Bùi Thanh Hiếu: Nói Trong Im Lặng

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Tường An, thông tín viên RFA
2015-09-07
Email
Bùi Thanh Hiếu: Nói trong im lặngPhần âm thanh Tải xuống âm thanh
620.jpg

Bìa sách Nói Trong Im Lặng của Bùi Thanh Hiếu

Photo by Tường An

Your browser does not support the audio element.

Sau quyển « Đại Vệ Chí Dị » được nhà xuất bản Trẻ phát hành tại hải ngoại. « Nói Trong Im lặng” là quyển thứ hai của tác giả Bùi Thanh Hiếu (tức blogger Ngami Buôn Gió) được Eva Tas Foundation xuất bản. Thông tín viên Tường An giới thiệu quyển sách này đến quý thính giả qua phần phỏng vấn tác giả và nhà xuất bản sau đây:
«Nói trong im lặng»  là tiếng thét của những ngòi bút bị bẻ gẫy trong đêm đen Việt Nam, những tiếng thét đã được mang đến thế giới bên ngoài bởi một người vừa thoát khỏi vũng đen ấy : Bùi Thanh Hiếu.
Viết về những thủ đoạn của chế độ công an tại Việt Nam không phải là một đề tài mới lạ, mỗi ngày tràn đầy trên các mạng xã hội những bản tin tố cáo những hành động đàn áp của công an bằng mọi hình thức, từ đánh đập đến gây thương tích bằng những tai nạn giả.
Quyển « Nói trong im lặng » của Bùi Thanh Hiếu góp vào những tiếng kêu cứu trong vô vọng đó một ánh đuốc, soi sáng một khoảng đêm đen Việt Nam. Quyển sách nhỏ kéo cao hơn nữa tấm màn sân khấu của những gương mặt được nguỵ trang dưới cái tên « công an nhân dân » hay là những ngôn từ cao quý khác. Qua những nhân vật hư cấu, Bùi Thanh Hiếu đã diễn tả lên những con người thật giữa đời thường.
Quyển sách nói về một cựu bộ đội tên B. về hưu, chủ một blog mang tên Tiếng Quê Hương, hiền lành, chân chất, nhìn mọi việc quanh mình bằng cái nhìn đơn giản, hiền hoà, tin vào một chính sách mà ông đã phục vụ suốt cuộc đời cho tới ngày nhận giấy về hưu. Vẫn với một niềm tin son sắt, ông sông yên bình với những bài viết blog . Cho đến một ngày có một người dân oan tìm đến ông kể lể. Cảm thương cho hoàn cảnh của bà, ông B đã giúp bà tìm kiếm những hình ảnh, chứng cứ rõ ràng để tố cáo việc uỷ ban xã thông đồng với uy ban giải toả mặt bằng để trưng thu đất của bà bằng giá rẻ mạt. Ông đã giúp bà Nguyễn làm đơn nộp lên phường với niềm tin son sắt vào guồng máy hành chánh như khi ông còn là một chiến binh lăn lội ở Trường Sơn:
“Ông B cảm thấy họ thật dễ mến. Dù sao trong bộ máy công quyền còn những con người có tâm huyết với dân, tận tụy với công việc như thế này. Ông cảm thấy mình đã làm những việc có ích giúp người cô thế như bà Nguyễn. Chắc thấy tờ biên nhận này bà Nguyễn sẽ mừng lắm.”*
Và sau đó, ông thu thập chứng cứ, viết bài vạch trần việc gian tham đưa lên trang blog của ông và cũng từ đó, bi kịch của gia đình ông bắt đầu mà ông vẫn chưa hề biết
“Ông lấy xe ra về, trong lòng khoan khoái niềm vui. Ông không biết rằng những tờ đơn ấy sẽ chẳng bao giờ đến ủy ban nào cả,  nó sẽ nằm trong két hồ sơ dưới dạng một tập hồ sơ riêng có tên ông ở một cơ quan an ninh bí ẩn trong hàng hà vô số những cơ quan an ninh bảo vệ chính trị, bảo vệ Đảng trên khắp đất nước này.. ít người dân thường nào hay kể cả cán bộ nhà nước biết đến những cơ quan bí ẩn đó.”*

Cuốn sách này chỉ nói lên sự thật, những dữ kiện có thật được giả tưởng hoá, một câu chuyện tưởng tượng nhưng hoàn toàn dựa trên những dữ kiện có thật. Điều đó làm chúng tôi cảm thấy rất thú vị
– ông Rudolf Geel

Hệ thống an ninh của nhà nước Việt Nam như một mạng nhện vây bủa trên cao treo những mắt cáo nhìn xuống kiểm soát từng hành động, từng suy nghĩ của mỗi con người và bằng mọi thủ đoạn tàn nhẫn, sẵn sàng bẻ gẫy bất cứ ai không khuất phục họ, những thủ đoạn rất hèn mà một cơ quan nhà nước chính trực không bao giờ dùng với người dân của họ. Những bài viết của Ông B đã lọt vào những mắt cáo đó, lời của Tiến, một côn đồ đội lốt công an:
« Xong rồi đây anh, cái con mụ này được thằng C nó dẫn đến nhà thằng B, nhờ thằng B viết bài. Mụ đấy khai là gặp tại nhà thằng B, đưa đơn từ, kể chuyện. Thằng B có quay clip phỏng vấn mụ ấy. Mụ bảo tại chính quyền không giải quyết nên gặp ai là mụ ấy nhờ. »*
Một kế hoạch thật bài bản được đặt ra để cho ông B. vào tròng, trong khi đó, ông B. vô tư vui mừng với ý nghĩ mình đang làm một điều tốt , Thành, một cán bộ an ninh thuộc phòng bảo vệ tư tưởng chính trị nội bộ thuộc khối 5 bộ Công an báo cáo thành tích:
« Báo cáo sếp, đã cho người nắm bắt thông tin về B. Trước tiên em định lựa một số bài viết của hắn có cơ sở pháp lý, để triệu tập hắn đến làm việc. Bước đầu để hắn xác định blog của hắn. Vì vậy em sẽ không nhắc đến những bài viết gay gắt chỉ trích chính quyền của hắn ngay. Đây là những bài của hắn em lựa ra để gọi hắn làm việc. Những bài viết này thì hắn có đủ lý để biện minh, như thế hắn sẽ xác nhận là chủ của blog ….buổi sau nữa khi hắn xác nhận rồi thì làm việc đến các bài khác. »*
Và họ không từ bỏ cả thủ đoạn dùng thân nhân để áp lực cá nhân « phạm tội » một thủ đoạn rất tâm lý thường được áp dụng để làm nhục ý chí những người hoạt động, vì bản thân mình có thể chịu khổ những không thể nhìn thấy thân nhân vì mình mà liên luỵ . Lời của  nhân vật Thành:
Rudolf-Geel_Tong-thu-ky-Eva-Tas-Foundation-350.jpg
Ông Rudolf Geel, Tổng thư ký Eva Tas Foundation
«Nắng nôi đi vất vả nhỉ. Làm tốt đấy, mai xuống chỗ trường vợ thằng B hỏi trường nó về nhân thân vợ nó, quá trình công tác, tư tưởng. Rồi nói thế nào để hiệu trưởng ở đó bắn tin lại cho vợ nó biết là có cơ quan an ninh đến hỏi rồi đấy, nói hiệu trưởng bảo vợ nó về nói nó làm gì thì làm đừng ảnh hưởng vợ  con. »*
Quyển sách nhỏ vẽ lên một xã hội bất ổn với bạt ngàn mưu kế, thủ đoạn của mạng lưới an ninh chằng chịt mà những người đối kháng không một tấc sắt trong tay như những con chim đang vẫy vùng trong mạng lưới đó. Với những nhân vật giả tưởng, Bùi Thanh Hiếu đã ráp những mảnh vụn của một xã hội đầy bất trắc để dựng lên một cảnh đời nghiệt ngã cho những người cầm bút. Tác giả Bùi Thanh Hiếu chia sẻ suy nghĩ của mình khi viết quyển sách này:
« Điều mà tôi muốn thường thì tôi viết tôi để cho độc giả, người ta cảm nhận, tôi chỉ diễn tả lại nỗi khổ, cái khó khăn, những cái mà những người cầm bút viết lên sự thật ở Việt Nam họ phải chịu đựng như thế nào. Tức là tôi muốn đưa đến độc giả cái nhìn về số phận của họ, những cái khó khăn của họ, tức là những cái rất là tế nhị mà họ không thể nói ra, viết ra để mọi người khác nhìn được họ và thông cảm, hiểu cho những người viết phản kháng ở trong nước”.
Quyển «Nói trong im lặng”  69 trang được nhà xuất bản Eva Tas Foundation xuất bản bằng tiếng Anh. Tổng thư ký của Eva Tas Foundation, ông Rudolf Geel cho biết cảm tưởng của ông khi đọc cuốn sách này:
«Cuốn sách này chỉ nói lên sự thật, những dữ kiện có thật được giả tưởng hoá, một câu chuyện tưởng tượng nhưng hoàn toàn dựa trên những dữ kiện có thật. Điều đó làm chúng tôi cảm thấy rất thú vị ».
Qua từng trang sách, những người viết blog, những tiếng nói bất đồng chính kiến sẽ nhận ra mình trong từng con chữ : anh bộ đội về hưu tập tành viết lách, chị công nhân xuất khẩu lặn lội giúp dân oan, người thanh niên công giáo bị côn đồ đánh cho tơi tả ngoài đường phố…v.v…và còn nhiều thủ đoạn để cả một hệ thống công quyền của nhà nước trấn áp những người không cùng quan điểm với họ. Bùi Thanh Hiếu nói:
« Thực ra những gì tôi viết đều dựa trên nguyên mẫu của  sự thật, ngay cả trong quyển sách này thì những nguyên mẫu đó thật đến mức độ tôi không muốn đổi tên họ thành một người khác mà tôi muốn đặt họ là A, là B. Đây là những nhân vật kể cả người viết, kể cả người an ninh, những người công quyền hoặc là những người hàng xóm, tất cả đều trong sự thật mà ra. Tất nhiên laf trong những nhân vật đấy thì tôi lấy một nhân vật cơ bản, nhưng mà trong những sự kiện mà ông ấy phải chịu đựng thì không phải chỉ mình ông ấy thôi maf tôi nhặt của người này, của người kia tôi gom lại thành số phận của ông ấy để mọi người hiểu cái mà ông ấy chịu đựng cũng là những cái mà những người khác phải chịu đựng. Cho nên những người cầm bút họ đọc thì họ sẽ thấy bản thân họ được phản ảnh qua đấy một cách trung thực.”
Và chính những xúc tác rất thật đó đã làm cho ông thực hiện quyển sách này chỉ trong vòng 2 tháng. Tác giả  Bùi Thanh Hiếu cho biết :
«Thực sự là nó ở trên những sự kiện có thật và tôi chỉ cần ngồi tôi hình dung lại, tôi chấp nối lại và cứ thế tôi viết ra thôi chứ nó không phải là một điều gì khó khăn. Với người khác có thể khó khăn nhưng với một người đã trải qua rồi thì như là một chuyện kể lại. Tất cả những người bạn người quen, rồi những cảnh mà họ hoặc bản thân mình phải chịu đựng hiện về rất là nhiều chính nó tạo cho tôi cái cảm xúc mà tôi hoàn thành nhanh cuốn sách này theo yêu cầu của nhà xuất bản đấy. »
Eva Tas Foundation là một tổ chức tư nhân tại Hoà Lan, được lập ra theo ước nguyện của một phụ nữ  Do thái đến từ Đức và sau này sống tại Hà Lan (1933-2007), bà chủ biên một tạp chí về các nạn nhân của trại tập trung Auschwitz , đồng thời bà cũng là một người  công sản giàu có, đó là lý do bà không được cảm tình của một số thành phần. Những năm cuối của thập nên 90, bà tham gia vào chi nhánh của PEN ở Hà lan và mong muốn sau khi bà mất đi Eva Tas Foudation sẽ xuất bản sách của những nhà văn, nhà thơ trong các nước mà tự do truyền thông bị bóp nghẹt. Eva Tas Foudation đã xuất bản sách của các nhà văn từ Ethopia, Honduras, China, Việt Nam ….v.v…các tập thơ của nhà thơ Bùi Chát và Lý Đợi cũng đã từng được Eva Tas Foundation xuất bản.  Mục tiêu của nhà xuất bản này là phá tan bức màn kiểm duyệt của các nước độc tài, ngăn cấm tự do thông tin bằng cách giúp đỡ tài chánh, xuất bản sách cho những bloggers, nhà văn, nhà thơ tại các quốc gia đó. Ông Rudolf Geel cho biết:
«Chúng tôi mong muốn mọi người biết những gì xảy ra trên thế giới trong lãnh vực kiểm duyệt, nó diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, ở Trung Quốc diễn ra một cách khác và ở Việt Nam lại diễn ra theo một cách khác.  Chúng tôi có nhiều quan hệ với nhà văn bất đồng chính kiến hoặc những nhà văn bị theo dõi, chúng tôi giúp họ về tài chánh và chúng tôi giúp những nhà văn trong những quốc gia như thế xuất bản sách của họ.

Tôi không biết là tôi sẽ gặp những khó khăn hay không nhưng mà trách nhiệm của tôi trong khi tôi đang an toàn như thế này thì tôi phải viết hộ cho mọi người.
– Bùi Thanh Hiếu

Và nếu chúng tôi có thể xuất bản hàng loạt những cuốn sách như thế thì chúng tôi có thể có một hình ảnh tổng quát về cách cai trị trong một quốc gia, cách họ kiểm soát tự do ngôn luận của người khác và  chúng tôi muốn phổ biến nó đến với những người quan tâm đến quyền tự do bày tỏ tư tưởng, vì thế điều quan trọng là chúng tôi không bán, chúng tôi phát miễn phí những quyển sách này »
“Nói trong im lặng”  là phần thứ nhất của quyến sách thứ hai của Bùi Thanh Hiếu, một thanh niên giang hồ của ngõ Phất Lộc, được biết nhiều qua blog Người Buôn Gió của anh. Quyển thứ nhất “Đại Vệ chí dị “cũng thuộc dạng lịch sử giả tưởng, do nhà xuất bản Giấy Vụn xuất bản và Trẻ phát hành ở hải ngoại. Ông Bùi Thanh Hiếu cho biết đang tiếp tục cho phần 2 của quyển “Nói trong im lặng” phần này sẽ nói về số phận của những luật sư, ông Bùi Thanh Hiếu nói:
«Trong cuốn sách này thì tôi nói về người cầm bút, phần 1 tôi nói về người cầm bút. Phần thứ hai thì tôi nói về một nhân vật là luật sư, tức là ở Việt Nam thì có những nhân vật nhà văn, nhà báo, luật sư, họ gặp rất nhiều khó khăn, phần thứ hay này thì tôi viết về luật sư và vẫn là cái bộ máy của an ninh công quyền kia họ đàn áp, ở phần 2 này tôi viết về những luật sư. Nếu tôi tìm được người nào tài trợ xuất bản hoặc tôi sẽ dành dụm tiền tôi tự xuất bản lấy. Tôi sẽ dùng số tiền bán được giúp đỡ các anh em trong nước. Ngay như cuốn sách này được bản quyền 5000 € thì tôi cũng gửi mấy món tiền về cho một số người dân oan, dân nghèo trong nước cũng hết. »
Được một tổ chức ở Đức mời sang Đức để sáng tác, với những quyển sách như thế này,một ngày nào đó, phải trở về Việt Nam thì những gì sẽ chờ đợi ông, Bùi Thanh Hiếu nói :
«Tôi không biết là tôi sẽ gặp những khó khăn hay không nhưng mà trách nhiệm của tôi trong khi tôi đang an toàn như thế này thì tôi phải viết hộ cho mọi người. Mình ở trong nước mình đã sợ mình không dám xuất bản, mà nếu ở bên ngoài mình cũng sợ nốt thì bao giờ mình mới viết được ? bao giờ mình mới xuát bản cho độc giả hiểu được ? “
Luật sư, nhà văn, bloger, dân oan……đều cùng mang những chiếc còng vô hình trên quê hương của chính họ, nhà tù sẵn sàng đón rước họ xuyên qua những nghị định oan nghiệt. Tiếng nói của họ rơi vào khoảng không im lặng của hàng rào kiểm duyệt. Liệu họ có đủ nghi lực để thực hiện giấc mơ được biến suy nghĩ thành lời nói mà không bị bất cứ một hành động đàn áp nào ? Hay là rồi họ cũng phải khuất phục trước mạng lưới trùng trùng thủ đoạn của cơ quan an ninh đầy quyền lực để rồi trở thành như ông B. ở cuối đời :
Trong viễn cảnh về một tương lai gia đình yên ổn, mỗi lần ở thành phố ra, đi qua vườn hoa trước cửa dinh thủ tướng. Ông B cúi đầu không dám nhìn những người dân oan gầy còm, xơ xác đang trải chiếu nằm vỉa hè kêu oan vì mất đất.
Không phải riêng mình ông B cúi đầu. Có nhiều người viết như ông đã từng nhắm mắt để khỏi nhìn những cảnh trái ngang. Có người viết ra sự thật rồi lại chỉnh sửa năm bảy lần đến khi sự thật thành một điều mơ hồ……. Mỗi người viết ra sự thật đều phải đắn đo cái giá của mình phải trả, mỗi lần như thế, sự thật cứ vơi dần… “
*
Những người cầm bút những người bất đồng chính kiến, những người biết nói và dám nói lên tiếng nói của mình ở Việt Nam không bao giờ biết được số phận của mình sẽ trôi về đâu. Họ sẽ không bao giờ có một cuộc sống thanh thản như bao người an phận khác, mạng lưới an ninh bao trùm lên đời sống của họ, theo họ trên từng con hẻm.  Người cựu chiến binh B cuối cùng cũng đã khép mình trước những thủ đoạn tinh vi của bộ máy an ninh khi ông đặt bút ký vào tờ biên bản rút lại lời khai, để vợ ông được tiếp tục đi dạy và để cánh cửa đại học cho đứa con gái được rộng mở.
Hồ sơ ông B. được đóng lại và số phận nghiệt ngã một nạn nhân khác lại âm thầm bắt đầu khi «Thành mở tủ lấy ra một bìa hồ sơ mới, nắn nói ghi tên hiệu hồ sơ… »*
* :  Trích đoạn trong bản tiếng Việt của quyển «Nói Trong Im Lặng » Bùi Thanh Hiếu (bản tiếng Anh Eva Tas Foundation xuất bản)
__._,_.___