(Trích một chương trong truyện dài “Một Thời Mê Hoặc”)* TPV
Sau khi cơm nước xong xuôi, Phụng đứng dậy tới bên Mai nói với nàng.
-Gần giờ giới nghiêm rồi, em phụ cô Thủy dọn dẹp chén đĩa rồi xin phép thày mẹ lo cho các con về để anh còn kịp tới sở. Quay lại phía song thân anh nói.
-Đêm nay con phải vào sở tiếp việc trực gác với anh em nên không thể ở lại khuya hầu chuyện thày mẹ được. Mai con sẽ đưa nhà con và các cháu lên chúc tuổi thày mẹ sớm.
Sau một thoáng suy nghĩ, ông Nguyễn nhìn con trai và con dâu rồi âu yếm ngó ba đứa cháu, dè dặt lên tiếng.
-Hay anh cả để chị và các cháu ở đây đón giáo thừa với thày mẹ?
Nghe lời đề nghị của cha, Phụng quay nhìn vợ bằng cặp mắt do hỏi. Mai chưa kịp lên tiếng tỏ bày ý kiến thì lũ nhỏ đã reo lên mừng rỡ. Bé Bình nhìn bố liến thoắng.
-Bố cho mẹ và chúng con ở đây ăn Tết với ông bà nội đi bố. Về nhà bây giờ chán lắm.
Vợ chồng Phụng nhìn ba con cười hiền. Không đợi ý kiến của Mai, anh quyết định thật nhanh. Hướng về phía em gái anh nói.
-Em Thủy thu xếp chỗ ngủ cho chị và ba cháu giúp anh nhé.
Thủy mừng ra mặt. Nàng nhìn người anh lớn bằng cặp mắt trìu mến và biết ơn rồi bước tới bên các cháu vừa cười vừa nói.
-Bố cho phép rồi, các con có thích không?
Cả ba cái miệng cùng la lên một lượt
-Dạ thưa cô có.
Phụng cầm chiếc nón nhà binh xoay xoay nhìn vợ hỏi.
-Anh tạt về nhà trước khi tới sở. Em có cần lấy thêm thứ gì không?
-Anh không nhắc thì em quên khuấy đi mất, Anh nhớ lấy quần áo, giày dép cho em và các con. Anh chờ một chút để em ghi ra mảnh giấy cho anh dễ nhớ, đỡ mất thì giờ.
Nói xong nàng tất tả đi vào phía trong. Một chập sau nàng trở ra trao cho chồng mảnh giấy gấp tư, lên tiếng dặn dò.
-Tất cả quần áo của em và các con đều treo trong tủ đứng. Giày dép trong cái tủ thấp kê ở góc phòng ngủ. Anh nhớ đừng lục lọi lung tung, em lại phải mất công xếp đặt lại.
Trong khi vợ chồng Phụng trao đổi với nhau, ông Nguyễn bỏ vào phòng trong. Lúc ông bước ra mọi người ngạc nhiên thấy ông mặc áo dài thêm áo ấm khoác ngoài, trên tay còn cầm chiếc khăn quàng màu cà phê sữa. Bà Nguyễn cất tiếng hỏi.
-Giờ này ông còn tính đi đâu nữa?
-Tôi muốn theo anh cả ra ngoài cho thoáng, ở nhà bí quá, nhân tiện quan sát cảnh phố phường trong đêm trừ tịch.
Bà Nguyễn chưa kịp nói gì thì Thủy vỗ tay la lớn.
-Thật ngô! Bữa nay thày phá lệ, dám ngồi xe Jeep với anh cả đi dạo phố.
Như không để ý tới câu nói của cô con gái út, ông Nguyễn quay nhìn Phụng nói.
-Thôi cha con mình đi để anh còn kịp trở về sở không muộn rồi.
Phụng chào mẹ, nối gót thân phụ bước ra ngoài, trong khi anh loay hoay trong đầu những thắc mắc vừa gợi lên qua nhận xét của người em gái.
Kiểm điểm lại thái độ của cha trong quá khứ, Phụng chợt nhận ra đây là lần đầu tiên ông chịu ngồi chung xe nhà binh với anh. Từ bao nhiêu năm nay dù có việc vội đến mấy, khi ông có việc bất chợt phải ra ngoài, Phụng xin cha để anh chở đi cho tiện, ông Nguyễn đều tìm cớ thoái thác nói là không quen ngồi xe jeep trống trải sợ bị chóng mặt hắt hơi sổ mũi. Anh thoáng nhớ lại lời nhận xét của Quang, bạn anh và cũng là môn sinh cũ của ông Nguyễn, mấy năm trước.
-Tính thày giống ba em như hệt. Các cụ đều có điều úy kị đối với những thứ gì thuộcvề nhà binh nhà tướng. Ba em thì tính bộc trực, ông nói phăng ra là cho đến chết cũng không thèm ngồi lên nệm xe jeep. Vì không thích những gì dính líu đến chiến tranh, đến nhà binh. Và cũng vì không muốn bị thiên hạ khinh chê, dèm pha là lạm dụng phương tiện nhà nước. Riêng thày thì tế nhị và khéo léo hơn. Đã mấy lần gặp thày trên phố, em ngỏ lời xin chở thày về nhà cho tiện đỡ mất công tìm xe xích lô, nhưng thày đều nhẹ nhàng từ chối.
Như thầm đoán trước những thắc mắc đang làm bận lòng người con trai cả, trước khi xe chuyển bánh, ông Nguyễn âm thầm lên tiếng.
-Chắc anh cả không khỏi ngạc nhiên về thái độ khác thường của thày bữa nay?
Nghe câu hỏi bất ngờ của cha, Phụng quay nhìn nhanh về phía ông. Không để cho con trai kịp lên tiếng, ông Nguyễn nói tiếp trong khi cặp mắt vẫn nhìn thắng qua khung kính trước mặt.
-Thày không giấu anh là thày rất ngại ngôi trên xe jeep trước những cặp mắt nhóm ngó của thiên hạ. Ngập ngừng giây lâu, ông hạ giọng, âm thầm nói tiếp.
-Nhưng tối nay là một ngoại lệ. Thày có một tâm sự cần thổ lộ với anh.
Khi nghe những lời nói mập mờ của cha, Phụng cảm thấy băn khoăn lo lắng. Anh liên tưởng tới những điều nghi ngại gần đây về thái độ của thân phụ. Trong một thoáng hàng trăm câu hỏi âm thầm dựng lên trong tâm trí Phụng. Anh muốn cất tiếng nói lên cảm nghĩ lúc này nhưng nhất thời không biết bắt đầu ra sao.
Sau câu nói mở đường, ông Nguyễn ngồi bất động, hai mắt vẫn nhìn thắng về hướng trước mặt. Liếc nhìn cha lo lắng. Phụng độ chừng ông đang trải qua một trạng thái tâm lý căng thẳng tột cùng khiến anh không khỏi cảm thấy se lòng.
Chiếc xe jeep rời con hẻm tiến vào lòng đường Cách Mạng Tháng 11, băng qua cầu Công Lý, Phụng vẫn kìm lòng chờ đợi.
Sau một tiếng thở dài, ông Nguyễn âm thầm lên tiếng.
-Thày biết là thày có lỗi nhiều với mẹ cũng như với anh vì đã giấu diếm che đậy những chuyện hệ trọng liên quan tới gia đình ta.
Phụng không dám quay nhìn thân phụ nhưng thâm tâm anh cảm thấy vô cùng rúng động.
-Đây là một điều hết sức khổ tâm đối với thày, một điều tế nhị và khó nói, nhất là với mẹ anh. Nhưng bữa nay không hiểu nguyên do nào khiến thày tự cảm thấy có trách nhiệm phải bộc lộ cùng anh. Đề làm gì? Chính thày cũng không biết nữa. Có một điều thày biết chắc chắn là cần phải nói cho anh rõ. Thế thôi.
Tiếp theo những lời rào đón, ông Nguyễn bắt đầu thuật lại tóm tắt những sự việc đã xảy ra từ bữa Phan, người con trai thứ của ông, em ruột Phụng, bị kẹt lại miển Bắc tháng 7-54. Sau 14 năm xa cách, đột ngột Phan tìm tới tận nhà thăm ông vào một đêm khuya khoắt.
Càng nghe, Phụng càng cảm thấy bàng hoàng, thảng thốt. Tai anh lùng bùng. Tâm trí hoang mang, bất định. Anh thật không bao giờ có thể ngờ sự thể lại éo le, ngang trái đến thế! Giữa niềm vui bất chợt vì hay tin người em trai ruột thân yêu xa cách mười mấy năm của mình còn sống, lại đang có mặt ngay giữa lòng thành phố này.
Tự thâm tâm anh không khỏi bối rối khi nghĩ tới cảnh ngộ chua cay, nghiệt ngã mà gia đình anh đang phải đối diện. Dù không muốn, nhưng tự dưng những câu hỏi đau đớn, khó trả lời vẫn vẳng lên trong đáy lòng:
-Không lẽ Phan vào Nam do mật lệnh của bên kia?
-Mà vào với mục đích gì? Như một phản ứng từ vô thức, anh lắc đầu như muốn dũ bỏ một câu hỏi nhức nhối khác.
-Không lẽ bi kịch anh em ruột thịt “bôi mặt, đấm đá, giết chóc nhau” lại đang ứng vào hoàn cảnh gia đình anh vào lúc mọi người đang chuẩn bị đón mừng Tết Mậu Thân?!
Như kẻ mê hoảng, chết lặng giữa những tiết lộ động trời của thân phụ, Phụng chưa biết phản ứng ra sao thì tiếng ông Nguyễn lại trầm trầm cất lên, Trong giọng nói anh cảm nhận đến tận cùng một sức chịu đựng, dồn nén quá mức của cha. Liếc nhìn gương mặt mờ ảo, thấp thoáng dưới ánh đèn đường, bất giác Phụng cảm thấy thương cha bội phần.
Trong khoảnh khắc, anh như nắm bắt được trọn vẹn nỗi đau đớn, xót xa đã dày vò tâm não thân phụ trong suốt thời gian qua. Bây giờ anh hiểu được ý nghĩa đích thực ẩn giấu bên trong những tiếng thở dài kín đáo, những tia nhìn trĩu nặng ưu tư, những lời đối thoại lững lờ, o ép, thiếu thoải mái của cha trong những lần hội diện gần đây.
Với giọng trầm trầm đầy xúc cảm, ông Nguyễn tiếp tục lên tiếng.
-Chắc anh cả còn nhớ bữa trước thày hỏi ý kiến anh về vấn đề thay đổi nhiệm sở? Bây giờ thày muốn nói rõ hơn để anh hay là hôm gặp thày lần thư hai ở công viên trước dinh Gia Long, chính em anh đã đưa đề nghị này với thày. Và cũng chính Phan đã cam kết với thày là nếu anh muốn nó sẽ có cách vận động cho anh rời sở an ninh bộ Quốc Phòng đi làm tùy viên quân sự tại bất cứ một sứ quán nào của ta ở ngoại quốc. Ngập ngừng giây lát, ông tiếp.
-Kể cả tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa ở Mỹ.
Nghe những lời tiết lộ sau cùng của cha, dù với tâm trạng bi phẫn, bỗng dưng Phụng cảm thấy không kìm giữ được cơn giận từ đâu òa ập tới. Nhất thời anh không biết mình giận ai và căn do đích thực nào khiến anh nổi nóng. Anh cố gắng nén cơn phẫn nộ, lễ phép hỏi lại cha.
-Con không ngờ lại có chuyện như thế. Bây giờ thày dạy con phải làm gì?
Trầm ngâm giây lâu, ông nguyễn nhỏ nhẹ nhìn Phụng nói.
-Thày không thể bảo anh phải làm thế này hay thế khác. Đây là vấn đề của lương tâm và tinh thần trách nhiệm. Chính anh phải suy nghĩ, cân nhắc rồi tự tìm lấy cho mình một quyết định sao cho thuận lẽ trời và hợp lòng người.
Chiếc xe jeep bắt đầu tiến vào khuôn viên cư xá. Phụng ngừng lại trước trạm kiểm soát trao đổi vài câu với người lính gác rồi lái xe về phía căn nhà của vợ chồng anh ở cuối dãy thứ ba.
Phụng xuống xe, bước nhanh qua phía bên phải, mở cửa xe mời ông Nguyễn vào nhà.
Sau khi bật đèn, anh nói với ông Nguyễn.
-Thày ngồi nghỉ giây lát để con vào phòng lấy mấy món cần thiết cho nhà con và các cháu.
Còn lại một mình trong phòng khách, ông đưa mắt nhìn quanh. Lần đầu tiên ông chợt nhận ra lối sống đơn sơ, thanh đạm của vợ chồng người con trai cả, dù khi ấy Phụng đã là một sĩ quan cấp Tá lại đang đảm nhiệm vai trò điều hành một bộ phận quan trọng trong ngành an ninh.
Trong phòng, ngoài bộ xa lông cũ, mép vải bọc nệm đã bắt đầu sờn, một chiếc bàn ăn bằng gỗ cẩm lai với sáu chiếc ghế chân song đan mây kê phía trong, một chiếc tủ trà cửa kính bên trong bày mấy đồ trang trí lặt vặt, ông nhận thấy không có món gì đáng giá. Nếu trên tường không có mấy bức tranh sơn dầu mang tên những họa sĩ tên tuổi như Thái Tuấn, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Vị Ý… mà hầu hết đều là bạn của Phụng, được treo đúng chỗ khiến căn phòng trở nên trang nhã, lịch sự đôi chút thì nó cũng không hơn gì phòng khách của đa số gia đình trung lưu ở Sàigòn hiện nay.
Mặc dầu tết đến nhưng vợ chồng Phụng không để ý mua sắm bày biện gì thêm, ngoại trừ một cành đào cắm trong chiếc độc bình để bên cạnh tủ chè. Một niềm xót thương, cảm khái pha lẫn tự hào bỗng dưng từ đâu òa đến tràn ngập tâm hồn ông Nguyễn. (một khuôn mặt trí thức, một nhà giáo đã tới tuổi hồi hưu nhưng vì nhu cầu học vấn của con em còn được lưu dụng trong hệ thống giáo dục đại học VNCH). Bất giác ông cay đắng nhớ tới câu nói đầy mỉa mai của Phan hôm nào khi đề cập lối sống gọi là xa hoa, phè phỡn của quân nhân, công chức miền Nam, trong đó ngầm ám chỉ người anh ruột của mình! Trong một giây, nhớ lại những gì vừa bộc lộ với Phụng, ông chợt cảm thấy thương cho hoàn cảnh éo le của người con cả lúc này khi chợt nhận ra một sự thật đau lòng: hai anh em không cùng chung chiến tuyến!
***
Từ phòng trong Phụng bước ra với chiếc túi vải lớn trên tay. Ông Nguyễn đứng dây nói.
-Anh kiểm lại xem còn thiếu thứ gì không? Nhìn lên đồng hồ treo trên tường, ông hỏi Phụng. Thế mấy giờ anh cả phải vào sở?
-Thưa thày, 11 giờ 30 con mới cần có mặt, còn sớm chán. Mời thày ra xe.
Ngồi vào tay lái Phụng xoay qua cất tiếng hỏi cha điều thắc mắc ám ảnh tâm trí anh.
-Thưa thày, Phan có hẹn chừng nào gặp lại thày không?
-Không. Nó không nói bao giờ gặp lại.
Nói xong ông đã định thố lộ luôn cho Phụng những lời căn dặn kẻ cả của Phan ở công viên là nếu cần gặp có thể liên lạc với một nhà báo ngoại quốc ở khách sạn Caravelle đường Tự Do, nhưng ngập ngừng giây lâu, ông im lặng.
Xe ra khỏi cư xá. Cả hai cha con đều cảm thấy xốn xang, chới với không biết nối tiếp câu chuyện ra sao. Mỗi người theo đuổi những ý nghĩ riêng. Cho đến lúc xe quẹo vào đường Lê Văn Duyệt, ông Nguyễn mới mở lời trong khi vẫn không nhìn Phụng.
-Trong một lúc tình cờ, em con tiết lộ với thày là… có thể năm này dân Sàgòn sẽ không có tết!… Anh có ý kiến gì về lời tiết lộ của em?
Nghe cha nói, Phụng lặng đi giây lâu. Bỗng dưng cơn phẫn nộ không tên lại một lần nữa như muốn òa vỡ trong anh. Cố giấu cảm xúc riêng, anh trả lời cha.
-Con không biết phải thưa thế nào với thày lúc này. Có điều như bữa trước con đã có dịp hầu chuyện thày là sau những vụ xuống đường náo loạn gần đây, tình hình an ninh chung có mòi bết bát hơn trước. Do đó rất có thể sẽ có những chuyển động mới về mặt quân sự trong những ngày sắp tới. Ngập ngừng một giây, anh nói tiếp, có thể là ngay trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Thân này không chừng, cho dù, như mọi năm, qua những dàn xếp của Ủy Hội Quốc Tế, hai bên đã có những cam kết ngừng bắn để cho dân ăn tết. Vì không có những dữ kiện cụ thể nên con không thể quyết đoán chắc chắn vào thời gian nào được.
Phụng tính nói luôn cho thân phụ hay về mức độ xâm nhập người và vũ khí của đối phương tại những vùng ven đô gần đây cùng những phân tích, suy đoán của đám sĩ quan an ninh trẻ thuộc bọn anh về một cuộc tấn kích bất ngờ có thể xảy ra tại các đô, tỉnh, thị kể cả Sàigòn lúc này. Nhưng anh kịp ngừng lại vì thấy chẳng lợi ích gì, chỉ làm cho cha thêm bận tâm giữa lúc ông đã có quá nhiều điều để âu lo, mất ăn mất ngủ.
Với tâm trạng khắc khoải, bồn chồn, cả hai cha con chìm vào một trạng thái im lặng nặng nề. Trên đường Lê Văn Duyệt từ hướng chợ Bến Thành đổ xuống vùng Cống Bà Xếp, Ngã Ba Ông Tạ, đủ mọi loại xe cộ. Từng đoàn xe gắn máy, xe đạp lạng qua lạng lại bên những chiếc xích lô, taxi, xe nhà chở đầy nhóc người, cây cảnh, bông trái. Những thiếu nữ, những bà nạ dòng vắt vẻo ngồi yên sau xe vespa, lambretta, Honda một tay ôm eo người lái một tay ôm những cành mai, cành đào hoặc những chậu cúc vừa mua từ đường Nguyễn Huệ.
Gần tới công trường nối liền các đường Hiền Vương, Yên Đổ, Trấn Quốc Toản, Phụng nới lỏng chân ga quay sang hỏi thân phụ.
-Thày có mệt không? Nếu không con đưa thày lên ngắm quang cảnh phố xá Sàigòn trong đêm trừ tịch.
-Nếu anh chưa phải vào sở ngay thì cho thày đi một vòng cho biết.
Phụng thận trọng nương theo sát bùng binh tiến vào phía bên kia đường. Tuồng như không để ý tới cảnh xe cộ tấp nập nối đưôi nhau từ Ngã Ba Ông Tạ, từ phía Trường đua Phú Thọ, từ ngả Đa Kao đổ xô về hướng chợ Bến Thành, ông Nguyễn tiếp tục nói với con trai mà như nói với chính mình.
-Cho đến hôm nay, nhiều lúc ngồi một mình thày vẫn còn mang cái cảm giác là hình như tất cả những gì đã xảy ra giữa thày và em con đều không có thật. Nó tựa như chuyện hoang đường, như trong một cơn mơ.
Đang nói bỗng dưng ông Nguyễn khưng lại, quay nhìn Phụng. Dưới ánh đèn đường thấp thoáng, ông chợt nhận ra một vẻ gì hết sức căng thẳng toát ra trên gương mặt cương nghị của người con cả. Trong thâm tâm, ông tự trách mình đã không kềm giữ được những thao thức nội tâm để đến nỗi vô tình thốt ra những lời thở than không cần thiết, khi điều muốn nói với Phụng ông đã nói rồi.
Ngó mông về phía trước, ông nhỏ nhẹ nói với Phụng.
-Thôi anh cả đừng cho thày lên phố nữa. Anh vòng xe trở lại cho thày về nhà để anh còn vào sở không trễ.
-Thưa thày, hãy còn sớm chán. Con muốn đưa thày dạo qua một vòng chợ hoa rồi hãy về cũng còn kịp. Thâm tâm anh muốn trì hoãn để biết thêm tâm sự của phụ thân.
Nói xong, anh lách tay lái qua một bên để tránh một chiéc xích lô đang lao tới rồi nhẹ nhấn ga tiếp tục đi về phía trước. Băng qua khu nhà ga, anh hướng về phía công trường Hòa Bình tính quẹo trái vào đường Lê Lợi tới ngã tư Nguyễn Huệ trước Quốc Hội và tòa Đo Chánh tìm chỗ đậu xe. Nhưng nhìn về phía trước thấy khách bộ hành tràn cả xuống lòng đường khiến xe cộ dồn đọng lại kẹt cứng, anh đổi ý lách qua đường Hàm Nghi nhắm hướng sông Sàigòn phóng tới. Hết đại lộ Hàm Nghi, anh quẹo trái thong thả lái dọc theo bến Bách Đằng. Từng đoàn người phần đông là thanh niên, thiếu nữ từ phía bờ sông kéo lên băng qua đường dẫn vào đại lộ Nguyễn Huệ và đường Tự Do.
Ông Nguyễn nói với Phụng.
-Anh đừng mất công ghé Nguyễn Huệ nữa. Thày chắc lúc này cũng chưa hết kẹt xe đâu.
Khi Phụng vòng xe quanh công trường Hải Quân, ông Nguyễn ngước nhìn lên pho tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vị Thánh Tổ của binh chủng hải quân QLVNCH trên trụ cao với thế đứng oai nghiêm, nét mặt cương nghị tay phải cầm gươm chỉ xuồng giòng sông trước mặt. Văng vẳng đâu đây ông như nghe vang vang lời nguyền son sắt của người anh hùng thuở trước. Bất giác ông buông một tiếng thở dài.
Suốt dọc đường Hai Bà Trung, từ nhà thờ Đức Bà đổ xuống Tân Định, hoa cảnh xuất hiện khắp nơi. Trên xe du lịch. Trên xe nhà binh. Trên taxi. Trên xích lô. Trên tay người ngồi yên sau xe gắn máy, xe đạp.
Từ hướng chợ Bến Thành, những tiếng pháo đầu tiên dòn dã vang lên báo hiệu Xuân mới sắp sửa trở về. Một thoáng nghĩ ngợi, ông Nguyễn quay qua Phụng, cất tiếng hỏi.
-Theo dõi tin tức thày không để ý. Không rõ năm nay chính phủ có cho phép đốt pháo không anh?
-Thưa thày, tòa Đô Chánh có ra thông tư cấm đốt pháo. Nhưng con chắc rồi cũng như mọi năm, việc thi hành lệnh cũng không chặt chẽ lắm đâu. Đổi giọng tâm sự, Phụng nói tiếp với cha. Kể ra ngày Tết mà thiếu vắng tiếng pháo thì cũng buồn. Nhưng nếu cứ để cho dân chúng tự do đốt pháo thả giàn thì cũng mệt.
Câu trả lời của Phụng được phụ họa bằng một tràng pháo từ đâu đó vang lên dòn dã. Với giọng đượm vẻ ưu tư, ông Nguyễn cất tiếng nói bâng quơ.
-Lúc này vô phúc nếu có chuyện nổ súng, làm sao phân biệt được để đề phòng?
Phụng lặng yên không tiếp lời thân phụ nhưng trong thâm tâm anh chia sẻ trọn vẹn mối băn khoăn của ông.
Nghe tiếng cánh cổng chuyện động trước nhà, mọi người ùa ra sân trước. Bà Nguyễn nhìn chồng lên tiếng, giọng không giấu được vẻ âu lo.
-Bố con đi đâu mà mãi giờ này mới về làm mẹ con bà cháu tôi lo quá. Khi nghe tiếng pháo nổ hướng chợ Bến Thành ở nhà mọi người càng thêm lo lắng.
Phụng lên tiếng trả lời thân mẫu thay cha.
-Thưa mẹ. Thật uổng công! Con tính đưa thày lên Nguyễn Huệ ngắm chợ hoa vào đêm 30, nhưng xe cộ, người ngợm đông đúc quá, không sao tìm được chỗ đậu xe. Đành phải về.
Thủy theo chị dâu tới bên xe kiểm điểm những quần áo, tư trang, giày, vớ do Phụng vừa mang về rồi hai chị em chia nhau mang vào nhà.
Tần ngần giây lâu, Phụng quay qua nói với song thân.
-Xin phép thày mẹ, con phải vào sở bây giờ. Vọng vào phía trong, anh nói lớn với vợ và em gái. Anh đi nghe Mai, Thủy tiếp chị lo cho các cháu giúp anh nhé.
Bỏ vội mớ quần áo, giày vớ trên trường kỷ, Mai nối gót em chồng rảo bước ra ngoài. Bà Nguyễn nói với con gái.
-Mẹ đã xếp sẵn ít trái cây, bánh mứt trong chiếc giỏ nylon để trên bàn ăn trong nhà. Con vào mang ra đây cho anh cả,
Với nét mặt rầu rầu bà nói với Phụng.
-Thôi. Không ở lại được thì con lo vào sở cho kịp giờ. Nhớ sáng mai thu xếp về sớm để cùng thày mẹ và các em nguyện kinh đầu năm cầu cho tiên nhân./.
Trần Phong Vũ
*Truyện đài “Một Thời Mê Hoặc” do Tin Vui ấn hành năm 1998 tại Hoa Kỳ.