Vào những ngày giáp Tết, các gia đình thường sắm lễ vật để tiến cúng chư vị tôn thần cai quản nghĩa trang hay những khu mộ, khu gò mả, những ngôi mộ quanh nhà… nhằm sửa sang lại mộ phần người đã khuất bởi tục ngữ Việt Nam có câu “cao nấm, ấm mồ” và kính mời ông bà, tổ tiên về đón Tết với con cháu.
Từ lúc sáng sớm, từng tốp người với dao, cuốc, xẻng trên tay, miệng nói, cười rôm rả cùng nhau đi tảo mộ (người miền Bắc gọi là chạp mộ) đầu năm. Ở miền Nam, có gia đình tiến hành tảo mộ từ rất sớm, khoảng mùng mười tháng Chạp, kéo dài đến 25 âm lịch thì kết thúc (những ngôi mộ vô chủ sẽ được người dân địa phương dọn giúp sau đó).
Theo phong tục ở Nam bộ, tại những khu mộ, trước khi tiến hành làm cỏ, sơn phết lại mộ phần, người cao tuổi nhất, có uy tín trong họ sẽ đại diện thắp nhang, đốt đèn, mời rượu, cúng bánh, đốt vàng bạc và khấn vái trước khi động mộ.
Nhiều gia đình cho rằng, dịp tảo mộ cuối năm cũng là dịp để con cháu được giãi bày tâm sự với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy ra trong năm. Cho nên, đây không chỉ là phong tục phổ biến của các gia đình mà còn là một hoạt động mang tính dòng tộc rõ nét. Dòng họ sẽ chọn đúng vào ngày chạp họ sau khi anh em trong họ hàng nội tộc gặp mặt cuối năm tại nhà thờ họ để cúng lễ tổ tiên, dọn dẹp, sơn phết, trang hoàng… Trong những ngày này, những khu mộ trở nên đông đúc và nhộn nhịp.
Khi đi tảo mộ, cha mẹ hay ông bà cũng thường dẫn con cháu theo, trước là để hướng dẫn cho con cháu biết những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho con cháu sự kính trọng tổ tiên qua tục tảo mộ. Theo đó, sau khi dọn mộ xong, những cụ lớn tuổi thường ngồi lại phân tích mối quan hệ họ hàng, tên, tuổi của người nằm dưới mộ để con cháu tường tận về nguồn cội ông bà, tổ tiên. Việc tảo mộ cuối năm có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để ông bà, cha mẹ, con cháu gặp gỡ cũng như để tạ ơn thần linh, thổ địa khu vực có mộ phần. Tương tự như cuối năm con cháu làm lễ tạ thần linh, thổ địa, tiền chủ nơi nhà họ đang sống.
Trong khi những người được phân công đi dọn mộ thì ở nhà có người lo nấu nướng thức ăn (thường là gà, vịt nấu cháo kèm món cơm hoặc có nhà cúng thức ăn chay) để tạ lễ ông bà, tổ tiên (cúng trong nhà) và chiến sĩ (mâm cúng ngoài sân). Sau khi dọn cỏ (đối với mộ đất), lau chùi, sơn phết lại mộ phần, mọi người lại quay về ngôi nhà thờ để vừa dùng cổ, trò chuyện, hỏi han sau một năm không gặp.
Ngày nay, khi điều kiện kinh tế phát triển, những ngôi mộ đất được thay bằng xi măng, quét vôi rồi nâng lên sơn, ván gạch. Nhiều nhà giàu có, khá giả còn xây dựng nhà mồ với quy cách không thua gì nhà ở.
Tảo mộ là một nghi thức để giáo dục cho đời sau về lòng hiếu thảo, tri ân các bậc tiền nhân. Bởi vậy, dù đi đâu, ở đâu, hàng năm, những người con xa xứ cũng nhớ quay về quê xưa, chốn cũ tham gia tảo mộ. Đây cũng là nét đẹp trong văn hóa của người Việt và là niềm tin vào việc để gia tiền phù hộ cho con cháu làm ăn có tài lộc vào năm mới sắp đến.