ĐỜI LÍNH (NĐC)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: 1 person, outdoor

No photo description available.

No photo description available.

Lời Tác giả: Bài viết này của tôi sao buồn quá, nhưng biết làm sao được, bởi vì đó là sự thật, cho tôi viết một lần này thôi, như nhớ về một kỷ niệm, một kỷ niệm rưng rưng.
Anh ạ! tháng tư mềm nắng lụa,
Hoa táo hoa lê nở trắng vườn,
Quê nhà thăm thẳm sau trùng núi,
Em mở lòng xem lại vết thương,
Anh ạ! tháng tư sương mỏng lắm,
Sao em nhìn mãi chẳng thấy quê,
Hay sương thành lệ tra vào mắt,
Mờ khuất trong em mọi nẻo về.
NĐC
Sau khi đọc bài thơ này của Nhà thơ Trần Mộng Tú, trong lòng tôi chợt cảm thấy bàng hoàng thảng thốt. Đã 37 tháng tư trôi qua, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, vết thương trong lòng tôi vẫn còn âm ỉ, tôi nghĩ nó sẽ chẳng bao giờ lành cho tới ngày tôi nhắm mắt. Bốn mươi mốt năm về trước, đám sĩ quan trẻ chúng tôi chỉ mới ngoài 20, đến nay đầu đã lớm chớm bạc, “cùng một lứa bên trời lận đận”, sau cơn Đại hồng thủy tháng tư năm 75, lũ chúng tôi tản mác khắp bốn phương trời: “Thằng thì đang còng lưng trong các Shop may tại Santa Ana Cali, thằng đang làm bồi bàn ở Paris, thằng đang chăn cừu ở New Zealand, thằng thì đang cắt cỏ ở Texas, và cũng có thằng đang đạp xích-lô ở Sài Gòn”(trích). Mỗi năm đến ngày 30-4, tất cả chúng tôi đều bàng hoàng ngơ ngác như kẻ mất hồn. Không còn ai trách cứ chúng tôi hết, chỉ có chúng tôi tự trách mình, chúng tôi đã làm gì cho Tổ quốc?
Trước năm 75, tôi là người lính trong hàng ngũ Quân đội Miền Nam, với cấp bậc thấp nhất là Thiếu úy, với chức vụ nhỏ nhất là Trung đội trưởng, ngoài số lương đủ sống mà tôi lãnh hàng tháng, tôi không hề nhận được bất cứ bổng lộc nào từ phía “triều đình”. Tôi chỉ là một người lính vô danh tầm thường như trăm ngàn người lính khác, ngoài cuộc sống cực kỳ gian khổ và hiểm nguy, chúng tôi không có gì hết, kể cả hạnh phúc riêng tư của chính mình. Cho nên, tôi không hề có một mơ tưởng nào về một hào quang của ngày tháng cũ, và tôi cũng không muốn tiếp tục một hành trình “Việt Nam Cộng Hòa kéo dài”. Tôi viết như để thắp hương tưởng niệm, những đồng đội của tôi đã nằm xuống cho tôi được sống, rộng lớn hơn hàng trăm ngàn người đã chết để chúng ta có cuộc sống ngày hôm nay tại hải ngoại này.
Mùa Hè năm 1972, người Miền Nam thời ấy gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa, mượn cái tên từ Tập bút ký chiến trường rất nổi tiếng của Phan Nhật Nam. Mùa Hè đỏ lửa năm 72 là năm Quân đội của hai miền Nam-Bắc dốc sức đánh một trận chiến sinh tử, bên nào kiệt lực bên đó sẽ bại vong. Niên khóa năm 71-72, tôi là Sinh viên Ban Sử Địa thuộc Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, năm đó tôi đi học trong một tâm trạng bồn chồn không sao tả được, và tôi cũng không còn tâm trí đâu để mà học hành, tin tức chiến sự từ các mặt trận gởi về dồn dập, lúc đó bạn bè tôi lớp chết lớp bị thương, lũ lượt kéo nhau về. Sau này ngẫm nghĩ lại, tôi thấy miền Nam lúc đó không còn sinh khí nữa, những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn được hỗ trợ bằng tiếng hát ma quái Khánh Ly, đã làm băng hoại chán chường cả một thế hệ thanh niên thời đó. Ngoài ra, còn khá nhiều những bài ca những tiếng hát đã đâm thấu lòng người “anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về bại tướng cụt chân, anh trở về hòm gỗ cài hoa, trên trực thăng sơn màu tang trắng…” Tại sao trong một đất nước đang có chiến tranh mà có những điều kỳ lạ này xuất hiện. Điềm Trời báo trước chăng?
Chính quyền Miền Nam sau đó ra lệnh tổng động viên, tất cả các nam sinh viên đều phải nhập ngũ, trừ những người xuất sắc. Lúc đó những gia đình có tiền của, họ chạy đôn chạy đáo lo cho con cái của họ chui vào chỗ này chui vào chỗ nọ, miễn sao khỏi ra mặt trận. Đối với họ, chuyện ngoài mặt trận là chuyện của ai khác, không liên quan gì đến gia đình họ Hằng ngày họ xem TV thấy cảnh khói lửa ngập trời, người chết hàng hàng lớp lớp, họ coi đó là chuyện ở đâu đâu, chẳng ăn nhập gì tới họ. Còn tôi thì ngược lại, tôi muốn ra mặt trận càng sớm càng tốt, hình như định mạng đã an bài cho tôi. Trong bài “Đại bác ru đêm” của Trịnh Công Sơn có một câu rất “độc”, “đại bác đêm đêm dội về Thành phố, người phu quét đường dừng chổi đứng nghe”, tôi chính là người phu quét đường đó. Tiếng đại bác đã làm lòng dạ tôi nôn nao, tôi muốn ra mặt trận để chia lửa với những người bạn cùng thời với tôi, để chịu chung khổ nạn với đồng bào tôi, trong những ngày tháng điêu linh nhất của đất nước. Tiếng đại bác đã ầm ĩ trong lòng tôi, kéo dài mãi từ ngày đó cho tới tận bây giờ.
Thế rồi cũng đến phiên tôi nhập ngũ, giã từ Trường Văn Khoa với Đại Giảng Đường 2 bát ngát, giã từ những bài giảng rất lôi cuốn của Linh Mục Thanh Lãng, của Giáo Sư Nguyễn Thế Anh, thôi nhé giã từ hết những ước vọng của thời mới lớn. Tôi trình diện Khóa 4/72 tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, năm đó quân trường Thủ Đức chứa không xuể các thanh niên nhập ngũ nên đã đưa một số ra thụ huấn ngoài Trường Đồng Đế Nha Trang, toàn bộ tinh hoa của Miền Nam được tập trung vào hai quân trường này, Miền Nam đã vét cạn tài nguyên nhân lực để đưa vào cuộc chiến.
Vào quân trường, Khóa 4/72 toàn là các sinh viên các trường ĐH tụ họp về đây, chúng tôi làng xoàng tuổi nhau nên đùa vui như Tết, tuổi trẻ mà, lúc nào cũng vui cũng phơi phới yêu đời, chuyện ngày mai đã có Trời tính. Thời gian 6 tháng quân trường gian khổ sao kể xiết, bởi vì sự huấn luyện nhằm biến đổi một con người dân sự thành một người lính thực thụ là điều không đơn giản. Không phải chỉ có các kiến thức về quân sự, mà còn tạo dựng một cơ thể gang thép, rèn luyện gian khổ bất kể ngày đêm, bất kể nắng nóng nung người hay mưa dầm bão táp. Trong 5 tuần lễ đầu tiên vào trường, gọi là giai đoạn “huấn nhục”, đây là giai đoạn kinh hãi nhất trong đời lính mới của chúng tôi. Hằng ngày chúng tôi tuân phục sự chỉ huy điều động của các huynh trưởng khóa đàn anh, khi ra lệnh họ hét lên nghe kinh hồn bạt vía, họ nghĩ ra đủ mọi hình phạt để phạt chúng tôi bò lê bò càng, trong giai đoạn này chỉ có chạy không được đi… các huynh trưởng quần chúng tôi từ sáng sớm tới chiều tối, buông ra là chúng tôi ngất lịm, ngủ vùi không còn biết gì nữa hết. Sau 5 tuần lễ huấn nhục, ai vượt qua được, sẽ tham dự lễ gắn Alpha, để chính thức trở thành Sinh Viên Sĩ Quan. Ngày quỳ xuống Vũ Đình Trường để nhận cái lon Alpha vào vai áo, chúng tôi cảm thấy rất tự hào, vì đã lập một kỳ công là tự chiến thắng chính mình để trở thành một người lính, không còn hèn yếu bạc nhược như xưa nữa.
Khi chúng tôi quá quen thuộc với các bãi tập như: bãi Cây Đa, đồi 30, bãi Nhà Xập, cầu Bến Nọc… cũng là lúc sắp đến ngày ra trường. Gần tới cuối khóa, chúng tôi còn phải vượt qua những bài học cam go như bài đại đội vượt sông, đại đội di hành dã trại… Cuối cùng điều mà chúng tôi mong đợi từ lâu, đó là ngày làm lễ ra trường, tất cả chúng tôi trong quân phục Đại Lễ, xếp hàng ngay ngắn tại Vũ Đình Trường, rồi một tiếng thét lồng lộng của Sinh viên Sĩ quan chỉ huy buổi Lễ: “quỳ xuống các SVSQ”, sau khi đọc các lời tuyên thệ và được gắn lon Chuẩn úy, tiếng thét chỉ huy lại cất lên một lần nũa: “Đứng lên các Tân Sĩ Quan”. Trong số chúng tôi có người muốn ứa nước mắt, cái lon mới được gắn lên vai, đã đánh đổi bằng biết bao mồ hôi gian khổ sao kể xiết.
Ngày hôm sau chúng tôi tụ họp lên hội trường để chọn đơn vị, tới phiên tôi lên chọn có một điều làm tôi nhớ mãi. Đứng trước tấm bảng phân chia về các đơn vị, tôi định chọn về Sư Đoàn 7 cho gần Sài Gòn, bỗng cái Ông Thượng sĩ đứng phụ trách tấm bảng bèn đưa ra lời bàn: “Chuẩn úy nên chọn về Sư Đoàn 9 vì vùng trách nhiệm nhẹ hơn, SĐ7 trách nhiệm vùng Cái Bè Cai Lậy rất nặng nề”. Oái oăm thay ngày hành quân đầu tiên của tôi là vùng Cái Bè, bởi lẽ đơn vị tôi tăng cường cho SĐ7BB.
Tôi trình diện Bộ Tư lệnh SĐ9BB tại Vĩnh Long. SĐ này có 3 Trung Đoàn: 14, 15 và 16. Tôi được đưa về Trung đoàn 14. Tôi lại mang vác ba lô về trung đoàn 14 đang hành quân vùng Cái Bè. Từ Sài Gòn qua Ngã ba Trung Lương, chạy thêm một đoạn xa nữa thì tới Cai Lậy rồi tới Cái Bè, xong quẹo mặt, chạy tít mù vào sâu bên trong khoảng 20 cây số, tới cuối đường lộ thì gặp một cái xã mang tên Hậu Mỹ, ngay tại đây chính là cái ruột của Đồng Tháp Mười, lính tráng hành quân vùng này nghe cái tên Hậu Mỹ là đủ ớn xương sống. Không hiểu sao, ở giữa Đồng Tháp Mười lại có một nơi dân cư sinh sống bằng nghề nông rất trù phú. Đám Tân SQ chúng tôi sau khi trình diện Trung Đoàn trưởng thì được giữ lại Bộ Chỉ huy vài hôm để tập làm quen với cách làm việc của nơi này. Sau đó Ban Quân Số phân chia về các nơi. Vị Sĩ quan Quân số hỏi có Chuẩn úy nào tình nguyện về Đại Đội Trinh Sát hay không? Tôi đáp nhận. Nói theo kiểu Cao Xuân Huy trong “Tháng Ba Gẫy Súng” tôi chọn về đơn vị tác chiến thứ thiệt này, mà trong lòng không có một chút oán thù nào về phía bên kia, mà chỉ vì cái máu ngông nghênh của tuổi trẻ, và kế đó là bị kích thích bởi cảm giác mạnh của chiến trường.
Một Trung Đoàn Bộ Binh có 3 Tiểu Đoàn và 1 Đại Đội Trinh Sát, đám chúng tôi có 12 thằng, được phân chia về các Tiểu Đoàn, chỉ có mình tôi về Trinh Sát. Sau khi chia tay ở sân cờ xong, chúng tôi ra đi biền biệt, hầu như không còn gặp nhau nữa. ĐĐ/TS cho người lên dẫn tôi về trình diện Đại Đội Trưởng, lúc đó đơn vị đóng ở ngoài căn cứ của Trung Đoàn. Trung úy Đại đội trưởng có biệt danh là Đại Bàng, dáng người cao to trông rất dữ dằn, cặp mắt ti hí luôn luôn nhìn chằm chằm tóe lửa, giọng nói gầm gừ trong họng, tất cả đều toát ra một nét uy phong làm khiếp sợ người đối diện (trong đó có tôi). Tôi đứng nghiêm chào trình diện theo đúng quân phong quân kỷ: “Chuẩn úy NĐC, số quân 72/150181, trình diện Đại Bàng”. Ông ta nhướng mắt nhìn tôi, trên gương mặt hình như có nét thất vọng (mãi về sau này tôi biết điều đó đúng như vậy). Nhìn tôi một hồi, rồi ông ta phán cho tôi một câu nhớ đời: “Anh về làm Trung đội Phó Viễn Thám”. Trời đất, tôi nghĩ thầm, cái bằng tốt nghiệp của tôi là Trung đội trưởng, mà giao cho tôi làm Trung đội phó là sao nhỉ? Lúc đó tôi không biết rằng làm Trung đội phó là còn may, các Sĩ quan về sau nữa có khi còn làm Trưởng toán Viễn thám, thiệt là chết dở.
Đai Đội lúc đó có khoảng trên trăm người, được chia làm 2 Trung đội Trinh Sát và 1 Trung đội Viễn Thám. Các Sĩ quan Trung đội trưởng ra trường trước tôi vài khóa mà trông rất ngầu, uống rượu như điên đồng thời nói năng rất bạt mạng. Còn lính tráng nữa chứ, tôi nhìn họ mà sợ lắm, họ được tuyển chọn từ các nơi khác về đây, nên trông rất khiếp hồn, phần lớn họ là gốc nhà nông, chỉ biết đọc biết viết là nhiều. Lạ một điều là tất cả những người lính này đều đối với tôi rất lễ độ, có lẽ phát xuất từ kỷ luật quân đội chăng? Sau một thời gian sống gần gũi với họ, tôi thấy họ là những người rất đáng mến, thật thà chất phác, rất tôn trọng nghĩa tình, một khi họ quý trọng một cấp chỉ huy nào thì họ sẵn sàng xả thân, họ hoàn toàn không dễ sợ như tôi nghĩ lúc đầu.
Vài hôm sau, gặp bữa Đại đội tề tựu đông đủ, Đại Bàng đưa tôi ra giới thiệu trước ĐĐ, rồi bảo tôi phát biểu. Trời đất ơi! Tôi run quá, hai đầu gối cứ run lẩy bẩy, tôi có bao giờ nói chuyện trước một đám đông trông khiếp hồn như thế này bao giờ đâu, cho nên tôi ngượng nghịu lắm, vừa nói vừa ngó xuống đất, không dám ngó mặt ai, bẽn lẽn như cô dâu mới về nhà chồng, bây giờ nghĩ lại tôi không còn nhớ tôi nói cái gì nữa, nhưng tôi vẫn nhớ tiếng chắc lưỡi bực mình của Đại Bàng đứng sau lưng tôi, nói được chừng 10 phút thì tôi hụt hơi hết sức, Đại Bàng phải ra lệnh giải tán đám đông. Ông giận dữ kéo tôi ra chỗ vắng, rồi hất hàm hỏi tôi:
– Chuẩn úy tốt nghiệp Trường Sĩ quan nào vậy?
Tôi biết ngay là có chuyện không ổn, bởi vì khi ông xếp gọi mình bằng cấp bậc là tai họa đến nơi rồi. Tôi đáp:
– Tôi tốt nghiệp từ Trường Bộ Binh Thủ Đức.
Ông ta bèn xáng cho tôi một câu nhớ đời:
– Vậy mà tôi tưởng Chuẩn úy tốt nghiệp từ Trường Nữ Quân Nhân chứ!
Tôi nghe mà choáng váng mặt mày, ông ta đã điểm trúng tử huyệt của tôi, vì hồi còn là Sinh viên Sĩ quan trong Thủ Đức, chúng tôi coi là điều sỉ nhục, khi bị cấp trên mắng là Nữ Quân Nhân. Tối hôm đó khi đi ngủ tôi buồn lắm, hình như tôi bị quăng vào môi trường sống không phù hợp với mình, một nơi chốn mà tôi chưa từng biết bao giờ, bởi lẽ trước nay tôi chỉ là anh học trò, bấy lâu chỉ làm bạn với sách vở, với bạn bè với trường lớp. Bây giờ giữa chốn ba quân này, tôi bỗng nổi bật lên như cái gì đó không giống ai. Lúc đó, tôi nhớ Ba mẹ tôi ở nhà, và tôi nghiệm ra một điều rằng, ăn chén cơm của Ba Mẹ tôi sao mà sung sướng quá, bởi lẽ Ba Mẹ chớ hề sỉ nhục tôi, còn khi ra đời, ăn chén cơm của người đời sao đầy cay đắng, tôi lặng lẽ ứa nước mắt.
Tôi về làm Phó cho Chuẩn úy Vương Hoàng Thắng, khóa 3/72. Anh ta là người trí thức có bằng Cử nhân CTKD [Chính trị Kinh doanh], thấy tôi cà ngơ cà ngáo, anh ta thương tình kêu đệ tử giúp đỡ cho tôi mọi chuyện. Chiều hôm đó, tôi lại gặp một chuyện khôi hài dở khóc dở cười, không sao quên được. Chiều đến, lính tráng kéo ra bờ sông tắm giặt, tôi cũng đi tắm như họ, thay vì nhảy ào xuống sông bơi lội như mọi người, nhưng tôi lại rất sợ đỉa nên đứng trên bờ cầm nón sắt múc nước sông mà xối lên người. Tắm một hồi, tôi cảm giác có cái gì đó là lạ, nhìn quanh thấy mọi người chăm chú nhìn tôi, và xầm xì bàn tán chuyện gì đó, rồi bỗng nhiên cả đám cười rộ lên, có tên lính lên tiếng: “Sao Chuẩn úy không xuống tắm như tụi tôi mà đứng chi trên bờ, ý trời ơi! Sao da của Chuẩn úy trắng nõn như da con gái vậy?”. Tôi ngượng điếng người, máu chạy rần rần trên mặt, muốn chui xuống đất mà trốn cho đỡ xấu hổ. Vậy mà đã hết đâu, có cái ông Thượng sĩ già đứng gần, còn đớp cho tôi thêm một nhát: “Ý cha! cái bàn chân Chuẩn úy sao mà đẹp quá, bàn chân này có số sung sướng lắm đây!!!” Thiệt là khổ cho cái thân học trò của tôi, hết làm Nữ Quân Nhân, bây giờ lại giống con gái, thiệt là chán.
Miền Tây là vùng đất nổi danh sình lầy. Hậu Mỹ là nơi đã tiếp đón tôi trong những ngày đầu về đơn vị, cũng là nơi sình lầy ghê khiếp. Dân trong xã người ta cất nhà dọc kinh Tổng Đốc Lộc, ra khỏi mí vườn là ruộng lúa sạ ngút ngàn. Sáng sớm, lính tráng lo cơm nước xong xuôi là bắt đầu nai nịt lên đường, súng đạn ba lô trên vai, để tham dự cuộc hành quân thường ngày, bước ra khỏi mí vườn là bắt đầu lội ruộng, trước tiên nước đến ngang đấu gối, rồi khi qua những trảng sâu, nước cao tới ngực, và cứ thế quần áo ướt sũng từ sáng tới chiều, cho nên quần áo tụi tôi nhuộm phèn vàng chạch, trông rất kỳ quái.
Khi ở quân trường tôi tưởng nỗi gian khổ của người lính là cao nhất, sau khi ra đơn vị tôi mới thấy được rằng, nỗi khổ quân trường chỉ là khúc dạo đầu, không thấm thía gì so với ngoài thực tế. Vùng Hậu Mỹ là vùng lúa sạ nên rất ít bờ ruộng, khi đặt chân xuống ruộng là phải đi một mạch tới bờ bên kia cách xa vài cây số, không ngừng giữa đường được. Đất ruộng người dân họ cày xới lên từng tảng to nhỏ như trái dừa, ngổn ngang lỗ chỗ, và nước lấp xấp. Tôi vừa đi vừa lựa thế để đặt chân xuống, sình lầy bám chặt nên rút bàn chân lên thật khó nhọc, mặt trời rọi ánh nắng gay gắt, mồ hôi tuôn ra đầm đìa, lúc đầu tôi còn lấy tay áo gạt mồ hôi, sau cứ để mặc, mồ hôi nhỏ lăn tăn lên mặt ruộng. Đó là tôi mang ba lô rất nhẹ, chỉ có quần áo đồ đạc cá nhân, còn lương thực lều võng đã có đệ tử mang vác phụ. Tôi ngó qua những người lính đi chung quanh, thấy họ mang vác rất nhọc nhằn, họ phải oằn lưng mang lều võng, súng đạn, mìn bẫy, gạo, cá khô, đồ hộp, mắm muối… Người thì đeo trên ba lô cái nồi, người thì mang cái chảo, họ lặng lẽ bước đi, tôi không hề nghe một lời than van nào hết, họ cắn răng lại mà cam chịu, có than van cũng không ai nghe. Khi đi tới bờ kinh ở tít đằng xa, áo tôi ướt sũng mồ hôi, cho đến nỗi, tôi cởi áo ra vắt, mồ hôi chảy ra ròng ròng. Tôi mệt muốn đứt thở, bèn nằm vật xuống đất, tôi mặc kệ hết mọi điều, không còn biết trời trăng gì nữa hết, lúc đó tôi nghĩ có ai bắn cho tôi một phát súng ân huệ, chắc còn sướng hơn, đời lính sao mà khổ quá!
Theo Đặc San Cư An Tư Nguy (câu này là châm ngôn của Trường BB Thủ Đức) phát hành tại San Diego, thì Quân Trường này đã đào tạo 55 ngàn Sĩ quan, trong số đó có 15 ngàn SQ đã tử trận, và không dưới 10 ngàn người đã trở thành Phế-binh thương tật. Trung đội trưởng là chức vụ đầu tiên của Sĩ quan mới ra trường, và là chức vụ duy nhất chỉ huy bằng miệng (các cấp cao hơn thì chỉ huy qua máy truyền tin). Khi xung phong chiếm mục tiêu, Trung đội trưởng cũng ôm súng chạy ngang hàng với lính, khi đóng quân phòng thủ đêm, Trung đội trưởng cũng nằm ngang với lính. Trước mặt Trung đội trưởng không có bạn nữa mà chỉ có phía bên kia. Cho nên lính dễ chết thì Trung đội trưởng cũng dễ chết y như vậy, súng đạn vô tình nên không phân biệt ai với ai, quan với lính đều bình đẳng trước cái chết. Đó là lý do giải thích tại sao Chuẩn úy mới ra trường chết như rạ là vì thế. Vậy mà tôi còn làm Trung đội phó, không biết nói sao nữa.
Có một bữa, tôi lội hành quân với đơn vị, đang bì bõm lội sình, thì tiếng súng nở rộ lên phía trước, Trung đội tản ra, tôi cùng Chuẩn úy Thắng và đám đệ tử tấp vào một lùm chuối khá lớn. Tôi đứng đó nhìn trời hiu quạnh một hồi rồi bỗng thấy làm lạ sao thấy C/U Thắng im lìm không có lệnh lạt gì cả. Bỗng tay lính Truyền tin nói với C/U Thắng: “Đại Bàng kêu C/U lên trình diện gấp.” C/U Thắng bỏ đi một đoạn, thì lính Truyền tin lại bảo tôi: “Đại Bàng muốn gặp C/U Châu”. Tôi cầm ống nghe áp vào tai, thì nghe Đại Bàng chửi xối xả, giọng Ông lồng lộng một cách giận dữ, té ra là do C/U Thắng quá sợ nên không dám tấn công, ông hét lên bảo tôi: “Nè! C/U Châu, tôi giao Trung đội lại cho ông, ông có dám dẫn quân lên đánh mục tiêu trước mặt hay không?” Tôi nghe mà sợ muốn “té đái”, run lập cà lập cập, rồi trả lời ông xin tuân lệnh. Tôi tháo ba lô quăng lên bờ ruộng cho nhẹ người, rồi vói tay lấy khẩu súng trường của người lính bên cạnh, miệng chỉ kịp kêu lớn: “Tất cả theo tôi”. Lúc đó tôi “quíu” quá, nên không nhớ bài bản chiến thuật nào mà tôi từng học ở quân trường, tôi xông lên vừa chạy vừa bắn vừa la (không biết la cái gì nữa). Cả trung đội hoảng hốt sợ tôi bị bắn chết, nên cũng vùng dậy chạy theo tôi. Phía người anh em bên kia, thấy tôi chạy dẫn đầu rất hung hãn, tưởng tôi bị điên, bèn lập tức tháo lui, trong lúc vội vã họ còn quăng lại tặng tôi mấy cây súng nữa chứ. Tôi thanh toán mục tiêu chỉ đâu chừng 10 phút, ai cũng tưởng tôi gan dạ, chứ đâu biết rằng tôi làm thế vì quá sợ ông xếp của mình. Thiệt là khôi hài. Đại Bàng kéo quân lên ông nhìn tôi gườm gườm, có lẽ ông chưa thấy một Sĩ quan nào lập chiến công “khùng điên ba trợn” như tôi. Hết cơn giận, ông trả quyền chỉ huy lại cho C/U Thắng, tôi trở về vị trí cũ.
Sau đó tôi được điều qua các Trung Đội khác, phụ trách công việc tạm thời cho các Trung đội trưởng đi phép hay bị thương… Một điều may mắn cho tôi, (hay Trời đãi kẻ khù khờ), khi tôi nắm quyền tạm thời đó, những trận đánh mà tôi tham dự, tôi đều hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tốt đẹp. Đại Bàng đã nhìn tôi bằng cặp mắt đỡ ái ngại hơn ngày đầu mới gặp tôi. Đại Bàng sau đó được thuyên chuyển qua một đơn vị khác và một Đại Bàng mới đến thay thế. Ông Trung úy mới đến này có dáng dấp thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ, khiến tôi rất có cảm tình. Trong bữa nhậu bàn giao chức vụ, Đại Bàng cũ giới thiệu các Sĩ quan trong đơn vị cho ĐB mới được biết. Sau khi điểm mặt 3 Trung đội trưởng, cuối cùng ông ta chỉ tôi là một Trung đội phó, rồi đưa ra một nhận xét làm sửng sốt mọi người: “Đây là một tay Sĩ Quan xuất sắc, một tay chơi tới bến…” Hai người sửng sốt nhất hôm đó là tôi và ông Đại Bàng mới. Đối với tôi, tôi chỉ cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình và cũng không hề muốn bươn chải về phía trước. Đối với ĐB mới, ông ta lấy làm lạ là phải, bởi vì ông cứ ngỡ SQ xuất sắc nhất phải là mấy ông Trung đội trưởng, sao lại là cái ông Trung đội phó trông hết sức ngớ ngẩn này. Tôi cũng không ngờ, cái lời nhận xét đó đã đẩy tôi vào một khúc ngoặt khác, đầy hung hiểm chết người.
Một thời gian ngắn sau đó, tôi được Đại Bàng mới cất nhắc lên làm Trung Đội trưởng thực thụ. Tham dự hết trận đánh này đến trận đánh khác, để sống còn, không còn con đường nào khác, tôi phải “động não” đến cao độ cho công việc của mình. Càng ngày tôi càng đạt được sự tin cậy cao nơi cấp Chỉ huy, chính điều đó đã đẩy Trung đội tôi vào nơi Tử địa. Khi Đại đội tiến quân vào nơi nguy hiểm, Trung đội tôi được lệnh đi đầu, và khi rút quân từ nơi đó, Trung đội tôi được lệnh bao chót. Khi tấn công tôi được giao chỗ khó gặm nhất, và khi phòng thủ Trung đội tôi được nằm ở vị trí nặng nề nhất. Người ta thường nói: “Nhất Tướng công thành vạn cốt khô”, tôi không phải là Tướng, chỉ là một Sĩ quan có cấp bậc và chức vụ thấp nhất, nhưng lính tráng dưới quyền tôi đã chết la liệt, có khi chết nhiều đến nỗi, tôi chưa kịp nhớ mặt người lính của mình nữa. Bởi sự tin cậy của Đại Bàng dành cho tôi, mà Trung đội tôi phải gánh chịu những tai ương này. Ông ta rất quý mến tôi, ông chưa hề quát mắng tôi một tiếng nặng lời, có món nào ngon ông sai đệ tử đi mời tôi đến cùng ăn với ông, có Huy chương nào quý giá, ông cũng ưu tiên dành cho tôi. Ông quý tôi như vậy vì ông biết rằng, nếu ông cứ sử dụng tôi như vậy, trước sau gì tôi cũng chết. Làm sao tôi sống nổi, khi xua quân đi hết mặt trận này đến mặt trận khác, mà toàn là những nơi đầu sóng ngọn gió. Vậy mà tôi sống, mới kỳ.
Khi về đơn vị này, tôi có được một sự may mắn là đơn vị lưu động khắp các tỉnh Miền Tây. Khởi đầu của tôi tại Cái Bè-Cai lậy với các địa danh nổi tiếng như Hậu Mỹ, Mỹ Phước Tây, Bà Bèo, Láng Biển… Từ Cai Lậy đi về hướng Bắc khoảng 60 cây số là tới Mộc Hóa, từ Tuyên Nhơn kéo qua Tuyên Bình, có một chỗ tận cùng tên Bình Thạnh Thôn, đây là một trong những chiến trường ác liệt nhất của đồng bằng Sông Cửu Long. Từ nơi này chúng tôi ngồi thiết giáp băng ngang qua Đồng Tháp Mười để tới Hồng Ngự, và chính cái lúc băng ngang này, tôi mới biết rõ về Đồng Tháp Mười, đây là một vùng đầm lầy kinh sợ nhất, đi suốt 1 ngày với xe thiết giáp, tôi không thấy một cây cỏ nào mọc nổi ngoại trừ loại cây bàng (một loại cây họ cỏ dùng dệt chiếu), không có một bóng chim, không có một con cá, nước phèn màu vàng chạch, tóm lại không có 1 sinh vật nào sống nổi trong vùng này, đừng nói chi đến con người. Vùng đầm lầy dài ngút mắt đến chân trời, khung cảnh im lìm đến ghê rợn. Rời Mỹ Tho, chúng tôi băng ngang Sông Tiền bởi phà Mỹ Thuận, rồi băng ngang Sông Hậu với phà Cần Thơ, xuôi theo lộ tới Cái Răng – Phụng Hiệp, rồi rẽ vào Phong Điền – Cầu Nhím, tôi ngạc nhiên trước một vùng đất giàu có tột bực này. Ở đây người dân sinh sống bằng vườn cây ăn trái, sáng sớm ghe chở trái cây chạy lềnh trên mặt sông để đến điểm tập trung giao hàng đi các nơi, nhà cửa ở miệt vườn mà trông rất bề thế. Rồi chúng tôi đến Phong Phú-Ô Môn, tiến sâu vào bên trong chúng tôi đến Thới Lai – Cờ Đỏ, sự trù phú không sao kể xiết, có khi chúng tôi ngồi Tắc-rán đi từ Thới Lai đến Cờ Đỏ, 2 bên bờ kinh nhà cửa nguy nga tráng lệ, không hề có nhà tranh vách đất nào cả, nhà nào cũng có xe máy cày đậu trước sân. Tuy nhiên vào sâu hơn nữa, chúng tôi cũng gặp những vùng hoang vu như Bà Đầm-Thát Lát, dân chúng tản cư đi hết, nhà cửa hoang phế, trông rất âm u rợn người.
Trong tất cả những vùng mà tôi đã đi qua, có một vùng đất hết sức lạ lùng, và là một nơi đối với tôi đầy ắp kỷ niệm, vừa thích thú vừa buồn rầu. Mỗi khi hồi tưởng về một thời chiến trận, tôi đều nhớ về nơi ấy. Cuộc chiến đã ngừng 37 năm qua, vậy mà tôi chưa hề một lần nào trở về lại nơi chiến trường xưa, để thắp một nén hương tưởng mộ những đồng đội của tôi đã nằm xuống nơi này.
Mùa Khô năm 74, Đại Đội chúng tôi được trực thăng bốc từ phi trường Cao Lãnh, đổ xuống một cánh đồng bát ngát nằm cạnh biên giới Campuchia. Trung đội tôi nhảy líp đầu. Khi xuống tới đất tôi hết sức ngạc nhiên về vùng đất nơi đây. Cánh đồng khô khốc và phẳng lì, không hề có một bờ ruộng nào cả (sau này tôi được biết đây là vùng nước nổi, khi nước từ Biển Hồ tràn về, thì không có bờ ruộng nào chịu đựng nổi, nên người ta cứ để trống trơn như vậy, ruộng của ai người đó biết). Trên cánh đồng lại có rất nhiều gò nổi lúp xúp ở khắp nơi. Khi Trung đội tôi rời khỏi trực thăng, tôi lập tức ra lệnh tiến quân theo thế chân vạc thiệt nhanh nhằm chiếm 1 gò nổi trước mặt, khi cách gò chừng một trăm thước, tôi cho tất cả dừng lại dàn hàng ngang yểm trợ, rồi tôi phóng 3 khinh binh vào lục soát, sau một hồi thấy không có gì, họ khoát tay cho cả Trung đội tiến vào. Khi vào tới nơi, sau khi bố trí xong, tôi thấy trên gò có thật nhiều cây xanh che bóng mát, và có vài đìa cá, lính tráng lội ùa xuống xúm lại tát đìa, khi đìa cạn, cá lộ ra lội đặc lềnh như bánh canh. Một lát sau cả Đại đội theo trực thăng kéo tới kéo vào gò trú ẩn cũng vừa đủ.
Đêm tới, chờ trời tối hẳn, Đại Bàng ra lệnh kéo cả đơn vị ra đồng trống để đóng quân đêm, vì vị trí ban ngày đã bị lộ. Đêm đó chúng tôi không ngủ được gì cả, vì lũ chuột đồng ở đâu kéo tới, chúng bò ngang dọc, lùng sục chỗ đóng quân của chúng tôi, lại còn chui tọt vào mùng gặm nhắm chân tay của chúng tôi nữa chứ. Tờ mờ sáng hôm sau, có 1 đoàn xe bò đông đảo khoảng mười mấy chiếc kéo ngang chỗ đóng quân. Lính tráng hỏi họ đi đâu, họ nói họ kéo nhau đi tát đìa, trời đất, tát đìa mà kéo một đoàn xe bò như thế này ư! Chiều đến, không biết họ đi đến đâu, mà khi kéo xe về, xe nào cũng đầy ắp cá, họ chứa lủ khủ trong thùng trong chậu lớn, sau đó họ kéo ra bờ sông giao cho ghe hàng chờ sẵn, chở cá về Hồng Ngự.
Hôm sau chúng tôi kéo vào xóm nhà cất dọc theo bờ rạch, có tên là Rạch Cái Cái. Khi vào đến nơi tôi lại đứng trố mắt ra nhìn, nhà gì mà kỳ dị như thế này. Người dân họ cất nhà cao lêu nghêu theo kiểu nhà sàn, tôi biết ngay là họ phải cất nhà như thế để sống cùng với lũ. Nơi đây đúng là cùng trời cuối đất, tiếng bình dân gọi là hóc-bà-tó. Đây cũng là vùng đất tranh chấp giữa hai bên, chiến trận nổ ra liên miên, nên người dân họ sống rất là tạm bợ. Cả xã có vài ngàn người mà chỉ có vài người biết đọc biết viết. Họ thông thương với bên ngoài bằng các ghe hàng tạp hóa, hay ghe hàng bông (rau quả), được chở tới từ Hồng Ngự. Nhà nào cũng có một lu mắm cá, có nhà còn có lu mắm chuột đồng, đó là thức ăn phòng hờ cho mùa nước nổi. Ghé vào nhà chơi, chủ nhà rất hiếu khách và xởi lởi, bưng ngay ra một chai rượu đế, rồi hối người nhà xé mắm sống trộn giấm tỏi ớt đường, bưng ra mời chúng tôi ăn với khoai lang hay bắp luộc.
Lúc đầu tôi thấy sợ lắm không dám ăn, sau vì nhiều người ép quá nên tôi cũng nếm được. Còn mắm chuột đồng thì cho tôi xá, nhìn thấy đã hãi nói chi tới ăn. Đám lính chúng tôi đang lội sình mệt nghỉ, được đưa về một nơi khô ráo, lại đầy ắp thức ăn, thiệt là đã đời, chúng tôi hành quân mà như đi picnic [du ngoạn]. Nhưng trong tôi linh cảm điều gì đó không ổn, đơn vị chúng tôi luôn luôn được tung vào những nơi hiểm địa, chớ đâu phải đi chơi như thế này.
Sau một thời gian hoạt động đơn độc, chúng tôi được tăng cường 1 Chi đoàn thiết giáp, có khoảng 12 xe bọc sắt M113. Với sự phối hợp này vùng hoạt động của chúng tôi rộng lớn hơn. Hằng ngày, chúng tôi ngồi trên xe thiết giáp hành quân lục soát nơi này nơi nọ, vẫn yên bình, không hề có tiếng súng. Rồi cái ngày giông bão đó đã đến. Hôm đó, bình thường như mọi ngày, chúng tôi lên xe đi hành quân. Đi đến các điểm đã được chỉ định sẵn trên bản đồ, đi đến chỗ này lục soát, không có gì lại đi đến chỗ khác. Cuối cùng đoàn xe đến 1 điểm, bất chợt đoàn xe dàn hàng ngang ngoài ruộng, hướng về mục tiêu là một bờ vườn rậm rạp. Lính Trinh Sát tụi tôi được lệnh xuống xe, tiến vào bờ vườn. Trung đội tôi tiến về phía bên trái của đội hình Đại đội. Đang đi tôi bỗng lên tiếng: “Tất cả tản ra mau, đi túm tụm như vầy dễ ăn đạn lắm!” Không ngờ lời nói của tôi “linh như miễu”. Đạn phát nổ vang trời dậy đất, tôi bị trúng đạn, bật người ngã xuống đất, máu ở đâu chảy xuống mặt tôi thành dòng, tôi ra lệnh bắn trả xối xả, nếu không phía bên kia họ thừa thắng xông lên thì thật là nguy khốn. Súng nổ một chập thì im lặng, lúc đó tôi mới rảnh rờ rẫm khắp người xem mình bị thương nơi đâu. Tôi giật mình kinh ngạc và cảm thấy hết sức lạ lùng, bởi vì tôi bị bắn trúng một lượt 2 viên đạn súng tiểu liên AK, một viên bắn trúng vào đầu mũi súng ngắn tôi nhét trước bụng, viên đạn bể ra văng tứ tán lên mặt lên cánh tay, nên máu tuôn ra thành dòng là vì thế, song phần còn lại của viên đạn chui tọt vào đùi, máu tuôn ra khá nhiều nhưng không nguy hiểm. Viên đạn thứ 2, mới thật là ghê rợn, viên đạn bắn trúng vào cái bóp tôi để trên túi áo trái, ở phía trước trái tim, viên đạn quậy nát cái bóp, tôi để rất nhiều tiền vì mới lãnh lương, tiền và giấy tờ đã cuốn viên đạn lại, nằm yên trong đó, có lẽ viên đạn được bắn ra trong khoảng cách quá gần, làm viên đạn không đủ sức xuyên phá. Lúc đó tôi sợ lắm, bởi vì tôi nghĩ phải có một phép lạ thiêng liêng nào đó đã che chở cho tôi, chứ trên đời này hiếm có ai bị bắn trúng một lượt 2 viên đạn mà còn sống như tôi vậy.
Cũng ngay lúc ấy, tôi chợt nghe một tiếng rên yếu ớt của người lính đệ tử của tôi: “Thiếu úy ơi! Cứu em!” Tôi nghe xong mà sợ điếng hồn, té ra nãy giờ đệ tử của tôi bị trúng đạn mà tôi không hay biết, bởi vì cỏ cao che khuất nên tôi không thấy anh ta nằm trước mặt, cách tôi chừng dăm ba thước. Thông thường các Sĩ quan Trung đội Trưởng có 2 người lính đệ tử, 2 người này có nhiệm vụ lo chỗ ăn chỗ ngủ và lo mang vác đồ đạc cho ông Thầy. Những người lính đệ tử của tôi thường đối với tôi rất chí tình, họ sẵn sàng sống chết vì tôi mà không hề so đo tính toán. Khi tôi dẫn Trung đội xung trận, 2 người lính này theo sát để bảo vệ cho tôi. Hôm nay, một trong hai người đệ tử đã hứng đạn cho tôi, khi ngã xuống đã kêu lên lời cầu cứu đến tôi. Ít lâu sau thì anh ta chết, tiếng kêu thảm sầu của anh ta đã xoáy vào lòng tôi, và ở yên trong đó từ ngày ấy cho đến bây giờ. Vậy mà 37 năm đã trôi qua, tôi chưa có một lần nào về đứng trước mộ anh, để đốt một nén nhang nói lời cảm tạ. Anh ta là Hạ sĩ Nguyễn Văn Đồng, một cái tên vừa bình thường vừa vô danh, nằm lẫn khuất đâu đó trong một triệu người đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh tức tưởi này.
Sau khi tôi bị thương, tôi giao Trung đội lại cho Trung đội phó là Chuẩn úy Nguyễn Thọ Tường. Tôi ra ngoài, leo lên xe Thiết giáp ngồi nghỉ và ngó vào trận địa, tôi chợt thấy Chuẩn úy Tường dàn đội hình hàng ngang xung phong vô mục tiêu, tôi kêu lên thảng thốt: “Đừng làm thế, Tường ơi!”. Sau đó, Trung đội tôi bị bắn tan tác, Chuẩn úy Tường bị trúng đạn chết tại mặt trận, mắt vẫn mở thao láo, có lẽ anh ta không biết sao mình lại chết như vầy. Trung đội tôi coi như tan hàng xóa sổ. “Tường ơi! Vĩnh Biệt!”
Không biết sao đại đội tôi đóng quân bên bờ Rạch Cái Cái rất lâu. Rồi tới ngày Mùa Nước Nổi kéo về, nước chảy ào ào một chiều duy nhất, không có cảnh nước ròng nước lớn gì nữa hết. Nước mỗi ngày dâng cao cả gang tay, đến lúc này đây mới thấy lúa sạ là một loại lúa kỳ diệu, nước dâng tới đâu thì lúa dâng tới đó, nước sâu 5-6 mét thì cây lúa cũng dài nhằng ra 5-6 mét, tôi chưa [thấy] nơi nào cây lúa lại kỳ dị như vậy. Rồi đến lượt cá Linh tràn về, cá nhiều đến nỗi không biết cơ man nào kể cho xiết, có khi tôi thấy cá Linh nổi lềnh lên cả một khúc sông, và kỳ lạ một điều nữa là người dân ở đây thà ăn mắm ăn muối chớ họ không ăn cá linh, họ nói họ thấy cá Linh cả đời nên tự nhiên họ đâm ngán tới cổ. Ô! nước cứ dâng lên mãi, khiến chúng tôi kiếm chỗ đóng quân khá vất vả, chúng tôi rút lên gò thì rắn với chuột cũng kéo lên gò, ban đêm chúng cứ bò xục xạo trong mùng chúng tôi trông thật ghê khiếp. Cả đơn vị phải chẻ nhỏ ra thành từng toán. Vào hôm đó toán của thầy trò chúng tôi đi tới một cái gò còn khô ráo.
Đêm đó như thường lệ tôi ngủ dưới một mái lều, tới nửa đêm tôi đang ngủ mê mệt, thì cảm thấy có ai đang khều khều đầu mình. Ở chốn trận tiền ai ngủ cũng phải thật nhạy thức, tôi cũng vậy, tôi tưởng lính gác báo động nên vội ngồi dậy ngay. Tôi ngó ra ngoài lều thì thấy dưới bóng trăng sáng vằng vặc một em bé gái khoảng 13-14 tuổi đứng nhìn tôi và mỉm cười thật tươi tắn. Tôi trố mắt nhìn ngẩn ngơ một hồi rồi mới biết đó là hồn ma, tôi sợ quá vội vàng nằm xuống kéo mền trùm kín đầu. Sáng hôm sau, tôi thấy chỗ tôi ngủ nằm kề bên 1 cái bàn thờ bằng gỗ xiêu vẹo mục nát. Tôi bèn rảo bước vào xóm để hỏi thăm về cái gò này, được người dân cho biết, trước kia có một em bé nhà nghèo lắm, hàng ngày chèo xuồng ra đồng nhổ bông súng, đem vô xóm bán dạo. Một hôm em cũng chèo ghe ra đồng như hàng ngày, sau đó súng đạn nổ ran, em bị đạn lạc chết trên gò, em chết trẻ hồn thiêng không siêu thoát, đêm đêm hiện về khóc lóc thảm thiết, dân làng thấy vậy bèn làm cho em một cái bàn thờ gỗ để nhang khói cho em. Câu chuyện thật tội nghiệp. Ở nơi chốn tên bay đạn lạc này, đời sống người dân khốn khổ không sao kể xiết, nếu họ muốn đi đến một nơi chốn an lành khác, họ cũng không biết đi đâu, mà nếu có đi cũng không biết lấy gì mà sống.
Trong đời lính của tôi, tôi sợ nhất là phải đi báo tin tử trận hoặc thăm viếng những gia đình có người thân chết trận, vậy mà có một lần tôi đã phải làm chuyện này một cách bất đắc dĩ. Chuẩn úy Nguyễn Mạnh Hà ra trường sau tôi khoảng một năm, lúc đó anh ta mới 19 tuổi, còn đặc sệt nét con nít. Tôi nhớ hồi tôi mới ra trường trông đã rất chán, anh chàng này trông còn chán hơn tôi nữa. Mặt của Hà còn đầy mụn trứng cá, suốt ngày chỉ thích ngậm kẹo, có ai rủ nhậu, nể lắm anh ta mới uống, vừa uống vừa chắc lưỡi hít hà như uống thuốc độc. Điều đặc biệt nhất của Hà là anh ta rất sợ tiếng nổ, khi nghe súng nổ anh ta nhắm chặt mắt, bịt kín lỗ tai, và mặt mày thì tái mét. Anh ta về làm Phó cho tôi, làm giọng “chảnh”, tôi hỏi anh ta một cách xách mé: “Sao ông nhát như vậy mà xin về Trinh Sát”. Anh ta bèn phân trần, anh ta đâu có xin xỏ gì đâu. Ban Quân số thấy không có ai tình nguyện nên chỉ định bừa, dè đâu trúng ngay anh ta. Khi đụng trận tôi lo cuống cuồng đủ mọi chuyện, còn phải để ý đến anh ta nữa chứ, anh ta có biết gì đâu, thiệt khổ. Càng về sau các Sĩ quan rơi rụng dần dần, C/U Hà cũng được đưa lên làm Trung đội trưởng. Cái ngày định mệnh dành cho Hà là tại mặt trận Mộc Hóa. Cả đại đội được lệnh tấn công vào mục tiêu. Trung đội của Hà và một trung đội nữa vỗ vào mặt chính diện, trung đội tôi thọc vào bên cạnh sườn. Hà dẫn tổ đại liên chạy đến ẩn nấp vào một gò mả bằng đá ong, ngay lúc ấy phía bên kia phóng ra 1 trái hỏa tiễn B40, trúng ngay gò mả, viên đạn nổ tạt ra trúng ngay vào người Hà. Tội nghiệp Hà chết không toàn thây. Lúc Hà còn sống, mỗi khi tôi về phép, Hà thường nhờ tôi ghé qua nhà Hà ở Sài Gòn, để mang dùm quà của gia đình xuống cho Hà, vì thế tôi khá thân thuộc với gia đình của anh ta. Hà mất được chừng một tháng, thì tôi xin được cái phép 6 ngày về thăm gia đình. Tôi bèn ghé qua nhà Hà nhằm nói lời chia buồn với gia đính anh ta. Tôi vừa tới, Ba Má của Hà chạy ùa ra nắm lấy tay tôi, rồi hỏi dồn dập:
– Sao cái hôm em Hà nó chết, mà cháu lại không về đưa đám tang em?
Tôi lúng túng trả lời:
– Thưa, lúc đó chúng cháu đánh nhau tưng bừng, làm sao cháu bỏ đơn vị mà về cho được.

Thế là vừa ngồi xuống ghế, hai ông bà khóc ngất ngất, lúc đầu ông bà còn lấy tay lau nước mắt, lúc sau thì để mặc, nước mắt tuôn ra xối xả làm ướt đầm cả ngực áo. Tôi kinh hoàng ngồi chết điếng, tôi chưa bao giờ gặp phải một trường hợp bi thương tột độ đến như vậy. Ông bà vừa khóc vừa kể lể tiếc thương cho đứa con không sao kể xiết. Cha mẹ nào có con ra mặt trận, coi như đã chết nửa linh hồn, đêm ngày sống trong hốt hoảng lo âu, mong ngóng con mình, mãi về sau tôi mới nghiệm ra được điều này. Nghe ông bà than khóc một hồi, tôi không chịu đựng nổi nữa và tôi cũng không nói một lời phân ưu gì nữa hết, bởi vì lời nói nào cho đủ trước một mất mát quá lớn lao này. Rồi tôi nghĩ đến tôi, đến Ba Mẹ tôi, trong lòng tôi bỗng xộc lên một nỗi buồn khủng khiếp. Tôi lảo đảo đứng dậy từ giã hai ông bà để ra về. Trên đường về tôi ghé vào một quán cóc, ngồi uống rượu một mình, tôi buồn lắm. Tối hôm đó tôi về đến nhà khá muộn, cả nhà chờ cơm tôi quá lâu nên đã dùng trước. Tôi ngồi vào bàn, Mẹ tôi bày thức ăn la liệt trên bàn cho tôi ăn. Vừa ăn tôi vừa nghĩ, mai kia nếu mình có chết, Mẹ cũng bày đồ cúng cho mình như thế này đây. Tôi ch

ợt nhớ đến khuôn mặt đầm đìa nước mắt của cha mẹ Hà, lúc đó bỗng nhiên tôi thương Ba Mẹ tôi vô cùng. Tôi vừa ăn vừa lặng lẽ chảy nước mắt.
Cuối cùng vào tháng 2 năm 75, tôi bị thương một lần nữa tại mặt trận Mộc Hóa. Tôi được đưa về điều trị tại Bệnh xá Tiểu đoàn 9 Quân Y tại Vĩnh Long. Tại Bệnh xá, tôi theo dõi tình hình chiến sự trên cả nước, khi mất Ban Mê Thuột, tôi linh cảm có điều gì đó không lành. Đến ngày 30-4-75, khi nghe lệnh buông súng đầu hàng, trong lòng tôi nát bấy. Sáng ngày 1-5, tôi bước ra khỏi Bệnh xá, đứng trên Quốc lộ 4, tôi nhìn về hướng Cần Thơ, thấy mặt trời lên đỏ rực, báo hiệu một ngày mới. Lúc đó tôi không hề biết rằng, đó là cái ngày đầu tiên của một hành trình bi thảm khác, có tên gọi là “Mạt Lộ”.
Bài viết này của tôi sao buồn quá, nhưng biết làm sao được, bởi vì đó là sự thật, cho tôi viết một lần này thôi, như nhớ về một kỷ niệm, một kỷ niệm rưng rưng.
NĐC