DUY NGÃ TỰ TÔN (Lê Huy Trứ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image result for trăng khuya

Tứ Tuyệt

Một thi sĩ Nhật nổi tiếng, đến nổi không biết tên gì, được hỏi làm thế nào để làm một bài thơ Đường luật.

Thi sĩ giải thích, “Thơ Tàu thường có 4 hàng.  Hàng đầu là câu đầu tiên, hàng thứ nhì là tiếp tục của câu đầu, hàng thứ ba bỏ chủ đề này và bắt đầu chủ đề mới, và hàng thứ tư liên kết ba hàng đầu với nhau.  Đó là, bốn câu thơ trong một bài tứ tuyệt gồm có Khởi, thừa, chuyển, hợp.”

Ảnh là trăng dưới nước

Lấp lánh trong mặt hồ

Đêm qua trăng rơi muộn

Bóng vỡ vòng sóng đùa…

(Lê Huy Trứ)

Câu đầu tả ảnh trăng dưới nước. Câu thứ nhì theo câu đầu tả bóng trăng phản chiếu sáng tỏ trong hồ nước, yên tĩnh. Câu thứ ba, lạc đề, đổi đề tài, gợi chuyện hôm qua trăng rơi muộn xuống hồ.  Câu cuối là tóm tắc của ba câu trên, trăng rơi làm vỡ bóng gây nên gợn sóng trong hồ nước.  Tất cả quán âm thanh, động tĩnh, thấy ảnh quang sắc, …  từ tâm mơ tưởng.

Dĩ nhiên, hồ khô nước thì phải làm bài thơ khác, bài thơ trăng rụng xuống đầm, chẳng hạn.

Đại khái, ‘tứ tuyệt ngộ nghĩnh đường luật,’ hàng đầu, đa số là thất ngôn, tả đường phèn. Hàng thứ hai theo hàng đầu tả đường cát ngọt. Hàng thứ ba, đổi chủ đề, tả con đường cái quan.  Hàng thứ tư, túm cả ba đường của ba câu trên rồi không biết đường nào mà mò.  Ngộ thiệt! Lạ thiệt! Thơ Đường thiệt tuyệt cú mèo!

Với cái lối suy nghĩ của hậu sinh hiện tại thì tứ tuyệt nên như thế này mới tận tuyệt:

Văng vẳng đâu tiếng mõ

Thanh trầm chuông chùa ngân

Thoáng bài kinh Bát nhã

Tất cả chỉ là Không

(Lê Huy Trứ)

Mõ đi với chuông, chuông mõ đi đôi cùng kinh kệ.  Tất cả, kinh chuông mõ, ngay cả những người tạo ra những âm thanh đó cũng chỉ là Không đối với bật thanh tịnh tâm.  Vậy chùa quán âm có thấy không?  Kiến không!

Nói có hư trần có,

Nói không vũ trụ không.

Có không trăng trong nước,

Trước nước có trăng không?

(Lê Huy Trứ)

 Kệ thiền

Các bài kệ của Thiền Tông đều vốn “không chủ đề” không phải là điều thiếu sót ngẫu nhiên.

Kệ là đoản kinh, có thể nhật tụng. Thiền Tông đọc kệ để mong giác ngộ.  Những bài kệ Thiền là phương tiện, nhằm giúp hành giả ngộ đạo bằng con đường trực giác, tâm truyền tâm.   Cho nên, thiền kệ nghe thấy như thơ nhưng không hẳn là thơ văn bác học phổ thông.

Kệ: còn gọi là thi kệ là những bài thơ mang nội dung truyền đạt tư tưởng nhà Phật. Kệ có khi chỉ là những câu rất ngắn như tục ngữ nhưng thông thường là những bài thơ, nhằm truyền bá tư tưởng nhà Phật. Thi kệ gần như là những bài thuyết pháp ngắn mà sâu sắc để dạy đệ tử..” (Mạc Vị Xuân Tàn Hoa Lạc Tận Đình Tiền Tạc Dạ Nhất Chi Mai, chú thích, Nguyễn Cẩm Xuyên)

Chấp ngã

Tôi dám khẳng định, đa số học giả, trí thức, bằng cấp cao dù có cố gắng dịch và giải nghĩa kệ thiền hay bất cứ kinh điển, và pháp luận nào của Phật Giáo mà thiếu căn bản trí tuệ thì cho dù họ có dịch diễn hay cách mấy cũng không cách gì lột trần được cái bản lai diện mục của Phật Pháp được.  Trái lại như tôi thường thấy họ đã “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan.”  Lìa kinh, càng đa tự để phô trương kiến thức của mình, lại càng đồng ma thuyết.  Họ không phải ngu dốt nhưng ngu muội, u mê.  Phật Giáo lịch sự gọi lại vô minh.  Không “thông” minh?

Cho nên, dịch cho đúng ý kệ không phải dễ nếu dịch giả không có trí thức lẫn trí tuệ thiền căn.  Nhất là dịch ra ngoại ngữ vì ngôn ngữ của Tây Phương rất là thực tiễn, logic, khoa học không phải trừu tượng.  Khó thể dịch chữ đối chữ và nhất là  ngôn ngữ, văn chương Tây Phương không có âm bằng bằng trắc trắc như Tàu với Ta trong thơ văn.

Tôi dám khẳng định không ai dám cho mình dịch đúng nhất, hay nhất mà đó là thuộc về phần phê bình, phong thưởng của những độc giả. 

Tuy nhiên, tôi dám quả quyết là tôi dịch với tất cả tâm hồn mà theo tôi nghĩ là nó “đúng nhất, hay nhất,” trung thật nhất của riêng tôi trong lúc “xuất thần” tụng kinh kệ tứ tuyệt online, đánh chuông keyboard, gõ bấm mỏ chuột (mouse) mà tôi lỡ đường nhậm vận rị mọ dịch trong tinh thần vô khủng bố úy.

Trong lúc xuất thần nhậm vận, tôi không là tôi nữa mà là hiệp sĩ mù nghe gió kiếm, nghe luôn cả tiếng vổ tay của độc thủ đại hiệp.

Tại sao tôi lại dám cao ngạo, thượng mạng, tự tin để khẳng định như vậy?

Tại vì,

Đầu đội trời,

Độc nhất Tôi.

Chân đạp đất.

Suy tôn Ngã,

(Lê Huy Trứ)

Vô ngã

 Vũ trụ càng khôn,

Duy ngã độc tâm.

Chân không diệu hữu,

Ngã trụ vô tâm.

(Lê Huy Trứ)

Trong vũ trụ, cái ngã là trung tâm độc nhất nhưng trong cõi chân không đó thì cái ngã đó sở trụ không tâm.  Vô tâm, vô ngã.

Cho nên,

Vũ trụ hư không,

Duy ngã vi tôn.

Vô ngã tự ty,

Tri kiến như thị.

(Lê Huy Trứ)

 Trong vũ trụ hư không của nhân sinh đó.  Chỉ có cái ngã là tối cao bằng chân không. Cái vô ngã tối thấp như hạt lân hư trần, nguyên tử.  Nên thấy như vậy.

Hình như, chỉ có duy ngã độc tôn, đặc ân dành riêng cho nhân sinh với bản tánh nhị nguyên?

Thiên thượng thiên hạ, vi thiên nhân tôn, đoạn sanh tử khổ, tam giới vô thượng…” (Kinh Phổ Diệu)

Khi Thái tử Tất Đạt Đa mới đản sinh, đã biết đi, và biết nói tiếng Tàu thay vì tiếng Ấn, và đã biết duy ngã độc tôn, 唯我獨尊, là cái sự đời vì Ngài không phải là nhân sinh?

LÊ HUY TRỨ