Thời sinh viên, một buổi chiều tối có người đến ký túc xá tìm tôi và tỏ ý muốn tìm hiểu về đời sống ở Việt Nam sau tháng 4.1975. Đó là bà Laola Hironaka, trưởng nhóm sinh hoạt của Ân xá Quốc tế trong trường (AI Campus Network). Bà mời tôi đến sinh hoạt với nhóm, có chừng 20 thành viên, kể cho họ nghe về tình hình Việt Nam theo tin tức tôi nhận được qua thư gia đình.
Nói đơn giản thì đời sống gia đình tôi trong những năm sau ngày 30.4.1975 là khó khăn, các em của tôi đã phải thôi học sớm để lăn lộn vào đời kiếm sống. Nhiều người thân như chú bác, hàng xóm đang “học đại học” và khi nào “học tập tốt” rồi sẽ “tốt nghiệp”. Đó là cách nói mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được là những người thân đang bị giam trong những trại học tập, cải tạo được dựng lên ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam lúc bấy giờ.
Sau đó nhóm mời được những người đã từng bị giam tù dưới chế độ cộng sản đến nói chuyện, họ là những cựu “tù nhân lương tâm” như Đoàn Văn Toại, Nguyễn Hữu Hiệu, Trần Xuân Ninh. Để tìm hiểu thêm về những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam tôi đã cùng bà Laola đi gặp một số người như nhà văn Võ Phiến, nhà văn Đỗ Tiến Đức, dược sĩ Nguyễn Cao Thăng ở miền Nam California.
Thời điểm đó là cuối thập niên 1970, làn sóng thuyền nhân cũng đang lên cao nên sinh viên Việt Nam đã cùng với nhóm Ân xá Quốc tế, hội Humanitas tổ chức biểu tình ở Sproul Plaza kêu gọi cộng đồng sinh viên cũng như thế giới cứu giúp thuyền nhân và người tị nạn Đông Dương. Trong khuôn viên Đại học Berkeley vấn đề nhân quyền tại Việt Nam đã nhiều lần được thảo luận với sự có mặt của những diễn giả như ca sĩ Joan Baez, bác sĩ Trần Xuân Ninh, nhà văn Nguyễn Hữu Hiệu, cựu thủ lãnh sinh viên Đoàn Văn Toại, giáo sư Karl D. Jackson, bà Ginetta Sagan, nhà thần học Michael Buckley, khôi nguyên Nobel Hoà bình ‘74 Seán MacBride, Nobel Văn chương ‘80 Czeslaw Milosz.
Khi tin tức về tập thơ của một người tù nhiều năm ở miền Bắc Việt Nam được báo chí người Việt hải ngoại loan tin, trong một buổi họp mặt tôi cũng chia sẻ thông tin với nhóm. Cuối năm 1980 anh Đoàn Văn Toại gửi tặng tôi tập thơ Tiếng vọng từ đáy vực. Sau đó có nhạc Mười bài ngục ca do Phạm Duy phổ thơ “Ngục Sĩ” và băng cát-sét với các giọng ca gia đình Phạm Duy.
Trong những sinh hoạt của sinh viên Việt Nam ở Berkeley, mỗi năm chúng tôi đều tổ chức tưởng niệm 30.4, không ồn ào, chỉ là một buổi tối họp nhau lại trong phòng sinh hoạt có khi ở ký túc xá, hay trong trường, thắp nến, tâm tình, kể chuyện quê hương cho nhau nghe. Rất đơn sơ nhưng lắng đọng những tâm tư. Năm 1981 với tập thơ tù và những bản ngục ca vừa được phổ biến, chúng tôi quyết định tổ chức văn nghệ tưởng niệm 30.4 bằng một đêm thơ nhạc và thảo luận về chế độ lao tù ở Việt Nam. Vì là những bài nhạc mới, ít ai biết hát nên chúng tôi phải tìm người ngoài giúp và may mắn được ca sĩ Thu Hà của ban Tam ca Đông Phương ngày trước, tức bác sĩ Nguyệt Mehlert ở San Jose, sẵn sàng góp giọng ngâm, tiếng hát và góp cả công sức tập dượt cho sinh viên.
Lần này chúng tôi còn quyết định thực hiện chương trình bằng song ngữ để những sinh viên không phải gốc Việt có thể hiểu.
Lúc đó trong số sinh viên có Nguyễn-Khoa Thái Anh rất giỏi tiếng Anh và tiếng Việt vì khi mới sinh hoạt với hội Thái Anh có đưa cho tôi xem bản dịch “Lời giới thiệu” của Nguyễn Đình Toàn viết cho cuốn băng Hát cho quê hương Việt Nam 1, với nhạc Trịnh Công Sơn và tiếng hát Khánh Ly. Đọc bản tiếng Anh, tôi rất phục. Hơn nữa trong những lần đối chất với các diễn giả bênh vực cho Hà Nội, Thái Anh phản biện rất trôi chẩy. Về tài văn nghệ, trong chương trình Đêm Việt Nam đầu tiên của VSA, năm ngoái Thái Anh đã đóng vai Nguyễn Trãi thành công, cùng với Nguyễn Ngọc Thanh trong vai Nguyễn Phi Khanh trong vở kịch thơ “Hận Nam Quan”, nên lần này tổ chức ngâm thơ chúng tôi tin sẽ làm được.
Vì thời gian tập dượt với ca sĩ Thu Hà không có nhiều, hai ngày cuối tuần, nên chỉ có ba giọng hát sinh viên là Hà Thuý Dung, Nguyễn Thị Huệ và Ninh Ngọc Bảo Khanh và ba giọng diễn ngâm là chị Thu Hà, Thái Anh và Nguyễn Ngọc Thanh cùng tiếng đàn ghi-ta của sinh viên Trung Nghĩa. Trong cộng đồng có cây sáo trúc Bùi Duy Long và tiếng đàn tranh Ngọc Dung từ San Jose, tuy không tập dượt, nhưng đã hứa sẽ đến giúp cho buổi thơ nhạc vì quí mến sinh viên.
Khi trình bày tờ bướm cũng như soạn chương trình, tôi không rõ về tên tuổi nhà thơ, chỉ biết rằng tập thơ đã được một nhà ngoại giao châu Âu đem ra khỏi Việt Nam. Tôi nhờ trưởng nhóm Ân xá Quốc tế dò hỏi và biết tên thi sĩ đó là Nguyễn Chí Thiện. Vì thế trong tờ bướm, cũng như tờ chương trình đều ghi tên thi sĩ. Có lẽ đây là tài liệu đại chúng đầu tiên ghi rõ Nguyễn Chí Thiện là tác giả của tập thơ. Trong danh sách những tù nhân được Ân xá Quốc tế quan tâm thì thi sĩ Nguyễn Chí Thiện là tù nhân lương tâm đầu tiên từ miền Bắc Việt Nam.
Chương trình diễn ra tốt đẹp. Khi hát hay diễn ngâm bằng tiếng Việt thì có lời Anh được chiếu lên. Chị Thu Hà ngâm bài “Có phải em là”, Nguyễn Ngọc Thanh diễn ngâm “Vô địch”. Trình diễn thơ tiếng Anh có Thái Anh đọc “Xưa Lý Bạch”; phu quân của ca sĩ Thu Hà là Calvin Mehlert, một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ từng phục vụ tại Việt Nam đọc “Thư gửi Bertrand Russell” và giáo sư Goldman, chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Nam và Đông Nam châu Á, đọc “Thơ của tôi”.
*
Dưới đây là phần trích bài của tôi viết về đêm thơ nhạc:
…
“Đêm Nghe Tiếng Vọng Từ Đáy Vực” được thực hiện bằng cả hai ngôn ngữ Việt và Anh vào tối thứ Sáu ngày 1.5.1981, tại phòng số 160 Kroeber Hall, U.C. Berkeley với sự tham dự của trên 200 khán thính giả.
Ngày 1.5 là ngày Quốc tế Lao động. Các nước tự do thường dùng ngày này để tuyên dương hoặc tán tụng các quyền tự do lao động của con người, như quyền đình công, quyền tổ chức và gia nhập nghiệp đoàn, quyền làm việc theo khả năng, ý thích v.v… Trong khi đó tại các nước cộng sản, cũng vào ngày này hằng năm, chính quyền thường đưa ra những chiêu bài lừa bịp, những chính sách bóc lột, bắt người dân phải hy sinh lao động nhiều hơn để phục vụ cho một thiểu số thống trị.
Nhưng đáng ghi nhớ hơn, cách đây 6 năm 1 ngày, ngày 30.4.1975 cộng sản chiếm trọn miền Nam Việt Nam, vì thế ngày 1.5.1975 người dân miền Nam đã phải sống trọn một ngày đầu tiên trong cái gọi là “thiên đường” của chủ nghĩa xã hội Việt Nam, một ngày Quốc tế Lao động đầu tiên để bắt đầu cho chuỗi ngày “lao động vinh quang”, cho “hội họp, kiểm thảo”, cho “vào tù ra khám”, điển hình như:
Bà kia tuổi sáu mươi rồi
Mà sao không được phép ngồi bán khoai
Cụ kia tuổi bảy mươi hai
Mà sao hội họp mệt nhoài chẳng tha
Tự do tôi quí thiết tha
Mà sao tù ngục hết ra lại vào…
Và cũng là khởi đầu cho chuỗi ngày đắng cay sống dưới “chế độ khoai sắn” với những câu chuyện thật thương tâm:
Bao giờ tôi gặp lại anh
Sẽ kể nghe chuyện khoai sắn
Chuyện thương tâm
Vì là chuyện cùm, chuyện bắn
Chuyện nhục nhằn
Vì là phản phúc gian manh
Sẽ làm đau xót lòng anh
Sẽ làm đau xót lòng anh…
Hay có những câu chuyện cười ra nước mắt:
Miếng thịt lợn chao ôi là vĩ đại
Miếng thịt bò lại vĩ đại bằng hai
Chanh, chuối, cam, đường
Lạc, đỗ, gạo, khoai
Đảng mó tới tự nhiên thành vĩ đại
Chuyện có thực mà tưởng như thần thoại
Mà tưởng như ác mộng bi ai…
Hoặc những chuyện bi hùng:
Tôi có thể ăn vài cân sắn sống
Nhai ngon lành như kẹo súc-cô-la
Bạn phục tôi tài hơn cả lợn à
Tôi đang sống trong trại giam Việt Cộng
Mưa đông rét ào ào gió lộng
Đứng ngâm mình vớt nứa giữa giòng sông
Bạn tưởng tôi da sắt với xương đồng
Tôi đang sống trong trại giam Việt Cộng…
Những chuyện não nùng, bi ai của chế độ:
Một tay em trổ: “Đời xua đuổi”
Một tay em trổ: “Hận vô bờ”
Thế giới ơi! ai có thể ngờ
Đó là một tù nhân tám tuổi
Trên bước đường tù mà tôi rong ruổi
Tôi gặp hàng ngàn em bé như em…
Những lời thơ tiếng nhạc đã nói lên được cuộc sống bi ai nhưng hào hùng của người dân Việt Nam trong lao tù và dưới chế độ cộng sản Hà Nội.
Nhưng để có thể diễn tả cuộc sống lao tù cộng sản một cách sống động hơn, “Đêm Nghe Tiếng Vọng Từ Đáy Vực” còn có phần thảo luận với một số hội thảo viên gồm những người đã phải sống trong trại cải tạo nhiều năm.
Trong phần trả lời những câu hỏi, tất cả hội thảo viên đều bác bỏ lập luận của Hà Nội và những tay sai cho là người Việt Nam bỏ nước ra đi là vì lý do kinh tế. Một hội thảo viên khi trả lời câu hỏi này đã bật khóc, nói rằng: “Không lẽ vì lý do kinh tế, vì muốn tìm ấm no cho cuộc sống mà tôi đã phải bỏ lại vợ và đứa con mới chập chững biết đi để tôi ra đi một mình hay sao?”
Qua phần thảo luận, người tham dự đã được biết đến đời sống trong các lao tù của Hà Nội thật khổ cực, chẳng hạn như đã có đến 20 người bị giam chung trong một phòng chỉ rộng 9 mét vuông, hoặc có những bữa cơm chiều chỉ vỏn vẹn 16 hạt bắp.
Còn về sinh hoạt dân chủ dưới chế độ cộng sản tại Việt Nam thì tất cả chỉ là những trò bịp bợm, vì người dân không có quyền ứng cử và bầu cử tự do. Các ứng cử viên đều do Đảng Cộng sản chỉ định, dân bị bắt buộc bầu cho những người được chỉ định đó.
Cũng trong dịp này, giáo sư Nguyễn Văn Canh, nguyên phụ tá khoa trưởng đặc trách học vụ của Đại học Luật khoa Sài Gòn, hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Hoover thuộc viện Đại học Stanford, đã nói về các chính sách mà Hà Nội áp dụng tại miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 nhằm loại bỏ những thành phần chống đối, như cải cách ruộng đất, diệt tư sản mại bản, đàn áp trí thức. Chính sách này đã gặp phải nhiều chống đối từ dân chúng, điển hình là vụ Quỳnh Lưu khởi nghĩa, vụ Nhân Văn Giai phẩm, các vụ nổi dậy của nông dân v.v… Các chính sách đàn áp này được Hà Nội một lần nữa áp dụng tại Nam Việt Nam vào những năm 1977-78. Qua đợt đàn áp này, mặc dù nhiều người đã bị giết chết hoặc bị bắt giam vì chống đối nhưng hậu quả vẫn là những thất bại không cứu vãn được của bạo quyền Hà Nội trong chính sách cai trị hiện thời của họ.
Sau phần hội thảo kéo dài gần 2 giờ, chương trình chấm dứt bằng “Ngục Ca số 10” tức “Sẽ Có Một Ngày”:
Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng
Vất cùm
Vất cờ
Vất đảng
Đội lại khăn tang
Xoay ngang vòng đạn oan khiên…
Lời hát không chỉ là ước mơ của một con người đã phải sống với “cùm, bắn, chém, băm” trong gần 20 năm ngục tù ròng rã, mà cũng là ước mơ của hơn 50 triệu dân Việt đang phải sống những ngày tăm tối nhất trong lịch sử.
“Trái bom sự thật” đã nổ long trời lở đất. Sức công phá của nó đang làm cả thế giới khiếp sợ. Âm vang của “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực” đã, đang và chắc chắn sẽ còn được lắng nghe mãi mãi.
[Bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại, số 97, từ 1 đến 15.6.1981]
Trong bài tường thuật tôi có nhắc đến Nguyễn Chí Thiện là tác giả tập thơ, nhưng toà soạn, chủ biên là cựu luật sư Đinh Thạch Bích, đã biên tập bỏ đi và kèm một lời ghi chú: “…một vài người đã tìm cách đưa ra tung tích về tác giả, căn cứ vào một nguồn tin tự nhận từng quen biết lâu năm với “tác giả”. Nhưng chi tiết đưa ra không mấy vững chắc, nên gần đây dư luận chỉ nói đến tập thơ, mà ít nói đến tác giả tập thơ. Có lẽ phải chờ thời gian và hoàn cảnh làm sáng tỏ vấn nạn này.”
*
Hôm 17.11.2007 ở San Jose đã có buổi giới thiệu tác phẩm Hoả Lò / Hanoi Hilton Stories của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Chương trình do bà Jean Libby, cựu giáo sư sử học tại San Jose City College phối hợp cùng Cộng đồng Việt Nam Bắc California tổ chức.
Anh Nguyễn-Khoa Thái Anh và tôi được ban tổ chức mời kể lại chương trình “Đêm Nghe Tiếng Vọng Từ Đáy Vực”. Hôm đó chúng tôi đưa người nghe về với không khí của đêm thơ nhạc xưa. Anh Thái Anh đọc “Thơ của tôi” và “Sẽ có một ngày” bằng Anh ngữ. Tôi đọc tiếng Việt và cất giọng ngân nga những dòng nhạc thơ mà tôi vẫn còn thuộc lòng kẻ từ sau những ngày tập hát vào hơn phần tư thế kỉ trước.
Hai mươi sáu năm trước sinh viên Berkeley cất tiếng ngâm thơ, hát vang lên lời ca của một tù nhân còn nằm trong xà lim Hoả Lò. Lời thơ của Nguyễn Chí Thiện đã ghi lại một giai đoạn lịch sử của đất nước. Hôm nay tôi hát lên như để ôn lại kỉ niệm, nhớ về thời sinh viên đầy nhiệt huyết và hăng say, nhớ về đất nước đã có một thời lắm những lao tù, nhọc nhằn và thương đau.
Ngày nay đời sống xã hội Việt Nam thay đổi nhiều và quê hương đang chuyển mình. Trong những lần đến Hà Nội tôi thường đi ngang Phố Hoả Lò, nhìn bức tường mầu vôi vàng với những ô vuông cửa sổ bé nhỏ có song sắt chắn ngang mà liên tưởng đến những lời thơ của Nguyễn Chí Thiện, đến hồi kí của Thượng nghị sĩ John McCain, đến những tù nhân của nhiều thời đại đã phải trải qua một phần cuộc đời ở chốn này, tù binh Mỹ cũng như tù nhân Việt.
Lần đầu tiên tôi đến Hoả Lò, nơi đây đang được phá đi một phần để xây trung tâm thương mại và tôi xin một cục bê tông to bằng hòn gạch thẻ đem về làm kỉ niệm. Mấy năm sau nhà lao Hoả Lò được đổi lại tên nguyên thuỷ là Maison Centrale và trở thành một bảo tàng ghi lại lịch sử thời Pháp đô hộ nước ta, 1896-1954, nhiều hơn là dấu tích của những thời đại khác. Bên cạnh đó giờ đây là một trung tâm thương mại nhiều tầng, cao sang. Tôi vào tham quan trong sự yên lặng rờn rợn người, nhất là khi bước đi giữa những buồng giam trong không gian mờ tối, sắc mầu âm u.
Hai mươi sáu năm, thời gian đã đem đến bao đổi thay. Những trại học tập đóng cửa, tù cải tạo lần lượt lên đường định cư. Mười hai năm trước nhà thơ Nguyễn Chí Thiện cũng đã giã từ thành phố của Hoả Lò để đến bến bờ tự do.
Hai mươi sáu năm trôi qua, những tù nhân lương tâm ngày trước ra đi có người đã trở về. Thượng nghị sĩ McCain cũng đã đưa gia đình đến thăm Hoả Lò, nơi ông và nhiều đồng đội đã bị giam cầm và hành hạ trong thời chiến tranh. Chốn âm u đó được tù binh Mỹ gọi miả mai bằng cái tên “Hanoi Hilton”. Bây giờ giữa phố phường Hà Nội có một khách sạn sang trọng là Hilton Hanoi Opera Hotel trên đường Lê Thánh Tông.
Việt Nam ngày nay không còn những trại học tập, nhưng trên mảnh đất ấy vẫn còn những người tù cần được quan tâm. Hôm chúng tôi kể chuyện làm văn nghệ ngày xưa, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã có mặt và cùng với lớp người trẻ như anh chị Đỗ Thành Công và Jane, cùng với bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi và nhiều người Việt tiếp tục lên tiếng bênh vực cho nhân quyền, nhân phẩm, cho tù nhân lương tâm ở Việt Nam.
[ảnh trong bài của tác giả]
2007 Buivanphu