XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ (Lê Tạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: plant, flower, outdoor and nature

Cứ gần cuối năm Âm lịch, tôi lại nhớ đến ông. Nhớ ông, bởi vì ông đã chuyển tả tâm trạng của tôi trong cái tết đầu tiên xa VN, sống ở trại tị nạn, qua nhạc phẩm “Xuân này con không về” khi ông viết chung với bằng hữu dưới tên Trịnh Lâm Ngân.
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con …”.

Tết đảo, đi một vòng trong trại tị nạn, chỗ này đánh bài Tiến Lên, chỗ kia ngồi tán gẫu, chỗ nọ cả building gồm 10 hộ, góp nhau chén đường chén bột làm bánh bông lan, mùi thơm phưng phứt. Nhưng gần như mỗi bước đường đi qua, mỗi quán cà phê đều mở nhạc phẩm “Xuân này con không về”. Nghe mà sầu nẫu ruột. Tết mà lòng buồn hiu hắt, túi rỗng tếch, đi loanh quanh. Thương mình, thương quê da diết.

“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm …” Không chỉ Mẹ buồn, mà tất cả những đứa con đang trông chờ ở trại tị nạn đều buồn như nhau.

Cũng xin nhắc lại, gần Tết, là lúc ông nhạc sĩ sáng tác nhạc phẩm bất hủ này… ra đi. Ông chính thức “Giã từ vũ khí”.

Vâng, nhắc tới ông, nhạc phẩm “Xuân này Con Không Về”, không phải là nhạc phẩm đầu tiên của ông mà tôi được nghe. Trước đó, tôi và gia đình đã nghe lén những băng nhạc cũ.
Tôi sinh ra trong gia đoạn chiến tranh, lớn lên thời “hậu chiến”. Tôi không có cơ hội nghe nhiều những nhạc phẩm của ông. Nghe dăm bài, do Duy Khánh hát, chẳng hạn: Tôi đưa em sang sông, Xuân này con không về…. Mà cũng chẳng biết đó là nhạc của ông. Lý do: nghe lén; và cũng quá nhỏ để tìm hiểu tác giả là ai. Mãi đến sau này, định cư tại Nam Cali, tôi mới nghe ông nhiều hơn. Nghe, cảm thông, và cảm phục. Và mới biết ông là tác giả của nhiều nhạc phẩm lẫy lừng.

“…Rồi anh sẽ dựng căn nhà xưa
Rồi anh sẽ đón cha mẹ về
Rồi anh sẽ sang thăm nhà em
Với miếng cau, với miếng trầu, ta làm lại từ đầu

Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm
Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn
Bạn anh đó đang say ngủ yên
Xin cám ơn ! Xin cám ơn ! Người nằm xuống…”
(Một mai giã từ vũ khí)

Đây là 1 bài hát, mà theo tôi thuộc loại top 10 trong dòng nhạc chiến tranh. Một nhạc phẩm mang đầy nhân bản. Ở đó, không có hận thù. Ở đó, chuyên chở những ước mơ của người trai thời loạn, đơn giản nhưng đẹp tuyệt vời.

“Trả súng đạn này, ôi sạch nợ sông núi rồi
Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao”….

Ông không viết cho riêng ông, mà cho cả thế hệ của mình. Nhạc khúc bùng lên, bay bỗng, tôi như thấy ông nắm bắt ước mơ của mình, tìm lại được những tháng năm tuổi thơ đã đánh mất năm nao:

“Vui cùng ruộng nương, cùng đàn trâu
Với cây đa khóm trúc hàng cau
Với con đê có chiếc cầu tre
Ðã bao năm vắng chân anh
Nên trở thành hoang phế rong rêu…”

Cũng trong tinh thần nhân bản, dù đang sống trong thời chiến đầy khắc nghiệt, ông và Trần Trịnh đã viết nhạc phẩm “Qua Cơn Mơ” cũng tuyệt vời như thế.

“… Ngày gió mưa không còn
Nên đường dài thật dài ta mặc tình rong chơi ….
Ta sẽ thăm từng người sẽ đi thăm từng đường,
sẽ vô thăm từng nhà

Tình người sau cơn mê …
Đường xưa vắng ta nay ta lại về
Cùng theo lũ em, học hành như xưa…”

Và còn nữa, như trong bài “Cảm ơn” chẳng hạn …

“… Này là bánh chưng, mẹ già tự tay gói gởi cho con
Này là áo len bao nhiêu đêm thâu em ngồi em đan
Nay em gởi ra tới chiến trường
Mang chút tình hậu phương thương mến…”

Nhạc viết ra trong thời chiến nhưng không bao giờ mang 1 chút hận thù.
Không chỉ viết những nhạc phẩm về lính mang tính nhân bản, ông còn viết nhiều nhạc phẩm về quê hương, về tình yêu. Tình ca của ông được hát, được nghe ở khắp nơi nơi.

Viết một nhạc phẩm hay, có thể là may mắn.
Viết dăm nhạc phẩm hay, có thể xem là có chút năng khiếu. Nhưng viết hàng loạt những nhạc phẩm hay, thì đó đích thị là một tài năng.

Rất nhiều những sáng tác của ông đã nằm trong máu của người nghe. Chỉ cần nhạc dạo lên, người ta có thể hát những nhạc phẩm của ông một cách hồn nhiên, dễ dàng, đầy tình tự. Chẳng hạn: Thư xuân trên rừng cao, Xuân này con không về, Cảm ơn, Người tình và quê hương, Xuân này con về Mẹ ở đâu, Chiều qua phà Hậu Giang, Tôi đưa em sang sông, Tâm sự người hát bài quê hương, Hai trái tim vàng, Lời đắng cho cuộc tình, v.v.

Ông mất ngày thứ bảy, còn hơn một ngày nữa mới đến tết 2012. Như tiên liệu trong những ca từ của mình, ông giã từ vũ khí. Với quê hương, ông đã cúi đầu tạ lỗi: Xuân này con không về….
Mà không chỉ mình ông, chúng tôi, những đứa con xa quê, bao nhiêu năm rồi vẫn lỗi hẹn: Xuân này con không về.

Ông đã về với đất, nhưng tôi tin rằng, trăm năm sau hay nhiều hơn thế (hay cho đến khi chỉ còn dăm người hát bằng tiếng Việt), người ta sẽ vẫn hát nhạc của ông, ít nhất là mỗi độ xuân về.

Lê Tạo
1/2020

P.S: Sau vụ Đồng Tâm, rất nhiều người trong trại giam cũng đang hát cho chính mình: Xuân này con không về.

https://www.youtube.com/watch?v=N3ZaSprPe4c