(Phát biểu của Cố vấn An ninh Quốc gia và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc)
Nguyễn Trung Kiên lược dịch
Phát biểu của Robert C. O’Brien, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, ngày 24 tháng 6 năm 2020, tại Phoenix, Arizona.
Tôi đánh giá cao lời mời tốt đẹp để thảo luận về một vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ với quý vị: thách thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt ra cho Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta có tầm quan trọng đối với chúng ta ngay thời điểm hiện nay. Phát biểu của tôi là bài phát biểu đầu tiên, sau đó các quan chức cấp cao trong chính quyền sẽ đề cập đến vấn đề này trong vài tuần tới. Quý vị sẽ sớm được nghe từ Bộ trưởng Ngoại giao Pompeo, Tổng chưởng lý Barr và Giám đốc FBI Chris Wray về vấn đề này.
Hoa Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, cuối cùng đã thức tỉnh trước mối đe dọa từ các hành động của ĐCSTQ và mối đe dọa mà họ gây ra cho chính lối sống của chúng ta. Trong nhiều thập kỷ, sự khôn ngoan truyền thống trong cả hai đảng chính trị Hoa Kỳ, cộng đồng doanh nghiệp, giới học thuật và truyền thông, đã cho rằng việc Trung Quốc trở nên tự do hơn, trước tiên là về mặt chính trị, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Chúng ta càng mở cửa thị trường đối với Trung Quốc, thì suy nghĩ này càng mạnh lên, chúng ta càng đầu tư vốn vào Trung Quốc, chúng ta càng đào tạo các quan chức trong ĐCSTQ, các nhà khoa học, kỹ sư và thậm chí cả sĩ quan quân đội của họ, thì Trung Quốc sẽ càng trở nên giống chúng ta.
Chính dưới tiền đề này, chúng ta đã chào đón Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 với những nhượng bộ và đặc quyền thương mại rộng lớn. Chúng ta đã hạ thấp các hành vi vi phạm nhân quyền đầy thô thiển của Trung Quốc, bao gồm vụ thảm sát Thiên An Môn. Chúng ta nhắm mắt làm ngơ trước hành vi trộm cắp công nghệ rất phổ biến của Trung Quốc, diễn ra trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Khi Trung Quốc ngày càng giàu hơn và mạnh hơn, chúng ta tin rằng, ĐCSTQ sẽ tự do hóa để đáp ứng các nguyện vọng dân chủ đang lên của người dân. Đây là một ý tưởng táo bạo, tinh túy của Hoa Kỳ, được hình thành bởi sự lạc quan bẩm sinh của chúng ta và bằng kinh nghiệm chiến thắng của chúng ta đối với chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Thật không may, nó hóa ra lại rất ngây thơ.
Chúng ta đã không thể sai lầm hơn – và tính toán sai lầm này là thất bại lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ kể từ thập niên 1930. Vì sao chúng ta đã phạm một sai lầm như vậy? Vì sao chúng ta đã không hiểu được bản chất của ĐCSTQ?
Câu trả lời thật đơn giản: bởi vì chúng ta đã không chú ý đến ý thức hệ của ĐCSTQ. Thay vì lắng nghe những gì các nhà lãnh đạo ĐCSTQ nói và đọc những gì họ viết trong các tài liệu chính của họ, chúng ta đã nhắm mắt và bịt tai mình. Chúng ta tin những gì chúng ta muốn tin – rằng các đảng viên ĐCSTQ chỉ là những người cộng sản trên danh nghĩa.
Chúng ta cần lưu ý, ĐCSTQ là một đảng Marxist-Leninist. Tổng Bí thư Tập Cận Bình tự coi mình là người kế nhiệm Josef Stalin. Trên thực tế, như nhà báo và cựu quan chức chính phủ Úc John Garnaut đã lưu ý, cuối cùng, ĐCSTQ là “đảng cộng sản cầm quyền chưa từng chia rẽ với Stalin, ngoại trừ một ngoại lệ liên quan đến Triều Tiên”. Vâng, Stalin – kẻ mà với chế độ độc tài tàn bạo và chính sách thảm khốc của hắn đã giết chết khoảng 20 triệu người Nga và những người thuộc các dân tộc khác thông qua nạn đói, tập thể hóa cưỡng bức, các vụ hành quyết và các trại cải tạo lao động. Như đã được giải thích và thực hành bởi Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông, chủ nghĩa cộng sản là một ý thức hệ toàn trị.
Dưới chế độ cộng sản, các cá nhân chỉ đơn thuần là một phương tiện được sử dụng để đạt được mục đích của nhà nước tập thể. Do đó, các cá nhân có thể dễ dàng trở thành vật hy sinh cho các mục tiêu của quốc gia. Dưới chủ nghĩa Mác-Lênin, các cá nhân không có giá trị vốn có. Họ tồn tại để phục vụ nhà nước; nhà nước không tồn tại để phục vụ họ.
Đối với chúng ta, những ý tưởng này nghe có vẻ xa vời và lỗi thời. Rốt cuộc, chúng là những ý tưởng cũ – chúng đã được sinh ra cách đây một thế kỷ rưỡi ở châu Âu. Chúng đã được nước Nga thực hiện cách đây một thế kỷ, và sau đó bị loại bỏ từ 30 năm trước đây với tư cách là một thử nghiệm chính trị thất bại khiến nhiều người chết nhất trong lịch sử. Nhưng ở Trung Quốc, những ý tưởng này vẫn là nền tảng đối với ĐCSTQ, giống như Hiến pháp và Tuyên ngôn Nhân quyền là nền tảng đối với công dân Hoa Kỳ chúng ta.
ĐCSTQ toàn quyền kiểm soát cuộc sống của người dân. Điều này có nghĩa là kiểm soát kinh tế, nó có nghĩa là kiểm soát chính trị, nó có nghĩa là kiểm soát thân thể, và, có lẽ quan trọng nhất, nó có nghĩa là kiểm soát suy nghĩ.
Trong tác phẩm “Classical Chinese statecraft” [Quản trị nhà nước tại Trung Quốc thời cổ điển], Garnaut đã ghi nhận, “có hai công cụ để đạt được và duy trì kiểm soát “giang sơn”: đầu tiên là wu ( 武), vũ khí và bạo lực, và thứ hai là wen ( 文), ngôn ngữ và văn hóa. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn tin rằng quyền lực bắt nguồn từ việc kiểm soát cả chiến trường thực địa và lĩnh vực văn hóa”. Garnaut viết: “Đối với Lenin, Stalin, Mao và Tập, ngôn từ không phải là phương tiện của lý trí và sự thuyết phục. Chúng là những viên đạn. Ngôn từ được sử dụng để xác định, cô lập và tiêu diệt đối thủ”.
Đối với ĐCSTQ, tuyên truyền đóng vai trò chính trị trọng tâm. Những nỗ lực thống trị tư tưởng chính trị của Bắc Kinh được tuyên bố công khai và theo đuổi mạnh mẽ. Năm 1989, ĐCSTQ bắt đầu tự tái tổ chức xung quanh vấn đề “an ninh ý thức hệ”, một thuật ngữ được lặp lại thường xuyên kể từ đó bởi các nhà lãnh đạo ĐCSTQ. Gần đây hơn, vào tháng Tư năm 2013, ĐCSTQ đã ban hành một chính sách về cái mà họ gọi là “trạng thái tư tưởng hiện nay”. ĐCSTQ cho rằng, “tuyệt đối không có cơ hội hay định hướng tư tưởng sai lầm nào được lan truyền”.
Vì vậy, bên trong Trung Quốc, cách tiếp cận này có nghĩa là ứng dụng (app) để nghiên cứu mang tính bắt buộc về ý thức hệ cộng sản được yêu cầu phải tải xuống điện thoại thông minh của người dân để họ học tập cái gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình”. Điều này có nghĩa là sự kiểm soát tuyệt đối tất cả các phương tiện truyền thông nhà nước. Các nguồn thông tin bên ngoài bị cấm – từ báo chí nước ngoài đến Twitter, Facebook và WhatsApp. Tất cả nội dung được tạo ra trong Trung Quốc đều được kiểm duyệt. Điều này cũng có nghĩa là có thể bỏ tù tất cả mọi người từ các blogger công dân, phóng viên và luật sư đến các nhà hoạt động và tín đồ tôn giáo vì chỉ bởi họ đã bày tỏ bất kỳ quan điểm nào trái ngược với đường lối của ĐCSTQ.
Và thực sự, mới đây, từ ngày 1 tháng Một đến ngày 4 tháng Tư năm nay, gần 500 cá nhân đã bị buộc tội chỉ vì nói về virus corona bùng phát tại Vũ Hán, ảnh hưởng của đại dịch đối với sự cai trị của ĐCSTQ cũng như sự che đậy của ĐCSTQ về đại dịch này.
ĐCSTQ diễn giải lại các văn bản tôn giáo, bao gồm cả Kinh Thánh, để ủng hộ ý thức hệ của nó. Nó giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác trong các trại cải tạo lao động, nơi họ phải chịu sự nhồi sọ chính trị và lao động cưỡng bức, trong khi con cái của họ được nuôi dưỡng trong các trại trẻ mồ côi do Đảng điều hành. Quá trình này tiêu diệt gia đình, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ và di sản của những người bị cưỡng bức vào các trại này. Thông tin được kiểm soát chặt chẽ và biểu hiện cá nhân liên tục được ĐCSTQ giám sát, do đó chúng có thể bị nhà nước phá hủy hoặc định hình.
Công dân Hoa Kỳ nên quan tâm. Chúng ta không nên chỉ dành sự quan tâm cho người dân Trung Quốc mà còn cho chính chúng ta. Tham vọng kiểm soát ý thức hệ của Tập Cận Bình không chỉ giới hạn ở chính người dân Trung Quốc. Mục tiêu đã nêu của ĐCSTQ là tạo ra một “Cộng đồng Định mệnh chung cho Nhân loại”, và tái tạo lại thế giới theo viễn kiến của ĐCSTQ. Nỗ lực kiểm soát tư tưởng vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc đang được tiến hành.
Trong thập kỷ qua, ĐCSTQ đã đầu tư hàng tỷ đô-la vào các hoạt động tuyên truyền ở nước ngoài để tạo hiệu ứng lớn. ĐCSTQ đã chuyển sang loại bỏ các phương tiện truyền thông tiếng Trung “không thân thiện” trên toàn thế giới, và nó đã gần thành công. Gần như mọi đài phát thanh tin tức bằng tiếng Trung Quốc ở Hoa Kỳ đều thuộc sở hữu của ĐCSTQ hoặc hợp tác chặt chẽ với ĐCSTQ – và nó cũng đang xâm nhập vào phương tiện truyền thông tiếng Anh. Có hơn mười đài phát thanh ở các thành phố trên khắp đất nước, nơi công dân Hoa Kỳ nghe tuyên truyền ủng hộ Bắc Kinh một cách tinh tế trên kênh FM của họ.
Gần đây, nỗ lực tuyên truyền của Trung Quốc đã thuyết phục rất nhiều công dân Hoa Kỳ rằng một nữ quân nhân Hoa Kỳ đã mang virus corona đến Vũ Hán – trái ngược với thực tế là Vũ Hán đã gửi virus đến phần còn lại của thế giới (một sự bịa đặt hoàn toàn của ĐCSTQ), rằng nữ quân nhân này và gia đình cô cần một sự bảo mật cá nhân để bảo vệ họ khỏi các mối đe dọa về tính mạng. Tình trạng này đã xảy ra ở Maryland.
Trên TikTok, một nền tảng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Trung Quốc với hơn 40 triệu người dùng tại Hoa Kỳ – có lẽ rất nhiều con cái và đồng nghiệp trẻ của quý vị lên tiếng chỉ trích các chính sách của ĐCSTQ thường xuyên bị treo hoặc xóa tài khoản.
Tuần trước, Twitter đã tuyên bố hủy hơn 23.000 tài khoản liên kết của ĐCSTQ nhằm tuyên truyền về Hồng Kông và COVID-19. Việc hủy mới nhất này là loại bỏ hơn 150.000 tài khoản liên kết của ĐCSTQ được sử dụng để truyền bá thông tin chống Hoa Kỳ và tạo ra ảo tưởng về sự ủng hộ phổ biến tại Hoa Kỳ đối với các chính sách của Bắc Kinh. Đây chỉ là những tài khoản Twitter đã bị hủy. Liệu còn có bao nhiêu tài khoản như vậy đang hoạt động mà không bị phát hiện?
Vào tháng Ba, ĐCSTQ đã trục xuất các nhà báo Hoa Kỳ làm việc cho tờ ‘The New York Times’, ‘The Wall Street Journal’ và Washington Post, gần như loại bỏ hoàn toàn báo cáo độc lập về virus Vũ Hán từ bên trong Trung Quốc.
Ngoài việc gây ảnh hưởng đến những thông tin mà công dân Hoa Kỳ nhận được về Trung Quốc, ĐCSTQ đang ngày càng sử dụng đòn bẩy của mình để kiểm soát sự phát ngôn của công dân Hoa Kỳ. Khi Đại học California tại San Diego (UCSD) tổ chức đón Đức Đạt Lai Lạt Ma với tư cách là một diễn giả vào năm 2017, Bắc Kinh đã cấm sinh viên Trung Quốc đến thăm UCSD bằng tiền của chính phủ.
Khi tổng giám đốc của Houston Rockets đăng tweet ủng hộ những người biểu tình ôn hòa ở Hồng Kông, ĐCSTQ tuyên bố các trận đấu của đội bóng này sẽ không được chiếu trên các kênh truyền hình của Trung Quốc và sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để gây áp lực cho những người khác trong ngành bóng rổ, bao gồm cả các cầu thủ ngôi sao, để thay mặt Bắc Kinh đăng tweet chỉ trích Houston Rockets.
Dưới áp lực của ĐCSTQ, Marriott và American, Delta và United Airlines, tất cả đã xóa các tài liệu tham chiếu đến Đài Loan khỏi các trang web công ty của họ. Mercedes Benz thậm chí đã xin lỗi vì đăng một trích dẫn đầy cảm hứng từ đức Đạt Lai Lạt Ma trên phương tiện truyền thông xã hội.
Bắc Kinh đã sử dụng sức mạnh tài chính và quyền tiếp cận thị trường để gây áp lực buộc Hollywood phải tự kiểm duyệt, khuyến khích các giám đốc và các nhà sản xuất tránh các chủ đề vốn không thể vượt qua sự kiểm duyệt của nhà nước Trung Quốc.
ĐCSTQ đang tìm kiếm lợi thế thậm chí đối với cả các công dân Hoa Kỳ. ĐCSTQ đang thu thập dữ liệu gần gũi nhất của quý vị – những lời nói, hành động, việc mua hàng, nơi ở, hồ sơ y tế, các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, các văn bản của quý vị và lập bản đồ mạng lưới bạn bè, gia đình và người quen của quý vị.
ĐCSTQ hoàn thành mục tiêu này, một phần, bằng cách trợ cấp cho các công ty phần cứng, phần mềm, viễn thông và thậm chí là các công ty di truyền học. Kết quả là, các tập đoàn như Huawei và ZTE đã đánh gục các đối thủ cạnh tranh bằng cách hạ giá thấp, và lắp đặt thiết bị của họ trên toàn cầu. Điều này có tác dụng phụ là loại bỏ các nhà sản xuất phần cứng viễn thông của Hoa Kỳ, đồng thời gây khó khăn cho Nokia và Ericsson. Tại sao họ làm điều đó? Bởi vì nó không phải là phần cứng hay phần mềm viễn thông mà ĐCSTQ bán được từ những thương vụ đó, mà đó là dữ liệu của quý vị. Họ sử dụng “các lỗ hổng trong hệ điều hành” được tích hợp vào các sản phẩm để có được dữ liệu đó.
Khi ĐCSTQ không thể mua dữ liệu của quý vị, ĐCSTQ sẽ đánh cắp nó. Năm 2014, ĐCSTQ đã tấn công vào hệ thống máy tính của Tập đoàn bảo hiểm Anthem, thu thập thông tin nhạy cảm của 80 triệu công dân Hoa Kỳ. Vào năm 2015, ĐCSTQ đã tấn công vào hệ thống máy tính của Văn phòng Quản lý Nhân sự, nơi lưu giữ thông tin được bảo mật, và đánh cắp dữ liệu nhạy cảm của 20 triệu công dân Hoa Kỳ đang làm việc cho chính phủ liên bang. Năm 2017, ĐCSTQ đã tấn công vào hệ thống máy tính của Equachus, lấy được tên, ngày sinh, số an sinh xã hội và điểm tín dụng của 145 triệu công dân Hoa Kỳ.
Năm 2019, ĐCSTQ đã tấn công vào hệ thống máy tính của Marriot, thu thập thông tin của 383 triệu khách hàng, bao gồm cả số hộ chiếu của họ. Và, vào năm 2016, một công ty Trung Quốc thậm chí đã mua ứng dụng hẹn hò Grindr để thu thập dữ liệu của mình, bao gồm cả tình trạng HIV của người dùng, trước khi chính phủ Mỹ buộc phải thoái vốn vì các lý do an ninh quốc gia. Đây chỉ là một vài trong số các trường hợp chúng ta biết.
ĐCSTQ sẽ sử dụng dữ liệu này như thế nào? ĐCSTQ sẽ sử dụng theo cách tương tự trong nội địa Trung Quốc: tấn công, tâng bốc, vỗ về, gây ảnh hưởng, ép buộc và thậm chí tống tiền các cá nhân để nói và làm những việc phục vụ lợi ích của ĐCSTQ. Đây là “nhắm tới mục tiêu vi mô” vượt ra ngoài những giấc mơ điên rồ nhất của nhà quảng cáo. Trung Quốc, không giống như các nhà quảng cáo, sẽ không bị chặn bởi các quy định của chính phủ. ĐCSTQ chỉ đơn giản muốn biết mọi thứ về quý vị – giống như họ muốn biết hầu hết mọi thứ về mọi cá nhân sống ở Trung Quốc.
Ngoài các hoạt động tuyên truyền và gây ảnh hưởng, ĐCSTQ còn sử dụng thương mại để ép buộc sự tuân thủ các mệnh lệnh của mình. Khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona, ĐCSTQ đe dọa sẽ ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Úc và ngăn chặn sinh viên và khách du lịch Trung Quốc đến Úc. Khi Úc từ chối ĐCSTQ, Bắc Kinh đã áp dụng các mối đe dọa này, áp dụng mức thuế 80% đối với hàng xuất khẩu lúa mạch của Úc.
Các tổ chức quốc tế cũng là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc. Trung Quốc đã tìm kiếm vị trí lãnh đạo trong nhiều cơ quan toàn cầu. Trung Quốc hiện đứng đầu bốn trong số mười lăm cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc, nhiều hơn cả Mỹ, Anh, Pháp và Nga – các thành viên khác của các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cộng lại. ĐCSTQ sử dụng các nhà lãnh đạo này để buộc các cơ quan quốc tế phải hành động theo quan điểm của Bắc Kinh và lắp đặt thiết bị viễn thông của Trung Quốc trong các cơ sở của họ.
Ví dụ, kể từ khi Triệu Hậu Lân của tổ chức Liên minh Viễn thông Quốc tế nhậm chức, ông bắt đầu tích cực thúc đẩy doanh số của Huawei. Tổng thư ký Lưu Phương của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã ngăn chặn sự tham gia của Đài Loan trong các cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và che đậy một vụ Trung Quốc tấn công mạng máy tính của tổ chức này. ĐCSTQ đã sử dụng tư cách thành viên của Trung Quốc trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc để ngăn chặn những chỉ trích về sự lạm dụng của họ ở Tân Cương và Hồng Kông.
Tầm với của ĐCSTQ mở rộng đến những người đứng đầu các tổ chức quốc tế, những người không phải là quan chức Trung Quốc. Dưới bàn tay của Bắc Kinh, và với tổn thất không thể chấp nhận được gây ra cho cuộc sống của con người, Tổng giám đốc Tedros của WHO đã sử dụng rất nhiều quan điểm của Trung Quốc về virus Vũ Hán. Cuối tháng Một, ông tuyên bố không có bệnh lây truyền từ người sang người. Ông phản đối hạn chế du lịch quốc tế. Đồng thời, Tedros ca ngợi những hạn chế du lịch nội địa của Trung Quốc đối với cư dân Vũ Hán. Nói cách khác, họ có thể đi du lịch nước ngoài, nhưng họ không thể đi du lịch và có khả năng mang virus đến Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. Những chiến thuật của ĐCSTQ trong các tổ chức quốc tế, như chúng ta đã thấy với virus corona, là một nguyên nhân chính gây lo ngại không chỉ cho Hoa Kỳ, mà cho cả thế giới.
Tin tốt lành là dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, chúng ta biết ĐCSTQ đang làm gì, chúng ta đang lôi ĐCSTQ ra ánh sáng và chúng ta đang hành động quyết liệt để chống lại ĐCSTQ .
Đầu tiên, Tổng thống Trump đã ngăn một số công ty tiếp tay cho bộ máy tình báo và an ninh của ĐCSTQ – chẳng hạn như gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei – truy cập dữ liệu cá nhân và riêng tư của chúng ta. Chính quyền Trump cũng áp đặt các hạn chế đối với công nghệ bán dẫn của Hoa Kỳ đối với Huawei.
Thứ hai, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ định các hoạt động của Hoa Kỳ trong số 9 cơ quan tuyên truyền do nhà nước Trung Quốc kiểm soát như là những phái bộ nước ngoài. Những tổ chức này là cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ. Chỉ định này đặt các yêu cầu báo cáo và hạn chế thị thực đối với cái được gọi là phương tiện truyền thông này.
Thứ ba, Tổng thống Trump áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với 21 cơ quan chính phủ của Trung Quốc cùng với 16 công ty Trung Quốc đồng lõa trong chiến dịch đàn áp của Trung Quốc, giam giữ hàng loạt, cưỡng bức lao động và giám sát công nghệ cao chống lại người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác, và chúng ta đã chặn các quan chức đồng lõa trong các vụ lạm dụng này đến Hoa Kỳ. Chính quyền Trump cũng đã ngừng nhập khẩu hàng hóa bất hợp pháp được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc sử dụng lao động cưỡng bức là người Duy Ngô Nhĩ.
Thứ tư, Tổng thống Trump đã quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc để phản đối sự thông đồng của tổ chức này với Trung Quốc. Ông đã chấm dứt mối quan hệ của Hoa Kỳ với WHO, bởi vì phản ứng của nó đối với đại dịch cho thấy rằng nó được coi là do Trung Quốc giật dây. Thay vì tài trợ cho WHO đầy tham nhũng ở Geneva với hơn 400 triệu đô-la mỗi năm, Hoa Kỳ và những người đóng thuế hào phóng sẽ gửi số tiền đó trực tiếp đến nơi cần thiết nhất – nhân viên y tế tuyến đầu đang phục vụ ở các nước đang phát triển trên thế giới.
Thứ năm, Tổng thống Trump đã hạn chế khả năng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong việc sử dụng các chương trình cấp thị thực sinh viên để đưa các sĩ quan và nhân viên của mình vào các trường cao đẳng và đại học của chúng ta nhằm đánh cắp công nghệ, sở hữu trí tuệ và thông tin của Hoa Kỳ.
Thứ sáu, Tổng thống chuyển sang tạm dừng đầu tư quỹ hưu trí của nhân viên liên bang Hoa Kỳ vào các công ty thuộc ĐCSTQ, bao gồm các nhà thầu quân sự Trung Quốc và các nhà sản xuất thiết bị giám sát dùng để đàn áp các nhóm thiểu số tôn giáo. Ông đang kiểm tra các hoạt động kế toán đầy gian lận của các công ty Trung Quốc được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ.
Tuần này, Bộ Quốc phòng đang đệ trình lên Quốc hội một danh sách các công ty liên kết với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc với các hoạt động tại Hoa Kỳ để công dân Hoa Kỳ được thông báo đầy đủ về chính xác những đối tác mà họ làm ăn cùng.
Bây giờ, những bước này chỉ là khởi đầu khi Hoa Kỳ sửa chữa mối quan hệ một chiều, không công bằng với Trung Quốc kéo dài suốt 40 năm, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của đất nước chúng ta, và gần đây bắt đầu ảnh hưởng đến nền chính trị của chúng ta. Giống như thuế quan được Tổng thống áp đặt đối với các hoạt động thương mại không công bằng ngay từ đầu trong Chính quyền của ông, sẽ còn nhiều biện pháp nữa được áp dụng.
Tổng thống Trump hiểu rằng nền hòa bình lâu dài được hình thành bởi sức mạnh. Chúng ta là quốc gia mạnh nhất trên Trái Đất và chúng ta sẽ không chịu khuất phục trước ĐCSTQ. Như những hành động nêu trên đã chứng minh, Chính quyền Trump đang chống lại hoạt động thâm hiểm của ĐCSTQ. Chính quyền Trump sẽ lên tiếng và tiết lộ những gì ĐCSTQ tin tưởng, và những gì họ đang lên kế hoạch – không chỉ đối với Trung Quốc và Hồng Kông và Đài Loan, mà còn đối với thế giới.
Cùng với các đồng minh và đối tác của chúng ta, chúng ta sẽ chống lại những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm thao túng người dân và chính phủ của chúng ta, gây tổn hại cho nền kinh tế của chúng ta và làm suy yếu chủ quyền của chúng ta. Thời của sự thụ động và ngây thơ của Hoa Kỳ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã qua.
Chúng ta sẽ trung thành với các nguyên tắc của mình – đặc biệt là tự do ngôn luận – hoàn toàn trái ngược với ý thức hệ Marxist-Leninist mà ĐCSTQ đang đi theo. Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, chúng ta sẽ khuyến khích sự đa dạng trong suy nghĩ, chống lại nỗ lực đàn áp phát ngôn hoặc khuyến khích tự kiểm duyệt, bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân Hoa Kỳ, và trên hết, tiếp tục tuyên bố rằng tất cả đàn bà và đàn ông đều có quyền tự do mà Thiên Chúa ban tặng, quyền được sống, và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Trước khi kết thúc, hãy để tôi nói rõ – chúng ta có sự tôn trọng và ngưỡng mộ sâu sắc đối với người dân Trung Quốc. Hoa Kỳ có một lịch sử lâu dài về tình hữu nghị với quốc gia Trung Quốc. Nhưng ĐCSTQ không phải là đất nước Trung Quốc hay nhân dân Trung Quốc.
Tôi có thể nói, đối với ĐCSTQ, như thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 gần đây đã chỉ ra, chính phủ của chúng ta có thể có mối quan hệ hữu ích. Chúng ta muốn có mối quan hệ tốt với Trung Quốc, nhưng chúng ta không muốn quan hệ với các điều kiện do Bắc Kinh áp đặt.
Là công dân Hoa Kỳ, tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ vươn lên để phản ứng thành công mối thách thức do ĐCSTQ mang lại, giống như chúng ta đã phản ứng với tất cả các cuộc khủng hoảng lớn trong lịch sử của chúng ta. Tổng thống Trump đang lãnh đạo. Và giống như Tổng thống Trump, tôi tin chắc rằng những ngày tốt nhất của chúng ta với tư cách một quốc gia vẫn ở phía trước.
Một lần nữa, xin cảm ơn quý vị đã có mặt cùng tôi ở đây ngày hôm nay. Được ở đây, tại Phoenix, Arizona, là một đặc ân. Cầu Chúa ban phước lành cho quý vị và cầu Chúa ban phước lành cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
*
Nhận xét của Tổng Chưởng lý, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ William P. Bar về chính sách đối với Trung Quốc tại Bảo tàng Tổng thống Gerald R. Ford
Thứ Sáu, ngày 17 tháng 7 năm 2020
Hôm nay tôi vinh dự được nói về những gì có thể được chứng minh là vấn đề quan trọng nhất đối với quốc gia chúng ta và của cả thế giới trong thế kỷ XXI, đó là: phản ứng của Hoa Kỳ đối với tham vọng toàn cầu của ĐCSTQ. ĐCSTQ cai trị bằng bàn tay sắt một trong những nền văn minh cổ đại vĩ đại trên thế giới. Nó tìm cách tận dụng sức mạnh to lớn, năng suất và sự khéo léo của người dân Trung Quốc để lật đổ hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ và làm cho thế giới trở nên an toàn cho chế độ độc tài. Cách Hoa Kỳ đối phó với thách thức này sẽ có ý nghĩa lịch sử và sẽ quyết định liệu Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ tự do của nó sẽ tiếp tục định hình vận mệnh của mình hay liệu ĐCSTQ đầy độc đoán và các vòi bạch tuộc của nó sẽ tiếp tục kiểm soát tương lai. Ít nhất, kể từ thập niên 1890, Hoa Kỳ đã trở thành nhà lãnh đạo công nghệ của thế giới. Và sức mạnh đó đã dẫn đến sự thịnh vượng của chúng ta, tạo cơ hội cho các thế hệ công dân Hoa Kỳ và bảo đảm nền an ninh của chúng ta. Chính vì điều đó mà chúng ta đã có thể đóng một vai trò quan trọng như vậy trong lịch sử thế giới, như đẩy lùi mối đe dọa của chủ nghĩa phát-xít và mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản. Những gì đang bị đe dọa những ngày này là liệu chúng ta có thể duy trì vị trí lãnh đạo và sự lãnh đạo về công nghệ đó hay không. Liệu chúng ta có trở thành thế hệ cho phép bị đánh cắp – vốn thực sự sẽ đánh cắp tương lai của con cháu chúng ta?
Vài tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien đã nói về ý thức hệ và các tham vọng toàn cầu của ĐCSTQ. Ông tuyên bố, và tôi đồng ý, rằng những tháng ngày thụ động và ngây thơ của Hoa Kỳ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã kết thúc. Và tuần trước, Giám đốc FBI Chris Wray, đã mô tả cách ĐCSTQ theo đuổi tham vọng của mình thông qua các hành vi bất chính và thậm chí bất hợp pháp, bao gồm gián điệp công nghiệp, trộm cắp, tống tiền, tấn công mạng và các hoạt động gây ảnh hưởng đầy thâm hiểm. Trong những ngày tới, quý vị sẽ được nghe từ Bộ trưởng Mike Pompeo, người sẽ tổng hợp những gì đang đe dọa Hoa Kỳ và thế giới tự do. Tôi hy vọng rằng bài phát biểu của tôi và bài phát biểu của Mike Pompeo sẽ khuyến khích công dân Hoa Kỳ đánh giá lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc, khi đất nước này vẫn tiếp tục bị ĐCSTQ cai trị. Thật phù hợp khi ở đây trong ngày hôm nay tại Bảo tàng Tổng thống Ford. Gerald Ford đã phục vụ trong với danh tiếng lẫy lừng vào buổi bình minh của sự tái cấu trúc [mối quan hệ] của Hoa Kỳ với Trung Quốc, bắt đầu rõ ràng với Tổng thống Nixon vào năm 1972, và ba năm sau đó vào năm 1975, Tổng thống Ford đã đến thăm Trung Quốc trong một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ĐCSTQ bao gồm Mao Trạch Đông.
Vào thời điểm đó, không thể tưởng tượng rằng Trung Quốc sẽ nổi lên sau Chiến tranh Lạnh với tư cách là đối thủ cạnh tranh ngang hàng của Hoa Kỳ. Và thậm chí sau đó, đã có dấu hiệu của sức mạnh tiềm ẩn to lớn của Trung Quốc. Trong báo cáo chung về chuyến thăm Trung Quốc năm 1972, Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Hale Bogss và sau đó là lãnh đạo phe thiểu số Gerald Ford đã viết: “Nếu quyết tâm đạt được mong muốn, Trung Quốc trong nửa thế kỷ tới có thể nổi lên như một quyền lực tự cung tự cấp một tỷ người… cảm nhận ấn tượng cuối cùng này – về thực tế tiềm năng khổng lồ của Trung Quốc – có lẽ là sinh động nhất trong hành trình của chúng ta. Khi cái đảng chính trị nhỏ bé của chúng ta đi qua vùng đất vô biên đó, cảm giác về một người khổng lồ khuấy động, một con rồng thức giấc, đã cho chúng ta nhiều suy ngẫm”. Bây giờ đã gần năm mươi năm sau và sự suy ngẫm cấp bách của hai nghị sĩ này đã trôi qua.
Đặng Tiểu Bình, người cải cách kinh tế đã thúc đẩy sự trỗi dậy đáng chú ý của Trung Quốc có một phương châm nổi tiếng: “Náu mình chờ thời”. Đó chính xác là những gì Trung Quốc đã thực hiện. Nền kinh tế Trung Quốc đã âm thầm tăng trưởng ở ngưỡng khoảng 2% GDP của thế giới vào năm 1980, lên gần 20% vào thời điểm hiện nay. Và theo một số ước tính dựa trên ngang giá sức mua, nền kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn nền kinh tế của chúng ta. Tổng Bí thư của ĐCSTQ, Tập Cận Bình, người đã tập trung quyền lực ở một mức độ chưa từng thấy kể từ thời độc tài của Mao Trạch Đông, giờ đây đã nói một cách cởi mở về Trung Quốc tiến gần đến sân khấu trung tâm, xây dựng một chủ nghĩa xã hội vượt trội hơn chủ nghĩa tư bản, và thay thế giấc mơ Mỹ bằng giải pháp của Trung Quốc. Trung Quốc không còn che giấu sức mạnh cũng như thời điểm của nó. Từ quan điểm của những nhà cai trị cộng sản, thời điểm của Trung Quốc đã đến.
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện đang tham gia vào một cuộc chiến tranh chớp nhoáng về kinh tế – một chiến dịch mạnh mẽ, được tổ chức tỉ mỉ, với quy mô toàn chính phủ (thực sự là toàn xã hội) để giành lấy những đỉnh cao chỉ huy của nền kinh tế toàn cầu và vượt qua Hoa Kỳ như là siêu cường công nghệ ưu việt của thế giới. Trung tâm của nỗ lực này là sáng kiến “Made in China” của ĐCSTQ, một kế hoạch giúp ĐCSTQ thống trị các ngành công nghệ cao như robot, công nghệ thông tin tiên tiến, hàng không và ô-tô điện, cùng nhiều công nghệ khác. Được hỗ trợ bởi hàng trăm tỷ đô-la tiền trợ cấp, sáng kiến này đặt ra một mối đe dọa thực sự đối với lãnh đạo công nghệ Hoa Kỳ. Bất chấp các quy định của WTO nghiêm cấm việc đặt hạn ngạch sản xuất trong nước, nhưng “Made in China 2025” đã đặt mục tiêu cho thị phần nội địa (đôi khi cao tới 70%) trong các linh kiện cốt lõi và vật liệu cơ bản cho các ngành công nghiệp như robot và viễn thông. Rõ ràng là ĐCSTQ tìm kiếm không chỉ đơn thuần là gia nhập hàng ngũ của các nền kinh tế công nghiệp tiên tiến khác, mà còn thay thế chúng hoàn toàn.
“Made in China 2025” là phiên bản mới nhất của mô hình kinh tế trọng thương do nhà nước dẫn dắt của ĐCSTQ. Đối với các công ty Hoa Kỳ trên thị trường toàn cầu, cạnh tranh tự do và công bằng với Trung Quốc từ lâu đã là một điều tưởng tượng. Để biến sân chơi thành lợi thế của mình, chính phủ cộng sản Trung Quốc đã hoàn thiện một loạt các chiến thuật săn mồi và thường là bất hợp pháp: thao túng tiền tệ, áp đặt các mức thuế quan và hạn ngạch, các khoản đầu tư và mua lại mang tính chiến lược do nhà nước hỗ trợ, trộm cắp và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp nhà nước, bán phá giá, tấn công mạng và gián điệp công nghiệp. Khoảng 80% của tất cả các vụ truy tố gián điệp kinh tế liên bang đã cáo buộc rằng tất cả những hành vi sẽ có lợi cho nhà nước Trung Quốc, và khoảng 60% của tất cả các vụ trộm cắp bí mật thương mại đều có liên kết với Trung Quốc.
ĐCSTQ cũng tìm cách thống trị các tuyến thương mại và cơ sở hạ tầng quan trọng tại Lục địa Á-Âu, châu Phi và Thái Bình Dương. Ví dụ, ở Biển Đông, nơi lưu thông khoảng một phần ba lượng thương mại hàng hải của thế giới, ĐCSTQ đã khẳng định các yêu sách mở rộng và mang tính lịch sử đối với gần như toàn bộ tuyến đường biển, bỏ qua các phán quyết của tòa án quốc tế, xây dựng các đảo nhân tạo, thiết lập các căn cứ quân sự, quấy rối tàu và thuyền đánh cá của các nước xung quanh.
Một dự án đầy tham vọng khác để truyền bá sức mạnh và tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ là sáng kiến cơ sở hạ tầng ‘Vành đai và Con đường’ của ĐCSTQ. Mặc dù được quảng bá là viện trợ nước ngoài, nhưng trên thực tế, các khoản đầu tư này được thiết kế để phục vụ lợi ích chiến lược và nhu cầu kinh tế trong nước của ĐCSTQ. Ví dụ, ĐCSTQ đã bị chỉ trích vì đã cho các quốc gia nghèo vay nợ với giá trị lớn, từ chối đàm phán lại các điều khoản và sau đó kiểm soát cơ sở hạ tầng, như đã làm với cảng Hambantota của Sri Lanka vào năm 2017. Đây không có gì khác hơn là một hình thức của chủ nghĩa thực dân thời hiện đại.
Tuy nhiên, cũng giống như các kế hoạch của ĐCSTQ nhằm thống trị cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của thế giới thông qua sáng kiến của ‘Con đường tơ lụa Số’. Trước đây tôi đã nói rất nhiều về những rủi ro nghiêm trọng khi cho phép chế độ độc tài mạnh nhất thế giới xây dựng thế hệ mạng viễn thông toàn cầu tiếp theo, được gọi là 5G. Có lẽ chúng ta ít được biết đến những nỗ lực của ĐCSTQ để vượt qua Hoa Kỳ trong các lĩnh vực tiên tiến khác, như trí tuệ nhân tạo. Thông qua những đổi mới công nghệ như học máy và dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo cho phép máy móc bắt chước các năng lực của con người, như nhận diện khuôn mặt, diễn giải lời nói, lái xe và chơi các trò chơi kỹ năng, giống như cờ vua hay trò chơi thậm chí còn phức tạp hơn của Trung Quốc, cờ vây. Năm 2017, Bắc Kinh đã công bố “Kế hoạch trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo” của họ, một kế hoạch chi tiết để dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030. Bất cứ quốc gia nào nổi lên như là nhà lãnh đạo toàn cầu về trí tuệ nhân tạo sẽ có vị trí tốt nhất để đột phá không chỉ tiềm năng kinh tế, mà là một loạt các ứng dụng quân sự, chẳng hạn như việc sử dụng năng lực của máy tính để thu thập thông tin tình báo.
Động lực của ĐCSTQ cho sự thống trị về công nghệ được bổ sung bằng kế hoạch độc quyền các vật liệu đất hiếm, đóng vai trò quan trọng trong các ngành công nghiệp như điện tử tiêu dùng, ô-tô điện, thiết bị y tế và thiết bị quân sự. Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ, từ thập niên 1960 đến 1980, Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới về sản xuất đất hiếm. Kể từ đó, sản xuất đã chuyển gần như hoàn toàn sang Trung Quốc, phần lớn là do chi phí lao động thấp hơn và các quy định về kinh tế và môi trường lỏng lẻo hơn.
Hoa Kỳ hiện đang phụ thuộc một cách nguy hiểm vào ĐCSTQ đối với các nguyên liệu thiết yếu này. Nhìn chung, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu của Hoa Kỳ, chiếm khoảng 80% lượng hàng nhập khẩu của chúng ta. Những rủi ro của sự phụ thuộc là có thật. Ví dụ, năm 2010, Bắc Kinh đã cắt giảm xuất khẩu nguyên liệu đất hiếm sang Nhật Bản sau một sự cố liên quan đến các đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông. ĐCSTQ có thể làm điều tương tự với chúng ta. Bởi Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong các lĩnh vực quan trọng này, các chính sách kinh tế mang tính săn mồi của ĐCSTQ đang thành công. Trong vòng một trăm năm qua, Hoa Kỳ là nhà sản xuất lớn nhất thế giới – cho phép chúng ta trở thành “vũ đài của nền dân chủ” trên thế giới. Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ về sản lượng trong ngành sản sản xuất vào năm 2010. ĐCSTQ hiện đang là “vũ đài của nền độc tài”.
Làm thế nào mà Trung Quốc đạt được tất cả những điều này? Không nên đánh giá thấp sự khéo léo và nền công nghiệp của người dân Trung Quốc. Đồng thời, không ai có thể nghi ngờ rằng Hoa Kỳ đã làm cho sự gia tăng mang tính nhảy vọt của Trung Quốc có thể xảy ra. Trung Quốc đã gặt hái được những lợi ích to lớn từ dòng chảy viện trợ và thương mại tự do của Hoa Kỳ. Năm 1980, Quốc hội đã trao cho ĐCSTQ mức ưu đãi thương mại lớn nhất. Trong thập niên 1990, các công ty Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ việc ĐCSTQ gia nhập WTO và bình thường hóa quan hệ thương mại. Ngày nay, tổng thương mại Mỹ-Trung đạt khoảng 700 tỷ đô-la.
Năm ngoái, tạp chí ‘Newsweek’ đã thực hiện một phóng sự trên trang bìa có tựa đề là “Làm thế nào các công ty lớn nhất của Hoa Kỳ làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại”. Bài báo nêu chi tiết cách các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc dụ dỗ doanh nghiệp Hoa Kỳ với lời hứa tiếp cận thị trường, và sau đó, nhờ lợi nhuận từ đầu tư và bí quyết của Hoa Kỳ, ngày càng trở nên thù địch với các công ty này. ĐCSTQ đã sử dụng thuế quan và hạn ngạch để gây áp lực cho các công ty Hoa Kỳ từ bỏ công nghệ của mình và liên doanh với các công ty Trung Quốc. Các quy định sau đó đã phân biệt đối xử với các công ty Hoa Kỳ, sử dụng các chiến thuật như thu giữ giấy phép. Tuy nhiên, rất ít công ty, thậm chí là các đại công ty trong danh sách ‘Fortune 500’, sẵn sàng đưa ra khiếu nại thương mại chính thức vì sợ làm Bắc Kinh tức giận.
Giống như các công ty Hoa Kỳ đã trở nên phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ nói chung phụ thuộc vào ĐCSTQ đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ quan trọng. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự phụ thuộc đó. Ví dụ, Trung Quốc là nhà sản xuất thiết bị bảo hộ y tế lớn nhất thế giới, như khẩu trang và găng tay y tế. Vào tháng Ba, khi đại dịch lan rộng khắp thế giới, ĐCSTQ đã tự mình tích trữ mặt nạ, ngăn chặn các nhà sản xuất – bao gồm các công ty Hoa Kỳ – xuất khẩu chúng sang các nước khác cần chúng. Sau đó, họ đã cố gắng khai thác sự thiếu hụt cho mục đích tuyên truyền, vận chuyển số lượng hạn chế các thiết bị, vốn thường bị lỗi, và yêu cầu các nhà lãnh đạo nước ngoài phải công khai cảm ơn Bắc Kinh về các lô hàng này.
Sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường thế giới đối với hàng hóa y tế vượt xa so với khẩu trang và găng tay. Trung Quốc đã trở thành nhà cung cấp thiết bị y tế lớn nhất của Hoa Kỳ, đồng thời phân biệt đối xử với các công ty y tế của Hoa Kỳ ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã nhắm vào các công ty nước ngoài để xem xét kỹ lưỡng hơn về quy định, hướng dẫn các bệnh viện Trung Quốc mua sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc và gây áp lực cho các công ty Hoa Kỳ xây dựng nhà máy ở Trung Quốc, nơi sở hữu trí tuệ của họ dễ bị đánh cắp hơn. Như một chuyên gia đã nhận thấy, các nhà sản xuất thiết bị y tế của Hoa Kỳ đang thực sự tạo ra các đối thủ cạnh tranh của họ.
Hoa Kỳ cũng phụ thuộc vào nguồn cung và chuỗi cung ứng của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng khác, đặc biệt là dược phẩm. Hoa Kỳ vẫn là nước dẫn đầu toàn cầu về điều chế thuốc, nhưng Trung Quốc hiện là nhà sản xuất các thành phần dược phẩm lớn nhất thế giới, được biết đến với tên “APIs”. Như một quan chức của Cơ quan Y tế Quốc phòng lưu ý, Trung Quốc quyết định giới hạn hoặc hạn chế việc cung cấp “APIs cho [Hoa Kỳ]”, Trung Quốc “có thể tạo ra tình trạng thiếu dược phẩm cho cả mục đích sử dụng trong nước và quân sự”.
Để đạt được sự thống trị trong ngành dược phẩm, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã diễn cùng một vở kịch mà họ đã từng diễn để rút ruột các ngành công nghiệp khác của Hoa Kỳ. Năm 2008, ĐCSTQ đã chỉ định sản xuất dược phẩm là một ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và đã thúc đẩy các công ty Trung Quốc bằng cách trợ cấp và giảm thuế xuất khẩu. Trong khi đó, ĐCSTQ đã gây áp lực một cách có hệ thống tới các công ty Hoa Kỳ. Các công ty Hoa Kỳ phải đối mặt với những rào cản nổi tiếng trong thị trường y tế của Trung Quốc, bao gồm sự chậm trễ phê duyệt thuốc, hạn chế giá không công bằng, trộm cắp sở hữu trí tuệ và làm hàng giả. Công dân Trung Quốc làm nhân viên tại các công ty dược phẩm đã bị bắt quả tang ăn cắp bí mật thương mại, cả ở Hoa Kỳ lẫn tại Trung Quốc. Và ĐCSTQ từ lâu đã tham gia vào các hoạt động gián điệp không gian mạng và tấn công hệ thống máy tính của các trung tâm nghiên cứu y tế và các công ty chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ.
Trên thực tế, các tin tặc liên kết với ĐCSTQ đã nhắm mục tiêu vào các trường đại học và công ty Hoa Kỳ nhằm đánh cắp sở hữu trí tuệ liên quan đến các phương pháp điều trị và vắc-xin virus corona, đôi khi làm gián đoạn công việc của các nhà nghiên cứu của chúng ta. Bị phát hiện rằng đã che đậy sự bùng phát của virus corona, Bắc Kinh đang tuyệt vọng trong nỗ lực đảo ngược mối quan hệ với công chúng, và có thể hy vọng rằng họ sẽ có thể khôi phục lại uy tín bằng bất kỳ đột phá y khoa nào.
Vì tất cả những ví dụ này cần làm rõ, tham vọng tối thượng của các nhà cai trị Trung Quốc không phải là giao dịch với Hoa Kỳ. Đó là tấn công Hoa Kỳ. Nếu quý vị là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ, việc xoa dịu ĐCSTQ có thể mang lại những lợi ích ngắn hạn. Nhưng cuối cùng, mục tiêu của ĐCSTQ là thay thế quý vị. Theo báo cáo của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, các công ty nước ngoài, với các các khoản đầu tư tài chính lớn, chia sẻ chuyên môn và chuyển giao công nghệ quan trọng với hi vọng sẽ được tiếp cận một thị trường Trung Quốc mở cửa, đang bị các công ty của Trung Quốc dần thay thế, nghĩa là Trung Quốc đã thắng hai lần.
Mặc dù công dân Hoa Kỳ hy vọng rằng thương mại và đầu tư sẽ tự do hóa hệ thống chính trị của Trung Quốc, nhưng đặc tính cơ bản của chế độ chưa bao giờ thay đổi. Khi cuộc đàn áp tàn nhẫn ở Hồng Kông một lần nữa chứng minh, Trung Quốc ngày nay không gần gũi với dân chủ hơn so với năm 1989 khi những chiếc xe tăng đối đầu với đoàn biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn. Nó vẫn là một quốc gia độc tài, độc đảng, trong đó ĐCSTQ nắm quyền lực tuyệt đối, không bị kiểm soát bởi các cuộc bầu cử phổ thông, bởi nhà nước pháp quyền hay nền tư pháp độc lập. ĐCSTQ giám sát người dân của mình và gán cho họ điểm tín nhiệm xã hội, sử dụng một lực lượng kiểm duyệt của chính phủ, tra tấn những người bất đồng chính kiến, đàn áp các tôn giáo và dân tộc thiểu số, bao gồm một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại cải tạo lao động để bị tẩy não và bị ép buộc lao động cưỡng bức.
Nếu những gì xảy ra ở Trung Quốc chỉ tồn tại ở trong Trung Quốc, thì điều đó đã đủ tồi tệ. Nhưng thay vì Hoa Kỳ thay đổi Trung Quốc, Trung Quốc đang tận dụng sức mạnh kinh tế của mình để thay đổi Hoa Kỳ. Như Chiến lược Trung Quốc của chính quyền này công nhận, chiến dịch của ĐCSTQ để bắt buộc tuân thủ ý thức hệ không dừng lại ở biên giới Trung Quốc. Thay vào đó, ĐCSTQ tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp thế giới, kể cả tại Hoa Kỳ.
Vì lợi nhuận ngắn hạn, nên các công ty Hoa Kỳ đã quá thường xuyên đầu hàng trước ảnh hưởng đó – ngay cả khi phải trả giá bằng sự tự do và cởi mở ở Hoa Kỳ. Đáng buồn thay, các ví dụ về doanh nghiệp Hoa Kỳ cúi chào Bắc Kinh là vô số.
Các công ty công nghệ lớn của Hoa Kỳ cũng đã cho phép mình trở thành những con tốt trên bàn cờ gây ảnh hưởng Trung Quốc. Vào năm 2000, khi Mỹ bình thường hóa quan hệ thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Clinton đã ca ngợi thế kỷ mới là một thế kỷ trong đó “tự do sẽ được lan truyền bằng điện thoại di động và modem”. Thay vào đó, trong suốt thập kỷ tiếp theo, các công ty Hoa Kỳ, như Cisco, đã giúp Đảng Cộng sản xây dựng Bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc – hệ thống tinh vi nhất để giám sát và kiểm duyệt Internet.
Trong những năm qua, các tập đoàn như Google, Microsoft, Yahoo và Apple đã cho thấy họ luôn rất sẵn lòng hợp tác với ĐCSTQ. Ví dụ, Apple gần đây đã gỡ bỏ ứng dụng tin tức Quartz khỏi kho ứng dụng của mình ở Trung Quốc, sau khi chính phủ Trung Quốc phàn nàn về mức độ lan truyền các tin tức về các cuộc biểu tình dân chủ tại Hồng Kông. Apple cũng loại bỏ các ứng dụng cho các mạng riêng ảo vốn sẽ cho phép người dùng phá vỡ Vạn Lý Tường Lửa, và loại bỏ các bài hát ca ngợi dân chủ khỏi kho nhạc Trung Quốc. Trong khi đó, công ty tuyên bố rằng họ sẽ chuyển một số dữ liệu iCloud của mình sang các máy chủ ở Trung Quốc, bỏ qua sự lo ngại rằng động thái này sẽ giúp Đảng Cộng sản dễ dàng truy cập vào e-mail, tin nhắn văn bản và thông tin người dùng khác được lưu trữ trong iCloud.
ĐCSTQ từ lâu đã sử dụng các mối đe dọa công khai về trả đũa và cấm tiếp cận thị trường để gây ảnh hưởng. Tuy nhiên, gần đây, ĐCSTQ cũng đã tăng cường các nỗ lực đằng sau hậu trường để thuyết phục và ép buộc các giám đốc điều hành doanh nghiệp của Hoa Kỳ tiếp tục phục vụ cho các mục tiêu chính trị của ĐCSTQ – những nỗ lực này ngày càng nguy hiểm hơn vì chúng hầu như bị che giấu khỏi sự kiểm soát của công chúng.
Khi chính phủ Trung Quốc mất uy tín trên toàn thế giới, Bộ Tư pháp đã chứng kiến ngày càng nhiều quan chức ĐCSTQ và các chân rết của họ tiếp cận với các nhà lãnh đạo công ty và đưa ra các biện pháp ủng hộ các chính sách và hành động đang được ĐCSTQ thực hiện. Mục tiêu của họ khác nhau, nhưng nói chung của họ là như nhau: doanh nhân có lợi ích kinh tế ở Trung Quốc, và có ý kiến cho rằng mọi thứ sẽ tốt hơn (hoặc tệ hơn) đối với họ tùy thuộc vào phản ứng của họ đối với yêu cầu của ĐCSTQ. Tạo áp lực riêng tư hoặc ve vãn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ (hoặc các chính trị gia Hoa Kỳ) để thúc đẩy các chính sách tạo ra một mối đe dọa đáng kể, bởi vì ẩn đằng sau tiếng nói của Hoa Kỳ cho phép chính phủ Trung Quốc nâng cao các chiến dịch ảnh hưởng của mình và đưa ra một chính sách thân thiện với chính quyền Hoa Kỳ. Các nhà lập pháp hoặc nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ lại lắng nghe từ những doanh nhân công dân Hoa Kỳ vốn sẽ nói tốt cho ĐCSTQ. Và bằng cách che giấu sự tham gia của ĐCSTQ vào quá trình chính trị của chúng ta, ĐCSTQ tránh được sự phải chịu trách nhiệm cho những nỗ lực ảnh hưởng của mình và sự phản đối công khai có thể xảy ra, nếu việc vận động hành lang của nó bị phơi bày.
Các nhà lãnh đạo công ty của Hoa Kỳ có thể không nghĩ mình là người vận động hành lang. Ví dụ, quý vị có thể nghĩ rằng việc nuôi dưỡng mối quan hệ cùng có lợi chỉ là một phần của nhóm ‘quan hệ’ – hay hệ thống mạng xã hội gây ảnh hưởng – cần thiết để làm ăn với ĐCSTQ. Nhưng quý vị nên cảnh giác với cách quý vị có thể thực hiện và những nỗ lực của quý vị thay mặt cho một công ty hoặc chính phủ nước ngoài có thể vi phạm Đạo luật Đăng ký Đại lý Nước ngoài (FARA). FARA không cấm bất kỳ lời nói hay hành vi nào. Nhưng nó yêu cầu những người đóng vai trò là “đặc vụ” tại các cơ quan nước ngoài phải công khai mối quan hệ đó với chính quyền bằng cách đăng ký với Bộ Tư pháp.
Dĩ nhiên, bằng cách tập trung vào các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ, tôi không có rằng họ là mục tiêu duy nhất của các hoạt động ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hoa Kỳ. ĐCSTQ cũng tìm cách xâm nhập, kiểm duyệt hoặc đồng tổ chức các viện nghiên cứu và tổ chức học thuật Hoa Kỳ. Ví dụ, hàng chục trường đại học Hoa Kỳ tổ chức Học viện Khổng Tử do chính phủ Trung Quốc tài trợ, bị buộc tội gây áp lực buộc các trường đại học này phải im lặng trong các cuộc thảo luận hoặc hủy bỏ các sự kiện về các chủ đề gây tranh cãi của Bắc Kinh. Các trường đại học phải cùng đứng lên vì nhau; từ chối để ĐCSTQ ra lệnh cho những nỗ lực nghiên cứu hoặc triệt tiêu những tiếng nói khác nhau; hỗ trợ các đồng nghiệp và sinh viên muốn nói lên suy nghĩ của họ; và xem xét liệu bất kỳ sự hy sinh nào cho sự liêm chính học thuật hay tự do học thuật để xoa dịu những đòi hỏi của ĐCSTQ liệu có đáng hay không.
Trong một thế giới toàn cầu hóa, các tập đoàn và trường đại học Hoa Kỳ có thể xem mình là công dân toàn cầu, thay vì là các tổ chức của Hoa Kỳ. Nhưng họ nên nhớ rằng thứ cho phép họ thành công ngay từ đầu là hệ thống doanh nghiệp tự do của Hoa Kỳ, luật pháp và an ninh được cung cấp bởi sức mạnh kinh tế, công nghệ và quân sự của Hoa Kỳ.
Toàn cầu hóa không phải lúc nào cũng chỉ theo hướng tự do hơn. Một thế giới diễu hành theo nhịp trống của Trung Quốc cộng sản sẽ không thể thoải mái đối với các tổ chức phụ thuộc vào thị trường tự do, thương mại tự do hoặc tự do tư tưởng. Đã có lúc các công ty Hoa Kỳ hiểu điều này và họ đã tự coi mình là công dân Hoa Kỳ và đã tự hào bảo vệ các giá trị Mỹ.
Trong Chiến tranh Lạnh, Lewis Powell – người sau này trở thành Phó Chánh án Tòa án tối cao Liên bang – đã gửi một bản ghi nhớ quan trọng tới Phòng Thương mại Hoa Kỳ. Ông lưu ý rằng hệ thống doanh nghiệp tự do đang bị tấn công chưa từng có, và kêu gọi các công ty Hoa Kỳ làm nhiều hơn để bảo vệ nó. “Thời cơ đã đến”, ông nói, “vì sự khôn ngoan, khéo léo và tài nguyên của doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ trở thành chiến binh chống lại những kẻ sẽ phá hủy nó”. Ngày nay cũng vậy. Các công dân Hoa Kỳ đang đồng thuận hơn bao giờ hết về mối đe dọa mà ĐCSTQ đặt ra không chỉ đối với cách sống của chúng ta, mà còn đối với chính cuộc sống và sinh kế của chúng ta. Và họ sẽ ngày càng kêu gọi sự khuyến khích của công ty.
Nếu các công ty riêng lẻ sợ hãi đấu tranh, thì đoàn kết sẽ tạo ra sức mạnh. Như Justice Powell đã viết: “Sức mạnh nằm trong tổ chức, trong kế hoạch dài hạn được xây dựng cẩn thận, trong sự nhất quán của hành động trong dài hạn, trong quy mô tài chính, mà sẽ chỉ có được thông qua nỗ lực chung, và trong quyền lực chính trị chỉ có sẵn thông qua hành động thống nhất và sự tổ chức quốc gia”. Mặc dù có nhiều năm làm quen với chính quyền cộng sản ở Trung Quốc, các công ty công nghệ Hoa Kỳ cuối cùng có thể tìm thấy sự can đảm của họ thông qua hành động tập thể. Sau khi áp dụng luật an ninh quốc gia hà khắc của Trung Quốc tại Hồng Kông, nhiều công ty công nghệ lớn, bao gồm Facebook, Google, Twitter, Zoom và LinkedIn, đã thông báo rằng họ sẽ tạm thời hoãn lại việc tuân thủ các yêu cầu của chính phủ đối với dữ liệu người dùng. Đúng như những gì họ từng làm, các quan chức cộng sản đã đe dọa bỏ tù đối với các nhân viên công ty không tuân thủ. Chúng ta sẽ xem liệu các công ty này giữ vững và họ sẽ giữ vững trong bao lâu. Tôi hy vọng họ sẽ thực hiện. Nếu họ đoàn kết cùng nhau, họ sẽ cung cấp một ví dụ xứng đáng cho các công ty Hoa Kỳ khác trong việc chống lại sự cai trị độc tài và tham nhũng của ĐCSTQ.
ĐCSTQ đã phát động một chiến dịch được phối hợp, trên tất cả các vòi bạch tuộc của nó trong chính phủ và xã hội Trung Quốc, để khai thác sự cởi mở của các tổ chức của chúng ta nhằm tiêu diệt chúng. Để bảo đảm một thế giới tự do và thịnh vượng cho con cháu chúng ta, thế giới tự do sẽ cần phiên bản riêng trong cách tiếp cận toàn xã hội, trong đó các khu vực công và khu vực tư nhân duy trì sự tách biệt thiết yếu của nó nhưng sẽ hợp tác cùng nhau để chống lại sự thống trị và để giành chiến thắng trong cuộc đua giành lấy những đỉnh cao chỉ huy của nền kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ đã làm điều đó trước đây và chúng ta sẽ thắp lại tình yêu và sự tận tâm của chúng ta dành cho đất nước chúng ta và dành cho nhau, tôi tin tưởng rằng chúng ta – công dân Hoa Kỳ, chính phủ Hoa Kỳ và doanh nghiệp Hoa Kỳ – có thể cùng nhau làm lại. Tự do của chúng ta phụ thuộc vào điều đó./.