Trong vòng một thế kỷ, tiểu thuyết của Alexandre Dumas đã được phóng tác thành cả trăm bộ phim điện ảnh cũng như truyền hình, kể cả ngoại truyện và hậu truyện tại Pháp cũng như tại Mỹ. Làng phim Hollywood từng chuyển thể thành công với phiên bản của George Sidney quy tụ (năm 1948) hai ngôi sao Lana Turner và Gene Kelly trên cùng một màn bạc. Trong phim “The Man in the Iron Mask” (1998), Gabriel Byrne và Gérard Depardieu đối đầu với John Malkovich để phò vua Leonardo Dicaprio. Trong bộ phim “La fille D’Artagnan” (1994), Sophie Marceau vào vai con gái của chàng ngự lâm nổi tiếng nhất nước Pháp. Còn phiên bản phim chiếu rạp gần đây nhất là “Ba chàng ngự lâm” trong mắt của đạo diễn người Nga Sergueï Jigounov (2014).
Hàng chục bộ phim gợi hứng từ “Ba chàng ngự lâm”
Về phía Pháp, cách đây đúng 100 năm, Henri Diamant-Berger là đạo diễn đầu tiên thực hiện hai phiên bản điện ảnh từ kiệt tác “Ba chàng lính ngự lâm” (Les Trois Mousquetaires). Phiên bản thứ nhất là một bộ phim câm được phát hành vào năm 1921. Bước sang kỷ nguyên phim có âm thanh và tiếng nói, đạo diễn người Pháp Henri Diamant-Berger lại bấm máy quay thêm một phiên bản kinh điển thứ nhì, quy tụ một dàn diễn viên Pháp nổi tiếng thời bấy giờ.
Cũng như tác phẩm “Napoléon” của đạo diễn Abel Gance, bộ phim “Ba chàng ngự lâm” của tác giả Henri Diamant-Berger được xếp vào hàng kiệt tác điện ảnh, một tác phẩm trường thiên ngoạn mục, với lối dàn dựng công phu nhờ vào ngân sách khổng lồ khoảng 3 triệu franc thời ấy, tức hàng chục triệu euro thời nay. Gần như toàn bộ tác phẩm cổ trang đã được quay ở ngoài trời với khung cảnh tự nhiên và khán giả Pháp thời ấy được dịp khám phá trên màn ảnh lớn một bộ phim hoành tráng quay tại lâu đài nguy nga tráng lệ Chenonceau, nhà thờ hùng vĩ Chartres và thị trấn cổ kính Pérouges.
Đúng 100 năm sau ngày phát hành phiên bản đầu tiên của Pháp, hãng phim Pathé hợp tác với nhà sản xuất Dimitri Rassam, năm nay 40 tuổi (ngoài đời, anh là con trai ruột của ngôi sao màn bạc người Pháp Carole Bouquet) để khởi động một dự án đầy tham vọng : dùng công nghệ hình ảnh và kỹ xảo hiện đại để phục vụ cốt truyện lịch sử cổ trang đầy tình tiết hấp dẫn, nhưng đồng thời tránh gây mâu thuẫn với bối cảnh và trình tự thời gian như điều đã từng xảy ra trong phiên bản phát hành năm 2011 của đạo diễn người Anh Paul W.S Anderson, tập hợp một dàn diễn viên hùng hậu : Milla Jovovich, Orlando Bloom, Logan Lerman, Luke Evans, Christoph Waltz, Mads Mikkelsen … Trong phiên bản tiếng Anh của “The Three Musketeers”, có các màn giao tranh trên không trung giữa các chiếc khinh khí cầu. Vấn đề là chuyến bay khinh khí cầu đầu tiên có người điều khiển đã được thực hiện vào những năm 1870 (cuối thế kỷ 19) trong khi bối cảnh phim lại diễn ra dưới thời vua Louis 13 tức Ià vào khoảng 1620 (đầu thế kỷ 17).
Đoàn phim, diễn viên, cảnh quay : 100% Pháp
Theo nhà sản xuất Dimitri Rassam, chi phí thực hiện phiên bản mới “Les Trois Mousquetaires” là trên 60 triệu euro. Bộ truyện dày 700 trang của Alexandre Dumas sẽ được phóng tác thành 2 bộ phim dành để chiếu ở rạp : tập một mang tựa đề ngắn gọn là “D’Artagnan”, còn tập hai là “Milady” (kẻ thù không đội trời chung của Ba chàng ngự lâm). Cả hai bộ phim này được khởi quay cùng lúc tại Pháp trong vòng 7 tháng từ tháng 08/2021 đến tháng 04/2022. Ngày ra mắt bộ phim được dự trù cuối năm 2022, đầu năm 2023.
Đoàn làm phim đã chuẩn bị xong khâu tiền kỳ, chọn những cảnh quay tự nhiên và có thật tại Pháp, trước hết là để bám sát bối cảnh cốt truyện, sau đó là để tạo việc làm cho giới nhân viên kỹ thuật điện ảnh vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi trong mùa dịch Covid-19. Chính cũng vì thế, đoàn làm phim đã dành ưu tiên cho việc thực hiện phim từ đầu đến cuối tại Pháp. Đằng sau ống kính quay phim là đạo diễn Martin Bourboulon, người đã từng quay bộ phim (biopic) kể lại cuộc đời và sự nghiệp của Gustave”Eiffel” với nam diễn viên Romain Duris trong vai chính, bộ phim tiểu sử này dự trù được phát hành vào đầu mùa hè năm 2021.
Điều đó giải thích vì sao Romain Duris sẽ hợp tác một lần nữa với Martin Bourboulon. Lần này, Romain Duris vào vai Aramis, trong khi Vincent Cassel và Pio Marmaï đóng vai Porthos và Athos. Louis Garrel đội vương miện của vua Louis 13, trong khi nam diễn viên François Civil được chọn vào vai D’Artagnan thời trai tráng, ở độ tuổi “ngựa non háu đá”. Vai phản diện đáng gờm nhất “Milady de Winter” được giao cho Eva Green (từng đóng vai tình nhân của điệp viên 007 trong “Casino Royale” và là kiện tướng Artemisia trong bộ phim “Đế chế trỗi dậy”, tập nhì của 300 chiến binh).
Làm giàu tuyến truyện với những chi tiết có thật
Trong phiên bản mới, đội ngũ viết kịch bản cho hai bộ phim “D’Artagnan” và “Milady” đã dày công tham khảo các tài liệu lịch sử, trích dẫn thêm nhiều chi tiết để làm giàu tuyến truyện chính. Trong số các nhân vật mới, có Hannibal, chàng lính ngự lâm da đen đầu tiên trong lịch sử nước Pháp, nhân vật hư cấu này dựa trên câu chuyện có thật của “Louis Aniaba”. Đó cũng là một cách để nhắc lại nguồn gốc của Alexandre Dumas, lúc sinh tiền nhà văn này mang hai dòng máu : ông nội là một nhà quý tộc da trắng còn bà nội là một nô lệ da đen.
Được xem là một trong những dự án điện ảnh Pháp quan trọng nhất trong một thập niên gần đây, “Les Trois Mousquetaires” trong mắt của giới chuyên ngành là cơ hội để thu hút khán giả Pháp đi xem phim ở rạp một khi các biện pháp phòng chống dịch bệnh được dỡ bỏ. Hiện giờ, các rạp chiếu phim vẫn còn phải đóng cửa ở Pháp và chính phủ dường như chưa muốn cho các cơ sở văn hóa hoạt động trở lại chừng nào chiến dịch chích ngừa chưa được triển khai rộng rãi. Dù muốn hay không, các hãng phim lớn của Pháp như Pathé hay Gaumont đều phải lên kế hoạch chuẩn bị cho thời kỳ hậu “phong tỏa”.
Các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy mặc dù có rất nhiều mạng phát hành phim trực tuyến, nhưng các dịch vụ này vẫn mang tính bổ sung chứ chưa thay thế được thú vui đi xem phim ở rạp. Để chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới, giới sản xuất đầu tư vào các dự án phim mang tính đại chúng. Ngoài “Ba chàng ngự lâm” còn có tập phim mới về anh hùng gô loa “Astérix” của đạo diễn Guillaume Canet. Thành công vượt bực gần đây của loạt phim Arsène (Assane) “Lupin” với Omar Sy trong vai chính, càng khuyến khích các nhà sản xuất chọn thể loại phim phóng tác dựa trên những nhân vật quen thuộc, gần gũi với công chúng từ bao thế hệ qua.
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20210216-100-n%C4%83m-ph%C3%B3ng-t%C3%A1c-%C4%91i%E1%BB%87n-%E1%BA%A3nh-ba-ch%C3%A0ng-ng%E1%BB%B1-l%C3%A2m