Hôm nay em đọc báo đảng. Giữa ngồn ngộn chữ nghĩa và vô số tin… tức thì nhà em tức nhất là tin : “Loạn chữ Trung Quốc trong các hang động trên vịnh Hạ Long: Di sản thiên nhiên thế giới bị bôi bẩn”.
Nguồn ảnh :Nguyễn Hùng (Báo Lao Động)
Không tức sao được khi Vịnh Hạ Long không những là di sản của Việt Nam mà còn là di sản của thế giới (hẳn hoi). Mà đã là di sản của nhân loại thì việc quản lý, gìn giữ và bảo tồn phải đặc biệt và ưu tiên hơn những di sản khác không phải, hoặc chưa được thế giới công nhận, mới đúng chứ.
Cái tức thứ nhất, trong bài báo viết: “nhiều dòng chữ viết bằng sơn ngay vách hang mà hầu hết những nhân viên của Ban Quản lý vịnh Hạ Long đều không rõ về lai lịch và thậm chí nghĩa của những dòng chữ Trung Quốc này.”
Từ việc Ban Quản lý tù mù không rõ những dòng chữ kể trên nên mới dẫn đến một số chuyên gia nhảy vào “phỏng đoán”. Hết phỏng đoán “do công nhân Trung Quốc viết vào khoảng năm 1998, khi họ sang thực hiện dự án lắp đặt hệ thống chiếu sáng trong một số hang động trên vịnh Hạ Long” lại lý giải: “Có lẽ khi họ lắp thiết bị chiếu sáng ở những vị trí đó tiện tay viết luôn, chứ không ai rảnh rỗi hoặc có đủ khả năng trèo lên viết nếu không có máy móc, thiết bị hỗ trợ”.
Ngay cả nhà báo, tác giả bài viết cũng phỏng và đoán như sau: “Những chữ ở trên cao, theo phỏng đoán, có thể do những du khách chuyên leo núi viết”.
Còn em thì tù mà tù mù không hiểu mô tê răng rứa, không biết nên tin vào sự phỏng …đoán của các chuyên gia, hay của bác nhà báo đảng. Nhưng có tí thắc mắc rằng tại sao cứ lại phải thuê, mướn, hợp đồng với Trung cộng mà không phải một đối tác nào khác. Và khi công nhân bên Tầu thi công (lắp đặt hệ thống chiếu sáng) lại không có bên Ta giám sát, là sao? Nói thế nó vô lý lắm. Khác gì việc mày vào nhà tao, muốn làm gì là quyền của mày, tao không cần biết.
Rồi trong phần tiểu đề mục “Không thể để di sản thiên nhiên thế giới bị bôi bẩn”, có vài chi tiết em thấy khá thú vị, nhưng vẫn…tức. Bà Phạm Thùy Dương – Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long, bẩu rằng: “Chúng tôi cùng các chuyên gia đã nghiên cứu, khảo sát kỹ và thử một số giải pháp, trong đó có dùng một số chất hóa học để rửa nhưng không xóa được chữ. Không hiểu họ dùng chất gì để viết lên đá. Vừa rồi, chúng tôi mời chuyên gia địa chất của New Zealand giúp. Ông ấy có gửi một số phương pháp sang và đang thử nghiệm ở quy mô nhỏ nhưng có vẻ không hiệu quả”.
Ơ hay, một khi đã là “đỉnh cao trí tuệ của nhân loại” thì việc xác định mấy cái chất liệu vẽ lên tường chỉ là chuyện nhỏ…như con thỏ mà thôi. Nếu không xác định được nữa thì ngoài việc mời chuyên gia địa chất từ New Zealand, mời thêm các chuyên gia bên Tầu cho chắc ăn. Vì dù sao cũng có một số chuyên gia trong nước phỏng (đoán) thủ phạm viết những dòng chữ ấy là dân Tầu. Nếu Tầu viết, thì Tầu biết xóa, hợp lý thế,… chứ còn gì nữa. Anh em bốn tốt mười sáu chữ vàng để nhờ… vả nhau những lúc thế này, chứ còn đợi đến khi nào nữa.
Đọc chi tiết này mới buồn cười, và hết tức vì… không còn có thể tức thêm được nữa: “Theo một du khách, khi đến thăm hang Đầu Gỗ đã chụp một số chữ đem về nhờ người biết chữ Trung Quốc dịch, nhưng chữ mờ, không dịch được hết”.
và
“Dẫu không ai biết chính xác những dòng chữ Trung Quốc trong các hang động trên vịnh Hạ Long có từ khi nào và do ai viết, nhưng tất cả đều khẳng định: Không phải là chữ cổ”.
Đã khẳng định không phải chữ cổ, thì đích thị là chữ Tầu phổ thông rồi. Sao phải chờ đến “một du khách đến thăm” rồi chụp lại chữ mang về hỏi “người biết chữ Trung Quốc”? Chả lẽ Ban Quản lý tự thân không thể làm nổi việc này?
Đọc hết bài báo, em bỗng thương hại mình. Một thời viết chữ trên vải ngồi tọa kháng tại nhà rồi bị người ta lôi đi, quẳng cho bốn năm tù giam, khuyến mại thêm ba năm quản chế. Lẽ ra thì giờ này em phải có mặt trên phường để “báo cáo về việc thực hiện quy định quản chế” theo lệnh triệu tập lần thứ 9 liên tiếp của nhà chức trách địa phương. Cơ mà em không đi, nên mới rảnh rỗi đọc báo đảng để… ấm ức.
Khi bắt em, các quan bảo rằng em bị “bắt quả tang” đang tọa kháng tại nhà với khẩu hiệu có “nội dung xấu”. Nội dung “xấu” ấy là “ Trường Sa- Hoàng Sa là của Việt Nam. Phản đối Công hàm bán nước ngày 14/9/1958 của Phạm Văn Đồng”. Nhưng cái băng rôn và khẩu hiệu mang nội dung “xấu” ấy chưa bao giờ có cơ hội hiện hình trên mặt báo đảng, nơi có những bài viết kết tội và chửi em nhan nhản, để bàn dân thiên hạ được phán xét cả. Và em cũng đâu có mần việc lén lút để mà “bị bắt quả tang” hay quả tạ gì đâu. Đã thế, hồi đó ông Lê Dũng-người phát ngôn Bộ ngoại giao, trong một cuộc họp báo còn khẳng định là không bắt em. Thời điểm ông Dũng phun châu nhả ngọc, em đã ăn cơm tù được mười sáu bữa.
Em không biết chữ Tầu, và cũng không có ý định học chữ Tầu hay tiếng Hán, tiếng Háng gì sất. Song cũng đồng tình với bác nhà báo đảng rằng những chữ viết trong các hang động trên Vịnh Hạ Long là chữ Trung Quốc. Và “ khó có thể chấp nhận sự tồn tại, mà lại là sự tồn tại quá lâu của những dòng chữ đó ở một nơi đặc biệt như vịnh Hạ Long, dù chỉ xét riêng trên góc cạnh quản lý văn hóa đối với danh thắng này”.
Nội dung những chữ Trung Quốc ấy thì em… chịu. Em còn phải chờ các bác thẩm định sao, em tin vậy. Nhưng những chữ mà nhà em viết trên tường, trên áo, trên cả tấm băng rôn thì không cần các chuyên gia chuyên vào, chỉ cần là người Việt Nam thì đều đọc và hiểu được.
Những chữ ấy đây:
Những chữ ấy, dù mang nội dung khác nhau cũng cùng chung một thông điệp nhà em muốn gửi gắm: Toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam, không chấp nhận lệ thuộc Trung cộng.