QUÂN ĐỘI TRUNG CỘNG ỨNG PHÓ THẾ NÀO VỚI MỆNH LỆNH CHUẨN BỊ CHIẾN TRANH TRONG NĂM MỚI CỦA TẬP CẬN BÌNH (Phần 1)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Phi cơ N-H6 của không quân Trung Cộng

Ngày 04/01, Tập Cận Bình ký mệnh lệnh số 1 năm 2021, phát lệnh động viên huấn luyện, yêu cầu “tập trung chuẩn bị cho chiến tranh”, “lấy chiến tranh để huấn luyện, lấy huấn luyện để phục vụ chiến tranh”, “Bảo đảm trực chiến toàn thời gian, ứng chiến tức thì”. Truyền thông của Quân đội Trung Cộng lập tức mở hết công suất, liên tục đăng các bài về huấn luyện thực chiến, cao giọng báo cáo thành tích với Tập Cận Bình, nhưng xem kỹ quá trình huấn luyện thấy thực tế chỉ là ứng phó với Tập Cận Bình mà thôi. 

Hỏa tiễn của Trung Cộng thực chất bắn được bao xa?

Ngày 05/01/2021, Tin tức Quân Giải Phóng – đăng trên trang mạng Quân Đội Trung Cộng, “‘đại đội Thần Uy’ là thanh kiếm sắc của lực lượng không quân chiến lược, hễ tham dự là giành ‘Phi tiêu vàng’”, bài viết nói rằng, “Trong cuộc thi sát hạch ‘Phi tiêu vàng – 2020’ của lực lượng Không quân, đại đội tham gia thi bay đội hình, đã một mạch vượt qua các bài thi, xuất sắc giành ‘Phi tiêu vàng’.”

Đã là “đại đội Thần Uy”, còn là “Phi tiêu vàng”, có lẽ đây là đội quân con Át chủ bài của Không quân Trung Cộng. Bài viết còn miêu tả “Thời gian bay hơn 7 giờ với hành trình bay vượt qua 2 vùng chiến sự”, còn có “bay tuần tra biển, huấn luyện trên biển, cất hạ cánh trên đảo, sau khi máy bay mới được thay đổi trang bị, lần đầu hoàn thành khóa huấn luyện bay làm quen địa hình trên cao nguyên…..thu hẹp vùng chưa bay trên bản đồ hàng không, mục tiêu bảo vệ toàn lãnh thổ không còn xa vời”.

Từ đó có thể phán đoán, có lẽ oanh tạc cơ H-6K hoặc H-6N với hành trình bay xa nhất và cũng là loại mới nhất, được gọi là “Lực lượng không quân chiến lược”.

Bài viết miêu tả, “Các chiến đấu cơ cất cánh từ một số sân bay phía Nam, và tiến hành tập kích bắn đạn thật vào các mục tiêu trên biển”, đồng thời nói rằng “có sự đột phá các ranh giới công kích: đường kính mục tiêu càng ngày càng nhỏ, 12m, 10m,…tầm bắn của hỏa tiễn càng ngày càng xa, 100km, 200km,…”.

Oanh tạc cơ H-6K và H-6N đã được trang bị hỏa tiễn chống hạm loại YJ-12 hoặc là YJ-62, cũng có thể mang theo hỏa tiễn không đối đất DF-100. Trung Cộng cho biết hỏa tiễn YJ-12 có tầm bắn 250 – 400km, hỏa tiễn YJ-62 được biết cũng có tầm bắn hơn 300km, tầm bắn của Hỏa tiễn DF-100 là hơn 1,500km. Nhưng trong huấn luyện bắn đạn thật của Trung Cộng, cự ly công kích của hỏa tiễn mới chỉ vừa mở rộng từ 100km lên 200km. 

Sự chênh lệch lớn đến vậy cho thấy, nếu như Trung Cộng công bố phóng đại tầm bắn, và khi tầm bắn hơi xa một chút, thì không thể bảo đảm độ chính xác, đương nhiên cũng không thể lấy được “Phi tiêu vàng”, cho nên chỉ có thể huấn luyện bắn đạn thật trong phạm vi 100 – 200km. Cũng có thể trong huấn luyện chỉ sử dụng hỏa tiễn thế hệ cũ của 20 – 30 năm trước, tầm bắn lớn nhất cũng chỉ trên dưới 200km. Cự ly 200km đã là trong tầm bắn của hỏa tiễn phòng không, với tốc độ bay chậm của oanh tạc cơ sợ rằng dễ bị bắn hạ, hoặc là nói oanh tạc cơ chưa kịp thả bom thì đã bị bắn hạ rồi, đặc biệt là nếu gặp phải Khu Trục Hạm Aegis của Quân đội Hoa Kỳ thì oanh tạc cơ của Trung Cộng còn chưa bay tới khoảng cách 200km, có lẽ đã bị tiêu diệt rồi.

Xem ra, “Phi tiêu vàng” của “đại đội Thần Uy” có hàm lượng vàng không cao lắm. Oanh tạc cơ B-1B của quân đội Hoa Kỳ, mang Hỏa tiễn không đối hạm hoặc không đối đất tác chiến ngoài khu vực phòng thủ, tầm bắn của nó là 930 – 1,000km, trong khi tầm bắn xa nhất của hỏa tiễn phòng không là 400km, nên oanh tạc cơ B-1B có thể tấn công trong phạm vi an toàn từ cự ly ngoài 500km.

Sự kém cỏi của oanh tạc cơ Trung Cộng không chỉ có vậy, khó có thể biết được nó có khả năng thực chiến hay không. Nhưng bài viết vẫn nói về huấn luyện như sau “hướng về chiến trường, tư duy thực hành nhắm vào cường địch, tác phong huấn luyện như thực sự chuẩn bị ra chiến trường.”

Trình độ chân thực của Chiến đấu cơ

Ngày 06/01/2021, trang Tin tức Quân giải phóng – một trang mạng quân đội Trung Cộng đăng bài “Với các bài tập có tình huống chiến thuật và đối địch phức tạp, một khóa huấn luyện bay cả ngày lẫn đêm đang được gấp rút tiến hành”, đã miêu tả khóa huấn luyện thực chiến của Không quân Trung Cộng.

Bài viết miêu tả rằng, “giữa mùa đông lạnh giá, một số đơn vị không quân đang gấp rút tiến hành một khóa huấn luyện bay cả ngày lẫn đêm. Tiếng chuông báo động đột ngột vang lên trong buồng lái, phi công Triệu Vũ, chỉ huy trưởng Quân Đỏ, thần kinh căng thẳng, đại não hoạt động cực nhanh. Sau khi triển khai không chiến tự do, biên đội chiến đấu cơ Quân Đỏ quyết định tập kích tầng thấp tốc độ cao, không ngờ chưa kịp đến khu vực mục tiêu, đã bị chiến đấu cơ Quân Xanh phục kích”.

Chiến đấu cơ hiện đại đều được trang bị radar rất mạnh, có thể phát hiện phi cơ địch từ ngoài tầm nhìn, thường là cách mấy chục km hoặc trên 100km là đã phát hiện được phi cơ địch, đồng thời sử dụng tên lửa không đối không để tấn công. Huấn luyện bay đêm càng cần dựa vào radar, chiến đấu cơ của Trung Cộng trong huấn luyện có thể phát hiện phi cơ địch từ khoảng cách bao xa?

Bài viết miêu tả, “Bất ngờ đối mặt quân địch, biên đội chiến đấu cơ Quân Đỏ nhanh chóng điều chỉnh đội hình tiến hành phản kích. Hai bên quần thảo trên không, tìm thời cơ để công kích nhau”.

Vừa mới phát hiện phi cơ địch, đã bị cuốn vào cận chiến trên không, điều này cho thấy phi cơ địch vào đến tầm mắt mới phát hiện ra, nếu trong thực chiến thì sớm đã bị bắn rơi rồi. Hoặc do tính năng radar không tốt, hoặc do phi công của Không quân Trung Cộng được huấn luyện quá ít, chưa thích ứng chiến đấu ban đêm. Nhưng dù thế nào thì việc đánh nhau trên không ở cự ly gần như vậy, trong không chiến hiện đại về cơ bản sẽ không xảy ra, huấn luyện chiến thuật của không quân Trung Cộng, dường như đang dừng lại ở thời kỳ Thế chiến thứ 2.

Nhưng bài viết lại miêu tả rất cụ thể, phi cơ “thuận thế chiến cứ vị trí có lợi cho trận thế công kích, khóa chặt chiến đấu cơ Phe Xanh, một phát ‘đánh trúng’ nó”.

Nếu đợi đến cự ly gần mới khóa được phi cơ địch, sợ rằng sớm đã bị khóa trước và bị bắn hạ rồi. Thế nhưng bài viết còn dẫn lời chỉ huy đơn vị này nói rằng, “Để cho sát với thực tế chiến đấu, lần huấn luyện bay này đưa vào các bài tập có tình huống chiến thuật và đối địch phức tạp”.

Tiêm kích hạm của Hàng Không Mẫu Hạm vẫn phải xuất kích từ đất liền

Ngày 13/01/2021, trang mạng Quân đội Trung Cộng đưa tin, “một số đơn vị Không quân Hải quân thuộc Chiến khu Bắc bộ huấn luyện giả định trong tình huống nguy cấp và gặp đối thủ mạnh”.

Bài viết miêu tả, “Nhiệt độ ở Vịnh Bột Hải đột ngột giảm mạnh, trên đường băng sân bay của một số đơn vị Không quân Hải quân Chiến khu Bắc bộ, một số Tiêm kích hạm J-15 ‘Cá mập bay’ ngay ngắn xếp hàng lặng lẽ chờ xuất trận”.

Hàng không mẫu hạm Sơn Đông của Trung Cộng đã di chuyển xuống phía Nam, nhưng Tiêm kích hạm vẫn để lại ở Vịnh Bột Hải, thảo nào trên boong tàu Sơn Đông không thấy mấy chiếc Tiêm kích hạm J-15. Năm 2020, Sách Trắng của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho rằng, Trung Cộng chỉ có 20 chiếc Tiêm kích hạm J-15. Mẫu hạm Sơn Đông chỉ mang theo mấy chiếc mà thôi, chẳng khác nào làm bia (đỡ đạn) sống. Trung Cộng giả bộ điều động Hàng không mẫu hạm xuống Nam Hải mà thực tế chẳng có sức chiến đấu gì, hỏi dựa vào cái gì để thực chiến đây? Tiêm kích hạm không cất cánh trên Hàng không mẫu hạm, mà lại cất cánh từ đất liền, nó khác quá xa so với thực tiễn chiến đấu. 

Bài viết còn miêu tả, “Một số phi cơ địch vượt lên đánh chặn” “Radar đánh chặn! Radar đánh chặn!”, “Chiến đấu cơ Quân Xanh theo chiến thuật đã định tiến hành cơ động nghênh chiến, lợi dụng kẽ hở của đội hình đối phương tìm cơ hội công kích… Phi công Quân Đỏ… Phi cơ mỗi bên hiệp đồng với nhau tìm cơ hội phản kích… khi chiếc chủ công của Quân Xanh cắt được đuôi sau lưng anh ta trước….liền khéo léo nắm bắt thời cơ trở lại trận đánh, đánh chặn, khóa mục tiêu, khai hỏa…..hỏa tiễn lao tới chiến đấu cơ Quân Xanh, phi công Quân Xanh phản ứng kịp thời, tránh được đòn tấn công trong gang tấc. Từ cự ly tầm trung đến cự ly gần, từ tầng cao đến tầng thấp, hai bên bay qua bay lại mấy vòng lên xuống quần thảo nhau”.

Bài viết một lần nữa miêu tả trận không chiến một cách sống động, nhưng đã lộ ra không ít bí mật. Hỏa tiễn không đối không của Trung Cộng sử dụng trong cận chiến không biết có bắn nhầm vào quân ta hay không, thực tế cuối cùng là không ai bắn trúng ai. Hỏa tiễn bắn ở cự ly gần nhưng vẫn bị quân địch giả định dễ dàng tránh được, xem ra tính năng hỏa tiễn không đối không của Trung Cộng sợ rằng khó có năng lực thực sự trong thực chiến. 

Tiêm kích hạm của Trung Cộng vẫn đang diễn tập đánh cận chiến, nếu thực sự có cận chiến trên không như vậy thì nó sẽ xảy ra gần Hàng không mẫu hạm, chẳng phải sẽ quá nguy hiểm hay sao. Lực lượng không quân và Không quân Hải quân của Trung Cộng dường như không hiểu không chiến ngoài tầm nhìn là thế nào. Rất có thể radar mặt đất và radar trên phi cơ của Trung Cộng có tính năng rất kém, không thể phát hiện vật thể từ cự ly xa, cũng không thể dẫn đường cho hỏa tiễn tầm trung. Cũng có thể do phi công không được huấn luyện đầy đủ, không thể làm chủ được khí tài. Nhưng Vương Lượng, vị chỉ huy lực lượng này nói, “Lệnh động viên năm nay yêu cầu huấn luyện bộ đội tuân theo tôn chỉ lấy chiến tranh để huấn luyện, lấy huấn luyện để phục vụ chiến tranh, trong huấn luyện chúng tôi xây dựng bối cảnh sát với thực chiến, tình huống nguy cấp, đối phương mạnh hơn, thông qua phương thức đối kháng phát huy tiềm lực tác chiến lớn nhất”.

Bước vào năm 2021, Tập Cận Bình hạ lệnh huấn luyện thực chiến, nhưng Quân đội Trung Cộng vẫn như vậy, vẫn làm theo cách dối trên lừa dưới qua loa lấy lệ như vậy, hỏi quân đội thực sự có thể chiến đấu được không?

(Còn tiếp)

Gao Yi
Tâm An biên dịch