2 tháng 9. Hãy thôi kèn trống nhộn nhạo ăn mừng!

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Wed, 09/02/2015 – 09:18- Song Chi.

Vào ngày 9.8.2015 vừa qua Singapore đã long trọng kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của đảo quốc này. Thực sự, chính phủ và người dân Singapore hoàn toàn có thể tự hào, vui sướng vì những gì mà họ đã đạt được. Chỉ sau 50 năm đối với một quốc gia nhỏ bé, thuộc địa cũ của Anh quốc, nay Singapore đã phát triển nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, với những thành tựu nổi bật về kinh tế, giáo dục, y tế. Và mặc dù vẫn còn bị chỉ trích là một chính phủ độc tài, cũng như sự thiếu vắng về tự do ngôn luận và chính trị, nhưng ít nhất người dân Singapore đã và đang được sống trong một xã hội ấm no, thịnh vượng, thượng tôn pháp luật, chính phủ minh bạch. Đất nước này nhận được sự ngưỡng mộ của các nước, là một trong những biểu tượng hóa rồng nhanh chóng của khu vực và thế giới.
Sắp tới, có lẽ người Đức sẽ kỷ niệm 25 năm thống nhất đất nước (3.10.1990-3.10.2015) và họ cũng hoàn toàn có thể tự hào, hạnh phúc vì đã thống nhất không đổ máu, và vì Tây Đức không bị Đông Đức quyết tâm “giải phóng” bằng mọi giá nên khi cần thiết, người dân cả hai miền có cơ hội để so sánh và lựa chọn một thể chế tốt đẹp hơn. Sau 25 năm, người Đức đã nỗ lực rất nhiều để san bằng khoảng cách giữa hai miền Đông-Tây và nước Đức hiện nay là đầu tàu về kinh tế cũng như trong nhiều lĩnh vực khác ở châu Âu.
Đừng quên, Đức là nước đại bại trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Một quốc gia khác cũng bị đại bại và phải chịu sự chiếm đóng của nước ngoài là Nhật Bản, nhưng từ sau chiến tranh, Nhật tập trung phát triển kinh tế, và chỉ đến cuối thập niên 60 của thế kỷ XX Nhật Bản đã hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, trở thành một nước tư bản phát triển. Nhắc đến Nhật là nhắc đến những thành tựu về kinh tế, đặc biệt về công nghiệp điện tử, kim khí, máy móc, xe hơi, hàng tiêu dùng… với những thương hiệu hàng đầu thế giới và đảm bảo uy tín về chất lượng; là nhắc đến những giá trị Nhật Bản không chỉ trong kinh tế mà cả về văn hóa, con người.
Kỷ niệm 70 năm chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, và sự thất bại của chủ nghĩa phát xít (9.1945-9.2015), vào thời điểm này, người Nhật có thể nhẹ nhàng, không mặc cảm khi nhìn lại quá khứ, không những thế, họ có quyền tự hào vì đã thay đổi hướng đi và đã từ đống tro tàn vươn mình đứng dậy.
Và còn nữa, những ví dụ khác của thế giới…
Ngày 2.9 năm nay nhà cầm quyền VN cũng tưng bừng kỷ niệm 70 năm VN tuyên bố độc lập và được lãnh đạo bởi đảng cộng sản. Một chương trình kỷ niệm hoàng tráng và tốn kém đã được chuẩn bị tử trước đó mấy tháng. Tất nhiên, truyền thông nhà nước sẽ được chạy hết công suất để ca ngợi công ơn đảng và nhà nước, để nhắc đến những thành tựu của “thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử, thời đại Hồ Chí Mính” v.v và v.v…
Thế nhưng có thật 90 triệu người dân cảm thấy tự hào, vui sướng hay chỉ mình đảng “tự sướng”?
Có gì đáng để vui mừng cho 70 năm của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN nếu nhìn sang những thành tựu của nhiều nước khác, với thời gian ngắn ngủi hơn?
VN hôm nay có thật là một quốc gia độc lập, tự do, hạnh phúc như câu nói luôn luôn xuất hiện trong mọi văn bản, giấy tờ của nhà nước?
Ngay từ đầu, đảng cộng sản đã chọn con đường giành độc lập bằng hình thức bạo lực cách mạng, sau này lại lựa chọn thống nhất đất nước bằng chiến tranh, giữ chính quyền bằng bạo lực và sự cai trị, bất chấp nhân tâm, sự lựa chọn đó đã dẫn đến quá nhiều đau thương, mất mát. Cuộc nội chiến 20 năm với hơn 3 triệu người đã ngã xuống, lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được, tiếp đó lại chiến tranh biên giới với Trung Cộng, cuộc chiến với Campuchia…đã tàn phá đất nước, hủy hoại sinh lực của dân tộc VN. Bên cạnh đó là vô số những chính sách sai lầm về kinh tế, quản lý đất nước, sử dụng con người, đẩy đất nước thục lùi hàng chục, hàng trăm năm về nhiều mặt, hàng triệu người bỏ nước ra đi trong đó gần một nửa vĩnh viễn nằm lại dưới biển sâu, tạo nên một trong những cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử VN và cả thế giới trong thế kỷ XX.
Cho đến tận hôm nay, VN vẫn bị kìm hãm không thể phát triển vì những cải cách nửa vời không triệt để, vì tầm nhìn hạn hẹp, vị kỷ, chỉ muốn bám chặt lấy quyền lực bằng mọi giá của đảng và nhà nước cộng sản.
Hậu quả VN ngày nay đứng ở đâu trên thế giới, đã đạt được những thành tựu gì, đóng góp được gì cho nhân loại, vị thế của VN và ngay cả của người Việt trong mắt bạn bè thế giới như thế nào… Đó là những câu hỏi không khó để trả lời.
Nhà nước cộng sản VN đã tự sướng, đã ngất ngây với những thành tích chiến thắng quá đủ và quá lâu rồi. Giờ là lúc hãy nhìn thẳng vào sự thật, để biết đau biết nhục vì sự thua kém về nhiều mặt của đất nước so với các nước khác, vì người dân mình đa số vẫn còn nghèo quá, khổ quá, vẫn còn phải chạy vạy kiếm ăn từng bữa và hàng triệu người khác đang tha hương tứ xứ đi làm thuê khắp thế giới trong lúc hàng chục, hàng trăm ngàn người khác nữa vẫn đang tiếp tục tìm mọi cách bỏ nước ra đi…
Dù ở thế kỷ XXI, những khái niệm về tự do, dân chủ, những quyền con người căn bản vẫn còn là xa xỉ với người Việt.
Chưa bao giờ nhà nước này biết sám hối, biết nói một câu hay có một hành động tỏ sự hối tiếc, ân hận cho những sai lầm, những tội ác mà họ đã gây ra cho đất nước này, dân tộc này.
Và không chỉ riêng đảng và nhà nước cộng sản VN phải sám hối.
Tất cả chúng ta, hơn 90 triệu người VN trong và ngoài nước cũng cần cảm thấy nhục, đau thay vì vui mừng, cần sám hối thay vì dửng dưng trước thời cuộc.
Tất cả những người dân miền Bắc thuộc thế hệ U90 cho tới U50 đã từng tin vào những lởi đảng cộng sản nói, đã từng góp phần vào xây dựng nên chế độ này, hãy sám hối, như những người đã nhận ra sự thật. Như tướng Trần Độ, nhà báo Bùi Tín, nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà văn Dương Thu Hương, cựu lãnh sự VN tại Geneva Đặng Xương Hùng, nhà báo Lê Hiếu Đằng và nhiều, rất nhiều những người khác, như những lời tâm sự chân thành của hai anh em đảng viên đảng cộng sản Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn trong bài“Phỏng vấn Huỳnh Nhật Hải, Huỳnh Nhật Tấn-Làm cách mạng không phải để dựng nên một nhà nước độc tài”, do tác giả Phạm Hồng Sơn thực hiện, đăng trên Talawas từ tháng 4.2012:
“…Phạm Hồng Sơn: Nếu được sống lại thời tuổi trẻ một lần nữa, các ông có tiếp tục ủng hộ và đi theo Việt Minh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam hay ĐCSVN?
Huỳnh Nhật Hải: Không, không bao giờ.
Huỳnh Nhật Tấn: Tôi sẽ phải bình tĩnh hơn, tìm hiểu xem họ có ủng hộ và có tư tưởng dân chủ thực sự không, chứ không thể chỉ căn cứ vào lời nói và tuyên truyền của họ. Theo tôi, vấn đề dân chủ phải được đặt cao hơn vấn đề dân tộc vì chỉ có dân chủ mới giúp cho dân tộc được tự do đúng nghĩa và khi đó đất nước mới có nền độc lập bền vững.

….
Phạm Hồng Sơn: Nếu bây giờ vô tình hai ông gặp lại một người là cựu viên chức cũ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và người đó chính là “kẻ thù” của ông trước 1975, điều trước tiên hai ông muốn nói là gì?
Huỳnh Nhật Tấn: Tôi có lỗi với dân tộc. Chính cái hăng hái, nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng nên chế độ độc tài hiện nay, đã vô tình đem lại sự đau khổ hiện nay. Và nếu xét về những căn bản để bảo đảm tự do cho nhân dân và độc lập cho dân tộc thì tôi cũng đã vô tình góp công sức đưa những người mang danh là “cách mạng” nhưng thực chất là vì quyền lực tới phá bỏ một chế độ đã được xây dựng trên những căn bản về tự do, dân chủ và nhân bản tại miền Nam Việt Nam.
Huỳnh Nhật Hải: Bây giờ nhìn lại, con đường chúng tôi đã đi trước 1975 là một con đường sai lầm. Sự nhiệt huyết lúc đó của chúng tôi đã đem lại bất hạnh hơn là hạnh phúc cho dân tộc.”

Không chỉ những thế hệ trước, tất cả những ai còn đang hưởng lợi lộc từ chế độ này nên quyết tâm bảo vệ chế độ đến cùng bất chấp lợi ích của đất nước, nhân dân. Những ai đến giờ này vẫn lợi dụng những kẻ hở của chế độ để đục khoét, vơ vét tài sản của đất nước, tiền thuế của nhân dân, làm giàu từ tham nhũng, từ những cung cách làm ăn bất chính, bất chấp những hậu quả thiệt hại nặng nề mà họ gây ra. Những ai cho đến giờ này vẫn ra sức bảo vệ, bưng bô chế độ, tiếp tục nói dối để lừa mị nhân dân.
Từ những công an viên, cánh tay đắc lực bảo vệ đảng, dựa vào đảng, vào nhà cầm quyền để tác yêu tác quái, xách nhiễu, hành hạ dân chúng, thậm chí bạo hành dân đến chết trong trại tạm giam, những dư luận viên ngày đêm ném đá, bôi nhọ, vu khống những người dám nói lên sự thật cho tới những “bồi bút”, “văn nô” ngày đêm sơn phết, tụng ca chế độ bất chấp lương tâm và lòng xấu hổ, những trí thức mũ ni che tai, trùm chăn với thời cuộc, tự cho mình là khôn ngoan, hoặc còn đang mải mê kiếm thêm danh lợi…
Vả phía bên thua cuộc, không chỉ những người tham gia vào cuộc chiến hay lớn lên ở miền Nam trước 1975 cần sám hối vì đã không thể giữ được miền Nam, dù biết rằng do những điều kiện khách quan, do bàn cờ thế cuộc được sắp xếp giữa các nước lớn, nhưng giá như hồi đó người miền Nam tỉnh táo hơn, quyết liệt hơn, thậm chí thủ đoạn hơn, cộng sản có lẽ đã không thể thắng. Và những con người vì ngây thơ chính trị hay vì nhẹ dạ, từng “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”, góp phần dẫn đến sư sụp đổ của VNCH…
Không chỉ họ, thế hệ hôm nay trong và ngoài nước, trong đó có tôi, có chúng ta, cần phải sám hối bởi vì dựng nên chế độ là trách nhiệm của các thế hệ trước, nhưng giúp cho chế độ tồn tại là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Chúng ta đã quá giỏi chịu đựng nên chế độ này mới tồn tại lâu đến thế.
Sám hối để quặn lòng đau cho đất nước, để xót thương cho dân mình, cũng là thương chính mình và con cháu mình.
VN còn là một “quốc gia khó phát triển, không chịu phát triển” cho đến bao giờ?