Tháng tư năm 1972, tui mới chỉ là một con bé 8 tuổi học lớp 2 ở Trường Tân sinh 1 của thị xã Quảng Trị.
Tầm tuổi đó thì tui chẳng biết gì về chuyện chiến tranh hai bên đánh nhau có súng nổ đạn bay, có nhà cháy người chết…Tui chỉ biết một điều là người dân quê tui chạy giặc thường lắm!
Vốn là một cô nhi tử sĩ, từ khi mới lẫm đẫm biết đi tui đã sống với Ông Bà ngoại. Cả quê nội quê ngoại của tui đều ở thôn Thượng Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ba tui đầu quân đi lính Biệt động quân thời Ngô Đình Diệm cùng một số thanh niên trong làng, toàn đóng quân ở trong nam. Má tui do bà nội cưới cho Ba chớ hai người trước đó chưa biết chữ yêu đương. Thấy Má còn trẻ mà phải ở nhà làm dâu tội nghiệp, bà nội mới cho đi vô nam theo Ba. Nhờ gạo trắng nước trong, tôm cá đầy sông, giọng hò cấy lúa của miền nam, tui mới được hoài thai nên nói trong máu thịt và tâm hồn tui có dính dấp một chút miền nam thì cũng không có chi là sai.
Mới được 14 tháng tuổi thì Ba tui tử trận trong một trận công đồn rất lớn ở Đức Huệ-Hậu Nghĩa. Sau khi đem xác Ba về Quảng Trị an táng, má con tui ở lại nhà ngoại luôn.
Hồi ấy nhà ngoại đã dời lên Xóm Chuối trên thị xã. Theo như sau nầy tui nghe nói, lúc đó tỉnh Quảng Trị là địa đầu giới tuyến, là chảo lửa của chiến tranh hay gì gì nữa nỏ biết, nên chuyện chạy giặc đối với người dân khá thường xuyên. Có một số bà con của ngoại sống bên bờ bắc sông Thạch Hãn, cứ nghe có rục rịch là gồng gánh bồng bế sang nhà ngoại ở tạm ít bữa, nhắm tình hình coi bề yên yên lại quay lui về nhà cũ. Tui không rõ người quê tui mắc cái chứng chi mà lưu luyến mảnh đất quê nghèo nhiều như rứa? Đã chạy giặc hoài răng không chạy luôn một lèo vô Huế hay Đà Nẵng mà sống cho yên mà cứ thụt tới thụt lui?
Lần nầy thì tui nhớ mập mờ đâu khoảng mới mùng 10 tháng 3 âm lịch đã có người qua ở nhờ rồi.
Tháng tư! Không biết những cơn gió Lào khô hanh đã thổi về chưa? Tối qua không khí bức bối rất khó chịu, mồ hôi rịn ra xung quanh cổ làm tui cứ phải níu tay ông ngoại nhét cây quạt giấy vô bắt quạt suốt! Mãi tới quá nửa đêm, không khí bớt oi nồng và cơn buồn ngủ quá độ ập tới mới làm tui ngủ thiếp đi…
Ngày 13 âm lịch mới sáng bảnh mắt, còn đang nằm nướng trên giường trong giấc mơ được bận chiếc áo dài xẻ tà màu nõn chuối, mang đôi guốc gỗ gót cao, tay che cây dù nhỏ xíu màu tím hoa cà đỏng đảnh bước trên con đường làng về thăm bà nội trước những cặp mắt trầm trồ đầy ngưỡng mộ của bọn trẻ nít đồng trang lứa trong làng thì nghe tiếng ông ngoại lắc chân khua dậy:
– Dậy! Dậy mau mà chạy giặc! Bọn nớ tới rồi!
Tui không biết bọn nớ là bọn nào? Chỉ muốn nằm ạch trở lại đặng tiếp tục giấc mơ đẹp nên phụng phịu không chịu bước xuống giường, cho đến khi có tiếng nạt lớn của ông ngoại. Chẳng kịp rửa qua cái mặt, tui bị ấn lên vai một cái túi nhỏ.
Tui không biết do có lịnh của chính quyền hay lời đồn đãi loan truyền mà nhà ngoại cũng gồng gánh chạy giặc xuôi vô Huế.
Ông ngoại thì gánh một đầu bầy vịt, một đầu mùng mền. Bà ngoại thì gánh một đầu quần áo, một đầu nồi niêu soong chảo mắm muối. Má tui thì bồng em bé và quảy thêm trên vai túi quần áo, mựa Gái vợ cậu Công cũng quần áo và một túi gạo, nách đứa con nhỏ. Riêng tui thì bà ngoại phân công mang một túi nhỏ đựng đâu khoảng mươi lon sữa bò gạo.
Cả nhà lật đật hoà theo dòng người chạy giặc, nhưng tui cứ lẫy rồi dùng dằng chẳng muốn đi vì phải mang túi gạo nặng chịch trên vai. Từ nhà ra tới lộ cái mấy trăm mét mà cả nhà cứ phải lựng xựng chờ con nhỏ cứng đầu…Gánh nặng thì phải bước sải theo đà đi cho mau lại nhẹ vai, nhưng ông ngoại cứ phải chậm lại để chờ những bước đi ngắn ngủn chứa đầy sự lôi thôi của tui nên gắt um lên.
Mãi tới khi ra đụng bìa lộ, tui chộ một đứa con gái trạc tuổi mình bị trúng đạn nằm chết bên lề đường mới thất kinh hồn vía mà chạy lúp xúp theo cho kịp mọi người.
Trên đường đi cũng có thấy rải rác những xác người, nhưng chắc do phải lo chạy nên người thân chỉ đắp cho chiếc chiếu, hy vọng một vài bữa tạm yên thì quay về lo chôn cất. Tiếng súng phía trong xa vẫn đều đặn vọng tới như những nốt nhạc cao lạc điệu mang theo cái chết nổi lên trên nền cái bè trầm của một bản giao hưởng là những tiếng ồn ào đủ mọi âm sắc như họp chợ của đám đông hoảng loạn đang cố chạy càng xa càng tốt lưỡi hái của tử thần. Có những người lính vừa chạy vừa cởi áo trà trộn vào để…”giả dạng thường dân”. Những chiếc xe nhà binh bị bắn cháy lật nhào nằm chỏng chơ trên mặt đường hay lật nghiêng ven mé lộ.
Gánh nặng càng đi càng mệt nên ông bà ngoại cứ phải rút dần mền gối và quần áo quăng bớt đi cho nhẹ gánh. Trên đường đi, hai ông bà cứ cãi nhau mà tui là người đứng cửa giữa chịu trận. Tính ông ngoại thấy của lạ thì tham, cái gì cũng muốn lấy của người ta trong khi bà ngoại thực tế hơn, đâu biết phải chạy bao xa mà mang vác cho cố?
Bất ngờ ông ngoại thấy một bao cát Mỹ nhẹ, nghĩ đó là bao tiền nên khiến tui quăng bỏ túi gạo mà ôm cái bao ấy. Nhiêu đó thôi cũng xảy ra một trận cãi lộn rân trời giữa hai ông bà, còn tui thì lại thích vì khỏi phải đeo cái túi gạo…nặng ngàn cân trên vai.
Lúc nầy bước đi đã nhẹ tênh rồi nên tui mới đưa mắt chộ xung quanh. Chợt thấy một đôi giày săng-đan da màu trắng của con gái lăn lóc trên mặt đường, ước chừng vừa chân mình nên tui…lượm luôn!
Vừa đi vừa chạy mà cái gánh càng ngày càng thấy nặng hơn. Thở hổn hển, mồ hôi chảy dài xuống hai bên gò má, bà ngoại quay qua gắt ông ngoại:
– Răng ôn khôn bỏ bầy vịt đi cho nhẹ để chạy cho năng?
– Kệ tui! Bỏ rồi vô trong đó lấy cái chi mà ăn hở Mụ?
Chạy trên nền đường cao, ngó qua bên trái hướng biển thì sau đụn cát trải dài, đụng cái rú rồi tới khoảng đất trống, tui thấy có những xác Việt cộng còn tươi rói nằm rải rác mà không thấy xác lính quốc gia, chắc là hậu quả của cuộc đụng trận đêm qua chưa lấy xác kịp.
Tầm quá trưa, mọi người bàn nhau kiếm chỗ nấu cơm ăn. Rẽ về phía bên phải con đường, vẹt những vạt ớt sừng trâu của dân trồng rất tốt, bụi nào cũng lớn phổng phao ngang ngực tui và đầy lắc lĩu trái chín đỏ, đi về phía trong xa khoảng hơn trăm mét thấp thoáng có những ngôi nhà với cây cối rậm rạp. Trong ký ức mấy chục năm trôi qua, tui nhớ mài mại người ta kêu chỗ đó là Lùng Hưng.
Ông ngoại tìm được một chỗ giống như trường học trước đây bèn nghỉ chân, quơ đại mấy nhánh cây khô xung quanh nổi lửa nấu cơm. Gần đó có một con suối mùa khô nước đã cạn, chỉ còn rải rác những vũng nước đọng nho nhỏ. Khát khô cổ nên cứ lấy cái nón lá vục xuống uống đại rồi vo gạo luôn. Tới chừng ngước mặt nhìn quanh thì phát hiện có mấy cái xác Việt cộng nằm vắt vẻo trên bờ.
– Chết cha! Mình uống nước có pha máu người rồi! Nhưng lỡ nuốt vô bụng làm sao ói ra?
Ai lo âu, ai sợ hãi mặc kệ. Trong khi người lớn lui cui cho bữa cơm tốc hành, tui lấy đôi giày mới lượm ướm thử vào chân mình. Úi chà! Làm như Má mua đôi giày nầy cho tui vậy. Nó vừa vặn hết ý luôn! Tui tủm tỉm cười một mình khi nghĩ thì cứ coi như đôi giày ni bù lại cho giấc mơ đẹp hồi sáng sớm bị gãy ngang vậy!
Bẻ mấy nhánh cây mãng cầu làm đũa, mọi người hối hả lua đại bữa cơm chạy giặc, không kịp nghỉ mệt vội vã tiếp tục lên đường ngay.
Chạy tới khoảng Cầu Dài, tiếng súng bắn ra dồn dập. Đạn bay chíu chíu trên đầu nên không ai dám chạy trên mặt đường mà phải xuống mé lộ mấp mô vừa chạy vừa núp. Nghe có tiếng đạn bay qua đầu, bà ngoại quăng gánh nằm sải lai dưới đất vừa la biểu nằm xuống. Bà ngoại đâu có hiểu khi lỗ tai mà nghe được tiếng đạn bay ngang thì đầu đạn đã bay qua trước đó mấy giây rồi thì còn núp mà mần chi?
Lúc nầy, trên mặt lộ đã có khá nhiều xác người nằm không được đắp điếm chi, có cả một đứa nhỏ vẫn còn đeo bú vú mẹ trong khi bà mẹ với khuôn mặt bê bết máu đã tắt thở tự lúc nào.
Đó là những hình ảnh đập vào mắt tui gây nên một cảm xúc kinh hoàng tuy tuổi tui còn quá nhỏ. Phần thì sợ, phần thì quá mệt mỏi sau khi chạy suốt buổi sáng nên tui chẳng còn tâm trí đâu mà chộ xung quanh nữa.
Tiếng súng ngày càng rộ lên, không biết nhằm vào lính hay vào dân?
Vừa chạy vừa núp tránh đạn được một khoảng khá xa thì thấy trước mặt có một chiếc xe nhà binh đầu hướng phía Huế đậu nổ máy chờ sẵn. Mọi người hối hả chạy tới trèo lên thùng xe trong khi tiếng đạn trong xa vẫn còn bắn ra.
Tui được đỡ lên ngồi ở góc trái cuối thùng xe kế bên má bồng đứa em. Ông bà ngoại vẫn còn đứng lựng xựng dưới đất, không biết họ vướng víu đôi gióng khó leo lên hay vì nguyên nhân gì mà cứ chần chừ?
Rồi do tiếng đạn bắn dồn dập hướng ra đường, chiếc xe nhà binh vọt chạy bỏ lại hai ông bà đứng hoảng loạn mà với gọi theo con cháu một cách tuyệt vọng trong ánh sáng chập choạng của bóng hoàng hôn đang tràn tới che khuất dần những hình bóng thân yêu?
Còn chút xíu nhưng cũng biết khôn, tui đè chóp nón lá của má xuống thấp khi nghe tiếng đạn réo ngang đầu. Thấy tui giỏi hôn? Mới thấy bà ngoại làm không lâu trước đó cái học theo được liền.
Mà cái bao tiền tui quăng mất khi mô rồi? Cả đôi giày trắng điệu đàng cũng không rõ giờ ở xứ mô? Rồi ông bà ngoại với mựa Gái mô rồi mà chỉ còn hai má con trên xe với toàn những người lạ?
Nước mắt bỗng lăn dài xuống hai gò má. Tui thút thít đưa tay gạt ngang trong thấp thỏm lo âu khi nghĩ là nỏ biết mình có còn gặp lại được ông bà ngoại sau cuộc chia ly chớp nhoáng bất ngờ trong chốn tên bay đạn lạc không?
Tui nhớ khi bình tĩnh lại, ngồi trên chiếc xe nhà binh thoát khỏi vòng vây thì trời đã muốn sập tối. Trời chiều không có những ráng màu rực rỡ, không có những chùm tia sáng bén ngót rọi qua rìa những đám mây, không có hình dạng những con thú trắng nõn luôn biến hoá bay ngang bầu trời mà chỉ có một màu xám xịt tang tóc u buồn!
Xe chạy vô tới Huế, đổ xuống chỗ tập trung dân chạy giặc ở Phu Văn Lâu. Má tui thấy một đám người lộn xộn với vẻ mặt thất thần trên bãi cỏ ngoài trời, nghĩ hai đứa con còn nhỏ chắc không chịu thấu, má con tui đi thẳng xuống nhà bà con dưới Phù Lương ở tạm. Không biết chạy bằng kiểu gì, mựa Gái đã có mặt ở đó rồi.
Dì Dỏ, cậu Công chạy đôn chạy đáo xuống chỗ tạm cư Phu Văn Lâu và những chỗ khác suốt ngày hôm sau đi tìm ông bà ngoại, nhưng vẫn không có tin tức chi làm trong nhà ăn không ngon ngủ không yên, cứ phập phồng lo sợ cho tánh mạng của họ.
Hai ngày sau, chiếc xe Jeep của một người quen đỗ xịch ngoài ngõ lúc đã đỏ đèn. Ông bà ngoại bước vô người đen kịt như mới chui ra từ lò than, chắc mấy ngày nay lội bộ rã giò không tắm rửa chi cả. Dù sao vẫn còn…có ông có bà.
Uý chu choa! Thiệt là cả nhà mừng như lượm được vàng!
Trong khi bước thấp bước cao theo chỉ tay của chủ nhà ra cái giếng đằng sau tắm rửa để dội sạch lớp bụi trần ai, ông ngoại còn quay cổ nói vói lại:
– Đứa mô rảnh tay làm mấy con vịt ăn mừng cả nhà tai qua nạn khỏi coi bọn mi.
Rồi ông quay về phía bà ngoại cười ruồi một cách đắc chí:
– Đó! Mụ thấy chưa? Tui mà nghe lời mụ thì bây chừ răng có thịt vịt mà ăn?
Bà ngoại nguýt ông một cái bén ngót rồi trề môi thiếu điều muốn dài từ Huế ra thấu Quảng Trị luôn!
Tới ngày 18 âm lịch, ông dượng mới chạy vô được do còn kẹt song thân đã già và hai đứa em trai nên không kịp đùm túm đi chung. Ông kể, trên đường đi lúc đó xác người đã nằm la liệt sau mấy ngày lửa đạn. Vừa trèo được lên xe nhà binh chờ sẵn thì tiếng súng đủ cỡ phía trong xa hướng ra đường cái nổ chát chúa cộng với những trái đạn súng cối dội xối xả để lại những cụm khói đen nghịt và những xác người bị xé tan từng mảnh vụn rơi tung toé xuống mặt đường và hai bên bờ lề cỏ cháy xém úa vàng vì đạn pháo.
Tài xế không còn đủ bình tĩnh mà tránh những xác người nằm la liệt trên mặt đường đành phải nhấn lút ga cán tràn qua chạy trối chết. Thoát ra khỏi vùng hiểm nguy, dừng xe lại ngó thì da thịt và máu người đã nhầy nhụa cả mười bánh xe bốc mùi tanh tưởi khiến ai cũng lợm giọng. Mường tượng lại hình ảnh đó, sao tui nghe giống như một câu hát trong bài Ngụ ngôn mùa đông của Trịnh Công Sơn: “…người chết hai lần, thịt da nát tan…”
Sau nầy nghe người ta đặt tên đoạn đường đó là “Đại lộ kinh hoàng” trong Mùa hè đỏ lửa và ghi tên luôn vào lịch sử của cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng trong con mắt tui thì đó chỉ là con đường liên tỉnh nhỏ hẹp thời chiến ở một vùng quê nghèo, lởm chởm đất đá vì đạn bom chỉ vừa cho hai chiếc xe tránh nhau mà thôi. Người ta cứ hay tô vẽ màu mè rồi nói phóng đại cho quá sự thật!
Trải qua một cuộc bể dâu, tui có suy nghĩ như ri:
Bọn tui không phải chạy đi tìm một sự bảo vệ mà chỉ chạy trốn một nỗi kinh hoàng. Tưởng như mình đang chạy trên lằn ranh sinh tử, khẽ nghiêng một chút là đụng phải sự chết. Con giun, con kiến cũng còn muốn sống kia mà.
Bọn tui muốn được sống!
Một cuộc ra đi rời bỏ quê hương bản quán chưa biết ngày nào sẽ trở về?
Với bấy nhiêu của nả mang theo như rứa, tương lai nào đón đợi bọn tui phía trước?
Bao nhiêu năm dành dụm cất lên được mái nhà đụt mưa che nắng, có chắc khi trở về còn được một tấm tôle dưới bão lửa chiến tranh hay không?
Bao nhiêu người dân đã chết một cách oan uổng và thân nhân không thể tìm thấy người thân đã bị phanh thây mà an táng cho mồ yên mả đẹp?
Bao nhiêu đứa trẻ bị mồ côi? Bao nhiêu gia đình bị ly tán?
Bao nhiêu phận người bỗng hoá kiếp lưu vong?
Có ai đủ lãnh đạm mà đúc kết mấy đau thương ấy thành những con số mà lưu lại cho lớp hậu sinh để biết ngậm ngùi cho thân phận người dân bé mọn trong cuộc chiến tranh phi nghĩa là thế nào?
50 năm đã trôi qua, tui bây giờ đã là bà nội bà ngoại, nhưng trong ký ức của tui chưa bao giờ phai nhạt hình ảnh “Con đường kinh hoàng” của tuổi thơ Quảng Trị trong mùa hè năm một ngàn chín trăm bảy mươi hai.