VĨNH BIỆT LỆ THU (Song Thao)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tôi biết Lệ Thu từ hồi chưa có cái tên Lệ Thu. Khi đó Oanh mới 15
tuổi, tươi mát, xinh xắn, là hàng xóm của anh bạn tôi. Anh Trần Cao S.
Hồi đó chúng tôi đang học lớp Đệ Nhị ban Văn Chương trường Chu Văn An.
Khoảng thời gian đó, năm 1956, thi Tú Tài Một, ban C, như một cuộc
vượt vũ môn. Số người đậu chỉ khoảng 10%. Chục người thi chỉ có một
người đậu. Đi nghe đọc kết quả thi như đi nhận bản án. Số báo danh
được xướng lên cách từng quãng lớn. Có khi cả phòng thi không có một
người đậu. Vậy nên học thi tới xanh lét người.
Nhà S. hồi đó ở đường Hòa Hưng, có phòng rộng rãi, chúng tôi tụ nhau
lại học thi. Học chung như vậy có cái lợi là người nọ chỉ cho người
kia nếu chưa thấu hiểu bài. Nhà Oanh ở ngay sát vách nhà S. Oanh chơi
với cô em gái S. nên chạy qua chạy lại hoài. Ngày đó, Oanh xinh xắn,
ríu rít như một con họa mi, thường rót nước, cắt trái cây cho chúng
tôi giải lao. Khi Oanh thành Lệ Thu, hát ở vũ trường, S. tới nghe
hoài, còn tôi hồi đó không có cái thú la cà những nơi đó. Lệ Thu có
nhắn S. rủ tôi tới nhưng chẳng biết sao, tôi chẳng một lần thấy Lệ Thu
trên bục trình diễn.
Năm 2004, tôi gặp lại Lệ Thu khi cô tới hát tại Toronto. Dĩ nhiên sau
từng đó năm xa cách Lệ Thu không nhận ra tôi khi tôi hỏi : “Oanh khỏe
không?”. Thấy tôi hỏi bằng tên thật, cô nàng nhíu mắt, chồm tới hỏi
gấp: “Anh là ai vậy?”. Tôi ỡm ờ hỏi lại: “Oanh còn nhớ ngày ở Hòa Hưng
không?”. Lệ Thu cuống quýt cùng tôi nhắc về những ngày đó. Cô luôn
giục tôi: “Anh nói nữa đi!”. Hình như gặp lại cố nhân của những ngày
hoa mộng đó làm cô nhỏ Oanh sống trở lại thời kỳ chanh cốm của mình.
Chúng tôi nhắc nhau ôn lại những kỷ niệm của thời xa xưa đó. Chính Lệ
Thu cho tôi biết anh bạn tôi, anh Trần Cao S. đã mất. Từ ngày đó tới
nay, tôi không có dịp gặp lại Lệ Thu nữa.
Giao tình của tôi với Quỳnh Giao lại là một chuyện khác. Quỳnh Giao
kết duyên với anh bạn tôi, anh DNH, bạn học tại Chu văn An và Đại học
Văn Khoa Sài Gòn. Thời gian ở Sài Gòn sau khi rời Văn Khoa, tôi chỉ
thỉnh thoảng gặp H., chưa bao giờ gặp Quỳnh Giao. Những ngày chộn rộn
đó, đã hết thời kỳ sinh viên bên nhau, mỗi người chúng tôi đều có công
việc riêng nên chúng tôi hầu như mất liên lạc với nhau. Phần lớn đã
nhập ngũ. H. cũng nhập ngũ nhưng làm ngay tại Đài Phát Thanh Quân Đội
nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần cầu Thị Nghè. Nhà tôi ở Thị
Nghè, ngày ngày đi làm phải ngang qua đài, vậy mà chẳng bao giờ gặp
nhau. Kể cũng lạ. Nhưng sau 1975 lại khác. Tôi gặp lại nhiều bạn bè cũ
trong các trại được gọi là “học tập cải tạo”. H. nhanh chân chuồn đi
được ngay năm 1975 nên tôi không gặp lại vợ chồng anh. Qua Mỹ, H. may
mắn vào làm biên tập viên của đài VOA. Chục năm sau, tôi mới được bảo
lãnh qua Montreal. Không biết sao anh biết tin để liên lạc lại ngay
với tôi. Một năm sau, năm 1986, khi đài VOA tuyển người, anh bạn gửi
đơn qua cho tôi và hối thúc tôi thi “để tụi mình lại ngày ngày gặp
nhau như ở Văn Khoa ngày cũ”. Tôi điền đơn dự thi và được sắp xếp tới
thi tại tòa Lãnh Sự Mỹ nằm trong cao ốc Complexe Desjardin ở downtown
Montreal. Ngày thi, leo lên xe buýt, tay cắp mấy cuốn tự điển, lên
đường, lòng riêng chán ngán. Nể bạn, muốn thử thời vận chứ chẳng hy
vọng chi khi biết có tới 160 người thi trên khắp thế giới, chỉ chọn có
ba người. Chữ nghĩa sau chục năm bỏ xó đã gỉ sét, hy vọng chi. Mỗi
người thi riêng rẽ tại các tòa Đại Sứ và Lãnh Sự nơi cư ngụ. Bài thi
và băng thu giọng đọc được gửi về đài tại Hoa Thịnh Đốn chấm chung.
Vậy mà tên tôi có trong số ba người trúng tuyển. H. rất mừng trước
viễn ảnh chúng tôi lại gặp nhau hàng ngày. Nhưng số tôi vất vả, đài bị
cắt giờ phát thanh, tôi phải chờ khi có chỗ trống mới có thể qua làm
việc. Ba năm sau, không được kêu, họ bắt thi lại, tôi bỏ cuộc. Vậy là
lỡ dịp qua làm hàng xóm với vợ chồng Quỳnh Giao. Trong thời gian ở thủ
đô nước Mỹ, Quỳnh Giao không có cơ hội thi thố tài năng. Chỉ ra được
ba cuốn băng “Hát Cho Kỷ Niệm”. Mỗi lần có băng, hai vợ chồng đều gửi
qua cho tôi. Tới nay tôi còn giữ được những…kỷ niệm này. Rồi Quỳnh
Giao bỏ đi Cali, ra được một số CD có giá trị, tôi cũng còn giữ được
tất cả. Trong một lần qua Cali, tôi gặp lại Quỳnh Giao tại nhà của anh
chị Nguyễn Mộng Giác. Quỳnh Giao kéo tôi ra nói chuyện riêng. Nàng tâm
sự rất nhiều, nhất là lý do nàng bỏ về Cali.
Trong truyện ngắn “Lẽ Ra”, viết vào năm 2003, tôi mượn hình ảnh của Lệ
Thu và Quỳnh Giao, hư cấu trong nhân vật Mai. Đây có lẽ là nhân vật
tôi đắc ý nhất trong các truyện ngắn của tôi.
Nay, cả hai đã người trước kẻ sau bước qua thế giới khác, họ bỏ lại
trần gian những huy hoàng của cuộc đời nghệ sĩ mà hầu như mọi người
chúng ta, cả trong lẫn ngoài nước, đều ngưỡng mộ. Hai cuộc xí xóa khá
vội vã đã khiến tôi ngơ ngẩn. Chỉ còn lại chút an ủi. Tôi đã kịp giữ
họ lại trong nhân vật Mai. Mai sẽ chẳng bao giờ bỏ đi! Mai sẽ mãi mãi
ở lại trong truyện ngắn “Lẽ Ra” dưới đây

LẼ RA
*SONG THAO
“ Lẽ ra em không nên lấy Đắc.”
Tôi ngước nhìn Mai, vẫn cặp mắt mọng nước mỗi lần có chuyện buồn. Ngày
xưa tôi đã tốn biết bao nhiêu ô mai mơ vì những giọt nước mắt ẩn giấu
này. Chuyện trường, chuyện ngoài đường, chuyện bạn bè, biết bao nhiêu
chuyện đã làm buồn cô bé lúc nào cũng như một cơn mưa thu này. Có lẽ,
ngày đó, chỉ có tôi chịu hiểu và chịu chiều Mai. Soạn thì như một lò
lửa, người lúc nào cũng bắng hắng những lo toan, giờ đâu mà nghe cô em
gái nhỏ nhít nói những chuyện anh cho là vớ vẩn. Tại mày khó chịu quá
chứ sao! Đó là một lời nhận xét và cũng là câu chấm hết cho những
chuyện mà anh cho là đầu cua tai nheo của cô em gái. Bước chân vùng
vằng cùng khuôn mặt tiu nghỉu của Mai thì có nặng thêm được kí nào
trước đôi mắt của Soạn đâu. Mẹ Mai thì chôn mình trong những bận bịu
của một bà mẹ chưa già, lại vẫn cứ tưởng là vẫn còn rất trẻ, tâm trí
nằm nơi những hột xoàn, những quân bài, những kiểu cọ áo quần. Mai
chưa nói hết chuyện thì đã bị mẹ gạt đi như phủi những hạt bụi dính
trên chiếc áo mới rất ưng ý. Chuyện con nít vớ vẩn mà cũng làm mất
thời giờ của người ta!
Tôi dịu giọng thương cảm.
“ Thôi, chuyện qua rồi, em chẳng nên giữ mãi trong lòng làm chi nữa.”
Mắt Mai đờ đẫn.
“ Nhưng em sợ Đắc không hiểu cho em. Dù sao, em cũng đã chủ động trong
chuyện này.”
Tôi thực sự không muốn dây dưa mãi với nỗi phiền muộn này.
“ Anh tin nó sẽ phải hiểu. Chuyện quá khứ chắc nó đã đào mộ vùi lấp đi rồi.”
“ Em nghĩ rằng Đắc sẽ chẳng bao giờ chôn vùi được chuyện này đâu. Em
biết Đắc mà! Dù sao chúng em cũng đã có hơn hai chục năm chồng vợ. Vả
lại, em sợ anh.”
Tôi thực sự không muốn khuấy động nỗi buồn của Mai nhưng thấy cần phải
phá vỡ đi cái bóng u ẩn đang nặng nề trên cuộc gặp gỡ lại của tôi và
cô em hàng xóm đã nhiều năm xa cách.
“ Trông anh dữ lắm sao?”
Mai cúi mặt.
“ Anh không dữ. Nhưng vì anh không một lời trách cứ em nên em sợ.”
Tôi châm chọc Mai cho nhẹ bớt nét muộn sầu trên khuôn mặt tôi vẫn thương.
“ Vậy thì bây giờ anh trách cho em hết sợ nghe.”
Mai cố nhếch miệng.
“ Anh trách bây giờ thì em cũng chẳng hết sợ.”
“ Sao vậy? Anh không trách em sợ, anh trách em cũng chẳng hết sợ.”
“ Tại vì, tự trong lòng anh, anh không trách em.”
Thật ra, khi nghe tin Mai đành đoạn bỏ Đắc ra đi, tôi ngơ ngẩn như
người bị ma ám. Tôi thương cho cả hai người. Lúc đó, tôi còn ở Việt
Nam, cuộc sống ngắc ngoải trong cơm áo, nghe được tin như vậy, tôi
cũng chỉ biết buồn. Cuộc tình không do tôi vun xới nhưng tôi như có
trách nhiệm. Chính tôi đã dẫn Đắc đến nhà Mai. Hồi đó chúng tôi đang
học thi Tú Tài Bán Phần, một cuộc thi khá cam go mà mười người thi may
ra được một hai người có tên trên bảng kết quả. Ông anh tôi trước đó
đã hốc hác học đêm học ngày mà tới ngày nghe đọc kết quả cũng không
dám đi nghe, phải nhờ tôi đi nghe giùm. Tôi chưa thi nhưng nghe những
con số báo danh nhẩy cách từng quãng dài, tim cũng hốt hoảng nhẩy
trong lồng ngực. Chung quanh tôi, những khuôn mặt xám ngoét hoảng loạn
không còn hồn phách treo tim theo những vần tên hụt hẫng phát ra từ
chiếc máy phóng thanh rè rè đầy quyền thế. Cái trò đau tim đó, cộng
thêm với sự thúc hối của cửa quân trường rộng mở nếu hụt tên trên bảng
vàng, làm chúng tôi vật vờ trên đường đi tìm tương lai. Chúng tôi co
lại học thi chung với nhau cho vơi nỗi sợ. Nhà Soạn tương đối rộng
rãi, có phòng riêng, nên ngày đêm tôi và Đắc tới dùi mài kinh sử. Nhà
tôi ở trong đường hẻm sát ngay căn nhà ngoài mặt đường của gia đình
Soạn, nên tôi và Soạn thân nhau. Cả gia đình Soạn coi tôi như người
trong nhà. Chỉ có Đắc ở xa tới nên được làm khách. Mai đang học Đệ
Ngũ, tươi như một cành lan trong sương sớm, là đầu sai của các ông
anh. Thực ra, trong thời gian ngậm ngải tìm trầm, chúng tôi chẳng có
nhiều nhu cầu. Bụng dạ nào mà ăn ăn uống uống. Nhưng Mai lại cứ ngoan
ngoãn lúc thì đĩa cam, lúc thì bình nước, lúc thì chén chè, lúc thì
miếng ổi miếng cóc mang vào cho các ông Tú chờ. Mai lúc nào cũng tươi
tắn chăm lo cho chúng tôi.
“ Mời mấy anh dùng, sau này có làm ông lớn thì đừng có quên Mai.”
Tôi giỡn lại với Mai.
“ Em trông hình hài các anh thì biết, anh nào anh nấy như ve sầu mùa
đông thế này, biết bao giờ lớn được!”
Mai cười theo.
“ Ve sầu mùa đông thì rồi đời rồi, còn đâu mà xác xơ. Anh phải nói là
ve sầu ham hố, muốn bán thịt mình để mua tấm bằng. Mai thấy các anh
học mà muốn bỏ học. Mai ấy à? Đậu hay rớt, kệ! Chứ không có cái kiểu
học tàn phai nhan sắc như các anh đâu!”
Mai bưng miệng. Những ngón tay thon nhỏ, trắng ngần, e ấp dưới mái tóc
dài bóng mượt đổ xuống. Mai có những ngón tay tài hoa, những ngón tay
có lần tôi buột miệng xưng tụng là những ngón tay bắt được của trời
làm Mai mắc cở.
“ Dễ sợ! Trời to cao như thế thì tay phải là tay hộ pháp. Có bắt được
thì Mai cũng phải mang trả lại cho trời. Xấu xí chết đi ấy!”
Tôi biết Mai châm chọc tôi, nhưng thấy cái vẻ dễ thương của Mai, tôi
cố níu chiếc lưỡi thích cãi cọ của mình.
“ Ừ, tay trời làm sao sánh được với tay Mai. Trông thấy tay Mai là anh muốn vẽ.”
Mai vốn biết tài vẽ của tôi, chắp hai tay trước ngực van vỉ.
“ Thôi, cho Mai xin đi anh. Anh mà vẽ thì tay Mai lại thành tay trời
mất. Tội Mai một chút cho Mai chóng lớn!”
Mai hồi đó đang thành người lớn. Mắt đã liếc gương, miệng đã tươi tắn,
ngực đã chanh cốm, cử chỉ đã điệu đàng, nụ cười đã e dè giữ ý. Nhưng
lớn trước tuổi là đôi bàn tay Mai. Những ngón tay Mai vờn trên phím
dương cầm như những bước chân chim nhởn nhơ nhẩy nhót. Chúng tôi đã
say mê mỗi khi Mai đàn cho nghe khi nghỉ xả hơi. Mai búng ra những âm
thanh rộn rã, thanh thoát và tươi mát. Tươi mát như Mai trước phím
đàn. Mai đàn như chơi đùa. Tiếng đàn của Mai nhí nhảnh, nghịch ngợm.
Như chính Mai mười lăm.
Tôi mê tiếng đàn của Mai. Đắc còn mê hơn nữa. Mỗi lần nghe Mai đàn,
đôi mắt Đắc ngây dại dưới tròng mắt kính cận khá dầy.
Nhà hàng mờ mờ tối với những ngọn đèn vàng vọt yếu đuối tỏa một thứ
ánh sáng khiêm nhượng từ trên trần sẫm một mầu ảm đạm. Trông mập mờ
giống một phòng trà ở Saigon thời trước hơn là một nhà hàng ăn. Ngọn
nến leo lét giữa bàn chập chờn trên khuôn mặt Mai lúc sáng lúc tối.
Mai có đẫy đà hơn xưa, khuôn mặt đậm nét phấn son cũng tròn trịa hơn.
“ Em tới ăn ở đây thường không?”
“ Thỉnh thoảng. Anh thấy sao?”
Tôi quay người nhìn quanh.
“ Khéo lắm! Họ biết dùng bóng tối để cho thực khách trong mỗi bàn có
cảm tưởng gần gũi nhau hơn. Ngọn nến giữa bàn như chút ánh sáng thân
mật vun vòng người quanh bàn vào với nhau.”
Mai cầm tay tôi nói nhỏ.
“ Anh vẫn nghệ sĩ như xưa.”
Tôi xoay bàn tay lại nắm những ngón tay của Mai.
“ Đâu có nghệ sĩ bằng những ngón tay này. Anh có đọc báo. Họ vẫn nhắc tới em.”
Mai để yên tay trong tay tôi.
“ Đó là lẽ sống của em bây giờ. Vì nó mà đời em khổ. Nhưng em chấp
nhận bởi vì chính em muốn như vậy.”
Mắt tôi không chớp trước mặt Mai. Mai nhìn lại, bướng bỉnh.
“ Em lớn lên nhiều!”
Mai cười.
“ Chắc anh tránh không muốn nói em già!”
“ Không, anh không muốn nói tới cái lớn sinh học. Mỗi năm mỗi thêm
tuổi, chẳng ai trốn tránh được chuyện đó. Anh muốn nói tới tinh thần.
Sau bao nhiêu năm mới gặp lại em, anh không ngờ em lại già dặn đến như
vậy. Trong đầu anh, trong từng ấy năm xa cách, hình ảnh em trong anh
vẫn luôn luôn là hình ảnh cô bé Mai của anh những ngày tháng cũ.”
Mai vân vê chiếc khăn ăn đỏ sậm.
“ Thôi anh, anh đừng làm em khóc.”
Tôi cầm dao cầm nĩa lật úp con cá đang ăn dở trên chiếc đĩa hình bầu
dục giữa bàn.
“ Cho anh xin lỗi. Đưa cho anh chiếc chén của em. Hai anh em mình phải
xử cho xong chú cá thơm phức này. Ngày xưa em thích ăn cá lắm mà!”
Mai đưa chiếc chén mỏng tanh cho tôi.
“ Anh cho em xin. Anh nhớ dai nhỉ? Anh Đắc cũng thích ăn cá lắm.”
“ Thế à? Nó thích thật hay nó muốn chiều em vậy?”
“ Chắc anh ấy thích thật. Anh ấy gặm tới tận xương.”
Tôi bật cười.
“ Anh nói có sai đâu. Nó chiều em nên gặm xương để dành cho em phần
thịt. Cái thằng lù đù như nó lấy được em thì chiều chuộng vợ phải
biết!”
‘ Bộ anh thì hơn gì? Em nghe đồn là anh cũng biết điều với chị lắm, phải không?”
“ Em đừng nghe lời đồn của thiên hạ. Nhưng thằng Đắc, anh biết nó quá
mà! Có nhắm mắt anh cũng biết nó…phụng dưỡng em như thế nào!”
Mai nhai xong miếng cá, hớp một chút vang trắng, nghiêng đầu ngó vào mặt tôi.
“Anh thiệt!”
Đám cưới của Mai với Đắc, tôi không về tham dự được. Lúc đó tôi đang
lặn lội trong rừng sâu, làm tiền quân cho một chiến dịch lớn. Guồng
máy đang quay nhanh một cách ác liệt, con chốt là tôi tài cán gì để có
thể rút chân rút cẳng ra khơi khơi về Saigon ăn cưới. Buổi tối, mắc
chiếc võng dưới tàng cây, poncho úp kín người, tôi nằm trằn trọc nhớ
về Saigon. Saigon có Mai, có Đắc đang lao xao bước vào vòng vợ chồng.
Đã lâu tôi không gặp cả Đắc lẫn Mai nên không biết chuyện tình của hai
người ra sao. Thiệp cưới đến với tôi khá bất ngờ. Tôi thẫn thờ chẳng
buồn ăn trưa hôm đó. Mấy tên sĩ quan bạn cùng mâm tưởng tôi thất tình.
Thực ra, tôi quá thắc mắc về cuộc hôn phối này. Đắc lúc nào cũng cẩn
tắc, kỹ càng, tính trước cả cây số trước khi làm một chuyện gì, dù lớn
hay nhỏ. Mai thì phóng khoáng, văn nghệ, đam mê, chuyện gì cũng làm
xong rồi mà vẫn chưa tính. Vậy mà hai đứa lại ráp vào nhau. Bây giờ
lại còn buộc chặt vào nhau nữa. Tôi mải băn khoăn về cái thiệp cưới
không chờ đợi này đến lúng túng trong công việc. Hoàn khá tinh ý. Hắn
bắn liền. Thất tình hay sao vậy, cha nội?/ Cỡ tao mà thất tình à?/ Cỡ
nào mà chẳng thất tình được. Thuyền lớn thì có sóng lớn, cha nội ơi.
Mà thiệp cưới của ai vậy?/ Của em thằng bạn cũ./ Cha nói cô dâu hay
chú rể vậy?/ Cô dâu!/ Vậy thì đúng boong rồi, chối gì nữa cha. Cái thứ
đó là đau nhức hết biết!/ Nhức cái mẹ gì. Chú rể là thằng bạn thân của
tao. Cả hai đứa tao coi như người nhà./ Nhà cửa gì, cha nội! Cái mửng
đó lại còn nhức bạo hơn nữa!/ Mày biết cái đếch gì! Chỉ nói tầm bậy!/
Tầm bậy mà vậy vậy đúng boong. Này cha nội, chuyện đã dĩ lỡ rồi thì
tha cho chúng nó. Còn cha nội, quẳng gánh buồn đi mà…hành quân! Láng
cháng buồn với sầu, ngơ ngác giữa trận tiền, dễ ăn đạn lắm đấy. Có
thân thì lo. Dục cha nó mấy cái vụ hậu phương đó đi!
Nhớ lại chuyện cũ của tên quan ba bạn, bộ binh mà mồm miệng như pháo
binh, tôi cười vu vơ. Mai nhìn dò hỏi.
“ Anh cười gì vậy?”
“ Nhớ lại câu nói của tên bạn lính cũ khi anh nhận được thiệp cưới của em.”
“ Anh ấy nói sao?”
Tôi cố gạt đi.
“ Nó nói tầm xàm ấy mà. Nó tưởng anh thất tình. Hồi đó tên nào nhận
được thiệp cưới cũng được phong làm anh hùng thất tình. Đời lính, nay
đây mai đó, sống nay chết mai, mấy ai dám đèo bòng. Các em gái hậu
phương rủ nhau sang ngang hết. Thiệp cưới như một bức thư từ giã. Một
lời từ giã hồng!”
“ Anh buồn lắm hay sao mà anh ấy biết?”
“ Buồn chi! Em vui mà sao anh buồn được?”
Mai thở dài. Nàng đưa tay ngoắc anh hầu bàn. Hai ngón tay trỏ chụm lại
vẽ ra một tờ giấy tưởng tượng.
“Để anh trả cho.”
“ Em mời anh mà. Anh chê em không có tiền sao?”
“ Ai dám chê! Em đang gõ ra tiền mà.”
“ Anh thiệt! Không sợ em giận à? Em đàn vì nghệ thuật, vì đam mê. Tiền
chỉ là chuyện phụ.”
“ Cho anh xin lỗi!”
Mai lườm tôi.
“ Lại còn bầy đặt xin lỗi!”
Chớm thu, những tàng cây trong công viên đang trở vàng. Lác đác trên
những thảm cỏ bên đường, những cánh lá nằm như những con bướm vàng
phơi mình ngủ yên. Mai khẽ hát một khúc nhạc thu, tay nhịp nhịp trên
vòng lái. Tôi thả đầu óc ngơi nghỉ. Như đã đến bến bờ.
“ Anh còn nhớ những cánh lá me vàng đuổi nhau trên đường Nguyễn Du không?”
“ Sao mà quên được!”
“ Anh nhớ bữa anh chở em tới trường Quốc Gia Âm Nhạc không?”
“ Em bắt anh chở em đi học nhạc hoài, có nhớ bữa nào vào bữa nào đâu.”
Mai liếc sang phía tôi, lắc đầu.
“ Chán anh quá! Cái bữa gió đuổi lá me chạy lao xao trên đường một mầu
vàng rực đó.”
Tôi nhỏm người, hứng thú.
“ Bữa anh bắt em đi bộ ấy hả?”
“ Ai mà bắt được em! Bữa đó em cũng thích đi bộ đấy chứ!”
“ Nhưng mà anh nghĩ ra chuyện xuống xe dắt bộ đạp lá me mà đi.”
Mai vênh mặt.
“ Tại vì anh lái xe thì anh nghĩ ra trước chứ em ngồi sau, hai chân
cũng đã muốn đạp lá vàng lắm rồi!”
“ Đẹp thiệt!”
Mai mơ màng.
“ Lúc đó đi bên anh, em thấy anh lãng mạn quá!”
“ Anh thấy em cũng vậy!”
Mai thở dài.
“ Lúc đó em ước mong là đường cứ dài ra mãi chẳng bao giờ hết!”
Mũi xe vòng gắt sang phía trái. Mai uốn người theo. Tôi giữ chặt chiếc
tay cầm trước mặt. Bánh xe thắng gấp trước khung cửa nhà để xe.
“ Tới nhà rồi. Chút xíu nữa thì mải nói chuyện đi quá.”
Tôi nhìn Mai gật gù đầu.
“ Ngoài tài đàn, nay anh lại biết thêm em có tài dừng xe khẩn cấp. Lần
sau cẩn thận nghe cô bé!”
“ Anh cứ mắng em đi. Để em cứ ngỡ là mình vẫn còn nhỏ.”
Phòng khách nhà Mai lãng đãng những mầu vàng và xanh dịu mắt. Chiếc
đàn dương cầm đen bề thế chiếm hẳn một góc phòng sừng sững thu hút đôi
mắt tôi vừa bước vào phòng. Bên góc đối diện, tủ rượu chen lấn những
chai nhiều hình dáng và mầu sắc. Mai đứng giữa phòng, tay chỉ vào cây
đàn và tủ rượu.
“ Đời em đấy. Đàn và rượu.”
Tôi ngồi xuống chiếc nệm ghế xanh.
“ Đàn thì anh biết. Rượu thì anh hơi ngạc nhiên.”
Trên chiếc nệm ghế vàng, Mai cười.
“ Chắc anh tưởng em là bợm nhậu?”
“ Gần như vậy!”
“ Rõ ghét cái anh này! Em đâu có hư như vậy. Em thích ngắm rượu hơn uống.”
“ Mà uống cũng thích gần như ngắm!”
“ Đâu có! Cũng uống nhưng uống sơ sơ. Uống như một cách chọc quê sữa!”
Mai vụt đứng dậy, chạy ra nhấc cổ một chai, móc hai chiếc ly bằng
những kẽ tay trái, đặt xuống bàn trước mặt tôi. Nhìn bộ mặt ngơ ngác
của tôi, Mai cười.
“ Anh làm gì mà trông như đang sống ở trên rừng vậy? Em giỡn đấy!
Nhưng cũng thực đấy! Mấy chục năm sống với Đắc, ngày nào anh ấy cũng
bắt em uống sữa. Uống đến phát ngán, phát điên lên. Vậy mà em vẫn cố
chịu đựng. Lúc đó, trong thâm tâm, em nghĩ là uống rượu chắc thích
lắm. Mà thích thật anh ạ, thỉnh thoảng, đi ăn tiệc, ăn cưới, em nhấp
ké với Đắc mà thấy lợm mùi sữa. Em biết Đắc thương em. Dưới mắt Đắc,
em lúc nào cũng là cô bé Mai ngày xưa. Anh ấy không cho em lớn. Em
chịu đựng được là vì em thật tình thương Đắc.”
Hai chiếc ly lăn tăn sủi bọt khi Mai nghiêng chai đổ rượu.
“ Mừng cho cuộc gặp gỡ lại của anh em mình!”
Hai thành ly cụng nhau. Rượu tê đầu lưỡi. Vẫn Mai cảm động.
“ Mừng anh vẫn như xưa!”
Tôi lặng đi.
“ Mừng em cũng vẫn như xưa!”
Mai đặt ly xuống bàn, buồn bã.
“ Không còn như xưa đâu, anh ạ. Khi bỏ Đắc ra đi, em đã bỏ lại sau
lưng chiếc lồng kính đã ấp ủ em. Ấm cúng nhưng chật chội quá!”
“ Lúc đó em không còn thương Đắc nữa à?”
Mai lắc đầu.
“ Vẫn còn chứ anh. Em thương Đắc nhưng tội cho anh ấy nhiều hơn. Đắc
tưởng em như một con búp bê, yên ổn nép trong tình yêu của anh ấy.
Nhưng em có cái đam mê riêng của em, em thèm sống lại với đám đông,
thèm tiếng vỗ tay tán thưởng, thèm những ngưỡng mộ trong dáng đứng
đồng loạt của khán giả khi em dứt tiếng đàn. Nỗi đam mê lớn dần lên,
tuổi đời cũng cao dần lên, rồi tới lúc em hốt hoảng thấy như đã quá
trễ tràng để trở lại với sân khấu. Em bay ra khỏi lồng mà lòng còn để
lại những vương vấn. Cho tới bây giờ em vẫn thương Đắc, vẫn tội nghiệp
anh ấy, vẫn tiếc là anh ấy không hiểu em, không hiểu được tâm hồn em.”
Mai bưng ly rượu tới chiếc đàn, ngồi xuống chiếc ghế đen bóng. Cánh áo
trắng thon thả bờ lưng. Ly rượu đứng trên thành đàn. Bông hồng vàng lẻ
loi trong chiếc bình mầu xanh vươn lên như cổ thiên nga. Những nốt
nhạc dập dìu vang lên.
“ Em đàn cho anh.”
Âm thanh của bản Fur Élise lả tả rơi. Ngày xưa, mỗi lần nghe Mai đàn,
tôi chỉ thích bài này. Tôi vốn có đôi tai điếc với nhạc cổ điển của
Mai. Mai đã đi xa biết bao nhiêu đoạn đường với những năm tháng miệt
mài trên phím đàn, tôi vẫn cứ kéo Mai về với nét nhạc đơn sơ, dễ dãi
nhưng rộn ràng nhịp tim tôi. Bao nhiêu năm tìm về, Mai không hỏi tôi
mà tay đã nhấn những nốt nhạc xưa. Nhạc bảng lảng trong tôi. Một thời
sinh viên. Một thời lính tráng. Một thời tù ngục. Một thời vượt sóng.
Một thời tị nạn. Nhưng trùm lấp trong tôi vẫn là một thời ngọc ngà có
Mai lí lắc, có tôi lạng chạng, có Soạn rối rắm, có Đắc mông muội. Hai
bàn tay Mai vươn ra đập rộn ràng những nốt nhạc cuối. Nhạc vần vũ
trong tôi, mềm tim, lắng hồn.
Mai quay lại.
“ Anh thấy sao? Tiếng đàn của em.”
“ Chững chạc hơn, điêu luyện hơn, dĩ nhiên. Em làm anh chết trong nhạc
nhưng vẫn ấm ức như thiếu một chút gì.”
“ Em hiểu anh!”
Mai đứng dậy, khỏa lấp.
“ Mình uống thêm ly nữa nghe anh! Chưa bao giờ em thấy vui như hôm nay!”

1/2003