Người nước ngoài dè dặt với Luật Nhà ở mới của Việt Nam

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Một tòa nhà chung cư (giữa) đang xây cất ở Hà Nội, ngày 1 tháng 7, 2015.

14.09.2015
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH —  Khi người Việt Nam mua nhà, cái máy mà họ mang theo cho những giao dịch này được dùng để đếm tiền, không phải để quẹt thẻ tín dụng. Chuyên gia bất động sản Marc Townsend nói đó là đặc điểm của thị trường bất động sản Việt Nam: người mua nhà thanh toán bằng tiền mặt, không phải bằng khoản vay.

Một số người cho rằng việc này sẽ thay đổi khi bất động sản ở Việt Nam mở ra cho người nước ngoài, những người muốn nhận thế chấp hơn là bỏ tiền mặt ra để mua nhà.

Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 lẽ ra sẽ khiến tình hình thay đổi, cho người nước ngoài phần lớn những quyền sở hữu giống như người Việt. Hơn hai tháng trôi qua nhưng không mấy ai đổ xô mua những căn hộ cao cấp và biệt thự.

Tình trạng bất định khơi lên tâm lý do dự này trong khi người nước ngoài chờ xem nhà chức trách sẽ thực thi luật mới ra sao. Ở Việt Nam, những luật lệ mới có xu hướng mang tới ít thay đổi cho đến khi chính phủ công bố hướng dẫn sử dụng. Những người làm trong lĩnh vực bất động sản nói họ ngạc nhiên là sau hai tháng, những nghị định và thông tư hướng dẫn vẫn chưa thấy đâu.

Chẳng ai muốn làm trước

“Đó là vùng cấm địa,” ông David Blackhall, tổng giám đốc công ty đầu tư bất động sản VinaCapital Real Estate, nói. Ông cho biết chẳng ai muốn làm chuột thí nghiệm cho những luật mới cả.

Một nguồn gây nên tình trạng bất định là việc chuyển tiền, đặc biệt là chuyển tiền xuyên biên giới. Luật Nhà ở cho phép người nước ngoài nhận thế chấp, cho thuê nhà, và giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà trong 50 năm mà có thể gia hạn thêm 50 năm nữa. Nhưng nếu họ bán nhà, chưa rõ họ có thể gửi tiền về nước ra sao.

Những quy định chống rửa tiền đã khiến những giao dịch xuyên biên giới rất khó khăn ở Việt Nam, đặc biệt là chuyển tiền đi. Các ngân hàng thường yêu cầu người chuyển tiền phải chứng minh nguồn thu nhập của họ và hạn chế khoản tiền chuyển đi theo mức hàng tháng, ngoài những quy định về giấy tờ và những lệ phí khác.

Ông Townsend, tổng giám đốc công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản CBRE Vietnam, cho biết khi đến những nơi lân cận như Tokyo, ông gặp những nhóm khách hàng nước ngoài lùng tìm cơ hội mua nhà. Song điều này không diễn ra ở Việt Nam.

“Chúng tôi không thấy những xe buýt chở đầy khách Trung Quốc,” ông phát biểu hồi tuần trước tại một hội thảo về địa ốc do Phòng Thương mại Canada tổ chức. Ông Townsend cho biết có sự miễn cưỡng tương tự ở những nhà phát triển địa ốc và đầu tư địa ốc nước ngoài từ Singapore và Hong Kong. “Những người này vẫn chưa leo lên máy bay [tới Việt Nam].”

Cần thêm cải cách nữa

Nhiều người nước ngoài có thể tới nếu Việt Nam nới lỏng một số hạn chế trong Luật Nhà ở, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh. Ông cho biết tại hội thảo rằng những nhà hoạch định chính sách có thể khuyến khích người nước ngoài bằng cách cho người mua nhà thị thực nhập cảnh nhiều lần trong khoảng thời gian từ một tới ba năm. Theo luật, bất cứ ai có thị thực nhập cảnh Việt Nam hợp lệ, dù chỉ một ngày, cũng có thể mua nhà.

Nhưng một điểm vướng mắc lớn là giới hạn sở hữu nước ngoài 30 phần trăm đối với một tòa nhà chung cư, hoặc 250 căn nhà trong một phường.

Ông Châu nói rằng chính phủ nên để cho nhà chức trách địa phương quyết định việc này vì nhu cầu mỗi nơi mỗi khác. Thí dụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quận 2 và Quận 7 nổi tiếng là những khu vực đã bão hòa về số người nước ngoài, cũng như Quận Bình Thạnh và Quận 4.

“Chúng tôi chỉ muốn có một sân chơi bình đẳng cho người dân địa phương và người nước ngoài,” ông Châu nói.