“Vô cùng thương tiếc cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng”-Trần Phong Vũ

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

(Người Buôn Gió, bút danh của Blogger Bùi Thanh Hiếu, một Phật tử trẻ từng sát cánh bên cạnh những cuộc đấu tranh bất bạo động của tập thể tín hữu Công giáo ở nhà thờ Thái Hà lâu nay, nhân ngày đầu năm 2014 cũng gửi lên NET một bài viết cảm động về tác giả Lời Kinh Ðêm).

“Nhưng chim đã gãy cánh.
Tôi định không viết gì về anh, mặc dù những ca từ Chút Quà Cho Quê Hương, Lời Kinh Ðêm hay Mời Em Về của anh đọng sâu sắc trong tôi lúc tôi chỉ mười mấy tuổi. Lúc tôi không ý thức nhiều về chính trị, nhưng thân phận con người trong lời ca của những nhạc phẩm mà anh sáng tác thật khủng khiếp. Có lẽ tôi chưa thấy một nhạc sĩ nào vẽ những nét vẽ về thân phận con người mà sự ám ảnh ghê gớm như Lời Kinh Ðêm. Nhất là câu hỏi da diết với trời xanh, biển cả đang làm giống tố quăng quật những con thuyền mong manh giữa trùng khơi.
‘Biển ngây ngô hay biển man rợ?
Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ?

(…)
Thế rồi đột ngột nhạc phẩm Mời Em Về tuy có dấu ấn chung về nỗi buồn thân phận lưu vong như hai bài trước, nhưng nhạc phầm này ca từ lãng mạn một cách êm đềm đến dịu ngọt. Tôi cám ơn anh, mặc dù anh chưa ra Hà Nội lần nào nhưng nét vẽ của anh về Hà Nội, về một bà mẹ Hà Nội tóc bạc ngồi đâu đó đang tụng lời kinh Phật, tiếng Nam Mô buồn làm tôi nhớ người mẹ già của tôi vô vàn. Người mẹ già của tôi đã bao lần ngồi đâu đó ở ngôi chùa nào của Hà Nội tụng kinh khấn Phật mong cho tôi thoát được cảnh ngục tù. 

Bài hát dịu dàng lắm, này ‘Cổ Ngư chiều đổ lá, trong mưa buồn lưa thưa, này phố phường xưa những chiều mưa phủ.’
Bài hát mà lời như định mệnh. -Mà cả lời của ba bài hát, có bài nào lời không như định mệnh đâu.? Một định mệnh buồn của thân phận tha hương.

‘Nhưng chim đã gãy cánh
Nhưng mây đã ngừng trôi
Ðể cho tôi còn lại nơi này…

Mong anh nằm yên bình nơi ấy, nếu có dịp mà tôi sang bên đó. Chắc chắn sẽ đến nấm mồ xanh của anh để thắp nén hương cho một trong những người nhạc sĩ Việt Nam, đã viết những nhạc phẩm về thân phận con người sâu sắc nhất. Mong lời ca của anh sẽ khiến những con chim xa xứ không bao giờ mỏi cánh ước mơ tìm về với quê cha, đất mẹ. Ðể chao cánh lượn trên bầu trời Hà Nội, Sài Gòn trong một chiều say nắng.

Chia buồn với trung tâm Asia đã mất đi một người MC ưu tú, người MC quan tâm sâu sát đến từng diễn biến của những người đấu tranh trong nước, nhắc tên những người đấu tranh trên sân khấu giữa hàng nghìn khán giả. Ðể cho những người yêu nước bên ngoài và những người yêu nước bên trong thấy gần gũi với nhau hơn, gắn bó và hiểu biết nhau hơn. Khoảng trống của anh để lại thật lớn trên sân khấu Asia. Hy vọng những MC như Nam Lộc, Thùy Dương cập nhật tình hình trong nước nhiều hơn và cặn kẽ hơn để lấp khoảng trống mà Việt Dzũng bỏ lại, thiết nghĩ đó cũng là cách tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa và đầy lòng trắc ẩn, bao dung đó.”

Trong những giòng mở đầu bài viết, NBG thố lộ:“Tôi định không viết gì về anh”. Tiếp theo một đoạn và sau khi trích hai câu ‘Biển ngây ngô hay biển man rợ? Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ?’ trong bản nhạc Lời Kinh Ðêm, tác giả thẳng thắn nêu lý do:
“Sở dĩ tôi định không viết bởi tôi hèn. Tuy rằng trong thâm tâm tôi nếu có dịp sang Mỹ, kiểu gì tôi cũng tìm gặp để chào anh một cái bắt tay. Tôi hèn chẳng phải tôi sợ những người cộng sản đối nghịch với anh, họ làm gì tôi. Tôi hèn vì tôi sợ ‘một số người’trong số những người đấu tranh dân chủ. Họ sẽ chửi tôi tư cách gì viết về anh hả thằng oắt con Bắc Kỳ. Mày định lăng xê cho bản thân mày à.?” 

Tô đậm mấy giòng trên đây của tác giả NBG, người viết bài này muốn nói với anh rằng: con số những người anh nghĩ sẽ ‘chửi’ anh như trường hợp Nguyễn Lân Thắng từng bị ‘chửi’ mà anh đề cập trong bài, chắc chắn không nhiều, và cũng chắc chắn trong cái thiểu số ấy có những thành phần nhẹ dạ đáng thương hơn đáng trách. Họ vô tình bị thúc đẩy bởi một mưu toan xuất phát từ nỗi sợ hãi vỡ đảng từ những kẻ cầm quyền trong nước, với sự hà hơi tiếp sức của một nhúm tay sai vô sỉ ở hải ngoại.

Sánh lược ‘sandwich’ để tung hỏa mù
Ðiều cần nói và phải nói là ngay trong sự ra đi bất chợt của Việt Dzũng cũng tàng ẩn những điều nghịch lý mà trong tiêu đề nhỏ ở đầu bài viết tôi mệnh danh là những hạt sạn cần đãi lọc.
Những hạt sạn ấy là gì?

Sau ngày Việt Dzũng nằm xuống, mỗi buổi sáng tôi phải mỏi tay xóa bỏ không biết bao nhiêu thư ‘rác’ với nội dung không ngoài mục tiêu đánh phá, mạ lỵ những cá nhân và tổ chức thuở sinh thời Việt Dzũng vốn sát cánh như bạn đồng tâm đồng chí. Họ gửi vào hàng loạt cả trăm mail ‘rác’ cùng một lúc, không phải một mà dưới nhiều danh tính khác nhau, nhưng hoàn toàn xa lạ đối với người nhận.

Có những mail tố cộng kịch liệt, nhưng toàn những điều vô thưởng vô phạt mọi người đã biết từ lâu. Cũng có những mail chuyển tải những bài thơ, những bài viết xưng tụng Việt Dzũng hay bày tỏ lòng mến tiếc anh. Nhưng xen kẽ trong đó là những liều độc dược, những lời lăng mạ thậm tệ Trúc Hồ, Nam Lộc và trung tâm Asia ! Họ khôn khéo áp dụng sách lược “sandwich”, trưng ra những luận điệu kể tội CS và những lời nói tốt Việt Dzũng để tạo niềm tin tưởng cho người đọc họ, trước khi giở ngón đòn ‘chụp mũ’, bôi bẩn nhằm triệt hạ hoặc ít nữa là gây hoài nghi đối với những cá nhân, những tổ chức đang là đối tượng cần truy diệt của Hànội. Nhưng người tinh ý, nhất là có ít nhiều kinh nghiệm về CS, dễ dàng nhận ra ngay.

Cụ thể là ngoài ý đồ lập lại những luận điệu hài tội Trúc Hồ, đài SBTN, trung tâm Asia như vẫn làm lâu nay, trước và sau đám tang Việt Dzũng, những kẻ lá mặt lá trái này còn nhân việc thân mẫu và hiền thê ca nhạc sĩ Việt Dzũng vì lý do chẳng đặng đừng phải từ chối thiện chí của các tổ chức cựu chiến sĩ trong QLVNCH muốn cử hành nghi thức phủ cờ cho người quá cố, để tiếp tục lải nhải lên tiếng chỉ trích. Họ lôi ra từ bà Hạnh Nhân tới nhạc sĩ Nam Lộc để báng bổ bằng những lời lẽ nặng nề, hạ cấp.

Nghe lại DVD ghi hình ảnh và âm thanh buổi tưởng niệm tối Thứ Bảy 27-12-2013 tại đài SBTN, tôi còn nhớ gần như nguyên văn lời công bố của nhạc sĩ Nam Lộc với tư cách MC về quyết định từ chối vinh dự phủ cờ cho người quá cố của bà quả phụ Nguyễn Ngọc Bảy và Bébé Hoàng Anh, sau khi nghiên cứu kỹ những giới hạn hợp lý trong điều lệ phủ cờ theo những quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Có điều những kẻ phá hoại không chịu tin như vậy và vẫn tiếp tục bôi bác.

Hiển nhiên vấn đề phủ cờ chỉ là cái cớ để những kẻ xấu lợi dụng hầu làm loãng đi cái hào khí của tập thể người Việt trước sự ra đi của Việt Dzũng, đồng thời đánh phá những Nam Lộc, Trúc Hồ, đài SBTN và trung tâm Asia.

Viết ra những sự thật này, tôi biết mai đây có thể cá nhân tôi sẽ trở thành đối tượng bị bội bẩn. Nhưng có phải vì thế mà im lặng? Thuở sinh thời cố thi sĩ Nguyễn Chí Thiện bị xuyên tạc, bị bang bổ, cùng với một số bằng hữu của anh, tôi đã công khai lên tiếng. Và bây giờ cũng không thể khác.

Lời chót trước khi kết thúc

– Qua nỗi sợ bị người hải ngoại ‘chửi’ của Người Buôn Gió,
– qua biểu ngữ công khai bày tỏ lòng thương tiếc Việt Dzũng của các Bà Mẹ Dân Oan trong cuộc xuống đường ở Sàigòn giữa ngày đầu năm 2014,
– qua sách lược núp bóng chống cộng như một chiêu bài, một sách lược giai đoạn để báng bổ những khuôn mặt được coi là khắc tinh của CSVN gần đây,
– và qua tâm trạng âu lo vỡ đảng của Hànội… vài câu hỏi được đặt ra.
* Ðảng và nhà nước CSVN sợ hãi điều gì và đang toan tính gì trong lúc này?

Trường hợp Lê Hiếu Ðằng, TS kinh tế Phạm Chí Dũng, BS Nguyễn Ðắc Diên liên tiếp công khai tuyên bố bỏ đảng vào thời điểm cuối năm 2013 có giá trị như quả bom tấn đánh vào đầu não chế độ Hànội. Họ lo sợ một cao trào thoái đảng hàng loạt sẽ xảy ra trong tương lai không xa. Những đòn phủ đầu nhằm đánh vào não trạng dao động của hàng triệu đảng viên CS các cấp đã và đang diễn ra ở Sàigòn qua việc triệu tập đảng viên để ‘khai trừ’ các ông Ðằng, Dũng và Diên, dù biết đây là chuyện ‘ruồi bu’ khi chính các đương sự đã minh danh viết thư từ bỏ đảng!

Ðối với tập thể người Việt hải ngoại, Hànội rất sợ những cá nhân, những tổ chức đấu tranh chuyển lửa về kích thích đồng bào đứng dậy, đồng thời gây mầm bất mãn, bạo loạn trong nội bộ đảng và nhà nước. Tình cảm cuồng nhiệt, náo nức của tập thể tị nạn ở Hoa Kỳ, ở Âu Châu, Úc Châu dành cho Việt Dzũng khi anh nằm xuống (như đã dành cho tác giả Hoa Ðịa Ngục trướcđây) càng làm cho nỗi âu lo của đảng và nhà nước CSVN nhân lên thập bội.

Ðiều này lý giải cho hiện tượng tăng tốc chiến dịch bôi bác, tung hỏa mù nhắm vào bạn bè anh của những kẻ thân xác tuy khoẻ mạnh nhưng trí óc và tâm hồn bại liệt, hòng làm suy yếu những nỗ lực đấu tranh chung, trong những ngày qua.

* Như thế chúng ta nghĩ sao và phải làm gì trong lúc này?
Trước hết, sau sự ra đi của Việt Dzũng, mỗi cá nhân, mỗi đoàn thể trong cộng đồng phải quyết chí biến đau thương thành hành động. (Ðấy là điều từ bên kia thế giới chắc chắn Việt Dzũng đang trông đợi.) Muốn hành động có hiệu quả tối đa chúng ta cần phải mạnh. Muốn mạnh phải dứt khoát gạt bỏ mọi tư kiến, thống nhất quan điểm, dồn nỗ lực vào việc vận động quốc tế, hỗ trợ đồng bào và các nhà dân chủ trong nước tiến hành cuộc đấu tranh tiêu trừ sự ác.

Ðây là một cuộc đấu tranh bất bạo động, một cuộc đấu tranh bằng tinh thần, bằng ý chí và bằng cân não, trong đó 90 triệu đồng bào trong nước –bao gồm cả những cán bộ, bộ đội, những đảng viên CS phản tỉnh-, sắm vai trò quyết định.

Cần nhận thức rằng: có rất nhiểu chỉ dấu cho thấy tình hình đất nước ngày nay đã hoàn toàn đảo ngược. Trong khi người dân đang dần vượt qua sự sợ hãi  thì phía đảng và nhà nước cộng sản càng ngày càng co rút lại trong nỗi kinh mang trước một tương lai mờ mịt. Chưa bao giờ đảng cộng sản suy yếu, rệu rã như những năm gần đây. Ðấy là chưa nói tới những khó khăn bế tắc vô phương cứu vãn mà chế độ đang phải đối diện, bao trùm hầu hết các lãnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục.

Sự tồn tại của chế độ chuyên chính Hànội chủ yếu dựa vào kỷ luật thép trong đảng cộng sản, một thứ kỷ luật được tạo nên bằng cái ‘chủ nghĩa bánh vẽ’ và bằng những biện pháp sắt máu với chủ trương ‘thà giết oan mười mạng còn hơn để một mạng lọt lưới!’. Ngày nay thứ kỷ luật ấy đã hết linh khi người dân đã vượt qua nỗi sợ thâm căn cố đế, khi đa số đảng viên đã giác ngộ, nhận ra bộ mặt thật tàn bạo của thiểu số lãnh đạo, ăn trên ngồi trước được xu phụ bởi một đám đảng viên vô sỉ, chỉ còn bám vào nhau vì những lợi ích cá nhân, tạo nên những trò đấu đá, tranh ăn và càng ngày càng cho mọi người thấy rõ bản chất tham ô, bất tài, bán nước của chúng.

Trong điều kiện ấy, ngoài nỗ lực củng cố thêm thế mạnh của mình, tập thể người Việt hải ngoại cần quan tâm tới việc làm suy yếu hàng ngũ đối phương.
Bằng cách nào?

Trước hết, bằng tình liên đới, kết đoàn và tinh thần khoan dung, nhân ái. Chính sự liên đới, cảm thông sẽ gắn kết mọi người thành một khối và tinh thần khoan dung, nhân ái sẽ khích lệ những cán bộ, bộ đội bao gồm cả đảng viên đảng CS, nhất là những thành phần đã bắt đầu nhận ra sự lầm lạc của mình, dám mạnh dạn đứng về phía nhân dân chống lại thiểu số cầm quyền đang tác oai tác quái trên quê hương.

Là những kẻ đang sa lầy vì chính sách bất nhân tàn bạo, hơn ai hết Hànội ngày càng nhận ra sự thất nhân tâm của chúng trước một đối phương luôn lấy sự khoan hòa, bao dung, nhân bản làm phương châm tranh đấu. Từ đấy chúng ta có nhiều lý do để tin rằng những luận điệu chụp mũ, khích bác, báng bổ, gây hỏa mù trong nội bộ cộng đồng hải ngoại không ngoài ý đồ của Hànội, trước hết nhằm làm suy yếu tiềm năng đấu tranh của chúng ta, đồng thời có cớ để hù dọa răn đe, hầu giảm thiểu hoặc làm chậm lại tình trạng thoái đảng hiện nay.

Từ những suy tư trên đây, thái độ thành khẩn gói ghém trong những lời nói thật lòng của Người Buôn Gió cùng với nội dung biểu ngữ tỏ bày lòng yêu thương mến tiếc Việt Dzũng của đám đông Dân Oan trong cuộc xuống đường ở Sàigòn ngày đầu năm 2014 vừa qua, phải là bài học để chúng ta cùng suy gẫm.

Nam California, ngày 05 tháng 01 năm 2014
Trần Phong Vũ