VỢ CHỒNG GIÀ: CÓ HIỂU MỚI CÓ THƯƠNG (bác sĩ Châu Ngọc Hiệp)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

image.png

Thời gian nghỉ hưu thường tạo ra nhiều sự thay đổi và xáo trộn trong đời sống gia đình.
Đó có thể là sự thay đổi trong nếp sinh hoạt quen thuộc và phải hòa mình vào một khung cảnh mới.
Hậu quả là hưu viên phải chịu mất đi một số bạn bè cùng mối giao tiếp xã hội của mình từ trước tới giờ.

Trong gia đình, sự chạm mặt nhau hằng ngày dễ làm xẹt điện, nói qua nói lại, đưa đến khẩu chiến (thầy bói gọi là khắc khẩu hay khắc tuổi) giữa vợ chồng với nhau.

Sóng ngầm nổi lên không báo trước… Chạm mặt nhau thường xuyên.

Không biết có phải tại vì già nên tánh tình thay đổi khiến vợ chồng thường hay kiếm chuyện cằn nhằn với nhau về những cái gì không đâu, lãng nhách không hà.
Khoa học nói là bà bị xáo trộn hormones của tình trạng mãn kinh ménopause, hay bị rối loạn nhân cách giáp ranh Borderline personality Disorder BPD,còn ông thì bị mãn dục andropause tánh tình cũng hơi gàn, khi vầy khi khác, buồn vui bất thường ai mà biết được.

Bệnh hoạn nầy nọ cũng bắt đầu xuất hiện ra theo tuổi già nên ảnh hưởng ít nhiều vào sức khỏe tâm thần của cả hai người.
Nhưng phải nhìn nhận là hình như mấy bà có phần chủ động khởi xướng chiến tranh hơn là các ông.Tại sao ?
“Thật ra, cái nguyên nhân chính đưa đến việc “đè đầu, cỡi cổ” mà các bà áp dụng đều do đa số các ông tới tuổi “mãn kinh” cả.

Tới tuổi xồn xồn, đột nhiên các ông đổi tính..

Có những ông thời trẻ thì hùng hùng hổ hổ, nhưng về già thì ngoan như chú mèo ngái ngủ. Vấn đề chính là “hormone” của các ông, từ 50 tuổi trở lên, đa số bắt đầu đi xuống, muốn “lên” cũng vất vả.
Đến 60 thì chỉ còn 50% các ông còn đầy đủ đạn dược, tới khi về hưu, thì cái gì trong người cũng muốn hưu luôn, cho nên càng ngày các ông càng lép vế, lép đùi”.

Hai người mà muốn sống như chỉ có một người.

Theo các nhà tâm lý học thì trong đời sống vợ chồng, cần phải có hai người.
Nhưng cả hai vợ chồng muốn sống như chỉ có một người thì làm sao được. Chiến tranh lạnh nổi lên vì lẽ đó.

Rồi còn người nầy muốn cải hóa bắt buộc người kia phải theo ý mình, phải đoán biết mình muốn cái gì, phải giống y chang mình…
Cần nên biết rằng mỗi người đều có sở thích riêng rẽ, kiểu cách riêng biệt cũng như có nhu cầu khác nhau.
Chuyện tâm đầu ý hiệp chỉ là chuyện của mấy năm đầu tiên còn mới toanh, khi mới sống với nhau mà thôi.
Sau đó thì cả hai vợ chồng cần phải biết tự điều chỉnh để thích ứng adjust với nhau mới mong sống chung được tới ngày xuống lỗ.

Bà nói nhiều, ông tịnh khẩu.

Cái khác biệt là một người (thường là vợ) dám nói ra và nói hoài, nói mãi nagging khiến đối phương khó chịu bên trong.
Tây gọi đây là những điều bực mình hay irritants, khiến anh chồng muốn khùng luôn nên phải cố gắng làm thinh theo đúng câu của ông bà đã dạy:
Vợ giận thì chồng bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê.

Đây là chân lý.
Đàn ông, đàn bà là hai thế giới riêng biệt.

Xâm lấn lãnh thổ của nhau

Một nguyên nhân khác trong sự xung đột vợ chồng là guerre de territoires hay vấn đề tranh chấp lãnh thổ của họ, chốn riêng tư, chẳng hạn như cái nhà bếp của bà bị ổng xâm nhập thường xuyên.
Bà có cảm giác là ông xã tối ngày quanh quẩn chàng ràng bên chân mình làm bà khó chịu và đổ quạu không cần báo trước.
Bà sắp đặt đồ đạc có thứ tự ngăn nắp theo một kiểu cách nào đó, ông vô bếp không để ý, mà có ý đâu mà để, xớn xa xớn xác để không đúng chỗ là bà nẹt liền.
Các ông mà có lãi nhãi lại thì bị cho là già sanh tật khó chịu không biết lỗi.

Bà trách ông không biết giúp vợ.

Ngược lại có bà thì cảm thấy quá bất công, tủi thân phận mình, sao thằng chả ở không mà hổng biết thương vợ, san sẻ công việc nhà cho người ta nhờ, không giống như chồng của người ta(?).

Ông trách bà xâm lấn quyền hạn.
Phần các ông thì nói mấy bà xâm lấn quyền hạn, khó chịu quá, đòi hỏi quá đáng.
Ngày xưa, di làm ở sở, ở hãng vậy mà tự do, khỏe hơn, không ai xài xể mình hết. Về tới nhà mệt đừ, có thì giờ đâu mà cằn nhằn, mà cãi lộn với nhau.
Thật ra lúc còn đi làm, thời gian ở trong sở nhiều hơn thời gian ở bên vợ bên con nhờ vậy mà ít đụng chạm.
Để tránh chạm mặt nhau, ông bà tìm nơi chốn bình an hơn.

Để tránh sư gần gủi trên (hay sự lấn đất), nguyên nhân của xung đột, của cãi vả nên nhiều ông / bà tìm đến ẩn thân tại những vùng đất bình yên hơn, như quanh nhà, như di tản xuống dưới sous sol (basement), xem internet, vô garage hay ra ngoài vườn v.v…để tránh chạm mặt ổng / bả.
Thôi, tịnh khẩu cho yên chuyện.

Lời khuyên của nhà tâm lý học.


Nghỉ hưu cần phải có một thời gian điều chỉnh và thích ứng trong cuộc sống lứa đôi.
Cả vợ lẫn chồng phài tập sống lại với nhau trong bối cảnh hai người chớ không phải của một người.

Theo L’Institut national d’études démographiques INED (Pháp), ly dị ở lớp tuổi 60 đã tăng lên gấp hai từ năm 1985.
Nguyên nhân do những khó khăn trong thời gian nghỉ hưu đem đến:
1. Vợ chồng cần cho nhau biết sự mong đợi ở người kia. Hoạch định những sinh hoạt chung nhưng vẫn giữ những sở thích của mình.
2. Nên ý thức rằng người kia cũng cần phải có những giây phút riêng tư (intimité) của họ.
3. Rất quan trọng cần có nhiều thời gian cạnh bên nhau nhưng không nhất thiết là cả hai đều phải làm chung một việc.
4. Lúc nghỉ hưu, vợ chồng đều quá rảnh rỗi. Họ có thể sử dụng thời gian quý báu đó một cách tự chủ (autonome) và khác biệt theo ý thích của họ nhưng đồng thời mỗi người phải biết tôn trọng điều ước muốn của người kia.
Đây là cách hữu hiệu đễ ngừa thói quen (routine) theo năm tháng.

5. Để cho sự chuyển tiếp giữa hai giai đoạn (làm việc/nghỉ hưu) được êm ái, vợ và chồng cần phải tập quen sống với sự có mặt thường xuyên của người kia…

BS Châu Ngọc Hiệp (Châu Sa) cho ý kiến:

Hấp hôn trước khi hấp hối:

“Ngẫm lại, người quan trọng nhất đời của mình chính là người phối ngẫu. Cha mẹ rồi sẽ qua đời, con cái rồi sẽ có gia đình riêng và rời tổ ấm, bạn bè dù thân mấy cũng có đời sống riêng của bạn.
Chính người vợ hay chồng là bạn đường mà cũng là bạn đời, có phước cùng hưởng, có họa cùng chịu…”.

Các bạn thân của tôi ơi!
Nếu vợ chồng bạn thường hay tránh mặt nhau, hoặc gặp mặt nhau là cãi lẫy thì bạn cần hấp hôn rồi đó.
Hãy hấp hôn trước khi một trong hai người hấp hối, lúc đó hối hận thì đã muộn.

Hơn thế nữa, khi cha mẹ sống vui vẻ, hòa thuận, hạnh phúc thì đó là niềm vui rất lớn cho các con.
Muốn xe chạy tốt, bảo đảm thì cần bảo trì (tune up) hằng năm.

Chữ T.U.N.E.U.P. cho chúng ta nhớ những điểm chính của hấp hôn.
T: Time – Thời gian bên nhau để tâm tình, để trò chuyện, đây là thời gian vô cùng quí báu, không nên thiếu;
U: Unmask – Ung nhọt cần mổ xẻ;
N: New ear & tongue – Tập nghe, tập nói ngôn ngữ tình yêu;
E: Erase – Xóa, ‘Xóa bàn làm lại’, hấp-hôn là lúc cả hai người cùng quyết tâm viết trang mới trong quyển sách chuyện tình đôi ta;
U: Understand – Ưng ý, hiểu rõ nhau;
P: Passion – Phấn khích, tình yêu như đám lửa, để lâu sẽ nguội dần nên cần thêm củi luôn.

Chúng ta nên tránh 3 điều dễ làm mất hạnh phúc gia đình là “Chỉ trích + Phàn nàn + So bì”.
Kết luận : Có hiểu mới có thương. ”Muốn thương phải hiểu” .
Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ.

Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực.
Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.

Mỗi người có những nỗi niềm, những khổ đau, bứt rứt riêng, nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc.
Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau.
Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời.
Người ta làm khổ nhau nhân danh tình thương. Chuyện đó vẫn thường xảy ra.
E rằng chỉ lý thuyết, chuyện “tịnh khẩu” ở người già thật khó thay!