một ngày đầu Tháng Năm, 1981, từ trại tù Bình Điền, Thừa Thiên Huế. Tôi biết hắn từ trước năm 1975 không những vì cả hai cùng học một lớp bậc trung học, cùng một khóa Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, thậm chí, sau đó lại về cùng một đơn vị. Trước ngày mất nước năm tháng, hắn lấy vợ. Vợ hắn, tên là Hạ, đúng là một cô giáo hiền thục, đoan trang và thương chồng theo cách tăn măn tỉ mỉ của những cô gái Huế (thời trước.)

Rồi trôi theo vận nước, tôi đi với hắn vào cùng một trại tù và (thật kỳ lạ) sáu năm sau lại cùng với hắn ra khỏi trại. Trong khoảng thời gian (ở tù) này, và nhất là sau khi cùng được thả ra về sống tại địa phương. Tôi mới biết được và hết sức khâm phục lòng hy sinh và sự chịu đựng của vợ hắn…

Khi cuộc đời nhà binh của hắn và kể cả tôi nữa kết thúc tại bãi biển Thuận An, Huế vào ngày 26 Tháng Ba, 1975. Chúng tôi bị lùa lên trại tù Khe Sanh, rồi về Cồn Tiên, hắn hay chắt lưỡi với tôi: Trời hi!! vậy mà cũng còn may. Tôi hỏi thì hắn trả lời: May là vì hai vợ chồng tôi chưa có con, không bị ràng buộc chi hết, nàng có thể tự do đi lấy chồng khác, chớ đeo theo mình, cái thằng tù chung thân khổ sai này làm cái chi?!  Tại trại tù Cồn Tiên (Tỉnh Quảng Trị) lần thăm nuôi đầu tiên, vợ hắn lên thăm. Hắn nói ngay với với nàng: Thôi đến mức ni là đủ rồi, em còn trẻ, chưa có con, anh cho phép em ly dị anh, rồi về mà kiếm một thằng chồng khác, chớ đeo theo anh làm cái chi nữa?!, lấy ai cũng được, miễn răng em hạnh phúc là anh mừng rồiVợ hắn im lặng không nói. Ba tháng sau, về trại Ái Tử (Đồng Hà) lại thấy nàng tay xách nách mang giỏ lớn, giỏ nhỏ lên thăm. Hắn lại khuyên nàng như lần trước, thì bị nàng nạt: Đừng có giở trò cao thượng với tui, tui là vợ anh thì đến chết tui vẫn là vợ anh, đừng có nói ba xàm ba láp. Đến đây thì hắn tắt đài không dám hó hé thêm một tiếng. Vì chuyện này tôi không biết hắn vui hay là buồn, vui cũng đúng thôi vì thời buổi này có được một người chung tình như vợ hắn thì cũng đáng vui, nhưng buồn như trường hợp hắn lại cũng đúng. Buồn vì tội nghiệp cho cô vợ trẻ không biết có mắc nợ nần chi từ đời kiếp nào mà bây giờ phải đeo theo mà trả.

Vợ hắn đã bỏ nghề giáo từ lâu, để lăn lưng ra chợ trời, buôn thúng bán bưng. (Photo by Paula Bronstein/Liaison)

Sau này khi được phóng thích về địa phương, nghe thuật lại thì ra vợ hắn đã bỏ nghề giáo từ lâu, để lăn lưng ra chợ trời, buôn thúng bán bưng mà kiếm từng đồng bạc lên thăm nuôi anh chồng đang sa cơ thất thế. Lại nghe nói trước đó có anh trưởng Ban Thuế Vụ tỉnh đeo theo nàng như đỉa nhưng luôn luôn bị nàng quyết liệt từ chối. Trước ngày đi vùng kinh tế mới trong Nam, tôi nói với hắn: Ông có phước lắm mới có được người vợ như rứa, ráng mà sống với nhau trọn đời. Hắn trả lời: Mẹ tôi sinh ra tôi làm người còn vợ tôi mới là người mở mắt cho tôi biết cái gì gọi tấm lòng cao thượng.

Khoảng vài năm sau thì nghe nói hai vợ chồng hắn đã lên tàu vượt biên.

Nghe tin này tôi cầu mong hai vợ chồng hắn đi đến nơi đến chốn bình yên và mãi mãi hạnh phúc bên nhau.

Mười năm sau, gia đình tôi đi Mỹ theo diện H.O. Qua Mỹ, tôi ra sức tìm kiếm hai vợ chồng hắn. Và qua nhiều người bạn tôi nghe tin hắn đang sinh sống tại một tiểu bang miền Đông và cũng nghe nhiều chuyện về hắn. Nhưng mãi đến hơn hai chục năm sau, tình cờ, tôi mới có dịp gặp lại người bạn cũ  này.

Đó là một đêm Giao Thừa âm lịch tại thành phố Salt Lake City, tiểu bang Utah. Ngoài trời tuyết rơi trắng xóa. Trong một căn chung cư ẩm thấp nghèo nàn ở vùng North Salt Lake. Ngồi trước mặt tôi là một người đàn ông ốm yếu, đầu tóc bạc trắng, nhìn tôi qua cặp mắt ủ rủ, chính là hắn.

Tôi hỏi hắn:

Chuyện gì đã xảy ra? ông có nhớ tôi đã từng nói với ông là hãy sống hạnh phúc với Hạ và hãy biết quý trọng tấm lòng cao thượng của nàng.

Hắn nhìn tôi, với ánh mắt sáng lên chút diễu cợt, rồi biến mất, chỉ còn hai bên khóe mắt của hắn tôi nhìn thấy những vết hằn buồn rầu ai oán.

Đúng rồi, chính cái tấm lòng cao thượng hay là sự hy sinh cao cả đó nhưng than ôi, kết quả mà nó mang lại là tất cả những gì anh đang thấy đây…

Hắn bắt đầu câu chuyện.

Chiếc thuyền mỏng manh chở khoảng 150 người rời khỏi Lăng Cô nhắm hướng hải phận quốc tế, vào cái ngày định mệnh đó. Chỉ 4 tiếng đồng hồ sau thì nó vỡ tan ra từng mảnh. Khi tôi tỉnh dậy thì thấy đang nằm trên một tàu hàng Nam Dương. Trong số 150 người trong đêm đen bão táp, chỉ có chừng vài mạng được vớt lên, còn hầu hết đều mất tích, vợ tôi nằm trong số người mất tích đó. Thì anh cũng biết, trên biển cả mênh mông mất tích là đồng nghĩa với cái chết. Vì thế, anh hiểu là tôi đau khổ đến mức nào không??? Vợ tôi đã hy sinh hết mọi thứ, kể cả tuổi xuân của nàng chỉ vì nàng yêu tôi. Vậy mà tôi chưa kịp đền đáp mang lại cho nàng sự hạnh phúc, chỉ còn vài bước nữa là đến bến bờ tự do thì nàng đã vĩnh viễn chìm sâu dưới lòng đại dương. Nỗi mất mát lớn lao này đã cào xé, dằn vặt tôi, tạo nên một cơn hoảng loạn dai dẳng đến nỗi người ta phải đem tôi vào bệnh viện. Tôi nằm trong một bệnh viện tâm thần, hay nói cho đúng đó là nhà thương điên trong vòng một tháng trời, và ở trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh, nửa điên nửa khùng. Trầm trọng đến nỗi ai cũng nghĩ chỉ còn nước ngồi chờ đến giờ đem tôi đi chôn.

Vợ tôi nằm trong số người mất tích đó. (Photo credit should read HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images)

Nhưng rồi như một định mệnh đã được an bài, một ngày kia, tôi bỗng tỉnh dậy và thấy một cô gái người Việt đang đứng nhìn tôi ở đầu giường. Hỏi ra, mới biết, đó là một cô gái sống tại Mỹ và làm trong một cơ quan thiện nguyện chuyên giúp đỡ những người tị nạn. Hiểu được và thông cảm nguyên nhân căn bệnh trong người của tôi, cô gái tên là Huyền, đã tình nguyện chăm sóc cho tôi và dần dần đem tôi lên từ dưới đáy sâu của cơn khủng hoảng tuyệt vọng để hồi sinh trở thành một người bình thường. Rồi cũng dần dần cả hai chúng tôi trở thành hai người bạn thân lúc nào cũng không hay. Huyền chỉ nhỏ hơn tôi vài tuổi, không đẹp, nhưng đằm thắm, dịu dàng. Nàng đã có một đời chồng, và chính điều này cũng là một tâm sự buồn mà có vài lần nàng đã bộc lộ cho tôi biết. Nhưng nàng nói cũng nhờ sự bộc lộ đó mà nàng luôn luôn giữ được trạng thái cân bằng trong tâm lý. Tôi cũng kể cho nàng thêm những chi tiết về Hạ người vợ xấu số của tôi, về cái tình yêu và sự hy sinh của nàng dành cho tôi. Tôi nói với Huyền:

Suốt đời có l không bao giờ tôi quên được vợ tôi.

Huyền nói:

Đừng bao giờ quên cô ấy vì chính lúc anh nghĩ về cô ấy là chính lúc anh tự cảm thấy an ủi được rất nhiều. Nhưng anh cũng nên nhớ, anh cũng cần nghĩ về anh nữa, bởi anh cũng cần phải sống và biết cách sống na chứ.

Phải nói tôi cám ơn Huyền rất nhiều về những gì mà nàng đã làm cho tôi trong thời gian vừa qua và khi nhìn vào đôi mắt đằm thắm của nàng tôi chợt nghĩ biết đâu hương hồn vợ tôi đã phù hộ cho tôi gặp được cô gái này cũng nên? Hóa ra trong cuộc sống trước mắt, tôi đang có hai người đàn bà ở bên cạnh, một người ở quá khứ và một người đang sống ở hiện tại. Họ đã tạo cho tôi một thế cân bằng trong tâm lý và giúp tôi dần dần vượt qua được trạng thái hụt hẫng đau đớn trước kia.

Chừng vài tháng sau, cũng nhờ sự giúp đỡ bảo trợ của Huyền, tôi đã được phái đoàn phỏng vấn chấp thuận cho định cư tại Mỹ. Lúc đó tôi về một tiểu bang miền Đông với Huyền, và theo lời khuyên của nàng tôi ghi danh đi học, bắt đầu từ các lớp ESL, rồi qua college, sau đó lên đại học. Trong thời gian đi học tôi và nàng thuê chung một căn apartment hai phòng (dĩ nhiên). Tôi đi học ban ngày, cuối tuần đi làm thêm kiếm tiền phụ giúp một phần trả tiền ăn ở. Còn nàng thì đi làm ca đêm. Cũng nên nói thêm, chúng tôi luôn luôn coi nhau như là bạn, tôn trọng nhau đối xử nhau một cách vui vẻ và chân thật. Tôi ráng sức học và hiểu rằng đó là cách để khỏi phụ lòng người đã giúp đỡ tôi đến nơi đến chốn. Tôi cũng hiểu rằng, nàng cũng đang ráng sức đi làm để tạo điều kiện dễ dàng trong việc học của tôi. Nghĩ lại, mới thấy cả hai chúng tôi cũng đều ráng sức và cũng vì nhau mà ráng sức. Phải chăng chúng tôi đang làm một việc mà chỉ có hai người đang yêu nhau mới làm?

Trong đời tôi định mệnh đã cướp đi của tôi một cơ hội là mang lại hạnh phúc cho người đã từng hy sinh cho mình, đó là Hạ. Lần này tôi không muốn mình vuột đi một cơ hội tương tự như vậy. Tôi quyết định chọn một ngày quan trọng nhất để tôi ngỏ lời cầu hôn với Huyền. Ngày đó cũng là ngày tôi tốt nghiệp với mảnh bằng kỹ sư công chánh.

Rồi cái ngày đó đã tới.

Buổi trưa sau khi làm lễ tốt nghiệp xong cả hai chúng tôi về nhà. Chúng tôi quyết định cùng nấu chung một vài món để ăn mừng và đó cũng là một cơ hội để tôi nói lời tình yêu với Huyền. Tôi nghĩ không có một cơ hội nào tốt hơn là cơ hội  này. Tôi đang lau chén đũa và trải khăn bàn trong lúc chờ nàng chạy ra cái chợ ở đầu phố nói là mua thêm ít rau, và vừa lẩm bẩm trong miệng câu nói mà tôi chờ đợi được nói suốt cả năm trời nay. Đúng lúc thì có tiếng chuông cửa. Một người đi bỏ báo đứng chờ ở ngoài, đưa cho tôi một lá thư nhỏ, nói: Phải anh là anh Tiến không? Có một người ở đằng kia nhờ tôi trao cho anh tờ giấy này.

Tờ giấy nhỏ bằng bàn tay, chữ viết tròn trịa quen thuộc.

Anh TiếnEm là HẠ đây, em vẫn còn sống đây, nhưng chuyện dài dòng lắm, em thì không tiện vào nhàQua gặp em trong cái công viên phía bên kia đường.

Tôi không còn nhớ lúc đó tâm thần tôi hoảng loạn đến mức độ nào. Tôi cũng không biết mình nên làm gì nữa. Giá lúc đó mà động đất xảy ra hay núi lửa phun lên, sóng thần tràn vào tôi cũng không cần biết. Tâm trạng hoảng loạn này có lẽ cũng lớn ngang với lúc tôi tỉnh dậy trên chiếc tàu hàng Nam Dương và biết người vợ mình đã bị nhận chìm giữa lòng đại dương cách đây 7, 8 năm về trước. Nhưng rồi như cái máy tôi bước ra cửa lảo đảo băng qua bên kia đường.

Tôi nhận ra nàng ngay. Chính là Hạ. Vợ tôi, nàng không khác mấy như tôi gặp nhiều lần trong những giấc mơ trước kia. Nhưng bây giờ không phải là trong giấc mơ mà bằng xương thịt nàng, hiện ra dưới ánh nắng buổi trưa với làn da có vẻ xanh xao hơn và đôi mắt buồn rầu. Cơn xúc động đến nỗi tôi muốn ôm chầm lấy nàng. Nhưng nàng ngăn tôi lại rồi hấp tấp nói.

Anh Tiến, em không còn nhiều thì giờ nữa vì trong vòng một tiếng nữa em sẽ rời nước Mỹ trở về lại Úc.

Tôi nhìn thấy nàng cười nhưng nước mắt thì ràn rụa trên má.

Anh biết không, khi em trôi dạt trên biển và được một thương thuyền Úc vớt lên, đem về Úc. Lúc đó em vẫn tin rằng chỉ có em là người duy nhất sống sót trên chiếc tàu định mệnh đó. Mãi vài năm sau thì có người liên lạc với em và cho biết anh vẫn còn sống. Anh biết là ai không? NGƯỜI ĐÓ LÀ CÔ HUYỀN. Chính cô Huyền đã bỏ rất nhiều công sức để truy tìm em trên khắp các trại tị nạn, trong một hy vọng là em còn sống. Và thật không uổng công cho cô ấy. Huyền đã tìm ra emCô ấy đã liên lạc với em nhiều lần, kể hết mọi chuyện về anh và nói với em rằng sẽ tạo điều kiện cho hai người gặp nhau nhưng phải chờ anh tốt nghiệp xong. Hai ngày trước cô Huyền mua vé cho em từ Úc bay qua đây và hẹn em đúng giờ này đến ăn cơm chung để mừng anh và em. Nhưng ngồi trên máy bay em đã nghĩ lại rồi. Chính cô Huyền mới là người xứng đáng với anh, cô Huyền là người đã cứu anh ra khỏi cơn khủng hoảng tâm thần, đưa anh qua Mỹ và tạo điều kiện cho anh ăn học thành tài. Anh nên nhớ, nếu không nhờ cô ấy, chắc gì anh còn sống được đến ngày hôm nay. Hồi sáng em đứng ở đây nhìn anh và cô Huyền bước xuống xe, nhìn trong mắt anh lúc đó, anh hiểu không, em là đàn bà mà, em biết liền, trong đôi mắt anh lúc đó đang tràn trề sự hạnh phúc của một người đang yêu. Cô Huyền mới xứng đáng là người được anh trao cái hạnh phúc đó. Cô ấy đã hy sinh cho anh nhiều rồi. Đừng nên để cô ấy hy sinh thêm nữa, vì hơn ai hết chính em biết cô Huyền cũng đang yêu anh. Và em cũng yêu anh dường nào.

Tôi không hiểu Hạ bỏ đi từ lúc nào. Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá bên cạnh, đầu óc vẫn còn choáng váng những lời nói của Hạ hồi nãy. Thật sự đến lúc này tôi vẫn không biết mình nên nghiêng về bên nào. Trời đất ơi! Tôi không ngờ Huyền là người đã âm thầm đi tìm Hạ thay cho tôi. Tôi đã mang ơn nàng nhiều quá, và không biết bằng cách nào để trả được cái ơn đó, trừ phi. Nhưng chỉ có Hạ là người biết được điều khó xử này của chồng mình. Cô ấy đã có một quyết định cũng giống như cái quyết định cách đây chục năm về trước, khi thả nổi đời xuân xanh của mình để đi nuôi một thằng tù không biết ngày nào mới được tha ra. Đó là người đàn bà suốt đời hy sinh cho hạnh phúc của chồng.

Và, trời ơi, Anh biết không. Đó là định mệnh, lại một định mệnh cay nghiệt. Nó vẫn không buông tha cho tôi. Tôi nhận ra ngay khi vừa bước chân vào nhà. Căn nhà vẫn trống rỗng y chang như lúc tôi bước ra.

Hạ đã lầm!

Tôi cũng lầm!

Làm gì có chuyện Huyền mời Hạ đến để ĂN CHUNG với CÔ ẤY bữa cơm mừng ngày tái ngộ.

Làm gì có chuyện Huyền chạy ra chợ mua thêm ít rau.

TẤT CẢ CHỈ LÀ CÁI CỚ.

Tôi đi ngay vào trong phòng nàng. Và tìm thấy một lá thư trên bàn. Chỉ có vài dòng run rẩy:

Chúc mừng hai người tìm lại được hạnh phúc bên nhau

Đừng bao giờ tìm em nữa

Huyền

Những dòng chữ còn ướt đẫm nước mắt của nàng.

Tôi lịm người đi giữa câu chuyện mà Tiến đang kể, giọng kể của hắn nghe đều đều như lời cầu nguyện, đầy cam phận cho một tên tử tù trên đường ra pháp trường.

Một lúc sau đó tôi mới hỏi hắn, một câu thiệt vô duyên:

Sao ông không đi tìm họ???

Theo anh thì tôi nên tìm ai? Nhưng định mệnh không cho tôi làm việc đó. Hai người đàn bà này, người nào cũng cho rằng tôi đang sống trong hạnh phúc với người kia. Hãy để cho họ tin như vậy đi, đừng bao giờ làm họ thất vọng. Đó cũng là một cách trả ơn những sự hy sinh đó.

Chính vì thế tôi bỏ hết tất cả và đến đây – một mình – trong cái xó này

Salt Lake City-Utah