Luật mới ở Việt Nam sẽ cho người nước ngoài ‘vào khu kinh tế ven biển, cách biệt đất liền’ miễn visa, còn công dân nước ngoài trên cả lãnh thổ sẽ được đổi mục đích thị thực mà không phải tạm xuất cảnh.
Quốc hội Việt Nam hôm 25/11 thông qua với 83,5% phiếu ‘Luật Nhập cảnh xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam’.
Một số thay đổi trong luật này đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Một là ba trường hợp thị thực được chuyển đổi mục đích, cho nhà đầu tư hoặc đại diện đầu tư; cho công dân nước ngoài có quan hệ thân nhân, thân quyến (cha, mẹ, vợ, chồng, con) với người Việt Nam; và cho người nước ngoài được cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh vào làm việc.
Bản đồ huyện Vân Đồn
Nhóm thứ ba này cần có thực điện tử, có giấy phép lao động hoặc xác nhận mà không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ Luật lao động.
Trang Vietnam News của nhà nước cho hay nhờ các thay đổi này, “lần đầu tiên người nước ngoài đến Việt Nam có thể đổi hạng thị thực (visa status) và gia hạn thời gian ở Việt Nam mà không phải bay ra ngoài” như hiện nay.
Các quy định này sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020.
Con đường dẫn tới ‘đặc khu Vân Đồn’
Luật Đặc khu kinh tế nên ra ‘chậm mà chắc’
‘Chưa an tâm’ về ba đặc khu kinh tế VN
‘Khu kinh tế ven biển cách biệt đất liền’
Một thay đổi khác là điều cho miễn thị thực vào các khu kinh tế ven biển.
Theo Thanh Niên hôm 25/11, đây là thay đổi khiến chính nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại “ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.
Về chi tiết, thay đổi này cho phép “khách vào khu kinh tế ven biển có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, cách biệt với đất liền sẽ được hưởng chính sách miễn thị thực“.
Vẫn theo báo Việt Nam, với quy định này dễ dàng thấy là được áp dụng cho Vân Đồn và Phú Quốc, hai hòn đảo cũng là khu vực kinh tế từng được nêu trong “Luật đặc khu” trước kia.
Một phần dư luận Việt Nam lo ngại rằng về thực chất, các khu vực này sẽ thu hút nhiều công dân các nước láng giềng gần Việt Nam, chẳng hạn như Trung Quốc, hơn là công dân châu Âu, Hoa Kỳ, Úc.
Cũng có ý kiến rằng dù đã gác lại luật đặc khu, việc triển khai đầu tư tại các hòn đảo như Phú Quốc và Vân Đồn vẫn diễn ra, chỉ có điều là mang tên khác.
Trong tháng 11/2019, nhà nước Việt Nam công bố tài liệu nói khu kinh tế Vân Đồn được xây dựng ở dạng thí điểm trở thành “đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực”.
Hồi đầu năm, báo Việt Nam nói một sòng bài ở Phú Quốc sẽ cho ‘người Việt vào chơi thí điểm’ bên cạnh casino ở Vân Đồn.
Các điểm đánh bạc công khai này cho tới gần đây chỉ dành cho khách nước ngoài.