VIẾT TRONG MỘT NGÀY BUỒN.

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

(Từ Fb TD_HTN)
Ở góc quán cà phê này, tôi đã chia tay nhiều người bạn. Người rời xa Việt Nam như một hi sinh thầm lặng, chưa biết tới khi nào có thể quay về. Ngày đó, hẳn còn xa xôi lắm… Có người, vừa ở độ sung mãn nhất, đúng vào khi đủ trí và lực để làm được những việc tử tế cho gia đình và cho cuộc đời, bỗng một ngày ác mộng, nhận bản án tử ở giai đoạn cuối, vô phương cứu chữa, bỏ lại bao tâm huyết còn dang dở. Có người ra đi, với đầy rẫy gian khổ đón chờ, vẫn cắn răng chịu đựng chỉ để tị nạn văn hóa, giáo dục cho con cái. Quán cà phê thơ mộng, những người khách có vẻ an nhiên, tiếng dương cầm lãng mạn. Nhưng những cuộc chia tay như sóng ngầm dưới mặt sông phẳng lặng chưa hề dừng lại…
Người ra đi, dù vì bất cứ lý do gì, trong lòng đều trĩu nặng. Bởi họ không phải những quan chức nhắm sẵn thẻ xanh cho người thân, tìm một nơi hưởng thụ. Không phải những doanh nhân thành đạt nhờ núp dưới ô nọ dù kia mà kiếm bộn tiền. Bạn buồn bã nói trước lúc từ biệt: Thân phận người Việt mình như những đàn chim bay về phương trời xa tránh bão, nhưng đàn chim thiên di theo mùa và còn mơ quay về tổ, chứ đất nước này bây giờ chẳng còn chi để day dứt nữa ngoài mồ mả ông bà. Đành làm thân cò vạc bơ vơ nơi đất khách thôi chứ về để làm gì.
Thật ra, cái tâm trạng bơ vơ mà bạn tôi nói tới, chẳng phải người đi mới có. Mà nhiều lúc, thấy như kẻ tạm trú ngay trên mảnh đất sinh ra mình. Bởi quá khứ mơ hồ, hiện tại bất an và tương lai- mờ mịt hay tươi sáng thì còn phụ thuộc vào mỗi người Việt đang sống ngay trên đất nước này. Cứ nhìn bình tĩnh, chậm lại mà ngẫm, thì lý trí sẽ bảo, đúng là chẳng nên tiếc nuối. Dường như, với người Việt, từ thời lập quốc tới nay, lịch sử có quá nhiều khoảng mờ, nhiều quãng đứt nối không tường minh. Không biết, chính điều này làm thành bản tính người Việt (ở đây, hiểu là dân tộc Kinh) chứa đầy mâu thuẫn, hay do bản tính người Việt có cả ưu và nhược điểm mà khiến lịch sử dân tộc thành ra như vậy.
Người đứng đầu danh sách 14 vị được suy tôn anh hùng dân tộc là Hùng Vương. Nhưng lại chỉ là một nhân vật mang tính ước lệ trên dòng thời gian đậm chất sử thi cũng đầy ước lệ. 18 đời vua Hùng là huyền sử, chứ không hề có một dòng chính sử. Dân tộc nào nhắc về nguồn cội, cũng thường gắn vào những huyền tích đẹp đẽ, cao quý. Chẳng nên bận tâm về tính chân xác trong thần thoại làm gì. Nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc là quyền căn bản chính đáng của mỗi tộc người. Nhưng, dòng giống cao quý ấy, suốt 4 ngàn năm, còn lại được những gì? Hình như, họ chẳng lưu giữ lịch sử một cách căn cơ, toàn vẹn.
Ví dụ:
– Bộ luật Hình thư là bộ luật thành văn đầu tiên của Đại Việt, đánh dấu thời kỳ hoàn chỉnh của nhà nước phong kiến thời Lý, có bộ máy nhà nước, quân đội, luật pháp… nhưng không còn giữ lại được, nội dung của nó cũng chỉ là suy đoán của các sử gia đời sau. Hoặc văn bản của bộ luật Hồng Đức là một trong những thư tịch cổ nhất hiện được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán-Nôm (Hà Nội), trong đó bản Quốc triều hình luật mang ký hiệu A.341 là bản in ván khắc đầy đủ hơn cả và được coi là văn bản có giá trị nhất, thì không ghi tên tác giả, không có dấu hiệu niên đại soạn thảo hay niên đại in ấn, cũng không có lời tựa hoặc các chú dẫn khác. Bìa nguyên bản cuốn sách đã mất, được thay thế bằng một tờ bìa viết 4 chữ Hán là Quốc triều hình luật bằng bút lông…
Còn bao sự kiện và nhân vật lịch sử, được ghi lại bởi các cá nhân với một góc nhìn, không hẳn lúc nào cũng khách quan, bởi kẻ thắng cuộc được nhân gian phù thịnh, là quyền sử, tà sử, huyễn sử nhưng được người đời sau mặc định đó là lịch sử. Và, lịch sử chân thật, nằm im lìm đâu đó rồi bị phủ bụi thời gian, vĩnh viễn câm nín. Ngay cả cuốn Đại Việt sử ký toàn thư đồ sộ cũng có được bao nhiêu sự việc ghi ở thì hiện tại hay chỉ tham chiếu, cóp nhặt ở tàng thư, mà thời gian biên chép tàng thư cũng có khoảng cách quá xa so với sự kiện? Lịch sử hiện đại, thì ở miền Bắc, với sự triệt hạ Nhân văn giai phẩm, sử sách nhất loạt theo một lối định hướng tuyên truyền, bị kiểm duyệt khắc nghiệt, hoặc giả bị đốt phá ở miền Nam, mới cách vài chục năm, nhiều nhân chứng còn đang sống mà đã ghi chép đầy sai lạc theo chủ ý của một nhóm người, thì thử hỏi trong đó còn được bao nhiêu phần trăm là sự thật? Huống hồ… thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông…cả ngàn năm, một tộc người không biết chữ…
Rõ ràng, như vậy đủ thấy, dân tộc Kinh là một tộc người tiểu nông, cẩu thả, hiện sinh, đầy bản năng, không coi trọng lưu trữ quá khứ, không trung thực với sử liệu nên hậu sinh nhìn về cội nguồn dân tộc thiếu lý tính, thiếu khoa học và khách quan, chỉ thiên về cảm tính đầy cực đoan, đầy hoang mang, nghi ngại.
Thứ nữa, dân tộc Kinh chỉ giỏi chống ngoại xâm mà rất kém cỏi về phát triển kinh tế và các lĩnh vực liên quan tới khoa học tự nhiên nhưng tính tự mãn thì không ai bằng… Nên thắng bao nhiêu giặc thì nước vẫn chưa giàu, dân vẫn chẳng hề được ăn no mặc ấm.
Dân thì cũng không định thay đổi cuộc sống tối tăm của mình. Nước Việt là mảnh đất mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu màu mỡ, có đủ loại địa hình phù hợp để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Nhưng dường như, câu than xuyên thế kỷ của cụ Tản Đà chưa bao giờ sai. Ăn ở thì tạm bợ, mất vệ sinh, sinh hoạt của cả làng trong cái ao tù. Toét mắt là tại hướng đình, cả làng cũng toét phải mình tôi đâu. Lười tư duy nên không tìm ra những phương tiện kỹ thuật thay đổi cuộc sống, suốt ngàn năm vẫn còn cảnh Dưới kia ông lão đi bừa, là con ông lão ngày xưa đi cày. Sống thì nhếch nhác, đến con đường cũng không bảo nhau bồi đắp cho rộng rãi mà đi. Võng anh đi trước võng nàng theo sau- là vì đường bé tí thì làm sao hai kiệu song song được!
Nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo mà dân thời nào cũng đói. Có lẽ, câu ca dao duy nhất ca ngợi thời kỳ ăn no mặc ấm ngắn ngủi của dân Việt là câu: Thời vua Thái Tổ, Thái Tông, Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn. (Cũng không biết câu này có chân thật không nữa, hay lại giống như ý trời phán trên lá xanh kiểu Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần?).
Thế kỷ 21, người ta vẫn cố tình không chịu thoát khỏi khoái cảm đánh thắng 2 tên đế quốc to, chỉ nhìn vào những con số tăng trưởng ảo mà quên đi thân phận nhược tiểu, thân phận nợ nần, thân phận bị ức hiếp, quên đi môi trường sống, môi trường văn hóa nhiễm bẩn, quên đi dân tộc mình ở đâu trên bản đồ văn minh thế giới, đóng góp được gì hay chỉ hớt váng mỡ của trí tuệ nhân loại một cách thiếu căn cốt, nhưng lại hãnh diện láu cá về trò đi tắt đón đầu? Thậm chí, vô ơn đến đáng khinh, khi vừa thừa hưởng thành quả của thế giới tư bản, vừa chửi bới họ chỉ vì họ hậu thuẫn đồng minh trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm? Quên cả những thân phận phải tự kết liễu cuộc đời vì bế tắc trong đói nghèo, quên những em bé chết đói trên đường đi học về, quên những khu người nghèo nổi tiếng với bữa ăn chỉ trường kỳ một món cơm trắng. Quên những gầm giường bệnh viện đầy nhúc bệnh nhân, có cả những đứa trẻ chưa tới 10 tuổi mà đầu đã nhẵn bóng vì xạ trị.
Nếu coi di sản một dân tộc thể hiện bằng hình hài vật chất rõ nhất để lại cho đời sau là các công trình kiến trúc, nhìn vào đó ta sẽ thấy: Trình độ khoa học kỹ thuật, khả năng kinh tế, tài năng nghệ thuật, sự phát triển văn hóa, tôn giáo, sự tài hoa của thợ thuyền….thì nước Việt với 4 ngàn năm nhận mình là văn hiến, còn lại những gì?
Cung điện Hoa Lư, kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến tập quyền trong sách sử hình thù thật sự ra sao? Hoàng Thành Thăng Long thế nào? Thăng Long phi chiến địa. Nhưng rồi cũng tan hoang hết cả. Chỉ còn lại những dấu tích khảo cổ. May mà còn lại được kinh thành Huế, hình ảnh duy nhất tồn tại tương đối đầy đủ về nhà nước phong kiến Việt Nam nhưng, mỉa mai thay, lại bị các sử gia cách mạng một thời vùi dập coi đó là sản phẩm của triều đại bán nước! Nếu không còn lại cố đô Huế, đúng là người Việt trắng tay về ký ức ông cha. Huế được những người nặng lòng hoài cổ thương nhớ, có lẽ cũng vì kinh thành gánh trên mình hình bóng của tất cả các vương triều phong kiến nước Việt. Nhìn sang bên cạnh, vương quốc Campuchia hình thành chậm hơn tới vài thế kỷ, nhưng họ vẫn để lại được tuyệt tác Angkor Wat, Angkor Thom sừng sững với thời gian. Hay ngay trong lãnh thổ Việt Nam hiện tại, rải rác khắp vùng trung bộ là những Tháp Chàm của Champa u buồn ngạo nghễ, dù cho đã đổ nát hoang tàn vì bom đạn và thời gian, nhưng đặt bên cạnh, trong một so sánh công tâm, thì đình chùa người Việt chỉ đáng gọi là ngôi nhà cấp 4 khiêm nhường, nghèo nàn bên cạnh những tuyệt tác đền đài lăng tẩm đậm dấu ấn nghệ sĩ tài hoa, tư duy khoa học kỹ thuật và tính triết học hàm ẩn vượt trội. Người Việt chẳng còn một công trình nào có tuổi đời ngàn năm, phải chăng, không chỉ vì lý do thời tiết khắc nghiệt, không chỉ vì chiến tranh, mà còn bởi, óc sáng tạo, trí tuệ người Việt hạn chế, chỉ dựa vào tre gỗ có sẵn nên công trình không thể mang tuổi thọ cao?
Người Việt giỏi vay mượn và sính ngoại, nhưng rất hay lèo lái, biến tướng mang tính lôi kéo cộng đồng đến mức vong bản. Từ tư tưởng đến kỹ trị, pháp luật, lễ tết, trang phục… Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo, Hồi giáo… rồi sau này là chủ nghĩa Marx- Lenin, thế giới có gì, Việt Nam có đó…. nhưng đáng buồn, thời nào thì các tôn giáo, chủ nghĩa cũng bị giai cấp thống trị lợi dụng nhằm phục vụ cho mưu đồ chính trị của họ, dân chúng chỉ là đám đông mê cuồng được dẫn dắt chạy theo mà lầm tưởng mình mới là kẻ làm nên lịch sử. Những nhân tài thức thời, tiến bộ thì luôn rơi vào cảnh đơn độc, tài cao phận thấp chí khí uất. Chỉ nói về luật pháp, ngay cả Bộ luật Hồng Đức, (Lê triều hình luật), bộ luật được coi là hoàn chỉnh và tiến bộ nhất của nhà nước phong kiến tập quyền, nhiều điều luật trong đó còn duy trì tới ngày này, thì trong số 722 điều, có tới 200 điều phỏng theo luật nhà Đường, 17 điều dựa vào luật nhà Minh. Nếu chịu khó vào Google đọc, thì thấy, luật pháp và sự điều hành xã hội của Việt Nam hiện tại cũng vẫn có nhiều điều học từ Trung Quốc. (Đây lại là một bi kịch. Người Việt không thoát Nho giáo, còn những người cộng sản lại không chịu thoát Trung. Thành ra, người dân tăng gấp đôi sự sợ hãi tuân phục. Đó cũng là lý do, những cuộc dấy binh không xuất phát từ triều đình thường thất bại).
Dân tộc này còn có đặc sản riêng, là tính cực đoan phiến diện. Phải chăng, bởi người Việt phải chịu đựng đêm trường ngàn năm Bắc thuộc, tới thành đặc tính nô lệ từ tư duy tới hành động, khi giành được độc lập tự chủ thì lại rơi vào xích xiềng Nho giáo mà thụ động tiếp thu, tạo thành nhiều lớp người khuôn mẫu, giỏi tầm chương trích cú triệt tiêu hết năng lực sáng tạo, không dám vượt thoát khỏi tư tưởng trung quân ái quốc, ít dám chấp nhận lối nghĩ khác, cách nhìn khác? Hàng chục thế kỷ Nho giáo ngự trị, người Việt có nhiều bậc thức giả, nhưng trong số đó, có được mấy nhà tư tưởng? Có được bao nhiêu khát vọng canh tân? Có được bao nhiêu Nguyễn Trường Tộ? Bao nhiêu Phan Châu Trinh? Vừa qua thời phong kiến, Nho giáo không những không bị triệt tiêu, mà nó còn ẩn núp kỹ hơn khi chủ nghĩa cộng sản thâm nhập xã hội Việt Nam. Có lẽ, chưa ở đâu, chưa bao giờ, Nho giáo lại thông đồng một cách tháu cáy với chủ nghĩa cộng sản như ở Việt Nam. Cùng bắt người ta tuân phục, cùng phải vâng lời, tuyệt đối không có hoài nghi và phản biện. Nhưng rủi thay, chủ nghĩa cộng sản một mặt bắt tay với lề thói hủ nho nhưng lại tước bỏ phần tích cực của Nho giáo, phần tạo nên nề nếp đạo đức xã hội. Hãy so sánh với Nhật Bản để thấy, Nho giáo vẫn có mặt trong đời sống gia đình Nhật Bản hiện đại, nhưng họ chỉ hấp thu mặt tốt đẹp còn loại bỏ cái lỗi thời.
Giáo dục, ngành học bộc lộ vận khí quốc gia càng cực đoan hơn nữa, chỉ chú trọng văn chương trường ốc mà coi nhẹ khoa học tự nhiên, kìm hãm sự sáng tạo. Ngay cả lĩnh vực sáng tạo văn chương nghệ thuật thì cũng bó buộc từ nghệ thuật tới tư tưởng, vượt khỏi quy chuẩn là phạm húy, tài năng đến mấy cũng bị đánh trượt, chưa nói tới chuyện chịu hình phạt nặng nề, thậm chí còn mất mạng.
Lối giáo dục xã hội chủ nghĩa, về hình thức có sự thay đổi về phương pháp, phương tiện, kỹ thuật dạy học nhưng về nội dung, thực chất vẫn chưa có thay đổi là bao. Chạy theo hết Liên xô, Trung Quốc rồi chắp vá của tư bản về hình thức nhưng vẫn nặng nề, cũ kỹ, tôn sùng cá nhân, thiên về giáo dục công dân một cách giáo điều mà coi nhẹ rèn kỹ năng sống và tình cảm gia đình cùng những cảm xúc tích cực.
Cũng một kiểu cực đoan tương tự, nếu ngày xưa, chùa chiền, đền đài chỉ đơn sơ, nhỏ bé, khiêm tốn, để người dân tu tâm dưỡng tính thì bây giờ, như giải tỏa ẩn ức thấp kém, tự ti, thì cái gì cũng làm cho to lớn, đồ sộ, mà soi vào, chỉ thấy học mót lai căng xa lạ, núp sau nó là những tập đoàn kinh doanh tâm linh gắn chặt với lợi ích nhóm, đội lốt tôn giáo.
Cũng vì đọc hiểu phiến diện cực đoan nên dễ chia bè phái, đối đầu về tư tưởng, quan điểm, dễ nổi nóng, không từ cả việc xúc phạm đối phương, ngay cả những người tiến bộ nhất, trăn trở nhất mong mỏi sự đổi thay tích cực thì cũng ít có tranh luận đúng nghĩa mà thường tranh cãi hàm hồ, bất luận trường hợp nào cũng có thể gây mâu thuẫn, mỗi bên đều ra sức khẳng định mình mới là chân lý, những người trái ý đều bị xoa đầu đầy trịch thượng. Tranh cãi thì hay dùng lối nói móc máy, xúc xiểm, mỉa mai không lương thiện, bè phái nhỏ mọn, không khác một đàn gà chọi vô tổ chức.
Thế giới phẳng. Ở đâu cho người ta cảm giác hạnh phúc, bình an, thì nơi đó xứng đáng được coi là Tổ Quốc. Chẳng ai muốn chối bỏ quê hương đất nước nhưng khi nó chỉ mang lại buồn đau, bất an, thì rời bỏ nó cũng là một cách để được sống cho ra con người. Hi vọng một ngày, thứ gì là rác rến sẽ bị dòng chảy lịch sử cuốn trôi. Để tài năng người Việt đơm hoa kết trái trên chính mảnh đất này, chứ không bi ai như tấm gương người đạp xích lô ở Việt Nam, qua Mỹ thì thành nhân tài làm việc trong trung tâm nghiên cứu vũ trụ, và không ai nghĩ tới chuyện phải ra đi. 
https://www.facebook.com/hoan.tranngoc.90