Ông Hồ Đức Hòa, một trong 14 thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt năm 2011 và bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS 1999. Phiên tòa tháng 1 năm 2013, Hồ Đức Hòa bị kết án 13 năm tù giam, 5 năm quản chế, mức án nặng nhất trong số 14 người, bất chấp việc luận tội và kết án không đủ bằng chứng pháp lý.
Cáo trạng của Viện Kiểm sát luận tội rằng, từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2011, ông Hồ Đức Hòa – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trần Đình tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã lôi kéo nhiều người khác ở các địa phương: Nghệ An, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Trà Vinh… tham gia tổ chức “Việt Nam Canh tân cách mạng Đảng” (gọi tắt là Việt Tân).
Hội đồng xét xử tòa phúc thẩm tối cao tháng 5/2013 xác định, các bị cáo trong vụ án này đều đã tìm hiểu và biết về cương lĩnh, mục đích của tổ chức Việt Tân, nên việc Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo đã tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch và hoạt động của tổ chức Việt Tân về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hoàn toàn có căn cứ pháp luật.” Do vậy, trừ việc giảm từ 12 năm xuống còn 3 năm tù giam cho Lê Văn Sơn, tòa phúc thẩm giữ nguyên hầu hết các bản án dành cho các nhà hoạt động trong vụ 14 thanh niên Công giáo và Tin lành. Ông Hồ Đức Hòa bị tuyên ý án sơ thẩm với 13 năm tù giam, 5 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.
Sau khi nhận bản án 13 năm, TNLT Hồ Đức Hòa bị đưa ra Thái Nguyên. Sau đó lại bị chuyển đến nhà tù Nam Hà nơi đang giam giữ một số nhà hoạt động nhân quyền khác như Lê Thanh Tùng, Vũ Quang Thuận, Phan Kim Khánh, Lê Thanh Tùng, Phạm Văn Trội… Trại giam Nam Hà cũng từng giam giữ nhiều tù nhân lương tâm trước đó như Linh mục Nguyễn Văn Lý, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, các ông Nguyễn Kim Nhàn, Nguyễn Văn Túc (án tù trước)… Nhắc đến nhà tù khét tiếng này, người ta cũng nghĩ ngay đến các quan chức cấp cao, các cựu quân nhân cán chính chế độ VNCH bị đi đày sau biến cố tháng 4/1974. Trong bài viết “Ba Sao chi mộ”, cựu TNLT-blogger Phạm Thanh Nghiên đã đưa ra thông tin có đến 626 cựu sĩ quan VNCH phải bỏ mạng trong nhà tù Nam Hà giai đoạn từ 1975 đến 1988.
Trong một cuộc gặp diễn ra vào đầu tháng 12/2019, gia đình TNLT Hồ Đức Hòa cho hay tình trạng sức khỏe của ông ngày càng xấu đi. Ông Hòa bị các chứng bệnh đau bao tử, bệnh trĩ, tê tay, đau cột sống, huyết áp và đau bụng dưới (bị nghi là mắc ung thư gan). Đây là các chứng bệnh ông phải chịu đựng suốt 8 năm qua kể từ khi vào tù nhưng với bản tính kiên cường, sợ gia đình lo lắng nên ông đã giấu. Việc ông Hòa cho gia đình biết tình trạng bệnh tật của mình khiến người thân lo lắng sức khỏe ông có thể tệ hơn những gì ông thừa nhận. Ông cũng nói rằng không được phía Trại giam Nam Hà cho đi khám bệnh trong suốt 3 tháng qua dù đã đề nghị Ban Giám thị. Gia đình tù nhân Hồ Đức Hòa còn cho hay suốt hơn một năm qua, ông Vũ Hào Hiệp (Giám thị Trại giam) đã ra lệnh cấm không cho người nhà tù nhân chính trị gửi đồ ăn vào trại. Thay vào đó, TNLT phải mua từ căng tin của nhà tù với giá đắt hơn nhiều lần ở ngoài và chất lượng thức ăn không bảo đảm.
Sau khi thông tin về tình trạng sức khỏe cũng như cuộc sống đầy bất trắc của Hồ Đức Hòa trong tù được loan tải trên truyền thông “lề dân”, chỉ ít ngày sau đó, người nhà ông Hòa đã được Trại giam thông báo rằng họ có thể gửi đồ ăn cho ông từ bên ngoài mà không bắt buộc phải mua trong tù. Điều này cho thấy, suốt 8 năm qua, Hồ Đức Hòa khá cô đơn trong tù. Và đến bây giờ, người ta mới thấy rõ hơn bản lĩnh của Hồ Đức Hòa, không chỉ bởi thái độ kiên định trong cả hai phiên xét xử để rồi chịu bản án nặng nhất trong số 14 người, mà còn vì khả năng chịu đựng, biết lo lắng cho người khác bằng cách một mình gánh chịu mọi tủi cực, hiểm nguy mà không phàn nàn, không đòi hỏi.
Ông là người duy nhất trong số 14 người chưa ra khỏi nhà tù. Năm 2020, Hồ Đức Hòa bước sang tuổi 46 của cuộc đời, tuổi thứ 9 của đời tù. Còn chặng đường dài 4 năm đằng đẵng nữa.
Chúng tôi xin mượn lời của nhạc sĩ Tuấn Khanh để kết thúc bài viết về chân dung TNLT Hồ Đức Hòa, như một lời nhắn nhủ, như một lời khẩn cầu:
“Không như thầy Đào Quang Thực phải qua đời trong im lặng. Hay như thầy Đinh Đăng Định, ra đi trong sự chứng kiến đầy bất lực của mọi người chung quanh, anh Hồ Đức Hòa là một thực thể sống và đang mỏi mòn. Vì Hồ Đức Hòa là một hình ảnh rõ nét của ý chí tự do, đầy nhân cách của một người tự do. Anh cần hơn hết sự quan tâm của mọi người, của công luận vào lúc này. Những người tù đã ra đi và được nhớ đến, là lý do để anh Hồ Đức Hòa cần được nhớ nhiều hơn hôm nay.
“Đừng để những danh sách đau thương ấy dài hơn, đáng nhớ hơn. Sự sống của mỗi con người bất cứ nơi nào đó trên đất Việt, không phải chỉ để nhớ đến, mà để hành động”
Thúc Lân