Giàn súng C-RAM/Iron Dome, tự động bằng radar, bảo vệ căn cứ chống đạn pháo, mọc chê, và rocket.
Xe MRAP quân đội Mỹ xử dụng ở chiến trường hiện nay để bảo toàn tính mạng binh lính. Xe Humvee không còn thích hợp nữa. Phía sau là dãy tường T-Wall bảo vệ đúc bằng bê tông cốt sắt.
Rồi cũng tới ngày rời khách sạn ở Dubai, nơi tôi đã trải qua 16 ngày cách ly, giống như bị giam lỏng trong căn phòng nhỏ ở khách sạn, để bay đến Afghanistan. Một ngày trước khi bay, nhân viên của hãng máy bay DFS, Diplomatic Flight Services, dàn xếp để tất cả hành khách lại phải làm thêm 1 cái thử nghiệm Corona Virus nữa trước khi rời Dubai để bay qua một nước khác. Sáng Chủ Nhật, tôi được hướng dẫn xuống lobby đợi làm thủ tục giấy tờ. Họ phát cho tôi 2 giấy chứng nhận không bị nhiễm virus, rồi mới được lên xe bus ra phi trường. Tổng cộng chuyến đi này, tôi phải trải qua 4 lần thử nghiệm Covid.
Chuyến bay đi Afghanistan chật cứng hành khách mang khẩu trang, hầu hết là công dân Mỹ đi công tác ở các nơi trên đất nước này. Từ trên cao nhìn xuống phi trường nhỏ xíu của thành phố Kandahar, căn cứ KAF, bầu trời vẫn mờ mịt bụi như 3 năm trước khi tôi còn làm việc ở đây. Cảnh vật không thay đổi bao nhiêu. Một bên là nhà ga dân sự, còn bên kia thuộc về quân sự. Máy bay ghé để một số hành khách xuống, rồi tiếp tục bay về phía Đông Bắc Afghanistan để đến căn cứ BAF, nơi tôi sẽ làm việc.
Ông xếp đến đón tôi bằng 1 chiếc pick-up truck,Toyota Hilux. Ông nhận ra tôi là người quen, vui vẻ đến đưa “fist pump” chào mừng tôi đến nhiệm sở mới. Tôi biết ông đã một lần ghé qua căn cứ Ft. Huachuca ở Arizona, nơi tôi làm việc ở Mỹ. Ông đưa tôi đến văn phòng, giới thiệu với các đồng nghiệp khác, rồi chở tôi về nhận phòng ở một barrack gần đó.
Mặt trời chưa tắt hẳn mà ánh sáng đèn trong trại đã sáng rực trên con đường chính trải nhựa. Đàn chim đang bận rộn cãi nhau chí chóe điếc tai, chen lấn nhau tìm chỗ ngủ trong 1 tàng cây lớn ven đường. Bụi bốc lên mờ mịt cộng với cái nóng tháng 8 làm không khí thêm phần ngạt thở mỗi khi có chiếc xe chạy ngang qua những con đường đất kế bên. Cảnh vật bàng bạc một màu sắc chiến tranh: Từng tốp lính, vai mang súng trường chéo ngang ngực, mũi súng chĩa xuống đất, tay cầm những hộp cơm to-go, vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ; nhiều nhân viên dân sự Mỹ mang súng ngắn bên hông. Mọi người ai nấy có vẻ vội vã đi lại tấp nập lo chuyện của mình.
Một số lính mặc quần áo trận hơi khác với lính Mỹ, họ đi thành từng nhóm và nói chuyện thật to bằng tiếng nói rất lạ tai, không giống như ngôn ngữ Slavic của vùng Bắc Âu. Họ là những người lính Georgia, một thời là quốc gia cộng sản thuộc Nga Sô, quê hương của nhà độc tài cộng sản Stalin, nay quốc gia này là đồng minh của NATO, họ tham gia chiến đấu dưới sự chỉ huy của quân đội Mỹ. Ở đây cũng có sự tham gia của quân đội các nước cộng sản Sô Viết khác, nay đã là thành viên của NATO. Tôi đã có dịp nói chuyện với một số người trong bọn họ, ai cũng cho biết tất cả đều rất thích được điều qua những vùng chiến sự vùng Trung Đông vì được trả lương cao hơn nhiều so với những người lính ở trong nước trong khi GDP của Georgia chỉ khoảng $4,300/ 1 năm.
Những nhân viên an ninh người Uganda, áo khaki vàng, quần đen, chân mang giầy bốt, vai đeo AK 47. Nhiệm vụ của họ là canh gác các tòa nhà trong trại và các vọng gác chung quanh doanh trại, kiêm luôn tuần tra bên trong các bức tường bao quanh. Khi cần thiết, họ cũng có thể trở thành một lực lượng chiến đấu bảo vệ doanh trại trong trường hợp bị tấn công. Tất cả bọn họ đều từng là lính ở quê hương nơi họ sinh ra, nên họ đã có kinh nghiệm và được huấn luyện quân sự. Có rất nhiều nhân viên phục vụ trong trại được mướn từ các nước cộng sản Đông Âu cũ làm việc trong nhà giặt, nhà ăn, sửa chữa, quét dọn từ Slovenia, Czech v…v…
Một số rất đông người đi theo từng nhóm sắc dân khác nhau. Tất cả bắt buộc phải khẩu trang che miệng, nói chuyện râm ran bằng ngôn ngữ riêng của họ. Những ngày ở đây, tôi quen một người Ấn Độ làm việc trong trại tên Rajish Kumar, 34 tuổi. Anh tâm sự anh đã làm việc nhiều năm ở đây, cứ mỗi 6 tháng anh được hãng mua vé cho bay về thăm nhà ở phía Đông Bắc Ấn Độ, gần dãy Hymalaya. Lương anh $730/tháng, được cho ở và ăn uống theo tiêu chuẩn Mỹ, có bảo hiểm sức khỏe, anh thấy vui lắm rồi vì ở quê anh, một người đi làm chỉ được $300/tháng, 6 tháng mùa đông tuyết phủ, nằm nhà chơi mà không có tiền.
Đây là một căn cứ quân sự lớn với một phi trường có thể đáp những vận tải cơ quân sự khổng lồ của không quân Mỹ. Dân số trong trại thay đổi từ 30,000 đến 80,000 người vào lúc cao điểm nhất. Ngày cũng như đêm, người và xe cơ giới qua lại tấp nập. Những chiếc chiến đấu cơ F-16, A-10 Tank-killers, phi cơ thám thính C-12, trực thăng Apache, Black-Hawks, Chinooks lên xuống đều đặn và liên tục, thực hiện nhiệm vụ ngày đêm. Thành phố quân sự này hầu như không lúc nào ngủ.
Phi công Mỹ đã quen đáp và cất cánh ban đêm không cần đèn. Cảnh 1 chiếc vận tải cơ không lồ C-17, lù lù xuất hiện, đáp xuống đường băng trong đêm đen là chuyện rất thường ở đây. Khi những càng đáp vừa bung ra, đèn phi hành (Navigation light), đèn đáp (Landing light), và đèn chớp (Strobe light) mới được bật lên. Khi cất cánh thì ngược lại: Phi cơ lấy đà chạy nhanh trên phi đạo, tất cả đèn đều sáng, nhưng khi vừa rời mặt đất, khỏi phạm vi phi trường, tất cả đèn đều được tắt vì lý do an ninh.
Con mắt “thiên lý nhãn” của trại là hai chiếc khinh khí cầu (blimps) lơ lửng trên cao ngày đêm quan sát toàn trại và vùng vành đai an ninh bên ngoài. Hai chiếc tàu bay này được làm bằng loại vải dày đặc biệt “canvas”, bên trong bơm khí helium, và được nối liền, thả bay lên một độ cao nhất định bằng dây cáp hợp kim. Trên đó được trang bị máy quan sát để nhìn xuống bên dưới. Vì lơ lửng ở một độ không cao lắm, nên nó có thể nhìn rất rõ người và các phương tiện đi lại bên dưới cả ngày lẫn đêm. Loại khinh khí cầu này cũng đang được xử dụng dọc biên giới Mỹ-Mễ để quan sát người vượt biên bất hợp pháp và những người đem lậu ma túy vào Mỹ.
Nhiều lần, lính gác bắt được nhiều tên đặc công đang bò đột nhập trại vào ban đêm nhờ hệ thống quan sát khinh khí cầu này. Họ cũng ngăn ngừa được những âm mưu dọ thám từ xa của địch khi chúng giả dạng làm người chăn cừu và đóng trại gần đó để quan sát tình hình bên trong trại. Chúng quan sát địa hình rồi báo lại cho đồng bọn tọa độ để bắn hoặc pháo kích. Địa hình phi trường là một lòng chảo, thung lũng được vây quanh bằng những dãy núi cao. Thay vì bắn cầu vồng, chúng sẽ bắn trực xạ, rất thấp để radar trong trại khó lòng khám phá.
Giấc ngủ của chúng tôi thường không tròn giấc, thỉnh thoảng bị tiếng bom, pháo đánh thức, tiếng nổ có khi gần bên làm rung chuyển căn nhà tiền chế 2 tầng mà chúng tôi đang ở. Chúng tôi phải mặc áo giáp, nón bảo vệ, chạy ra hầm trú ẩn, trong khi trực thăng cất cánh, đèn pha rọi khắp nơi, tiếng đạn pháo binh bắn trả lại nghe đinh tai. Khi nào nghe loa thông báo “All clear”, chúng tôi mới trở lại tiếp tục giấc ngủ bị đứt đoạn.
Nhớ ngày còn nhỏ, khi cuộc chiến Việt Nam vẫn đang diễn ra hằng ngày, chúng tôi thường nghêu ngao một cách vô tội vạ “Em ơi đừng lấy pháo binh, đêm đêm nó thụt rung rinh cả giường”. Bây giờ ngẫm lại mới thấy thật đúng. Mỗi khi phe ta bắn ra, ngoài cái loa phóng thanh điếc tai thông báo “out-going” 3 lần, tiếng đạn pháo nổ nghe đinh tai nhức óc và rung chuyển cả giường, cả tòa nhà đều rung lên bần bật, không ai có thể ngủ được.
Một người bạn kể, năm ngoái, chúng tấn công vô nhà thương nằm ngay cổng trại bằng 2 xe bom, mỗi xe chở 500 pounds chất nổ. Tòa nhà bị san bằng sau một tiếng nổ khủng khiếp làm tất cả mọi người trong trại thức giấc vì tưởng động đất. Địch chiếm tòa nhà kế bên, dùng nơi đó làm bàn đạp để tiến vào trại. Trực thăng Apache phải bắn 2 hỏa tiễn Hell-Fire vào mới tiêu diệt được chúng.
Chắc chúng ta vẫn còn nhớ vào ngày 3, tháng 1, năm 2020, máy bay không người lái của Mỹ bắn hạ tên đầu sỏ khủng bố người Iran, tướng Soleimani. Sau đó, quân đội Iran bắn trả thù vào hai căn cứ quân đội Mỹ ở Iraq, nơi lính Mỹ và nhân viên dân sự như chúng tôi đang đồn trú. Chúng bắn 16 trái hỏa tiễn địa đối địa, (ballistic missiles) tầm ngắn, vào 2 trại Al Asad và Erbil. Al Asad lãnh trọn 11 trái và Erbil 1 trái nhưng không nổ, còn 4 trái lạc mục tiêu ra ngoài. Cũng nên biết Iraq và Iran có cùng chung 1 biên giới: Iraq phía Tây, Iran phía Đông, nên chúng xài loại hỏa tiễn tầm ngắn.
Trước khi bắn, Iran có thông báo cho phía Mỹ biết sẽ tấn công bằng hỏa tiễn nhưng không cho biết thời gian và mục tiêu. Họ làm vậy để giữ thể diện với dân nước họ và quốc tế. Họ sợ rằng Mỹ sẽ đáp trả nặng nề hơn nếu đánh lén mà không cho hay. Ngay sau cuộc tấn công, Tổng Thống Trump thông báo nếu Iran còn tiếp tục tấn công làm thiệt hại đến nhân mạng và tài sản, Mỹ sẽ bắn nát 52 địa điểm ở Iran. Khi họ khai hỏa, vệ tinh Mỹ phát giác sớm, báo cho 2 căn cứ biết, nhờ vậy mà mọi người có đủ thời giờ mang áo giáp, nón bảo vệ, chạy ra núp ở trong bunker, nếu không thương vong sẽ rất nặng nề. Họ bắn 3 đợt, lần thứ nhất lúc 01:35, 01:42, và đợt cuối lúc 02:06, chấm dứt lúc 04:00 ngày 8, tháng 1.
Các căn cứ quân đội Mỹ hiện tại không được trang bị loại hệ thống phòng thủ để bắn chặn những hỏa tiễn lớn như hai loại Qiam và Fateh (1) của Iran xài trong cuộc tấn công nên lúc đó ta không thể bắn trả lại được. Sau vụ tấn công này, quân đội Mỹ mới cho chở sang Trung Đông và trang bị cho một vài căn cứ loại hỏa tiễn siêu thanh Patriots là loại có thể bắn chặn các tên lửa lớn trước khi chúng bay đến mục tiêu. Cũng cần nên biết một hỏa tiễn bắn chặn mắc tiền (khoảng $12 triệu 1 cái) hơn nhiều so với một hỏa tiễn bình thường vì tốc độ phải nhanh và chính xác mới đón đường trước và phá hủy được hỏa tiễn đối phương.
Cuộc tấn công này tuy không giết chết ai nhưng làm hư hại một vài tòa nhà lẫn nơi ở của người Mỹ và làm cho gần 60 người vừa lính lẫn dân sự bị TBI, Traumatic Brain Injury, hội chứng sợ hãi quá mức. Tôi có người bạn làm việc ở đó lúc xảy ra cuộc tấn công. Tất cả lính và nhân viên dân sự trong trại được báo động, chạy vào bunkers, Phát nổ đầu tiên cách bunker 80 feet làm anh ta choáng váng đầu óc và lỗ tai lùng bùng. Anh nói chưa bao giờ trong đời anh ta nghe những tiếng nổ lớn khủng khiếp đến vậy.
Quá sợ hãi, ngay sáng hôm sau, anh xin hãng cho về lại Mỹ ngay lập tức với lý do bệnh lý như trên.
Anh cũng kể thêm về những nhân viên dân sự khác, người thì bị té từ trên thang xuống trẹo mắt cá chân, người thì bị ra máu lỗ tai vì hỏa tiễn nổ sát bên ngoài bức tường T-Wall, cách 2 feet, làm nguyên bức tường bê tông cốt sắt, nặng 40 tấn, cao khoảng 18 feet, dầy cỡ 20 inches, rộng 6 feet, đổ sập đè lên bunker, nơi anh ta đang nấp trong khi những người khác thì bị té ngửa ra sau vì sức ép của trái hỏa tiễn. Tôi rất may mắn không làm việc ở đó mà đã trở về nhà sau chuyến công tác từ 1 căn cứ khác ở Philippines.
Một lần, khoảng 2 giờ sáng, theo thông lệ, tôi và một người bạn làm chung đang đi dạo quanh trại để thư giãn và tiêu cơm sau những giờ ngồi lâu ở văn phòng. Chúng tôi vô tình đi vào khuôn viên của tòa nhà CIA. Một chiếc MRAP, Mine Resistance Ambush Protected, xuất hiện và ra lệnh cho chúng tôi dừng lại. Họ coi thẻ và hỏi chúng tôi làm việc ở đâu. Sau khi biết chỗ chúng tôi làm, họ yêu cầu đừng đi vào khu vực này nữa vì hệ thống cameras báo cho biết có người lảng vảng gần khu vực cấm. Bấy giờ chúng tôi mới để ý có nhiều cameras được gắn trên cao nhìn xuống tất cả mọi con đường dẫn đến cổng ra vào của khu vực.
Trên đường chúng tôi đi bộ trở lại nơi làm việc, hệ thống báo động vang lên inh ỏi và loa thông báo 3 lần “incoming, take cover”, địch bắn vô, kiếm chỗ nấp. Hai đứa vội vàng sải bước thật nhanh kiếm một bunker gần đó để chui vào, nhưng không kịp nữa rồi, một tiếng đạn rít trên cao và dàn pháo C-RAM phòng thủ, Counter-Rocket Artillery Mortar, còn được gọi là Iron Dome, gầm lên, bắn một loạt đạn 20 ly, trúng trái đạn pháo của địch tóe lửa, phá hủy nó trên không, và rơi xuống một nóc nhà cách đó không xa. Tiếng trái pháo địch xé không khí quay tròn, rơi xuống trong không gian nghe đến lạnh người. Ngày hôm sau ra coi, thấy nóc nhà lủng một lỗ đường kính cỡ gần 2 thước nhưng không thiệt hại nhân mạng.
Hệ thống phòng thủ C-Ram là một pháo tháp súng lớn 6 nòng bắn đạn 20 milimeters, được gắn trên một rờ mọc lớn để có thể di động dễ dàng đến nơi mình muốn đặt. Nó có thể bắn rất nhanh đến 4500 viên một phút. Một cái ấn nút bắn ra 300 viên đạn. Nó chỉ được dùng để bắn chặn những loại đạn pháo nhỏ mà thôi. Được chế tạo bởi hãng Raytheon, nó được điều khiển bằng computer, khi hệ thống radar phát giác có đạn pháo binh, súng cối, hay phóng lựu bay đang hướng về mục tiêu, nó báo động rất nhanh và người lính ngồi trực chỉ cần ấn nút khai hỏa, hệ thống sẽ tự động bắn rơi đạn của địch ngay ở trên không, khiến nó rơi xuống mà không bị phát nổ. Nói theo Kim Dung tiên sinh của truyện kiếm hiệp là kẻ địch phóng một loạt ám khí, phe ta chỉ cần cầm đôi đũa tre gạt một cái là chúng rơi lả tả xuống đất, hoặc gắp lấy ám khí khi chúng còn lơ lửng trên không, rồi bỏ vào đĩa làm mồi nhắm rượu.
Khu nhà tôi ở là một trong 5 dãy nhà 2 tầng, chung với lính Mỹ nhưng cách biệt với khu của những người làm công trong trại mà chúng tôi gọi là TCN, third-country-nationals, người đệ tam quốc gia. Chung quanh được bao bọc bởi những bức tường bê tông dày 18 inches và cao khoảng 18-20 feet, có thể ngăn được những trái đạn pháo để bảo vệ an toàn cho chúng tôi.
Các khu khác của người TCN thì không được sạch sẽ cho lắm vì lối sống của họ hơi bầy hầy và ý thức vệ sinh không cao. Còn có những khu cấm không cho bất cứ người nào trong bọn họ được lai vãng gần như chỗ chúng tôi làm việc. Nơi cổng ra vào, chúng tôi phải trình giấy tờ, bằng lái xe đặc biệt, trước khi người lính gác Mỹ bấm nút, hạ tấm bửng dày 20 ly xuống để xe đi qua. Khi lái xe trong khu vực này, phải để đèn emergency light nhấp nháy liên hồi và chỉ được lái với tốc độ tối đa 8 miles/ giờ.
Mỗi tối, tôi làm việc từ 11 giờ đêm đến 11 giờ sáng hôm sau. Lái xe vào khu vực phi trường để đến chỗ làm, sau khi họp giao ban xong, khoảng 11:30 đêm chúng tôi lái xe đi lấy đồ ăn sáng nơi nhà ăn mà chúng tôi gọi là DFAC hay Chow Hall. Nhà ăn mở cửa gần như 24 giờ để những ai làm việc ca đêm, có thể đến lấy đồ ăn đem về nơi làm việc. Từ ngày có dịch Covid lây lan, tất cả mọi người trong trại đều phải đến lấy đồ ăn to-go, không được ngồi xuống bàn ăn như trước và cũng để tránh tụ tập một chỗ đông người, để lỡ có bị bắn vào thì số tử vong cũng không cao lắm. Bước vào bên trong, mọi người đều mang khẩu trang và bắt buộc phải rửa tay bằng nước thật nóng với xà bông trước khi chọn thức ăn. Nhân viên dân sự và những người TCN, không ai được phép đội mũ, mang ba lô hay túi xách vào bên trong ngoại trừ quân nhân với vũ khí của mình.
Trước đây, trại có nhà hàng tư nhân, tiệm Pizza, rạp chiếu phim và tất cả các dịch vụ khác như trong một thành phố nhỏ. Khi nạn dịch xảy ra, tất cả đều đóng cửa. Ngay cả hai cửa tiệm PX, họ cũng đóng bớt một tiệm. Đường xá trong trại lúc nào cũng tấp nập xe cộ và người qua lại, đôi khi gây ra kẹt xe. Sau cuộc tấn công hỏa tiễn ở Iraq và nạn dịch lây lan, không còn cảnh kẹt xe nữa vì ngay cả người lao công trong trại cũng không dám đến đây xin việc làm.
Có người bạn hỏi tôi sao lại thích đi làm những nơi nguy hiểm như vậy? Vượt biên không chết mà chết vì bom đạn khi ở Mỹ rồi thì thật là lãng nhách. Xin thưa không phải là tôi không sợ chết hay vì tôi can đảm hơn người khác. Tôi tình nguyện đi đến những nơi chiến tranh như vậy để phần nào trả ơn nước Mỹ đã cưu mang tôi và dân tộc tôi. Nếu ai cũng nghĩ một cách yếm thế như vậy, thì lấy ai đi vào những nơi gian khổ, hiểm nguy để góp phần mang lại cuộc sống an bình cho những người dân Mỹ ở hậu phương.
Khi đang viết những giòng chữ này, tôi vẫn đang làm việc nơi vùng lửa khói, đọc báo thấy cuộc hòa đàm giữa chính phủ Mỹ và bọn phiến quân khủng bố vẫn đang tiếp diễn mà chưa có kết quả khả quan; thậm chí bọn chúng vẫn đặt bom phá hoại và tấn công vào các tòa nhà chính phủ địa phương, giống như chiến thuật vừa đánh vừa đàm của Việt Cộng ngày xưa. Hy vọng cuộc thương thuyết sẽ mang đến một quả tốt đẹp để người lính Mỹ có thể trở về với gia đình và tôi cũng không phải đi công tác vào chốn nguy hiểm mà tận hưởng thời gian với người thân và gia đình của mình.
Nguyễn Văn Tới
REFERENCES:
-
Mời đọc để biết về khả năng của hỏa tiễn do Iran chế tạo