Phiên họp lịch sử của Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ với TT Gerald Ford ở Bạch Cung ngày 14 tháng 4 năm 1975 và quân viện cấp thời cho VNCH đã bị các nhà lập pháp phản chiến từ chối
Tổng Thống Richard Nixon tuyên thệ nhậm chức ngày 20 tháng 01 năm 1969. Cũng trong năm này ông khởi đầu chương trình “Việt Nam Hóa Chiến Tranh” nhằm phát triển Quân Lực VNCH để thay thế Quân Đội Hoa Kỳ.
Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh là bất khả thi vì thời gian quá ngắn và hạ tầng cơ sở của miền Nam khi ấy không đủ khả năng để cáng đáng một quân đội hiện đại kiểu Mỹ.
Ngày 25 tháng 01 năm 1969, chỉ sau 5 ngày tuyên thệ nhậm chức TT Nixon bắt đầu đàm phán ngưng bắn với phe Việt Cộng. Tháng 9 cùng năm Nixon cho rút về nước 35 ngàn binh sỹ từ một quân số 554 ngàn do TT Lyndon B. Johnson (LBJ) để lại. Mức thống kê của quần chúng Mỹ ủng hộ việc rút quân của Nixon khi ấy tăng vọt lên 71%. Ở mốc điểm này số binh sỹ tử trận ở Việt Nam đã lên tới gần 40 ngàn và phong trào phản chiến đang lên cao.
Năm 1970 Nixon ra lịnh quân đội Mỹ phối hợp với quân đội VNCH tấn công qua Cambodia để tiêu diệt cở sở hạ tầng của Việt Cộng.
Năm 1971 Nixon lại ra lịnh Không Lực Hoa Kỳ yểm trợ để khoảng 35 ngàn binh sỹ VNCH tiến vào Hạ Lào. Một cuộc hành quân mà các tướng lãnh Hoa Kỳ đòi hỏi 60 ngàn quân mới đủ sức đánh vào các cơ sở kiên cố của địch ở Nam Lào.
Khi Việt Cộng tấn công miền Nam vào mùa hè đỏ lửa 1972, Richard Nixon cho Không Lực Hoa Kỳ đánh bom ồ ạt để yểm trợ quân đội VNCH phản công. Thời gian ấy quân số Hoa Kỳ đồn trú ở Việt Nam chỉ còn 69 ngàn chỉ có nhiệm vụ yểm trợ, ngoại trừ một số cố vấn Mỹ hoạt động trong các đơn vị tác chiến VNCH với nhiệm vụ chính là gọi phi pháo và tải thương.
Trong các bộ sách sử của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ấn hành, ghi lại từ các tài liệu thâu băng và biên bản các phiên họp được được giải mật sau 40 năm giấu kín. Các bộ sách ấy quần chúng có thể đặt mua tại US Printing Office.
Các cuốn sách làm người đọc thấy Nixon can thiệp vào các trận đánh ở Đông Dương rất sát (micromanagement) như đang làm chủ chiến trường. Nixon gọi các đơn vị tác chiến VNCH ở Hạ Lào và vào mùa hè đỏ lửa bằng chủ từ “chúng ta” (we). Ông ta chất vấn một tướng lãnh Mỹ đang thuyết trình ở Bạch Cung: “Thủy Quân Lục Chiến của chúng ta chiến đấu tốt lắm phải không?”. Ý nói Thủy Quân Lục Chiến của VNCH. Nixon cũng đã cách chức một vị tướng Mỹ vì đã không yểm trợ hữu hiệu cho các trận đánh của VNCH.
Sự can thiệp quân sự mạnh mẽ đánh đông dẹp tây và giữ lời hứa rút quân đội Mỹ về nước đã giúp Nixon thắng cử “long trời lở đất” (landslide) ở nhiệm kỳ hai tháng 11 năm 1972, chưa từng thấy hiện tượng này trong lịch sử Hoa Kỳ. Nhưng đây cũng là thời điểm Richard Nixon và miền Nam bắt đầu đi vào tử lộ.
Ngoại Trưởng Henry Kissinger tuân lịnh Nixon “đi đêm” mật đàm với phe Việt Cộng để tiến tới hiệp định ngưng bắn Paris. Nhiều người Việt nguyền rủa Kissinger “đi đêm với giặc Cộng đâm sau lưng VNCH”. Nhưng đó là nghề của Ngoại Trưởng Mỹ đại diện tổng thống đi bắt tay và cười tình với kẻ thù để đạt mục đích cho nước Mỹ. Nó không khác gì với trường hợp Ngoại Trưởng Mike Pompeo tuân lịnh TT Trump bí mật đàm phán riêng với khủng bố Taliban và bỏ xó đồng minh Afghanistan ngồi một cục cô đơn bên ngoài.
Cũng trong các tài liệu giải mật của Bộ Ngoại Giao, Henry Kissinger đã tuân lịnh TT Gerald Ford người kế vị Nixon bương bả đi tìm quân viện cho VNCH ở những tháng cuối cùng, và cũng chính Henry Kissinger vận động Nam Hàn và Đài Loan đem tàu chiến đến để chở người Việt đi tỵ nạn.
Ngày 14 tháng 11 năm 1972 Nixon gởi TT Nguyễn Văn Thiệu một lá thơ trấn an có nội dung “sẽ trừng phạt nhanh chóng và tàn khốc nếu Việt Cộng vi phạm (hiệp định ngưng bắn)” (to take swift and severe retaliatory action). Tuy nhiên TT Thiệu vẫn chống đối các điều khoản phi lý của Hiệp Định Paris và Nixon đe dọa sẽ cúp quân viện nếu ông không chịu ký.
Nhưng Richard Nixon đã không còn khả năng để trả đũa trừng phạt ai nữa vì ông ta dính vào vụ nghe lén đảng Dân Chủ ở Watergate vào tháng 6 năm 1972. Vụ án này đã kéo dài vài năm và chiếc ghế tổng thống của Nixon đang rạn nứt từ từ, kéo theo miền Nam Việt Nam. Trong khi ấy quân đội VNCH bắt đầu phản công và chiến thắng trên nhiều mặt trận ở miền Nam, lấy lại một số vùng đất đã bị Cộng quân tạm chiếm.
Ngày 27 tháng 01 năm 1973 Hiệp Định Paris được ký kết. Hoa Kỳ sẽ phải triệt thoái quân đội khỏi miền Nam trong vòng 60 ngày. Ngược lại, các sư đoàn Cộng Sản được phép ở lại vùng chiếm đóng. Miền Nam khi ấy coi như có hai chính quyền: VNCH và quân xâm lược Việt Cộng. Nixon chỉ muốn rút quân với mọi giá và bỏ mặc sự gian lận của bản hiệp định ấy cho VNCH gánh chịu.
Vì những việc làm mờ ám của TT Nixon như vụ dùng B-52 bí mật oanh tạc Cambodia đã làm đảng Dân Chủ phản chiến điên tiết. Tháng 6 năm 1973 lưỡng đảng Quốc Hội Hoa Kỳ nhiệm kỳ 93 do đảng Dân Chủ nắm quyền đã thông qua đạo luật “Case–Church Amendment”. Đây cũng là bản án tử hình đầu tiên dành cho VNCH.
https://en.wikipedia.org/wiki/Case%E2%80%93Church_Amendment
Đạo luật Case–Church Amendment cấm quân đội Hoa Kỳ tham chiến ở ba quốc gia Việt Nam, Lào và Cambodia nếu không có sự chấp thuận của Quốc Hội. Mặc dù đạo luật này vẫn còn cho phép Hoa Kỳ viện trợ võ khí và kinh tế cho VNCH.
Dưới áp lực của vụ án Watergate vẫn còn một số nhà lập pháp Cộng Hòa binh vực cho sự sống còn của chính quyền VNCH nên số người bỏ phiếu cho đạo luật này diễn ra như sau. Hạ Viện: 325 phiếu thuận – 86 chống. Thượng Viện: 73 thuận – 16 chống. Ghi chú: Một số nhà lập pháp Cộng Hòa đã hùa theo bỏ phiếu thuận với đảng Dân Chủ. Thời ấy TT Nixon không được đại đa số các nhà lập pháp của Cộng Hòa tín nhiệm như TT Trump được đa số Cộng Hòa ủng hộ hiện nay. Thấy số phiếu thuận lớn hơn 2/3, nghĩa là không thể dùng quyền phủ quyết nên TT Nixon đành phải ký ban hành luật ấy.
Ngày 19 tháng 01 năm 1974 có lẽ thấy hạm đội của Hoa Kỳ đã rút khỏi khu vực Việt Nam nên Trung Cộng tấn công quần đảo Hoàng Sa. Chiến hạm HQ-10 của VNCH bị chìm và vài chiến hạm khác bị hư hại nặng. Nhiều chiến sỹ Hải Quân VNCH đã anh dũng hy sinh. Một số sống sót lênh đênh trên các bè cấp cứu.
Một số người quá căm phẫn và cho rằng Hoa Kỳ đã “bán đứng” VNCH cho Trung Cộng và ngay cả thủy thủ VNCH của HQ-10 lênh đênh trên biển cũng không chịu vớt.
Vấn đề Hoa Kỳ can thiệp ở trận Hoàng Sa để giúp VNCH không dễ dàng như nhiều người tưởng. Đạo luật Case – Church Amendment cấm Hoa Kỳ tham chiến ở đông dương. Muốn gởi chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Hải Quân Hoa Kỳ đến Hoàng Sa để đánh nhau với Trung Cộng và được Quốc Hội Hoa Kỳ chấp thuận là điều không tưởng. Đừng quên Hoa Kỳ là quốc gia có hệ thống tam quyền phân lập và Richard Nixon sắp bị Quốc Hội treo cổ.
Ngoài ra muốn cứu những người bị nạn đang lênh đênh trên biển cần phải huy động nhiều tàu chiến và máy bay để tiến hành một cuộc hành quân tìm kiếm và cứu cấp (search and rescue) ở khu vực vừa có giao tranh và có nhiều khả năng sẽ bị Hải Quân Trung Cộng bắn. Hải Quân Hoa Kỳ có dám qua mặt Quốc Hội để làm điều ấy không.
Ngày 9 tháng 8 năm 1974 Tổng Thống Richard Nixon từ chức vì biết lưỡng đảng Quốc Hội Hoa Kỳ do đảng Dân Chủ nắm quyền dư phiếu để truất phế ông. Phó Tổng Thống Gerald R. Ford lên thay.
Quốc Hội Hoa Kỳ do đảng Dân Chủ lãnh đạo còn bồi thêm một đòn chí tử. Họ cắt quân viện cho VNCH từ 1.26 tỷ mỹ kim một năm xuống 700 triệu đô la. Tháng 12 năm 1974, Bí Thư của đảng CSVN là Lê Duẩn hân hoan tuyên bố “Người Mỹ đã rút lui. Đây là cơ hội cho chúng ta”.
Tháng 4 năm 1975 khi miền Nam đang hấp hối ở giây phút cuối. Chính quyền Gerald Ford vẫn tìm cách tiếp cứu đồng minh bằng cách xin Quốc Hội 722 triệu đô la quân viện cấp thời cho VNCH đủ sức chống cự. Toàn thể TNS Dân Chủ và Cộng Hòa của Ủy Ban Đối Ngoại của Thượng Viện Hoa Kỳ yêu cầu được gặp mặt đối mặt với TT Ford để chất vấn. Đây là một cuộc gặp gỡ lớn lao của một Ủy ban Thượng Viện với Tổng Thống ở Tòa Bạch Ốc kể từ năm 1919.
Trong cuộc họp này vào ngày 14 tháng 4 năm 1975. Có những sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử chiến tranh Việt Nam là TNS Jacob Javits của tiểu bang New York thuộc đảng Cộng Hòa đã tuyên bố rất thô bạo và trịch thượng: “Tôi sẽ cho ông (Tổng Thống Gerald Ford) một số tiền lớn để di tản, nhưng sẽ không có một đồng cắt (5 xu) nào cho quân viện” (I will give you large sums for evacuation, but not one nickel for military aid).
TNS Joe Biden cũng ngồi trong đám người phản chiến hung hăng này. Đó là phát súng ân huệ dành cho dân quân miền Nam đang thoi thóp hấp hối.
Ngày 14 tháng 4 năm 1975 cũng là thời điểm mà Sư Đoàn 18 của VNCH đang anh dũng chống lại 3 Sư Đoàn chính quy CSBV ở mặt trận Xuân Lộc.
Ngày 14 tháng 4 còn là ngày Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi chỉ huy đơn vị thiết giáp VNCH được Biệt Động Quân “tùng thiết” tiến đánh ngọn đồi chiến lược 122 ở bắc Hưng Lộc để tìm cách bắt tay với Trung đoàn 52 của Sư Đoàn 18 ở hướng đông. Cộng quân bao vây đơn vị thiết giáp này từ ba hướng và dùng chiến thuật biển người. Binh sỹ của Tướng Khôi phản công. Khi tiếng súng ngừng thì các cánh đồng chung quanh cứ điểm 122, xác người nằm bao la. Sinh Bắc tử Nam. (sách Black April – tác giả George J Veith).
Khi cuộc chiến tàn ngày 30 tháng 4, TNS Joe Biden là người dẫn đầu sự chống đối nhận người tỵ nạn Việt Nam. Điều này khiến TT Gerald Ford vô cùng tức giận. Ford nói “họ là đồng minh trung thành của chúng ta. Họ không khác gì với những người tỵ nạn đến từ Hungary, Cuba, Do Thái, Liên Xô. Bỏ rơi họ là đi ngược lại giá trị của Hoa Kỳ. Họ xứng đáng được sống trong sự tự do ở Hoa Kỳ”.
Ngoại Trưởng Henry Kissinger thay Ford đàm phán với Thượng Viện đưa ra con số trên một triệu người miền Nam cần di tản và ông mặc cả con số ấy sẽ không thể xuống quá 174 ngàn. Nhưng TNS Joe Biden vẫn khăng khăng từ chối và viện cớ “chúng ta chỉ có thể di tản người Mỹ khỏi Việt Nam, còn di tản người Việt và quân viện cho chính phủ Nam Việt thì không thể”.
Một khuyến nghị về dự luật người tỵ nạn Việt Nam ở Ủy Ban Thượng Viện đã bị TNS Joe Biden bỏ phiếu chống, rồi bản báo cáo hội nghị về dự luật này trong cuộc bầu khoáng đại ở Thượng Viện cũng bị TNS Biden chống.
https://www.washingtonexaminer.com/…/the-us-has-no-obligati…
Năm 1976 Thống Đốc tiểu bang Georgia là Jimmy Carter thuộc đảng Dân Chủ thắng cử. TT Carter còn có biệt danh là “Người Nông Phu Đậu Phọng” (The Peanut Farmer) vì ông là chủ nhân một nông trại trồng đậu phọng. Jimmy Carter tiến hành một chánh sách đối ngoại chủ hòa làm nhiều quốc gia trên thế giới rơi vào tay Cộng Sản như Afghanistan và chế độ Hồi Giáo cực đoan như Iran.
Tuy nhiên TT Jimmy Carter được coi là người đạo đức không bị tai tiếng như những Tổng Thống Mỹ khác. Nhiều thuyền nhân Việt Nam đã mang ơn ông vì TT Carter đã ra lịnh Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ vớt tất cả người tỵ nạn Việt Nam trên biển.
Có hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam đã bỏ thây trong lòng biển và hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH đã thân tàn ma dại trong các trại tù Việt Cộng. Việt Nam trở thành một quốc gia Cộng Sản và nền văn minh nhân bản đã cáo chung. Đó là kết quả của một chính sách và khuynh hướng tháo chạy chủ bại của chính trường Hoa Kỳ.
https://www.washingtonexaminer.com/…/the-us-has-no-obligati…
http://www.msnbc.com/…/pics-the-day-the-senate-told-ford-no…
https://www.historyplace.com/united…/vietnam/index-1969.html
BÔNG LAU
(April 25-2020)